✍️ Ngày 14-7-2020, Tòa án tối cao của British Columbia Canada tuyên bố Adian Cook thắng kiện. Đó là một vụ tranh cãi suốt ba năm trời giữa anh Adian Cook và Ministry of Children and Family Development (MCFD), tạm gọi là Bộ Bảo vệ gia đình và trẻ em.

Adian Cook ở Vancouver là cha đơn thân của bốn đứa con nhỏ tuổi từ 7 đến 11. Vì anh bận đi làm suốt ngày không thể đưa đón con, mà đoạn đường từ nhà đến trường nằm ngay trên lộ trình xe buýt, cho nên anh quyết định dạy các con tự đi học với nhau bằng phương tiện giao thông công cộng. Chẳng may có người thấy bọn trẻ con đi một mình đã báo với MCFD. MCFD không cho phép cha mẹ để con dưới 10 tuổi đi ra ngoài mà không có giám sát của người lớn, và buộc Adian ngưng ngay lập tức. Còn Adian cho rằng việc mình làm cẩn thận đến vậy thì không thể sai. Hai bên đưa nhau ra tòa và Tòa án tối cao xử anh thắng kiện. 

Trong khuôn khổ một lá thư ngắn ngủi này gửi đến những cha mẹ trẻ, tôi muốn nhìn sự kiện trên theo một góc độ khác: đó là tư tưởng dạy con tự lập.

Năm cha con anh Adrian đã tập luyện kỹ càng suốt hai năm trời. Ban đầu anh đi cùng với các con. Dần dà khi chúng đã quen, anh vẫn có mặt trên từng chuyến xe, nhưng tự chừa khoảng cách với tụi nhỏ xa dần, xa dần. Cho đến khi hoàn toàn yên tâm các con mình thuần thục thì anh trang bị cho chúng thêm điện thoại cầm tay có định vị, và quyết định cho các con tự đi về với nhau.

Bạn nghĩ xem, đó là một quá trình học hỏi rất lớn của bốn đứa trẻ trên dưới 10 tuổi. Ngoài cách học thuộc lộ trình xe buýt, chúng còn học được lắm điều hay của trường đời: học cách đối phó với người lạ, học cách chăm sóc nhau khi không có ba mẹ bên cạnh, học cách tự lực cánh sinh, làm thế nào để đối phó với sự lo lắng hay sợ hãi.

Minh họa: Getty Images

—————————— 

✍️ Tôi quen một cặp vợ chồng trẻ khác, cũng người Canada. Họ chữa hiếm muộn hơn mười năm thì thụ thai song sinh. Hai cô bé xinh như búp bê ra đời. Khỏi nói cũng đoán hai vợ chồng mừng vui đến mức nào. Nhưng tôi quan sát thấy họ dạy con rất hay: cưng mà không chìu, chăm sóc kỹ lưỡng mà không làm thay hết cho con. Ngay từ chừng 2-3 tháng tuổi, khi đứa bé khóc, cô vợ nhìn quanh coi có gì làm bé khó chịu không, bé có đói không, có lạnh nóng gì không. Nếu thấy mọi việc không có gì đáng quan tâm, cô chẳng làm gì cho đứa bé hết mà… chỉ cất tiếng nho nhỏ một bài hát ru.

Lần nào cũng đúng một bài đó, như thể một tín hiệu, nhắn với đứa bé, rằng mẹ bên cạnh con đây, mọi việc ổn thỏa hết mà. Khi bé lớn hơn một chút, chừng 7, 8 tháng, tiếng khóc to hơn, thúc giục hơn, người mẹ vẫn cái cách bình thản đó. Vẫn một bài hát “tín hiệu” trước, rồi đưa cho bình sữa, hay đồ chơi. Mẹ để cho bé tự “giải quyết” vấn đề của mình trước đã, đường cùng mẹ mới đưa tay ẵm bồng. Mà rõ ràng hai cô bé đã quen, ít khóc và tự chơi một mình rất nhiều.

Trong xóm chúng tôi ở, chắc cũng 4, 5 năm nay, thỉnh thoảng mỗi nhà nhận được một “tờ báo” mang tên Upland Newsletter. “Chủ báo” không ai khác là cô bé Nicole hàng xóm cách nhà tôi hai căn. Mới đầu là những nét chữ lớn thưa vụng về khi Nicole học mẫu giáo mới tập viết, rồi càng ngày “báo” càng dài, nét chữ càng cứng cáp. “Số” ra gần đây nhất, những hai trang, không viết tay nữa mà đánh máy chi chít. Nội dung cũng theo nét chữ mà cứng dần lên. Nếu những “số” đầu tiên là “Knock! Knock! Who’s there”, là “Rose is red, Violet is blue”, thì hai “số” gần đây nhất là những bài luận khá sắc sảo về việc bảo vệ môi trường và làm sao giữ thể chất tinh thần khoẻ mạnh mùa Covid. Chứ sao nữa, người ta đã mười tuổi rồi mà! Tôi thật sự thích thú đón nhận những số “báo” dễ thương ấy. Tôi thấy được mình đang ngắm từng bước lớn lên của cô bé hàng xóm theo một cách rất riêng.

