220 năm tuổi của một thư viện lớn nhất thế giới
Tháng 12-1800, khi chính phủ non trẻ của Mỹ quyết định chọn Washington DC làm thủ đô, một chiếc tàu Mỹ chở từ Luân Đôn sang 740 quyển sách cho một thư viện nhỏ mà sau này trở thành Thư viện quốc gia của Mỹ (có tên chính thức là Thư viện Quốc hội – The Library of Congress). Đến nay, thư viện này đã trở thành thư viện lớn nhất thế giới với 32 triệu quyển sách chứa trên các dãy kệ có chiều dài tổng cộng hơn 1.349 km (so với 624 km của Thư viện Anh-The British Library). Mỗi ngày, TVQH lại nhập thêm trung bình 22.000 đầu sách-báo mà 10.000 trong số đó được phân loại và cất giữ (phần còn lại được đưa đến các thư viện-học viện khác khắp thế giới).
Sau hơn hai thế kỷ, Thư viện Quốc hội (TVQH) hiện nay hoàn toàn khác với TVQH ngày trước: bảo quản an toàn từng quyển sách, gìn giữ sách cổ, tài liệu lịch sử, bản đồ và hàng loạt vật phẩm khác, phục vụ tốt nhu cầu của Quốc hội và các ban ngành khác của chính phủ, theo sát tình hình văn học-nghệ thuật thế giới và cả những lĩnh vực khác như lịch sử, khoa học, y học…
Trong quá khứ, TVQH từng trải qua vô số thăng trầm. Bộ tuyển tập đầu tiên của thư viện – khoảng hơn 3.000 sách và 50 bản đồ – đã bị quân Anh thiêu rụi khi họ tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ, Nhà trắng và một số dinh thự chính phủ khác vào tháng 8-1814 (một năm trước đó, Mỹ cũng từng mang quân sang Canada và nổi lửa thiêu cháy tòa nhà Quốc hội nước này cũng như Thư viện quốc gia Canada tại York – nay là Toronto).
Cựu Tổng thống Thomas Jefferson (nhiệm kỳ 1801-1809) – cũng bị hỏa hoạn tấn công bộ tuyển tập sách của mình tại đồn điền riêng ở Shadwell – lập tức đưa ra đề nghị bán thư viện của ông tại Monticello cho Quốc hội, với số sách gấp đôi lượng sách bị Anh đốt. Lúc ấy, Jefferson đang lún chân trong nợ và toàn bộ số tiền bán sách – 23.950 USD, một gia tài lớn thời điểm đó – đã được dùng trang trải hết cho các chủ nợ trong hai tuần. Jefferson đã bật khóc khi thấy người ta chở 6.478 tập sách của mình lên Washington, D.C. (nơi không bao giờ ông trở lại sau khi ra khỏi Nhà trắng). Tháng 12-1825, TVQH lại bị cháy và người ta không dám nói cho Jefferson biết (sáu tháng sau, ông từ trần). Đêm Giáng sinh 1851, một trận hỏa hoạn nữa lại tấn công TVQH và thiêu cháy 35.000 sách, trong đó có 2/3 sách của Jefferson.
Qua hàng loạt biến cố trên, những năm gần đây, TVQH đã dời phần còn lại của bộ tuyển tập Jefferson sang một nơi đặc biệt, đồng thời săn lùng khắp thế giới để tìm kiếm những quyển thay thế số sách thất thoát do hỏa hoạn cho phù hợp với bộ tuyển tập ban đầu. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta chỉ mới tìm được vài trăm quyển. Sau vụ cháy thứ ba, Quốc hội đã đầu tư nhiều hơn trong việc chống cháy cho thư viện. Năm 1853, TVQH xây một kho chống cháy cho 25.000 quyển sách còn lại. Hạ tầng cơ sở của TVQH giữ nguyên trạng như vậy cho đến năm 1897, khi người ta xây một tòa nhà lộng lẫy mà nay gọi là “Jefferson Building” theo kiến trúc Phục hưng. Tòa nhà mới dành cho TVQH có nhiều người đóng góp nhưng người giám sát công trình quan trọng nhất là Thomas Lincoln Casey – nhân vật giúp hoàn thành công trình trị giá 6,3 triệu USD trước thời hạn và tiết kiệm được 200.000 USD trong ngân sách qui định. Sau đó, người ta còn xây thêm hai tòa nhà sát bên, “Adams Building” và “Madison Building” (John Adams, tổng thống thứ hai của Mỹ và James Madison, tổng thống thứ tư của Mỹ).
