Có thể nói rằng ở thời này, việc kinh doanh theo kiểu bòn rút tài nguyên, chỉ biết móc túi người tiêu dùng và bất chấp mọi hậu quả môi trường địa phương chẳng khác gì việc tự khai tử khỏi thị trường. Nói cách khác, doanh nghiệp phải học và thực hành phương châm “trách nhiệm cộng đồng”

Học và hành cách làm ăn tử tế

Khắp thế giới, vô số doanh nghiệp đang thể hiện tư duy kinh doanh cho thấy trách nhiệm xã hội được xem là sự đầu tư không thể tách rời yếu tố lợi nhuận. Nó được nâng lên vị trí đáng kể trong bảng “tổng phổ” chiến lược công ty. Nó nằm trong chiến lược xây dựng thương hiệu, hiện diện trong chiến lược mở rộng thị trường, có mặt trong chiến lược cạnh tranh… Hiện tượng trên đang được nhắc đến bằng vài cái tên: trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; trách nhiệm doanh nghiệp; hoặc công dân doanh nghiệp.

Câu nói nổi tiếng của kinh tế gia đoạt Nobel, Milton Friedman (từ trần ngày 16-11-2006), rằng “sự kinh doanh của kinh doanh là kinh doanh” dường như vẫn còn giá trị nhưng có lẽ chỉ đúng với các doanh nghiệp không thức thời. Trong thế giới ngày nay, càng hành xử mang “đặc tính vì nhân loại nhiều hơn”, công ty càng thể hiện họ là doanh nghiệp tốt và từ đó mới có thể phát triển. “Để có thể kiếm được lợi nhuận ngày nay cũng như trong tương lai, các công ty sẽ không thể tồn tại nếu họ không có trách nhiệm doanh nghiệp” – phát biểu của Alan Hassenfeld, nguyên chủ tịch công ty Hasbro – “Bạn phải làm điều đúng”, và rằng trách nhiệm cộng đồng cũng quan trọng như việc giữ chân khách hàng. Một cách nào đó, họ buộc phải thể hiện trách nhiệm, nếu không, người tiêu dùng sẽ quay lưng lại bằng các chiến dịch tẩy chay. Những cảnh tỉnh từ các tổ chức nhân quyền khiến doanh nghiệp phải nghĩ lại mình. Các nhà đầu tư (bỏ vốn) vào Exxon Mobil chẳng hạn, đã yêu cầu công ty phải công bố báo cáo về tác hại môi trường mà công ty có thể gây ra. “Cách đây vài năm, báo cáo tài chính là tất cả. Bây giờ, nó chỉ là một phần” – theo Leslie Gaines-Ross, chuyên gia nổi tiếng của công ty quan hệ công chúng (PR) Weber Shandwick.

“Luật hóa” CSR

Trách nhiệm cộng đồng đối với hoạt động kinh doanh thậm chí được nâng lên tầm nhận thức ở góc độ giáo dục. Đại học Columbia đã cải tổ hệ thống giảng dạy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) với nội dung nhắm vào khái niệm trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (corporate social responsibility – CSR). Các chương trình CSR tương tự cũng xuất hiện tại nhiều đại học khắp Mỹ. Thậm chí một số trường kinh thương còn lập trung tâm riêng chuyên giảng dạy CSR. Từ năm 2003, Trường Haas thuộc Đại học California-Berkeley đã thành lập Trung tâm doanh nghiệp trách nhiệm. Và năm 2006, Đại học George Washington cũng khánh thành Viện trách nhiệm doanh nghiệp, nơi chuyên đào tạo các giáo sư kinh thương về CSR để họ có thể truyền thụ lại cho sinh viên.

78% sinh viên MBA Mỹ đều đồng ý rằng chủ đề CSR nên được đưa vào chương trình giảng dạy và 60% tin rằng CSR sẽ làm cho doanh nghiệp và kinh doanh trở nên có ý nghĩa hơn chứ không chỉ toát lên đầy mùi tiền và thể hiện tư duy “vun vén” của thiểu số – theo khảo sát từ Net Impact. Đại học Stanford còn áp dụng chương trình Service Learning (từng là môn tự chọn bây giờ trở thành bắt buộc), trong đó sinh viên phải đến quốc gia nào đó (lưu lại không tới 90 ngày), tự thiết kế chương trình học riêng nhưng tập trung vào ý tưởng rằng vai trò họ như thế nào trong thế giới doanh nghiệp. Tại Thái Lan và Campuchia, sinh viên Stanford gặp các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề bệnh lây nhiễm tình dục và AIDS; tại Guatemala, họ tai nghe mắt thấy các vấn đề liên quan giữa trồng càphê và gìn giữ môi trường; quan hệ giữa nhà sản xuất địa phương và người tiêu dùng thế giới…

Chẳng phải chỉ nói suông và không chỉ là những chương trình đơn lẻ của từng công ty, hoạt động CSR đang được thiết kế thành chuẩn chung trong một số trường hợp. Ngoài ra, còn có mô hình tương tự gọi là CSV (Creating Shared Value), với ý tưởng rằng thành công công ty và phúc lợi xã hội phải được chia sẻ và liên kết với nhau (với những tiêu chí cụ thể, chẳng hạn công ty phải có lực lượng công nhân có trình độ, đủ chuẩn sức khỏe…; tỉ lệ lợi nhuận được dành cho công tác từ thiện, quỹ đào tạo…).

