Trung Quốc: Kẻ thù hiện diện mọi nơi!
Đó là sự hoang tưởng tột độ, hoặc cũng có thể là chính sách gieo rắc sợ hãi để siết chặt tối đa sự kiểm soát xã hội, khi toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy tuyên truyền Trung Quốc tạo ra hình ảnh đất nước họ đang trở thành nạn nhân của muôn vàn thế lực; và kẻ thù hãm hại Trung Quốc đang có mặt mọi nơi, “ngay bên cạnh bạn”…
“Chúng” ở khắp nơi!
Bắc Kinh đang gieo rắc tuyên truyền rằng các thế lực đánh phá Trung Quốc có mặt mọi nơi. “Chúng” được cài cắm trong các công ty đa quốc gia, thâm nhập mạng xã hội, lảng vảng trong khuôn viên đại học… Một cách gián tiếp khuyến khích sự trở lại của “văn hóa” đấu tố một thời, Bắc Kinh muốn mọi công dân phải cảnh giác trước “chúng”, phải tìm ra “chúng” và đương nhiên phải tiêu diệt “chúng”. Các trường đại học đã yêu cầu giảng viên phải tham gia các khóa học về bảo vệ bí mật nhà nước, ngay cả trong những khoa như… thú y. Một trường mẫu giáo ở thành phố Thiên Tân phía Đông thậm chí tổ chức một cuộc họp để dạy nhân viên cách “hiểu và sử dụng” luật chống gián điệp.
Bộ Công An đã mở tài khoản mạng xã hội, như một phần trong những gì mà các phương tiện truyền thông chính thức mô tả là nỗ lực tăng cường sự tham gia của công chúng. Bài đăng đầu tiên của Bộ Công An kêu gọi “huy động toàn xã hội” chống lại hoạt động gián điệp và rằng “sự tham gia của quần chúng nên được “bình thường hóa”. Tháng Năm 2023, trong buổi nói chuyện với Ủy ban An ninh Quốc gia, Tập Cận Bình nói: “Chúng ta phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất và căng thẳng nhất”. Ông kêu gọi giới chức chính quyền “tăng cường giám sát theo thời gian thực” và “chuẩn bị cho cuộc chiến thực”.
Cảm giác khẩn cấp với những mối lo về an ninh quốc gia ngày càng được đẩy mạnh khi Bắc Kinh đối mặt với những thách thức lớn nhất và nghiêm trọng nhất kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền hơn một thập niên trước. Ngoài sự u ám về kinh tế, mối quan hệ Trung Quốc với phương Tây ngày càng tăng nhiệt hừng hực. Và những thay đổi nhân sự không giải thích được ở các cấp quyền lực cao nhất – trong đó có ghế ngoại trưởng và hai tướng lĩnh cấp cao bị cách chức đột ngột vào Tháng Bảy – cho thấy Tập Cận Bình bắt đầu lo sợ những mối đe dọa đối với quyền kiểm soát của mình.
Tháng Bảy, Trung Quốc đã sửa đổi luật chống gián điệp để mở rộng phạm vi hoạt động vốn đã rộng khắp. Họ treo giải thưởng hàng chục nghìn đôla cho những ai tố cáo gián điệp. Tháng Tám 2023, nhà chức trách thông báo thộp cổ được ít nhất “bốn điệp viên”, trong đó có “hai kẻ được CIA tuyển”. Nhà chức trách cũng cho biết hồi đầu năm nay rằng họ đã kết án chung thân một công dân Mỹ vì tội làm gián điệp, đồng thời bắt giữ một biên tập viên cấp cao của một tờ báo Trung Quốc khi ông này đang ăn tối với một nhà ngoại giao Nhật.
Trần Kiêm (Chen Jian), giáo sư lịch sử Trung Quốc hiện đại tại Đại học New York, nhận định rằng những diễn biến này đã phản ánh những thách thức và khủng hoảng sâu sắc về tính hợp pháp mà chế độ Bắc Kinh đang đối mặt.
Bóng ma kẻ thù của Tập Cận Bình
Sự gieo rắc nỗi sợ hãi bóng ma gián điệp đang phủ rộng khắp nơi. Trên các chuyến tàu cao tốc, một đoạn video nhắc đi nhắc lại cảnh báo rằng hành khách nên cẩn thận khi chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, đề phòng trường hợp “kẻ địch” thu thập được thông tin nhạy cảm. Tại các văn phòng chính phủ, nơi người dân nộp thủ tục giấy tờ thông thường, người ta các áp phích nhắc nhở toàn dân cần đồng lòng “xây dựng tuyến phòng thủ nhân dân”. Một chính quyền địa phương ở tỉnh Vân Nam đăng tải một video ghi lại một nhóm đàn ông và phụ nữ trong trang phục truyền thống của cộng đồng thiểu số Di (彝,Yi) nhảy múa và ca hát hưởng ứng luật an ninh quốc gia. “Ai không trình báo sẽ bị truy tố. Bao che tội phạm sẽ phải vào tù”, những người biểu diễn vừa hát vừa nhảy múa thành vòng tròn…
Cơ quan Bảo vệ Bí mật Nhà nước Quốc gia (国家保密局, Quốc gia Bảo mật Cục) đang quản lý một ứng dụng hướng dẫn trực tuyến về việc giữ bí mật mà nhiều trường đại học và công ty hiện yêu cầu nhân viên của họ phải nghiêm túc học theo. Bài học đầu tiên mở đầu bằng câu nói của Mao Trạch Đông về tầm quan trọng của bí mật; sau đó cảnh báo rằng iPhone và thiết bị Android là sản phẩm nước ngoài và có thể dễ bị thao túng. Khoa giáo dục thể thao tại một trường đại học ở tỉnh Sơn Đông đã yêu cầu giảng viên tham gia khóa học trực tuyến; trường cao đẳng thú y ở thành phố Quảng Châu cũng tương tự.
