Annie Leibovitz: vẽ nhân vật qua ống kính
Được xem là huyền thoại sống của làng nhiếp ảnh báo chí đương đại, Annie Leibovitz luôn gây sốc với những bức ảnh bìa báo của bà. Leibovitz từng khiến hao tổn bút mực các nhà bình luận khi tung ra bức ảnh chụp cô đào nhí Miley Cyrus 15 tuổi đăng trên tờ Vanity Fair ấn bản tháng 6-2008; và mới đây lại “gây tranh cãi” với ảnh bìa chụp vận động viên lừng danh người Mỹ da màu Simone Biles trên tờ Vogue ấn bản tháng 8-2020…
Leibovitz là một trong những nhà cầm máy hiếm hoi thế giới chuyên chụp người nổi tiếng. Trong quyển Annie Leibovitz – Life Through a Lens, người ta thấy diễn viên Kirsten Dunst trong bộ váy dạ hội sang trọng, Keira Knightley đứng giữa cơn bão dữ và George Clooney chảnh chọe trên chiếc Medusa. Tất nhiên bộ sưu tập ảnh sự nghiệp Leibovitz không thể không có những bức ảnh từng gây sốc chẳng hạn bức John Lennon trần như nhộng ôm cứng Yoko Ono trong trang phục đen tuyền. Còn nhiều nữa những bức ảnh đậm dấu ấn Annie Leibovitz: Brooke Shields với cái bụng vượt mặt đăng trên trang bìa Vogue tháng 4-2003; Whoopi Goldberg nằm trong cái bồn tắm đầy sữa; Dan Aykroyd và John Belushi với khuôn mặt sơn xanh lè; siêu mẫu Gisele Bundchen cùng siêu sao bóng rổ LeBron James trên bìa Vogue ấn bản Mỹ tháng 4-2008 (đó là lần thứ ba tờ Vogue US đưa hình nam giới lên bìa và lần đầu tiên đối với một anh chàng da màu như LeBron). Năm 2007, Leibovitz được đích thân Nữ hoàng Anh Elizabeth II mời chụp nhân chuyến viếng thăm Mỹ của bà…
Sinh ngày 2-10-1949 tại Connecticut (Mỹ), Leibovitz đam mê nghệ thuật từ nhỏ. Thời trung học, Leibovitz chơi đàn và viết nhạc, từng là sếp một nhóm dân ca của trường. Bà cũng chứng tỏ năng khiếu đặc biệt trong hội họa. Khi học Viện nghệ thuật San Francisco và có lần theo cha (sĩ quan quân đội Mỹ) đến Philippines (thời chiến tranh Việt Nam), Leibovitz bắt đầu bén duyên với nhiếp ảnh sau khi chụp vài bức tại nước này với dụng ý ban đầu chỉ để làm kỷ niệm cho chuyến đi. Trở về Mỹ, bà bắt đầu học nhiếp ảnh tại lớp đêm. Từ đó, hễ thấy gì thích là Leibovitz bấm máy. Chiếc máy ảnh bắt đầu trở thành vật bất ly thân với bà. Leibovitz chụp đủ thứ, từ phong cảnh, nhân vật bất ngờ gặp thoáng trên phố, bạn bè đến những người thân gia đình.
Năm 1969, khi đến Israel, bà chụp loạt ảnh tại đây. Một người bạn đề nghị Leibovitz bán ảnh cho tờ Rolling Stone. Người sáng lập Rolling Stone, Jann Wenner, bị hớp hồn trước bộ ảnh đầy tính sáng tạo đột phá của Leibovitz. Thế là năm 1970, bà được mời cầm máy cho Rolling Stone với mức lương 47 USD/tuần; rồi trở thành chánh phóng viên ảnh cho chuyên san âm nhạc này vào ba năm sau, khi mới 23 tuổi. Năm 1980, Leibovitz gây chú ý với tấm ảnh cực sốc chụp John Lennon cho trang bìa Rolling Stone. Đến năm 1983, bà bắt đầu làm cho nguyệt san Vanity Fair.
