Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao có những người bẩm sinh đã có nhiều tham vọng trong khi nhiều người khác cần có động lực để thổi bùng lên ngọn lửa khát vọng, và cũng có vài người chưa bao giờ có khát vọng cho riêng mình?

“Tham vọng là sản phẩm của quá trình tiến hóa”

Nói một cách đơn giản về bản chất hành vi con người, tham vọng chính là ước muốn, nhu cầu có được miếng bánh lớn hơn trong một cái bánh trước khi có kẻ khác lấy mất. Mỗi con bò bạn thịt cho gia đình là một phần ít đi của gia đình khác, mỗi hecta đất bạn chiếm dụng sẽ chiếm mất phần của ai đó. Dẫn giải như thế để thấy rằng nhu cầu được hơn kẻ khác vốn có sẵn trong mỗi chúng ta. Vậy mà, không phải tất cả mọi người đều có nhu cầu, khát vọng thành công như nhau, vẫn còn có những người dễ dàng chấp nhận và hài lòng với những gì mà cuộc sống mang đến cho họ. Trong khi có người nhiều chấp nhận làm việc đến 80 giờ mỗi tuần, một số khác lại cho rằng làm việc 5 giờ mỗi tuần thế là đủ. Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh câu hỏi “Tham vọng là gì và tại sao mỗi người có mức độ tham vọng khác nhau?”.

Nhà nhân chủng học Edward Lowe thuộc Đại học Soka (Aliso Viejo, California) cho rằng “tham vọng là sản phẩm của quá trình tiến hóa, dù cho địa vị xã hội như thế nào chăng nữa, chắc chắn mỗi cộng đồng đều có những người theo đuổi tham vọng một cách mãnh liệt hơn những người khác. Về cơ bản, con người nhận thức rất rõ về nhu cầu được tín nhiệm. Người ta không chỉ cần nơi ăn no, chốn ở mà còn muốn nhiều thứ khác nữa”. Dean Simonton, nhà tâm lý học thuộc Đại học California, vốn đang nghiên cứu về thiên tài, khả năng sáng tạo và sự lập dị, cho rằng có nhiều thứ phức tạp hơn khi đề cập đến tham vọng. Ông cho rằng tham vọng bao gồm cả năng lực tiềm tàng và quyết tâm sắt đá. Nó cũng đòi hỏi phải có một mục tiêu nhất định. Những người có mục tiêu nhưng không có năng lực sẽ chỉ biết suốt ngày bó mình trên giường và mơ mộng viễn vông rằng “ngày nào đó mình sẽ sáng chế ra một cái bẫy chuột tốt hơn”. Những người có năng lực nhưng không có mục tiêu rõ ràng cũng chỉ bỏ phí khả năng trong những dự án linh tinh nào đấy. Các nhà nhân chủng học, tâm lý học và một số thành phần khác bắt đầu tìm hiểu cụ thể hơn về nguồn căn của khát vọng dưới góc độ gia đình, văn hóa, giới tính, gien di truyền và những yếu tố khác.

Hai yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến mức độ tham vọng bao gồm gia đình mà bạn sinh ra và nền văn hóa sản sinh ra gia đình bạn. Không có một mô hình gia đình cố định đề cập đến vấn đề gia đình như thế nào sẽ sản sinh ra những người thành công. Nhiều nhà tâm lý học đồng ý rằng các bậc cha mẹ đặt ra những thách thức khó khăn nhưng thực tế, cổ vũ cho sự thành công và dễ dàng vượt qua thất bại sẽ sinh ra những đứa trẻ với sự tự tin cao nhất. Một ảnh hưởng khác cũng có tầm quan trọng đó là mức độ đặc quyền mà gia đình nơi đứa trẻ được sinh ra. Giàu có hay nghèo khổ sẽ tác động đến khả năng định hướng trong cuộc sống. Trưởng thành trong một gia đình giàu có, người ta có thể được thừa hưởng hoặc có cơ hội để thành công hơn nữa hoặc ngược lại bị ảnh hưởng bởi tính lười biếng của những kẻ quý tộc thích vui chơi hơn làm việc.

Sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, người ta có thể hoặc có thêm nhiều động lực để tranh đấu hoặc đắm chìm trong sự trì trệ với những suy nghĩ bi quan, tiêu cực. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy chính tầng lớp trung lưu là nơi có tỷ lệ người tham vọng cao nhất bởi vì họ cũng chính là những người phải lo âu nhiều nhất. Các nhà nhân chủng học chia gia đình ra làm bốn loại: nghèo khổ, sống chất vật, trung lưu và giàu có. Đối với hai nhóm gia đình đầu tiên phải vất vả kiếm sống để có tiền chi trả cho hóa đơn điện và điện thoại thì khát vọng là một thứ gì đó rất xa xỉ. Trong khi đó, khát vọng chẳng là điều quan trọng hay cần thiết đối với nhóm gia đình giàu có. Chính những gia đình thuộc tầng lơp trung lưu vốn được an toàn tương đối về mặt kinh tế nhưng không biết lúc nào rủi ro có thể ập đến và có thể trở nên trắng tay là đối tượng có ý thức rất cao trong việc cải thiện số phận. Nỗi lo về vị trí xã hội là động lực giúp tầng lớp trung lưu nhận thức rõ hơn về khát vọng đổi đời.