“Tờ báo” của bé Nicole

Tháng trước chúng tôi đi nghỉ hè một tuần. Trước khi đi, tôi sang nhà gặp mẹ Nicole và cô bé để nhờ tưới hoa hộ trong khi chúng tôi đi xa. Một lúc sau mẹ dắt Nicole qua nhà tôi “nhận việc”. Nhà tôi hoa khắp nơi, nhiều góc nhiều chậu, thứ cần nước ít, nước nhiều, Nicole ghi chú xuống hết. Cô bé không giấu được vẻ háo hức bừng lên trong đôi mắt xanh lơ. Trước khi về, trước mặt tôi, mẹ Nicole dặn dò cô bé “Mẹ sẽ giúp con mở tài khoản để bỏ tiền con kiếm được vô. Con hãy làm việc cho cô thật đàng hoàng trách nhiệm. Mai sau này những việc lớn hơn trong đời con đều bắt đầu từ những việc này đây. Nếu con làm tốt thì cô đây cũng có thể là người đứng ra nói lời bảo đảm khi con xin những việc khác”. 

Chao ơi, những lời dạy con tưởng không thể đẹp hơn, đúng lúc hơn.

Dạy con tự lập có đơn giản không? 

Không đâu, vì nó đòi hỏi một tầm hiểu biết, một sự kiên trì nhẫn nại. Đôi khi phải đi ngược lại với lẽ tự nhiên thương con thì làm thay cho con, để đứa bé trưởng thành.

Anh Adian Cook bỏ ra hai năm trời ròng rã theo con ngày hai buổi. Hai năm, một khoảng thời gian hoàn toàn không ngắn. Bạn nghĩ, bao nhiêu là tình huống, bao nhiêu là dạy dỗ trong suốt hai năm?

Người mẹ trẻ có hai cô bé sinh đôi đã kiên trì đến như thế nào để tập được cho hai con chỉ vài tháng tuổi thôi đã thấy được rằng, không cứ phải mở miệng la lớn là được tức khắc ẵm bồng?

Những dạy bảo của ba mẹ của Nicole đằng sau những trang “báo” đều đặn và phong phú của cô bé từ khi năm tuổi cho đến hôm nay, trong suốt năm năm qua, là những gì?

Minh họa: Getty Images

——————————

✍️ Tôi từng gặp những cô chiêu cậu ấm tuổi đôi mươi mà vẫn còn như là một sản phẩm dính liền của ba mẹ. Ba mẹ làm giùm họ, thậm chí suy nghĩ luôn giùm họ trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Tuổi đời lớn lên, phải xa ba mẹ đi du học chẳng hạn, họ như một dây leo èo uột thiếu nắng. Họ chẳng có mấy kỹ năng sống, không biết xử trí tình huống cũng chẳng biết tính toán cho tương lai. Tối nào đi học về cũng có ba mẹ gọi điện thoại qua hỏi chuyện. Nói thì nghe khó tin, nhưng có em du học sinh mà chủ nhà ở đây phải chỉ cách rửa tay chân cho đúng, nói chi đến những việc tương lai to tát xa xôi.

Lần khác tôi nhận được tin nhắn của một người tôi không quen biết từ Việt Nam, hỏi tôi nhờ giới thiệu trường cho con họ đi du học… thạc sĩ. Tôi không giúp được, và trong lòng tôi ùa vào những suy nghĩ. Tại sao lại là ba mẹ, tại sao lại là một người không hề quen biết chọn trường mà không phải là chính con người đã tốt nghiệp đại học kia? 

Vậy đó, họ trở thành những người lớn mờ nhạt như một cái bóng – những-người-lớn-được-người-lớn-khác-dắt-đi. Vì đâu?

Bốn anh em xe buýt thì tôi không quen. Tôi chỉ tưởng tượng trong đầu, bọn trẻ khi lớn lên đi du lịch, có “quăng” chúng vô bất cứ xó xỉnh nào, sầm uất hay hoang vắng đến đâu, chúng cũng sẽ tự tìm đường đi nước bước không chút khó khăn. Riêng với cặp bé song sinh và Nicole, tôi luôn có một ý nghĩ vui vui, là tôi sẽ âm thầm để ý xem sau này chúng sẽ thành những con người như thế nào qua cách rèn nắn như vậy của cha mẹ. Tương lai thì khó nói, chỉ có một điều tôi biết chắc chắn: những đứa trẻ ấy sẽ không là những sợi dây leo, hay những cái bóng mờ nhạt giữa dòng đời. Trái lại chúng sẽ là những cây xanh vững vàng và đầy bóng mát.

Vancouver, tháng 8-2020

 ?  ?  ?