Tiểu luận Harvard – Alexandra Todorova
Là một đứa bé lớn lên trên hai châu lục, cuộc đời tôi luôn được xác định bởi câu hỏi “Nếu như….?”. Nếu như tôi được sinh ra ở Mỹ thì sao? Nếu cha mẹ tôi không có được tấm thẻ xanh thì sao? Nếu chúng tôi cứ sống ở Mỹ và không quay về lại Bulgaria thì chuyện gì xảy ra? Đó là những câu hỏi mà tôi không bao giờ biết câu trả lời (tất nhiên trừ khi người ta chế tạo ra được cỗ máy thời gian cho năm 2050).
“Sinh ra tại Bulgaria. Từng sống ở Orlando, Florida; hiện sống tại Bulgaria” là những gì tôi luôn viết ở phần “Nói về mình” trong sơ lược tiểu sử trên mạng. Ẩn phía sau hàng chữ ngắn gọn đó là cả một hành trình khám phá nơi tôi gọi là quê hương. Cha mẹ tôi di cư đến Mỹ khi tôi mới lên hai. Bốn năm tiếp theo đó Mỹ là nhà của tôi. Tôi là một người Mỹ chính tông. Tôi yêu loạt sách Dr. Suess và kênh truyền hình PBS Kids, tôi thích kẹo dẻo Twizzler và pepperoni, thích Halloween và lễ Tạ ơn, thích chiếc xe buýt màu vàng chở học sinh và những miếng dán có hàng chữ “Good job!”. Vậy mà chỉ cần có một ngày thôi, tất cả những điều trên biến mất. Khi mẹ tôi tuyên bố “Chúng ta sẽ dọn đi Bulgaria”, tôi ngây thơ hỏi lại “Đó là tên thành phố hay tiểu bang hở mẹ?”.
Hai mươi tiếng đồng hồ sau, tôi đứng giữa một căn phòng trống trơn,giữa một đất nước xa lạ. Lúc đó câu hỏi “nếu như” – đối thủ tưởng tượng mới của tôi – lần đầu tiên xuất hiện. Nó bắt đầu theo tôi trên đường tới trường. Vô lớp nó ngồi ngay sau lưng tôi. Cho dù làm bất cứ chuyện gì, tôi cũng cảm nhận được sự hiện diện của nó khắp mọi nơi. Câu hỏi “nếu như” cứ chầm chậm theo tôi qua nhiều năm tháng. Rồi dường như khi vừa phai lạt dần, nó quay trở lại dày vò tôi – một lời nhắc nhở thường trực của những chuyện đáng lẽ có thể xảy ra. Nếu như tôi thắng cuộc thi quốc gia ở Mỹ thì sao? Nếu tôi tham gia câu lạc bộ tennis Florida thì sao? Nếu tôi là thành viên của tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ? Nếu tôi vẫn ngồi trên chiếc xe buýt chở học sinh mỗi buổi sáng thì tôi có thấy quý hơn những thành tựu mình đã đạt được?
Nhưng có một điều gì đó – mới đầu nó chưa được thấy và hoàn toàn bị bỏ qua – dần dần len vào trái tim và khối óc của tôi, gỡ đi những khúc mắc của những “nếu như” đó. Điều đó chính là đất nước Bulgaria. Tôi khám phá trở lại quê hương mình. Tôi ngồi hàng giờ trong thư viện để đọc về lịch sử Bulgaria trải qua hơn mười bốn thế kỷ. Tôi dành ra nhiều ngày để đọc sách và so sánh ký tự Glagolitic và Cyrillic. Tôi bỏ ra nhiều năm đi du lịch tới những miền xa hẻo lánh nhất của đất nước. Đó là trải nghiệm cho tôi mở mắt, và cũng với nó, cuối cùng tôi đã khám phá và chấp nhận mình là ai.
Tôi không còn cảm thấy cần phải quyết định tôi thuộc về đâu. Tôi như là một cổ động viên ủng hộ cả hai đội bóng. (Nếu John Isner có thi đấu tennis với Grigor Dimitrov, chắc chắn tôi sẽ là cổ động viên nói trên). Bulgaria và Hoa Kỳ không hề bài trừ lẫn nhau. Thay vào đó, hai đất nước này bổ sung cho nhau trong tôi. Đó có thể là qua ứng dụng của tiếng Anh trong ngôn từ hàng ngày, hay là ăn pancake Mỹ với phô mai Bulgaria, hay vẫn còn lúng túng trong cách giao lưu bằng cử điệu. (Người Bulgaria chúng tôi nổi tiếng lẫy lừng với cái kiểu lắc đầu thì có nghĩa “đồng ý”, còn gật đầu lại có nghĩa là “không”).
Là một đứa bé lớn lên trên hai châu lục, cuộc đời tôi sẽ được xác định bởi câu hỏi “Điều gì…?”. Bulgaria và Hoa Kỳ đã cho tôi những gì? Tôi có thể đáp trả lại ra sao? Những gì trong tương lai đang chờ tôi? Lần này tôi sẽ không cần nhờ đến cỗ máy thời gian để có câu trả lời mà tôi đang tìm kiếm nữa.
Alexandra Todorova
Hometown: Gorna Oryahovitsa, Bulgaria
Ethnicity: White
Gender: Female
GPA: 6.0 out of 6.0
SAT: Reading 730, Math 760, Writing 800
Subject Tests Taken: Literature, World History
Extracurriculars: Tennis player, coordinator and volunteer in the Gorna Oryahovitsa Youth Parliament (non-governmental organization), class president and member of the student council, editor in chief of the high school newspaper
Awards: Living Rainforest Essay Competition finalist in Sustainability Debate, third place in Literary Essay Competition “Jews and Bulgarians—Two Nations, One Country, One Love,” first place in Bulgaria si ti! English competition, third place in English Language Olympiad organized by the Bulgarian Ministry of Education and Science, third place in Bilingual English/Russian competition organized by the Bulgarian Ministry of Education and Science Major: Social Anthropology