Tiêu chí phát triển sức mạnh mềm đã được điện ảnh Trung Quốc áp dụng từ nhiều năm nay, từ đó hình thành nên dòng phim “giai điệu chủ đạo” để định hướng cho sự phát triển của nền điện ảnh quốc gia. Các bộ phim “giai điệu chủ đạo” thường thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của nhà nước, quân đội và ĐCS Trung Quốc, “kể một câu chuyện hay về Trung Quốc”, chuyển đi thông điệp “trách nhiệm mưu cầu đại đồng cho thế giới của ĐCS Trung Quốc”, đồng thời thông qua chủ đề yêu nước chuyển tải thông điệp về chủ nghĩa dân tộc, sự trỗi dậy cùng vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong trật tự thế giới mới.

CNN

Xu hướng “giai điệu chủ đạo”

Trong bài “Thị trường phim Trung Quốc và hiện tượng Chiến lang 2” (The Chinese film market and the Wolf Warrior 2 phenomenon), Stephen Teo cho rằng, thành công của Chiến lang 2 cho thấy sự chuyển đổi xu hướng “giai điệu chủ đạo” trong điện ảnh Trung Quốc với việc bổ sung một số khái niệm mới trong chủ nghĩa anh hùng như: tinh thần tự quyết của người anh hùng cá nhân, tinh thần quốc tế… Diễn viên Ngô Kinh đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cá nhân theo cách chưa từng thấy trong điện ảnh Trung Quốc kể từ thời Lý Tiểu Long. Tuy nhiên, tác động thực tế của bộ phim cho thấy dù cố gắng mô phỏng phong cách anh hùng của Hollywood, quan niệm và cách thức xây dựng hình tượng người anh hùng của Ngô Kinh vẫn chịu tác động của “giai điệu chủ đạo”, dù giai điệu đó đã xen lẫn âm hưởng Hollywood.

Chiến lang 2 đã sao chép, mô phỏng các bộ phim thể loại anh hùng của Hollywood, từ công thức, bối cảnh, chất liệu phim, tình tiết cốt truyện… đến góc máy, hiệu ứng âm thanh, kỹ thuật slow motion… Nhân vật chính được xây dựng theo khuôn mẫu “siêu anh hùng” của Hollywood. Đó là những anh hùng “đơn thương độc mã” chiến đấu với những thế lực hắc ám, khủng bố, tội phạm… vì lý tưởng cá nhân, vì những giá trị đạo đức và vì một giao ước tình yêu cao cả. Bên cạnh những người hùng đó luôn có bóng dáng những phụ nữ trẻ đẹp, sát cánh bên họ, giúp họ sống sót qua những giờ khắc sinh tử cận kề. Hình ảnh người hùng đơn độc bất khả chiến bại trong Chiến lang 2 chính là hình ảnh mô phỏng người hùng Rambo trong loạt phim Rambo (do Sylvester Stallone thủ vai), hoặc nhân vật trong phim Tears of the Sun (do Bruce Willis đóng chính)…

Trong bài báo “Người hùng hành động đánh bại kỷ lục phòng vé ở Trung Quốc” (In China, an action hero beats box office records) trên New York Times, tác giả Chris Buckley dẫn nhận định của nhà phê bình Yin Hong cho rằng, khác với điện ảnh cách mạng thời kỳ trước, ở đó chủ nghĩa yêu nước không có chỗ cho các giá trị cá nhân, Chiến lang 2 làm hài lòng khán giả bởi vừa mang lại sự ngưỡng mộ dành cho một siêu anh hùng cá nhân, vừa đem lại cảm giác tự hào mạnh mẽ về đất nước; người anh hùng trong Chiến lang 2 là một biến thể của người anh hùng cá nhân phương Tây, “một hình mẫu anh hùng kết hợp giữa phong cách Hollywood với tinh thần yêu nước kiểu Trung Quốc”. Chiến lang 2 cho thấy khán giả Trung Quốc đang mong đợi người anh hùng của chính họ sau nhiều năm bị các nhân vật anh hùng Hollywood lấn át, chứ không chỉ là các vai “khách mời” trong các bộ phim bom tấn Hollywood.

Những thông điệp ngoại giao của Chiến lang 2

Vai trò tiên phong của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế

Bối cảnh châu Phi đóng một vai trò quan trọng trong thông điệp ngoại giao của Chiến lang 2, góp phần phản ánh chiến lược địa-chính trị và chính sách phát triển kinh tế, quân sự và ngoại giao của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, hình ảnh quân đội Trung Quốc được mô tả như những người anh hùng kiểu mới, tham gia nhiệm vụ giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị quốc tế, bảo vệ công dân Trung Quốc và các nước, giải cứu con tin, đấu tranh cho chính nghĩa và công lý… Sức mạnh quân sự của quân đội Trung Quốc được phô diễn qua hình ảnh của những chiến hạm, máy bay trực thăng, tàu ngầm, xe tăng, tên lửa…

Lấy bối cảnh châu Phi, một lục địa vốn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của phương Tây, bộ phim phá vỡ cấu trúc quyền lực bất đối xứng trong phim Hollywood, nơi quyền lực tối thượng thuộc về người phương Tây. Nhân vật Lãnh Phong trở thành biểu tượng người hùng của Trung Quốc, sẵn sàng đối mặt và thách thức quyền bá chủ của người phương Tây. Các nhân vật da trắng phương Tây vốn thống lĩnh trên màn ảnh giờ trở thành những nhân vật phản diện, những kẻ phân biệt chủng tộc, đánh thuê chỉ vì lợi ích tiền bạc.