Trong không ít trường hợp, việc đi theo xu hướng CSR không chỉ là hành động tự nguyện mà còn gần như bị bắt buộc. Để có thể tiếp cận thị trường châu Âu và Mỹ tốt hơn, một số trại nuôi cá basa của Việt Nam bây giờ phải áp dụng chuẩn nuôi sạch GlobalGAP (về vệ sinh an toàn trong chế biến, nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp…). Tại Nam Phi, bắt đầu từ tháng 6-2010, tất cả công ty muốn có tên trên bảng niêm yết Thị trường chứng khoán Johannesburg đều bị buộc phải cung cấp bản báo cáo tổng hợp, thay thế cho bản báo cáo tài chính và bản báo cáo phát triển bền vững đệ trình hàng năm như trước đây. Bản báo cáo tổng hợp bao gồm những con số và thống kê cụ thể liên quan việc bảo vệ môi trường, hoạt động xã hội và đóng góp từ thiện…, để người tiêu dùng và (tất nhiên) nhà quản lý có cái nhìn đầy đủ về tất cả hoạt động công ty.

Quốc hội Đan Mạch cũng đưa ra dự thảo luật yêu cầu 1.000 công ty lớn nhất nước họ cũng như giới đầu tư và công ty nhà nước phải đưa CSR vào báo cáo thường niên, gồm chính sách công ty như thế nào về CSR cũng như họ đạt được thành tích gì liên quan CSR lẫn SRI (socially responsible investments – đầu tư trách nhiệm xã hội)… Tại Anh (một trong những nơi đi đầu thế giới về nhận thức CSR), Ngân hàng Co-operative bắt đầu đưa ra Báo cáo tiêu dùng đạo đức (Ethical Consumerism Report) với việc đo lường kích cỡ thị trường và sự phát triển của rổ hàng hóa các sản phẩm và dịch vụ “đạo đức”. Với giới doanh nghiệp, không ít công ty đã thể hiện ý thức CSR khi chủ động tự gánh lấy trách nhiệm bồi thường cũng như trách nhiệm khắc phục khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Thời của người tiêu dùng có ý thức

Trong thực tế, CSR là con đường phải đi, bởi người tiêu dùng ngày càng có ý thức về mức độ an toàn cá nhân khi bỏ tiền mua sản phẩm. Time cho biết, hơn 6/10 người Mỹ nói rằng họ chỉ mua các sản phẩm hữu cơ (chứ không phải sản phẩm biến đổi gien) kể từ tháng 1-2009. Gần 40% cho biết họ chỉ mua sản phẩm khi nó liên kết với hình ảnh giá trị xã hội của công ty sản xuất. Gần 50% ý kiến được Time phỏng vấn còn nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường nên được đặt làm trọng tâm khi nói đến phát triển kinh tế; và 78% trong số đó nói rằng họ sẵn sàng trả thêm 2.000 USD để mua chiếc xe tiêu hao nhiên liệu 35 dặm/gallon hơn là “tiết kiệm” 2.000 USD để mua chiếc xe chạy 25 dặm/gallon. Cần nói thêm, châu Âu và Mỹ hiện có khá nhiều tổ chức xã hội được thành lập để tuyên truyền nhận thức người tiêu dùng về “tính đạo đức” của sản phẩm và công ty sản xuất ra chúng…

Nói cách khác, việc làm “người tử tế” và có trách nhiệm cộng đồng trong văn hóa kinh doanh (hay sử dụng thủ đoạn bẩn thỉu để vơ vét lợi nhuận trong khi tàn sát môi trường bất chấp sự sống chết cộng đồng) đã cho thấy sự chọn lựa như thế nào giữa hai con đường của doanh nghiệp: tiếp tục tồn tại với thị trường hay bị người tiêu dùng ngoảnh mặt tẩy chay. Một nghiên cứu của Goldman Sachs cho biết doanh nghiệp nào biết nhấn mạnh và đạt được thành tích liên quan bảo vệ môi trường luôn hoạt động tốt và đạt doanh thu cao hơn so với doanh nghiệp ít quan tâm đến trách nhiệm xã hội. Khảo sát gần đây của PricewaterhouseCoopers cũng cho kết quả tương tự. Cái giá của sự vô trách nhiệm với cộng đồng khi làm giàu bằng mọi cách đôi khi không chỉ là những vụ kiện tốn kém mà có lúc là cả tính mạng, như vô số trường hợp xảy ra tại Trung Quốc…