Trực diện với lo lắng
Marcus Aurelius là một trong những vị hoàng đế vĩ đại cuối cùng của đế chế Rome. Trong quãng thời gian đó, quốc gia của ông phải đối mặt với đại dịch Atonine bùng phát vào năm 165 sau Công nguyên, khiến hơn 5.000 người tử vong. Dịch bệnh này được các học giả ngày nay nghi ngờ là sởi hoặc thuỷ đậu.
Khi đối mặt với một thảm hoạ lớn như vậy, đa số nhân vật giàu có đứng đầu đế chế Rome đều lo lắng, sợ hãi và thậm chí từ chức. Tuy nhiên, Aurelius khuyên mọi người cần bình tĩnh và suy nghĩ sáng suốt để cả vương quốc cùng nhau vượt qua đại dịch. Ông đã thông qua luật trợ cấp chi phí cho tang lễ nhằm giảm số xác chết nằm trên đường. Khi quân đội thiếu người, ông cho phép đấu sĩ đăng ký nhập ngũ. Thay vì lo lắng, vị hoàng đế tài giỏi đã tìm ra cách giải quyết vấn đề. Ngay cả khi bận cai trị, Marcus Aurelius vẫn dành thời gian viết nên cuốn tự truyện nổi tiếng Meditations, được xem là một trong những tác phẩm triết học xuất sắc mọi thời đại.
Mọi sự việc chỉ đơn thuần là lịch sử lặp lại
“Bất kể chuyện gì xảy ra, hãy nhớ điều này: Việc này từng xảy ra rất nhiều lần. Nếu bạn chịu khó tìm tòi, bạn sẽ nhận ra những sự việc này đã và đang xảy ra khắp nơi. Không có bất kỳ việc gì là mới cả” – Marcus Aurelius |
Trong cuốn Meditations, Marcus Aurelius nhận ra rằng lịch sử luôn lặp lại. Nếu bạn đang sợ mất việc làm, mất tiền bạc và mất tình yêu, vài triệu người đã từng trải qua hoàn cảnh đó hoặc đang đối diện với nó ngay lúc này. Điều này có nghĩa cuộc sống là chuỗi trải nghiệm lặp đi lặp lại nhưng với hoàn cảnh và nhân vật khác nhau. Aurelius muốn chúng ta biết rằng: việc gì đang xảy ra hôm nay đã từng xảy ra trong quá khứ. Thế giới đang tiếp tục đối diện với Covid- 19, nhưng những đại dịch tương tự đã từng xảy ra. Dịch hạch, Ebola, cúm Tây Ban Nha, SARS, H1N1 và đại dịch Atonine. Lịch sử dạy cho chúng ta rằng cuộc sống luôn lặp đi lặp lại. Mọi việc xảy ra ở hiện tại chỉ là tạm thời và không có gì lạ thường.
Vậy tại sao chúng ta cứ thường xuyên lo lắng nếu cuộc sống chỉ là một chuỗi những sự việc lặp đi lặp lại?
Mỗi khi ta suy nghĩ về một hoàn cảnh khó khăn – như việc không làm tốt trong một kỳ thi hoặc việc trả tiền thuê nhà trễ hạn – não bộ được kích thích. Khi ta lo lắng, não bộ bắt đầu vận động để tìm cách xử lý tình huống. Nói theo cách khác, cảm giác lo lắng là tín hiệu giúp con người tồn tại và thoát những tình huống nguy hiểm. Vì thế, việc lo lắng có kiểm soát là hoàn toàn tự nhiên. Lo lắng về tài chính, lo lắng về sự nghiệp, lo lắng về tình yêu. Tuy nhiên, cảm giác lo lắng trở nên có hại khi ta bắt đầu không kiểm soát được nó. Chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày vẽ ra những viễn cảnh “nếu như”. Cách sống để bản thân bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực sẽ dần ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tâm thần của bạn. Thay vì lo lắng, hãy dành năng lượng và thời gian đó để giải quyết vấn đề trước mắt.