Một khách sạn ở thành phố ven biển Yên Đài (Sơn Đông) trước đây thường quảng cáo các chuyến đi biển và chương trình khuyến mãi ăn tối trên trang xã hội của họ, nhưng vào Tháng Mười 2022, họ tung lên một bản tin đồ họa (infographic) cho thấy một số nhóm mà theo Bộ Công An là có nguy cơ “đồng phạm” với thế lực thù địch nước ngoài – đó là những người từng đi du học và “giới trẻ sử dụng internet”.
Giới trẻ Trung Quốc là đối tượng được đặc biệt quan tâm, đặc biệt sau các cuộc biểu tình vào năm 2022 khi họ phản đối những hạn chế khắc nghiệt về chính sách zero-covid. Chính quyền đổ lỗi cho sự bất mãn dẫn đến việc giới trẻ xuống đường là do những kẻ xúi giục từ bên ngoài. Lập luận tầm xàm này lại được không ít “học giả” ủng hộ. Tại một hội nghị về quan hệ quốc tế do Đại học Thanh Hoa tổ chức vào Tháng Bảy, một học giả cho rằng những người biểu tình đã trở thành nạn nhân của “sự thao túng về nhận thức và ý thức hệ” của nước ngoài, trong đó dĩ nhiên có Mỹ. Giáo sư Han Na thuộc Đại học Công an Nhân dân khẳng định rằng những “thủ đoạn” của “các thế lực ngầm” ngày càng khó phát hiện.
Phải cảnh giác, luôn luôn cảnh giác!
Và như vậy, giải pháp phải là nâng cao ý thức cảnh giác. Phải mở rộng giáo dục an ninh quốc gia – Tập Cận Bình huấn thị. Nhiều đại học đã thành lập các đội sinh viên có nhiệm vụ báo cáo những người sử dụng các trang web nước ngoài. Sinh viên đại học ở Bắc Kinh đã bị cảnh sát hoặc quản trị viên thẩm vấn vì trao đổi tin nhắn với phóng viên New York Times. Một số học giả đã ngừng gặp gỡ người nước ngoài.
Nhiều địa điểm trên khắp Trung Quốc đã hủy bỏ chương trình biểu diễn “giao lưu” với các nhạc sĩ nước ngoài. Đỉnh điểm là vào Tháng Năm, khi hàng loạt sự kiện văn hóa được coi là không phù hợp với chương trình nghị sự của đảng đã bị hủy bỏ. Mới đây, Tháng Tám, Brian Offenther, một DJ người Mỹ nổi tiếng ở Thượng Hải, đã được ba thành phố khác nhau thông báo rằng họ không thể tiếp đón anh. Một người nói rằng cảnh sát đã đe dọa đóng cửa địa điểm ca nhạc nếu có người nước ngoài biểu diễn.
Bắc Kinh chưa ban hành bất kỳ chỉ thị rõ ràng nào về việc tiếp xúc với người nước ngoài; họ khẳng định rằng Trung Quốc vẫn cởi mở và giang rộng vòng tay đón đầu tư nước ngoài. Nhưng các tín hiệu trái ngược nhau. Hồi đầu năm 2023, chính quyền đã đột kích kiểm tra một số công ty tư vấn Mỹ, cáo buộc một công ty cố lấy bí mật nhà nước Trung Quốc thông qua các chuyên gia Trung Quốc mà họ thuê.
Ngay cả việc đứng tên chung với một tổ chức nước ngoài cũng có thể bị tình nghi “có vấn đề mờ ám”, như một nhóm tình nguyện ở Quảng Châu đã bị yêu cầu hủy một hội nghị dự kiến diễn ra vào Tháng Tám, chỉ bởi họ dùng cái tên là “TEDxGuangzhou”. TED, tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ nổi tiếng với các chương trình giới thiệu diễn giả, lâu nay cho phép mọi người có thể dùng miễn phí cái tên “TEDx”. Nhóm Quảng Châu trong thực tế chẳng dính dáng gì đến TED ở Mỹ; hơn nữa các chương trình TEDx đã được tổ chức ở Quảng Châu từ năm 2009.
Cơn ớn lạnh sống lưng về sự hiện diện mọi nơi của kẻ thù khiến không ít người Trung Quốc cảm thấy quá lố và nực cười. Khi một sân bay ở tỉnh Hồ Nam gần đây cấm xe Tesla vào bãi đậu với lý do xe của công ty Mỹ có thể được sử dụng để do thám, một số ý kiến trên mạng xã hội đã hỏi rằng liệu máy bay Boeing có nên bị cấm luôn hay không.
Ngay cả Hồ Tất Tiến (Hu Xijin), một “chiến binh sói” cực kỳ hăng tiết vịt trên mặt trận chống Mỹ, cũng viết trên mạng xã hội cá nhân rằng thật đáng lo ngại khi các học giả mà ông biết đang tránh mặt người nước ngoài. Tuy nhiên, trong một bài xã luận mới đây, Hoàn Cầu thời báo nói rằng những kẻ to mồm chỉ trích (như chính tay cựu tổng biên tập của họ là Hồ Tất Tiến) mới là những người… hoang tưởng.