Thế giới âm nhạc thế kỷ 20 (Bài 9)
Bài 9: Sự ra đời của compact disc và những xu hướng chính của thập niên 1990
Sự ra đời của compact disc (CD) đã tạo ra một bộ mặt mới cho ngành công nghiệp âm nhạc trong thập niên 1990. Năm 1985, 16,4 triệu CD bán ra khắp thế giới. Ba năm sau, hơn 390 triệu CD được tiêu thụ toàn cầu, đạt đến doanh số hơn 6 tỉ USD, so với 295 triệu đĩa nhựa và doanh số 2,8 tỉ USD. CD góp phần làm bùng nổ hiện tượng tái ghi âm những album từng vang dội một thời. Tờ Time viết: “Kỹ thuật CD đã hồi sinh Elvis Presley”. Làng công nghiệp thế giới phát triển nhanh chóng nhưng thu gọn dưới ảnh hưởng và chi phối của sáu tập đoàn: Time Warner, Sony/CBS, Bertelsmann Music Group, MCA-Matsushita, N.V. Philips và Thorn-EMI. Ngoài sự lan tỏa mạnh mẽ của CD, thập niên 1990 chứng kiến nhiều xu hướng.
Một trong những xu hướng đáng kể nhất là sự xuất hiện hàng loạt chương trình biểu diễn từ thiện, đánh động về một tương lai tươi sáng hơn cho thế giới. Đầu tiên, đó là chương trình Band Aid của Bob Geldof thuộc nhóm Boomtown Rats. Bob Geldof nảy ý định thành lập chương trình sau khi xem một bài báo về nạn đói ở Ethiopia. Band Aid qui tụ nhiều nhạc sĩ Ănglê để ghi âm ca khúc Do they know it’s Christmas và thực hiện cuộc trình diễn Ethiopian Benefit Concert tại nhà hát Albert (Anh).
Sau đó, cũng chính Geldof đứng ra thành lập chương trình Live Aid, được tổ chức qui mô lớn tại sân vận động Wembley (Anh) và sân vận động John Fitzgerald Kennedy ở Philadelphia, với sự tham gia của những gương mặt sừng sỏ Eric Clapton, Mick Jagger, Neil Young, Pete Townshend, Paul McCartney… Nhóm Grateful Dead cũng tổ chức chương trình riêng với thông điệp kêu gọi bảo vệ rừng nhiệt đới đang bị chặt đốn tàn bạo ở khắp nơi. Peter Gabriel – cựu thành viên nhóm Genesis (Phil Collins) – cũng tổ chức chuyến lưu diễn cùng Bruce Springsteen nhằm ủng hộ tổ chức Ân xá Quốc tế… Michael Jackson là ca sĩ có nhiều chương trình từ thiện và ca khúc mang nội dung rất đẹp (Heal the world…).
Xu hướng thứ hai là sự ra đời của thế hệ ca sĩ sinh ra trong thập niên 1960. Nhóm gây chú ý đầu tiên là U2, được thành lập ở Dublin với chủ soái là Bono (Paul Hewson). U2 gây tiếng vang vì thái độ quan tâm đến chính trị của mình. Ca khúc Sunday Bloody Sunday (nói lên sự kiện ngày chủ nhật đẫm máu từ cuộc xung đột giữa Anh và Bắc Ireland) của Bono đã làm tòa nhà số 10 phố Downing phải chú ý. Vài tháng sau, U2 tung tiếp album War, với phong cách mới pha trộn giữa rock và punk.
Thế hệ sinh ra trong thập niên 1960 còn phải kể đến Tracy Chapman – nữ ca sĩ da màu có ngoại hình không đẹp nhưng chất giọng rất lạ. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Cleveland, Chapman luôn quan tâm đến những vấn đề xã hội. Trong khi học tại Đại học Tufts ở Massachusetts, Chapman bắt đầu biểu diễn tại các hội quán ở Boston. Cuối thập niên 1980, Chapman tung ra album đầu tay, mang tên mình và thật sự khẳng định vị trí của một ngôi sao mới trong làng âm nhạc. Một nhóm khác thuộc thế hệ này cũng gây tiếng vang. Đó là R.E.M.
Xu hướng thứ ba là sự bùng nổ của dòng đồng quê. Bốn năm đầu của thập niên 1990, hơn 21 triệu người Mỹ đã trở thành đồ đệ trung thành của nhạc country. Năm 1984, chỉ có 19 album country ra đời, bán được hơn 500.000 bản. Sáu năm sau, 53 đĩa country đã trở thành đĩa vàng, bán được hơn 1 triệu bản. Đến năm 1992, doanh số băng-đĩa country đã vọt lên 660 triệu USD. Năm 1980, chỉ khoảng 1.500 đài phát thanh phát sóng nhạc country. 12 năm sau, hơn 2.500 đài đã phát rền rĩ country suốt ngày đêm. Ngôi sao country sáng chói nhất của thập niên 1990 là Garth Brooks. Không như hầu hết tài năng có trình độ kiến thức mỏng manh do học hành dang dở trong các thập niên trước, Brooks chỉ nhảy lên sân khấu sau khi tốt nghiệp đại học. Thể loại folk-rock ảnh hưởng mạnh Garth Brooks và anh bị cuốn hút bởi những giọng country vàng thế hệ đàn anh: Arlo Guthrie, Janis Joplin, Rita Coolidge, James Taylor… Brooks đã tiên phong mở lối cho nhiều ca sĩ country-rock khác: Clint Black, Mary Chapin-Carpenter, Travis Pitt, Trisha Yearwood…
Xu hướng nữa rất nổi bật là sự xuất hiện của rap. Những bất ổn trong đời sống xã hội của cộng đồng da đen, nhất là trong giới da màu trẻ, đã tạo ra một cảm giác tuyệt vọng. Rap ra đời, từ các khu ghetto nghèo nàn và mất trật tự ở New York. Các tay disc jockey ở Bronx và Harlem thực hiện việc cắt đứt khúc bài nhạc và một số ca sĩ tiên phong trong dòng rap như Kool DJ Herc giới thiệu phong cách mới của mình bằng cách hát ráp nối từng đoạn một. Các ca sĩ rap thuộc thế hệ đầu tiên muốn pha trộn tất cả thể loại nhạc trong một ca khúc vì “bản thân âm nhạc là thứ không màu” – như cách giải thích của Afrika Bambaataa, một trong những ngôi sao rap tiên phong. Rap ban đầu bị phản đối dữ dội và chỉ thịnh hành trong các khu xóm da màu, bởi phong cách quái đản và sự dung tục. Cuối cùng, vào những năm cuối của thập niên 1990, một phiên bản mới của làng nhạc thế giới cũng được hình thành. Đó là trào lưu boys bands.
@ theNewViet