Bỏ ngoài tai những “tiếng ồn” trong cuộc sống
“Chúng ta đều yêu bản thân hơn bất kỳ người nào khác, thế nhưng chúng ta lại coi trọng ý kiến của người ngoài nhiều hơn ý kiến cá nhân” – Marcus Aurelius |
Xã hội hiện đại ngày nay cực kỳ ồn ào. Suy nghĩ và ý kiến của chúng ta luôn bị đánh giá bởi ý kiến và quan điểm của mọi người xung quanh. Những “tiếng ồn” này càng khiến chúng ta hoài nghi về bản thân và những vấn đề ta đang đối mặt. Đa số mọi người dành quá nhiều thời gian để lắng nghe ý kiến người khác. Hãy suy nghĩ về ví dụ sau đây:
Bạn đang rất lo lắng vì vừa bị mất việc làm. Xã hội sẽ khiến bạn cảm thấy tệ hơn về bản thân. Thay vì dành thời gian để cải thiện hoàn cảnh trên, bản năng tự nhiên của con người là lo lắng về việc gia đình và bạn bè nghĩ gì về mình. Loài người muốn được đồng loại thích, tôn trọng và yêu thương. Thế nên chúng ta luôn chạy theo mục tiêu này mà không nhận ra những mặt tiêu cực của nó. Chúng ta dần trở thành nô lệ của những người xung quanh.
Marcus Aurelius luôn nhấn mạnh về việc ta không nên cố gắng kiểm soát những sự việc ngoài tầm kiểm soát. Sự thật là: Chúng ta không bao giờ có thể làm hài lòng người khác 100%. Dù bạn cố gắng đến mấy, vẫn có người ghét bạn; đánh giá bạn; ganh tị bạn; không chấp nhận bạn. Có rất nhiều lý do mà một người nào đó sẽ nói xấu về bạn. Nếu ý kiến đó chính xác, hãy thay đổi bản thân để trở nên tốt đẹp hơn, nhưng đừng trở nên buồn phiền vì một vài lời nói.
Hãy học về Chánh Niệm
“Quá khứ không quan trọng. Tương lai không quan trọng. Tất cả những gì ta có chỉ là hiện tại” – Marcus Aurelius |
Chánh niệm trong chủ nghĩa khắc kỷ đồng nghĩa với việc luôn sống với một trái tim nhân hậu. Chánh niệm cũng đồng nghĩa với việc tập trung toàn bộ thời gian và năng lượng vào hiện tại và ngừng lo lắng về tương lai. Thay vì sợ người yêu rời bỏ mình, hãy tập trung giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong mối quan hệ. Lo lắng dẫn đến hoang mang và sợ hãi. Cơ thể con người không được sinh ra để có thể làm việc một cách hiệu quả ở trạng thái đó. Chánh niệm là cách giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng và suy nghĩ sáng suốt hơn. Ngoài ra, học về chánh niệm còn giúp bạn cảm nhận sâu sắc hơn những mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Hãy bắt đầu các thói quen lành mạnh như ăn uống tốt hơn, vận động nhiều hơn hoặc tập thiền. Hãy bắt đầu thiền từ 5 đến 10 phút mỗi ngày và dần kéo dài lên 20 phút. Mục đích là giúp não bộ được hoàn toàn nghỉ ngơi và tạm thời ngăn mọi “tiếng ồn” từ xã hội. Năm 2020 đang và sẽ là một năm đặc biệt. Chúng ta không biết chuyện gì xảy ra, dịch bệnh kéo dài bao lâu và thế giới như thế nào sau năm nay. Nhưng có một thứ chúng ta đều biết: Lo lắng không giúp giải quyết được vấn đề.
Chăm sóc bản thân
“Tôi sẽ chỉ nói việc này: Cuộc sống rất ngắn, hãy tập trung tối đa vào bản thân bạn ở hiện tại” – Marcus Aurelius |
Con người sống ở một môi trường phản hồi chậm. Chúng ta thường không thấy được lợi ích những việc làm ngày hôm nay. Nếu bạn làm việc hiệu quả hôm nay, bạn sẽ nhận được lương trong vài tuần tới. Nếu bạn tiết kiệm tiền bây giờ, bạn sẽ có nhiều tiền nghỉ hưu. Nếu bạn bắt đầu ăn uống lành mạnh để giảm cân, bạn sẽ đạt được cơ thể như ý muốn sau vài tháng. Những động vật khác luôn lo lắng về những sự việc xảy ra ở hiện tại, như tránh kẻ săn mồi, hoặc tìm kiếm thức ăn. Ngược lại, cuộc sống hiện đại buộc con người phải học cách lo lắng những vấn đề tương lai.