Động cơ và môi trường

Lịch sử loài người từng biết đến những câu chuyện đẫm máu về sự thanh trừng, về chuyện cá lớn nuốt cá bé, tất cả chỉ để phục vụ cho cơn khát quyền lực tài nguyên và của cải dường như không bao giờ cạn của con người. Chúng ta vẫn thường hay nghe câu chuyện về những đứa bé ngay từ nhỏ đã có thiên hướng lớn lên trở thành doanh nhân thành đạt. Nhưng nếu yếu tố di truyền ảnh hưởng đến khát vọng thì phải có câu giải đáp ra sao đối với những người chỉ bắt đầu có tham vọng cho đến khi bước vào tuổi trưởng thành.Và phải giải thích như thế nào đối với những cặp sinh đôi có cấu trúc gien giống hệt nhau nhưng lại khác xa nhau về mức độ khát vọng? Thế nhưng khát vọng cũng có thể được quyết định từ tuổi ấu thơ, quá trình giáo dục và vô số yếu tố khác.

Có nhiều ý kiến khác nhau về mức độ khát vọng giữa nam giới và phụ nữ. Có nhà nghiên cứu cho rằng dường như phụ nữ không thích cạnh tranh trong khi nam giới rất yêu thích điều này. Một số ý kiến khác cho rằng không phải phụ nữ không có tham vọng cạnh tranh để giành lấy những gì họ muốn mà họ chỉ chọn lọc hơn khi quyết định phải cạnh tranh với ai đó. Và cũng không đúng nếu cho rằng phụ nữ bẩm sinh không thích cạnh tranh. Họ sẵn sàng cạnh tranh để giành lấy vị trí hàng đầu, để đạt được một cái gì đó thật sự đáng giá chứ không phải cạnh tranh cho có. Điều gây khó chịu, phiền toái nhất khi khát vọng trở thành tham vọng chính là sự căng thẳng cao độ, những căn bệnh liên quan đến tiêu hóa và bệnh đau tim vốn hay gặp phải nơi những người làm việc cật lực tới 16 giờ mỗi ngày và ăn uống ngay tại bàn làm việc. Sự khao khát uy thế và địa vị có thể gây ra hàng loạt vấn đề. Có thể nhận thấy tỷ lệ khá cao bệnh đột quỵ, ung thư và nhiều bệnh khác gây ra do quá căng thẳng ở những người thành công cao. Ngoài ra, những người giữ vị trí top-ten thường hay gặp phải cái nhìn đố kỵ, ngờ vực hay soi mói.

Nhắc đến tham vọng phải nói đến động cơ. Chuyên san Journal of Psychology từng thực hiện cuộc nghiên cứu 319 vận động viên Texas để tìm hiểu điều gì tạo nên một vận động viên tốt, điều gì khiến vận động viên thất bại và những ai quyết tâm học từ thất bại? Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng lòng yêu thể thao chưa chắc liên quan đến hoạt động thể thao. Điều tạo ra tố chất vận động viên chính là động cơ bên trong của họ. Môi trường cũng ảnh hưởng ít nhiều đến yếu tố tham vọng. Giáo sư toàn cầu hóa và giáo dục thuộc Đại học New York, Marcelo Suárez-Orozco, từng nghiên cứu 400 gia đình di cư đến Mỹ từ châu Á, Mỹ Latin và Caribbean với nhiều gia đình trong đó xuất thân từ làng mạc nơi văn hóa cạnh tranh kiểu Mỹ là khái niệm hoàn toàn xa lạ với họ.

Thế nhưng, không lâu sau khi hòa nhập vào xã hội Mỹ, họ đã thay đổi. Thế hệ con cái gia đình nhập cư (trong nghiên cứu Suárez-Orozco) tỏ ra năng động và thể hiện tốt hơn bố mẹ họ. Tốc độ hòa nhập môi trường cũng nhanh hơn. “Cách đây 100 năm, người ta cần đến 2-3 thế hệ để đạt tiêu chuẩn sống trung lưu” – theo Suárez-Orozco – “Bây giờ họ chỉ cần một thế hệ”… Khát vọng được hơn người khác, được dẫn đầu luôn được tìm thấy ở tất cả mọi người. Và khát vọng này đã chuyển hướng sang một hình thức khác giúp con người đạt được những mong muốn của mình. Người ta học cách chấp nhận mình ở vị trí không phải là số một để theo đuổi thành công bởi họ cho rằng đây không chỉ là cách giúp họ có được nhiều hơn những khoảnh khắc bình yên mà còn vì vai trò của họ trong xã hội ngày được đánh giá cao hơn. Theo đuổi những mục tiêu lớn đòi hỏi bạn phải học cách chấp nhận đương đầu khó khăn và thậm chí phiền toái mà nó đem lại. Tham vọng là một sự thôi thúc đáng giá đòi hỏi sự đầu tư khổng lồ nguồn vốn quyết tâm. Như bất kỳ khoản đầu tư nào khác, khát vọng sẽ đem đến cho bạn những thành quả khác nhau.