———– 

Hình ảnh cường quốc hào phóng, nhân từ và tham vọng tái cấu trúc lịch sử

Bên cạnh việc phô diễn sức mạnh quân sự và kinh tế, Chiến lang 2 không quên gửi đi thông điệp về sức mạnh của lòng nhân đạo, thiện chí làm bạn với các nước của người Trung Quốc. Lời thoại của các nhân vật thể hiện dụng ý truyền bá cho hình ảnh một Trung Quốc siêu cường nhân từ, luôn sẵn lòng cứu giúp các quốc gia trên thế giới. Khi nhân vật Lãnh Phong nói với những người dân châu Phi mà anh giúp đỡ: “Chúng ta là bạn bè”, cụm từ “bạn bè” được sử dụng như một uyển ngữ thay thế cho cụm từ “quan hệ đối ngoại”, và đó là cách mà bộ phim chuyển tải thông điệp đối ngoại: “Trung Quốc và châu Phi là bạn bè”.

Trong cuộc quyết đấu tay đôi với Big Daddy, kẻ cầm đầu của nhóm lính đánh thuê phương Tây, khi được hỏi có sẵn sàng chết vì những người châu Phi đang bị bắt giữ không, Lãnh Phong đã trả lời rằng “tôi được sinh ra vì họ”. Rõ ràng, nhân vật Lãnh Phong được xây dựng như một biểu tượng của chính nghĩa, công lý và tự do, luôn sẵn sàng xả thân cho những giá trị phổ quát. Sự gắn kết của Lãnh Phong với châu Phi còn được thể hiện ở mối quan hệ của anh với cậu con trai đỡ đầu người bản địa, với dụng ý tạo dựng hình ảnh một người cha nhân từ, sẵn sàng xả thân vì những đứa trẻ.

Sự kích động tinh thần dân tộc thường đi cùng với sự thù hận lịch sử. Trong phần cao trào của bộ phim, nhân vật Big Daddy nói với Lãnh Phong rằng “những người như anh sẽ luôn bị đánh bại bởi những người như tôi”. Sự sỉ nhục đó của Big Daddy đã phải trả giá bằng tính mạng của anh ta. Trước khi đánh bại đối thủ của mình, Lãnh Phong trả lời: “Đó là lịch sử”. Trong phân cảnh đó, nhân vật Lãnh Phong được xây dựng như là biểu tượng về người anh hùng lập lại một trật tự thế giới mới, trong đó người Trung Quốc không hề thua kém những người da trắng, chấm dứt những ám ảnh về một ký ức lịch sử đau thương và hổ thẹn về sự sỉ nhục và áp bức của các cường quốc phương Tây đối với Trung Quốc.

Nhận xét về sự hoán đổi vị trí và tái cấu trúc lịch sử trong phim, tác giả Petrus Liu cho rằng, câu chuyện tưởng tượng về Trung Quốc như người lãnh đạo mới của thế giới chỉ đơn giản là sự vay mượn từ lịch sử thuộc địa châu Âu, việc xây dựng hình ảnh Trung Quốc như là vị cứu tinh mới của thế giới chỉ đơn thuần thừa hưởng câu chuyện cũ của điện ảnh phương Tây về những người da trắng gánh vác nhiệm vụ khai hóa văn minh, mà không có nhiều sáng tạo, Trung Quốc đã đặt mình vào câu chuyện quen thuộc của phương Tây và đảm nhận một vị trí trong lịch sử mà mình không tạo ra (xem thêm “Women and Children First—Jingoism, Ambivalence, and Crisis of Masculinity in Wolf Warrior II”).

Nhận định này của Petrus Liu gợi ý đến khả năng Trung Quốc sử dụng điện ảnh như một cách thức để “tái cấu trúc lịch sử thế giới”, viết lại lịch sử theo cách của Trung Quốc, thậm chí “tạo ra lịch sử” bằng cách khơi gợi sự tưởng tượng của khán giả. Sự tưởng tượng nằm trong phạm vi ý nghĩa “hư cấu nghệ thuật” đó nếu được lặp đi lặp lại theo một mục đích tuyên truyền nhất quán cũng chính là cách thức xây dựng ý thức dân tộc, và nhà nước Trung Quốc đã tận dụng triệt để điện ảnh và truyền thông cho mục đích này.

Những hiệu ứng lan tỏa về sức mạnh mềm của bộ phim theo đó cũng chỉ mới thể hiện được ở trong nước chứ chưa được dư luận quốc tế đánh giá cao, thậm chí dưới góc độ quan hệ quốc tế, “chiến lang” đang trở thành một tính từ để miêu tả hình thái ngoại giao mới mang tính “hung hăng” của Trung Quốc. Chiến lang 2 đã để lộ quá rõ ý đồ tuyên truyền chính trị khi thể hiện tham vọng địa-chính trị và sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong phim.

Tuy nhiên, vì thiếu chiều sâu kịch bản cũng như tâm lý nhân vật, mô phỏng khuôn mẫu cũ mà thiếu sáng tạo nên Chiến lang 2 trở thành một bộ phim tuyên truyền, dẫn dắt và định hướng dư luận thế giới về một Trung Quốc thân thiện, sẵn sàng làm bạn và trợ giúp các nước kém phát triển để xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh”, một “trật tự thế giới mới tốt đẹp hơn”, đặc biệt là đối với các quốc gia châu Phi, nơi Trung Quốc đang phát triển các dự án đầu tư kinh tế, giáo dục và quân sự.