Việc này có thể được giải thích bởi “neurocortex”. Đây là bộ phận của não chịu trách nhiệm đưa ra những quyết định lý trí. Neurocortex gần như không hề tiến hoá từ thời sơ khai đến nay. Nói cách khác, não bộ của chúng ta không kịp tiến hoá với lối sống mới. Hậu quả là việc sống trong một môi trường phản hồi chậm thường xuyên dẫn đến căn bệnh căng thẳng mãn tính. Chúng ta không thay đổi được não bộ. Điều duy nhất ta có thể làm là thay đổi cách ta lo lắng. Ví dụ, thay vì lo về việc sống lâu hơn, hãy tập trung vào việc đi bộ mỗi ngày. Thay vì lo về việc giảm cân cho một sự kiện trọng đại, hãy tập trung vào việc nấu một buổi ăn lành mạnh tối nay.
Dành tất cả năng lượng và thời gian để làm tốt nhất mọi việc ở hiện tại.
Thay vì lo về việc khi nào dịch bệnh sẽ hết, bạn có thể thay đổi cách lo lắng bằng cách hỏi bản thân – hôm nay tôi sẽ làm gì hữu ích? Bạn sẽ dần nhận ra rằng đây là một quãng thời gian hữu ích để làm những việc mà bạn chưa bao giờ thử. Nếu bạn đang ghét công việc hiện tại, hãy thay đổi cách lo lắng và bắt đầu học những kỹ năng mới để giúp bạn tìm một việc làm khác. Ngừng quan trọng hóa tương lai và hãy tập trung vào hiện tại.
Giang rộng cánh tay
“Tại sao bạn lại nghĩ rằng việc giúp đỡ mọi người là vô giá trị hoặc không đáng công sức của bạn?” – Marcus Aurelius |
Marcus Aurelius tin rằng mọi phút giây là một cơ hội để sống tử tế. Khi đại dịch Atonine kéo đến, khi xác người chất đầy ven đường, khi những người giàu có nhất đế quốc đều bỏ chạy, Aurelius vẫn quyết định ở lại Rome. Ông đã can đảm đối mặt khó khăn như một vị vua chân chính. Ông kêu gọi mọi linh mục và bác sĩ trên toàn vương quốc cố gắng tìm phương thuốc hữu hiệu cho căn bệnh. Ông thậm chí đi dự đám tang của rất nhiều dân thường. Đối với vị hoàng đế này, sức khỏe bản thân không quan trọng hơn trách nhiệm của ông.
Tuy nhìn mọi thứ qua lăng kính tích cực nhưng Marcus Aurelius hoàn toàn không phải là người thiếu hiểu biết. Ông không gieo mầm cho những tư tưởng và hy vọng sai lệch. Người lãnh đạo giỏi là người mạnh mẽ trong những phút giây khó khăn, nhưng đồng thời có khả năng đồng cảm với nỗi đau của thế giới quanh mình. Nhịp sống tấp nập và những nỗi lo âu về quá khứ hoặc tương lai thường xuyên xoay quanh chúng ta. Hậu quả là tuy bạn muốn trở thành người tốt nhưng bạn sẽ thường xuyên không có thời gian để làm những hành động có ý nghĩa dành cho mọi người xung quanh.
Chúng ta thường kiếm những lý do khác nhau để ngụy biện cho việc không làm những việc tốt đẹp, chẳng hạn “Tôi không có tiền để quyên góp từ thiện”. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu tôn trọng mọi người hơn, dành thời gian để đi giúp người khác hoặc cho đi những vật mà bạn không cần dùng. Bạn có thể trở thành tình nguyện viên ở bất kỳ nơi nào bạn có thể. Sự thật là bất kỳ hành động đẹp nào cũng sẽ giúp ta cảm thấy hãnh diện về bản thân hơn. Một khi bạn trở nên hãnh diện và tự tin về bản thân, những lo lắng thường ngày sẽ dần biến mất.