Hầu hết bức ảnh đầu tiên của Leibovitz là trắng đen. Khi Rolling Stone bắt đầu in màu năm 1974, bà chuyển sang dùng phim màu. “Hồi đi học (Viện nghệ thuật San Francisco), chẳng ai dạy tôi về màu cả. Tôi chỉ được học kỹ thuật trắng đen” – Leibovitz kể với tờ ArtNews. Tự mày mò, Leibovitz sáng tạo ý tưởng phối màu theo cách riêng, đặc biệt tông màu sáng rực rỡ. Trong 10 năm làm cho Rolling Stone, Leibovitz chụp vô số tên tuổi huyền thoại làng giải trí Mỹ, từ danh ca-nghệ sĩ piano mù Stevie Wonder, rocker Bruce Springsteen, đạo diễn Woody Allen; con chim sơn ca của làng country Dolly Parton, ca sĩ pop huyền thoại Linda Ronstadt, diễn viên Meryl Streep, vũ công Mikhail Baryshnikov, đến ngôi sao phim hành động Arnold Schwarzenegger…
Thoạt đầu ảnh người nổi tiếng của Leibovitz trông chẳng khác gì ảnh chân dung. Tuy nhiên, bà bắt đầu thể hiện óc sáng tạo khi đặt người mẫu ở những tư thế kỳ lạ đến bất ngờ, thể hiện cá tính họ hơn là một hình thức chân dung chụp mộc. Ít người biết rằng trước khi chụp ảnh người nổi tiếng, Leibovitz thực hiện cuộc nghiên cứu kỹ đối tượng bằng cách đọc sách về họ, xem phim họ và trò chuyện nhiều lần với họ để xem họ sống thế nào. Với các nhân vật được thể hiện, Leibovitz như muốn “vẽ” lại một góc cuộc đời họ qua ống kính, như “kể” một câu chuyện nhỏ về họ. Như nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Leibovitz sử dụng máy ảnh loại cổ điển, thường là với chiếc Leica 35 li, sử dụng phim trắng đen, theo cách như bà từng học tại Viện nghệ thuật San Francisco. Ngoài vô số ảnh chụp cô bạn thân-tiểu thuyết gia Susan Sontag (từ trần năm 2004), người được Leibovitz chụp nhiều nữa là mẹ mình.
Những tư thế kỳ lạ của người mẫu được sắp đặt theo ý tưởng Leibovitz luôn khiến dư luận chú ý. Tháng 8-1991, Leibovitz chụp diễn viên Demi Moore cho trang bìa Vanity Fair. Chẳng có gì đáng nói nếu Demi Moore không khỏa thân với cái bụng chửa “chình ình”. Bức ảnh gây sốc đến mức một số sạp báo Mỹ phải gói tờ báo trong bao giấy trắng và đề bên ngoài “More Demi Moore” (Demi Moore và hơn thế nữa). Trên tờ New York Times, tổng biên tập Vanity Fair, Tina Brown, viết rằng bìa báo mình thể hiện tư duy đột phá với phong cách “phản Hollywood, phản lại phong cách hào nhoáng bề ngoài (của truyền thống Hollywood); giờ đây, một diễn viên điện ảnh trẻ có thể sẵn lòng nói: “Tôi trông xinh với cái bụng bầu và chẳng có gì đáng xấu hổ với điều đó cả”.
Một năm sau, Demi Moore tái xuất hiện trên bìa Vanity Fair để “kỷ niệm” một năm tấm ảnh bụng mang dạ chửa; lần này, cô xuất hiện trong trang phục nam. Không phải là trang phục thật mà là được sơn! Tất nhiên ý tưởng kỳ lạ này cũng đến từ Leibovitz và người chụp cũng chính là bà. Đến nay, chẳng ai còn lạ gì tên tuổi Annie Leibovitz. Ảnh của bà được vô số tạp chí thế giới đăng lại và Leibovitz trở thành bậc thầy nhiếp ảnh nhân vật. Tên tuổi bà vượt khuôn khổ của một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng. Bà trở thành một trong những đại diện của văn hóa pop đương đại!
Năm 2019, nhân sinh nhật lần thứ 70 của Annie Leibovitz, một cuộc triển lãm ảnh qui mô đã được tổ chức tại gallery Hauser & Wirth (Los Angeles), với hơn 4.000 ảnh trên 24 vách tường. Cuộc triển lãm có tên “Annie Leibovitz. The Early Years, 1970-1983: Archive Project No. 1”. Dĩ nhiên đây chưa là cuộc triển lãm cuối cùng của tay máy huyền thoại này…