Thế giới âm nhạc thế kỷ 20 (Bài 6)
Bài 6: Hippie và cuộc cách mạng rock & roll
Bắt đầu từ giữa thập niên 1960, một dòng “rock & roll lai” đã xuất hiện và góp phần hình thành một thế hệ mới – thế hệ của hippie đòi đánh đổ các giá trị của chủ nghĩa tư bản. Không như những nhóm nhạc Anh thuần túy mang tính chất biểu diễn, các nhóm mới ở Mỹ trong giai đoạn này – Jefferson Airplane, Grateful Dead, Quicksilver Messenger và nhiều nhóm khác (tổng cộng khoảng 1.500) – đã tạo ra một cộng đồng không tuân theo chính kiến nào mà chỉ tôn vinh tình yêu. Từ giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, rock & roll bắt đầu có một sứ mạng…
Hầu hết những người theo trào lưu hippie xuất thân từ thành phần trung lưu và có trình độ. Đây là một trong những yếu tố chính khiến họ trở nên chán ngán các giá trị của chủ nghĩa tư bản. Từ quan niệm này, hippie nhanh chóng trở thành những kẻ bất cần đời. Họ tôn vinh tình yêu và kêu gào tự do tình dục. Hình ảnh phụ nữ khỏa thân được họ cho là đẹp nhất trong thế giới tự nhiên. Họ không cần tài sản cá nhân và khoái trí trước phong trào sống theo kiểu gần gũi với thời nguyên thủy. Họ thích quan hệ bừa bãi và chính họ chứ không ai khác đã tạo ra cuộc cách mạng tình dục đầu tiên trên thế giới. Phong cách ăn mặc và trang điểm của họ bắt chước theo kiểu người da đỏ. Tháng 1-1967, các nhà tổ chức chương trình “Human Be-In” tại công viên Golden Gate đã tung ra bích chương quảng cáo với ảnh một người da đỏ ngồi trên lưng ngựa, một tay cầm tấm chăn sặc sỡ và tay kia cầm cây đàn guitar. Chương trình này sau đó được báo chí gọi là “Sự quần tụ của các bộ lạc”.
Ở góc độ khác, hippie là những kẻ chống xã hội, thứ xã hội “được bọc bằng tấm nệm của chủ nghĩa vật chất” – theo nhà xã hội học Tim McLeighton. Hippie thật ra được thai nghén từ một lớp văn sĩ được mệnh danh “The Beat Generation”, gồm những đại diện tiêu biểu là Jack Kerouac, Allen Ginsberg, William S. Burroughs, Lawrence Ferlinghetti… Họ tung ra những tác phẩm không cầu kỳ, tự do hóa luật thơ và tạo ra một thứ nghệ thuật tôn vinh “cái tôi cô đơn”. Họ nhanh chóng chinh phục giới trẻ bằng lối sống tự do.
Tại buổi qui tụ hippie đầu tiên vào ngày 16-10-1965 ở nhà hát Longshoremen, “những hàng dài toàn thanh niên trẻ, tay nắm tay nhảy múa suốt hàng giờ liền. Sự mãn nguyện tự do toát lên trên tất cả các bộ mặt…” – như lời kể của phóng viên Ralph Gleason. Giữa đám đông này là người đàn ông có mái tóc dài và bộ râu quai nón: Allan Ginsberg. Cuối tháng 1-1966, văn sĩ thuộc “thế hệ Beat” Ken Kesey – tác giả quyển One flew over the cuckoo’s nest (Bay trên tổ chim cúc cu) – đã tổ chức lễ hội Trips Festival với sự tham gia của gần 7.000 người. (Xin nói thêm, chữ “beat” trong “The Beat Generation” có nguồn gốc từ chữ beatitude (ân phúc), ám chỉ đến sự khẩn cầu về ân phúc chỉ được tìm thấy trong Thiền mà những kẻ hippie cho rằng đó là cái đích thực họ cần và mục tiêu của họ).
Những đại diện tiêu biểu của dòng rock & roll lai này còn phải kể đến Grace Slick của nhóm Jefferson Airplane, Jerry Garcia của nhóm The Grateful Dead, Stephen Stills của nhóm Buffalo Springfield (sau này là nhóm nổi tiếng Crosby, Stills & Nash)… Phản ứng chống lại chủ nghĩa vật chất được định nghĩa bằng tiền, các nhóm này tổ chức những buổi trình diễn miễn phí. Eric Clapton nhớ lại: “Điều này (trình diễn miễn phí) khiến tôi rất xúc động. Trước đó, tôi chưa bao giờ nghe nói có ai thực hiện như vậy. Đó là một trong những giai đoạn đẹp nhất của âm nhạc”.
Hippie, phong trào chống xã hội và thế hệ Beat chỉ sống những ngày ngắn ngủi và họ trở thành nạn nhân của chính cái triết lý bất cần đời ngày càng méo mó của mình. Ma túy đưa họ vào tâm trạng tuyệt vọng cao độ. Nhiều gương mặt “anh hùng” trong giới hippie bị bắn chết thảm. Hơn nữa, thái độ quá đáng của họ đã bị cảnh sát trấn áp. Những kẻ hippie – trong tay cầm hoa và trong tâm hồn chất chứa đầy tình yêu – đã đối diện với những khẩu M-1 của Lực lượng cảnh vệ quốc gia, những người đã biến hy vọng đầy màu sắc của hippie thành cơn ác mộng tối đen…
@ theNewViet