Hiện nay, TVQH không còn cho phép khách tham quan lang thang vào các phòng đọc, các kệ sách và khu hầm ngầm nối liền ba tòa nhà của thư viện. Thậm chí các học giả danh tiếng cũng bị cấm việc nhởn nhơ đi từ kệ này sang kệ kia để tìm hoặc ngắm sách. Tuy nhiên, Thư viện quốc gia Mỹ không hoàn toàn đóng cửa. Bất cứ ai trên 17 tuổi với thẻ chứng minh rõ ràng đều có thể liên hệ tại Madison Building để đăng ký thẻ đọc miễn phí và được đọc sách tại Phòng đọc chính (Main Reading Room) và 13 phòng khác mà tên của chúng gợi lên ngay chủ đề tham khảo (Phòng châu Phi và Trung Đông, Trung tâm dân tộc học Mỹ, Phòng châu Á, Hoạt động tham khảo doanh nghiệp, Phòng châu Âu, Địa lý và bản đồ khu vực, Phòng Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha, Trung tâm tài liệu Nhật Bản, Thư viện Luật, Phả hệ và lịch sử địa phương, Bản thảo, Trung tâm tham khảo sách ghi âm và cuối cùng là Phòng khoa học). (Với những người nghiên cứu khác trên thế giới, họ có thể liên hệ với TVQH và sẽ được trả lời những câu hỏi nêu ra, qua website www.loc.gov).
Sách là “tế bào sống” của thư viện và tại TVQH, ½ trong số sách-báo ở đây là tiếng Anh, phần còn lại thuộc 470 ngôn ngữ. Bộ sách nhỏ nhất của TVQH là ấn phẩm Old King Cole, chỉ bằng dấu chấm. Muốn đọc quyển sách này phải có một kính hiển vi và để lật trang phải dùng một cái kim! Quyển sách to nhất là Birds of America của John James Audubon, cao đến 1m. Ngoài 32 triệu đầu sách, còn có 119 triệu vật phẩm khác trong cái thư viện lớn nhất thế giới này. Trong đó có bộ ba quyển Kinh thánh (từng được tin là in thời Gutenburg nên có tên là “Gutenburg Bible” nhưng có lẽ do ai đó in, vào khoảng năm 1450-1456, chứ không phải đích thân người sáng chế máy in Johann Gutenberg thực hiện).
Chưa kể hơn 2,5 triệu băng từ (từ nhạc dân ca cho đến sách đọc); khoảng 61 triệu bản thảo; 5,3 triệu bản đồ; 14,7 triệu hình ảnh (tranh, bích chương phim…); 10 triệu vật phẩm của bán đảo Iberian (Tây Nam châu Âu), Mỹ Latin và Caribê; một bài thuyết giảng Phật giáo in năm 770; một bảng chữ hình nêm của người Sumeria (vương quốc Sumer thuộc Lưỡng Hà) niên đại năm 2040 trước Công nguyên; quyển sách đầu tiên in ở Mỹ (Bay Psalm Book, in năm 1640); khoảng một triệu ấn bản báo chí thế giới trong ba thế kỷ, hơn 12.000 tựa truyện tranh Mỹ cũng như nước ngoài, 6 triệu tờ nhạc; văn kiện của 23 tổng thống Mỹ – từ George Washington đến John Calvin Coolidge…
Ngoài ra, TVQH cũng cất giữ nhiều nhạc cụ hiếm trong đó có ba cây violin của Antonio Stradivari. TVQH còn có các tài liệu bằng tiếng Nga nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, trừ Nga; nhiều tài liệu nhất bằng tiếng Hoa, Nhật, Triều Tiên và Tây Tạng; có nhiều phim lưu trữ nhất (của Mỹ lẫn nước ngoài) trong đó có phim The Sneeze của Thomas Edison; nhiều báo lưu trữ nhất và cũng nhiều sách hoạt hình nhất…
Tài liệu lưu trữ trong TVQH nhiều không kém so với Kho tàng thư Quốc gia Mỹ (National Archives – NA). NA hoạt động từ năm 1934, là nơi lưu trữ tất cả tài liệu của chính phủ Mỹ (chức năng trước đó được giao cho Bộ ngoại giao), từ những hiệp ước, biên bản tòa án liên bang, biên bản ghi nhớ liên phòng và cả e-mail. NA và TVQH từng “tranh chấp” nhiều lần việc sở hữu tài liệu và năm 1952, một điều luật ra đời nhằm làm rõ chức năng mỗi cơ quan, với kết quả là TVQH không còn được lưu giữ Bản tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp.
Từ năm 1990, TVQH bắt đầu chương trình số hóa gọi là “American Memory”, dự kiến ban đầu chọn 160 triệu ấn phẩm để in lại trên đĩa laser và CD rồi phân phối cho hệ thống thư viện các địa phương và thư viện các trường học toàn quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này hủy bỏ vì quá tốn kém; thay vào đó, người ta số hóa bằng cách đưa lên mạng. Bắt đầu từ năm 1994, đến năm 1999, Chương trình thư viện số hóa quốc gia (National Digital Library Program, NDLP) đã số hóa hơn 5 triệu ấn phẩm với ngân sách 12 triệu USD. Đến nay, kho sách internet “American Memory” đã có 15 triệu ấn phẩm. TVQH cần 6-8 triệu USD để tiếp tục chương trình số hóa “American Memory”.