Bức tranh nghề báo
✍️✍️✍️
Đêm qua tôi xem bộ phim True Story, bộ phim về nghề báo dựa trên câu chuyện có thật. Hai nhân vật chính, một cựu phóng viên của The New York Times và một kẻ sát nhân đã ra tay giết cả gia đình mình.
Anh phóng viên là một cây bút nổi tiếng của The Times lúc đó, người chỉ trong ba năm đã có 10 bài ở trang bìa và luôn nuôi mơ ước đấu tranh cho những người “không có tiếng nói”, đưa sự thật đến với công chúng. Anh này phạm phải một sai lầm khi cố cụ thể hóa câu chuyện của một nhóm nhân công trẻ em ở Phi châu thành câu chuyện của một cậu bé. Anh mất việc và rơi vào sự xa lánh của đồng nghiệp vì phạm lỗi lầm cơ bản của nghề báo: không truyền đi sự thật.
Cho đến khi người phóng viên này biết được có một kẻ giết người bị bắt nhưng trước đó đã mạo danh của anh khi đi trốn vì hâm mộ những bài viết của anh. Câu chuyện giữa hai người xoay quanh việc người phóng viên muốn tìm ra sự thật đằng sau vụ án mạng khủng khiếp. Ban đầu vì đó là “một đề tài của đời người” mà bất kỳ cái kẻ săn tin nào cũng thèm muốn. Sau đó là ham muốn giành lấy lẽ công bằng cho kẻ phạm tội. Và cuối cùng sau nhiều sự kiện thì ước mơ của anh phóng viên chỉ là cố đưa ra được một sự thật khả dĩ gần sự thật nhất. Không phán xét, không bào chữa, không vì danh tiếng. Chỉ vì người đọc, vì nghề báo.
✍️✍️✍️
Khi bắt đầu với vị trí phóng viên tập sự, ai cũng mong muốn mình sẽ đem được sự thật đến với độc giả, được trở thành cây bút nhiều người biết tới. Dần rồi khao khát đó rơi đi mất. Vì sự mài mòn mỗi ngày của nghề nghiệp, vì những hạn chế với quyền tự do, và mạnh hơn cả là vì muốn kiếm tiền thật mau khi nghề báo đang ngày càng khó khăn.
Sự thật diễn ra luôn như một bức tranh với nhiều mảnh ghép mà mỗi người làm báo chỉ hơn nhau ở chỗ ai là người thu nhặt được nhiều mảnh ghép nhất. Sự thật đến với người đọc thường đã được những người làm báo lắp ghép lại theo những quy tắc đã đề ra bởi những người đi trước nhằm tránh việc sai sót, hoặc người làm nghề lắp ghép theo ý mình. Chính những quy tắc giữ cho cái nghề lắp ghép này có được bức tranh gần với sự thật nhất. Quy tắc cơ bản đó là nguồn tin, phối kiểm, trung lập… Cho dù nghề báo giờ đây phát triển đến thế nào, thay đổi ra sao thì vĩnh viễn những quy tắc đó phải được giữ nguyên.
Một tờ báo chỉ được có tôn chỉ chứ không thể có quan điểm. Quan điểm duy nhất của tờ báo là phải đưa được thật nhiều quan điểm đang tồn tại trong xã hội cho người đọc tổng hợp và chọn lựa. Cố đặt mình vào một quan điểm là tự bỏ đi vị thế trung lập của nhà báo, thứ duy nhất khiến nhà báo được xã hội tôn trọng. Đây đó tôi thường thấy người ta dè bỉu nghề báo, khinh miệt nhà báo. Phản ứng này của xã hội là không sai nhưng trước khi dè bỉu hay khinh miệt thì cần phải xác định cho rõ, thứ mình vừa đọc có phải là bài báo, người mình biết có phải là nhà báo và đó có phải là nghề báo, hay không!
Cuối cùng thì nhà báo phải do bạn đọc thừa nhận. Chức phận này không bao giờ đến từ vị trí của Tổng biên tập, Phó tổng biên tập, Thư ký tòa soạn, Biên tập viên hay Phóng viên và càng không bao giờ đến từ chiếc thẻ nhà báo.