Thao túng UNESCO, Trung Quốc bóp méo lịch sử văn hóa nhân loại
Trà Pu’er (phổ nhĩ trà) là loại trà được những người ăn kiêng yêu thích vì đặc tính tiêu hóa của nó. Loại trà này được trồng nhiều ở những khu rừng trên núi Jingmai ở Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc, nơi được UNESCO (Cơ quan văn hóa-khoa học-giáo dục LHQ) công nhận là Di sản Thế giới vào ngày 17 Tháng Chín 2023.
Không phải tự nhiên mà vùng núi Jingmai được UNESCO công nhận. Vấn đề không chỉ là doanh số bán trà và thu hút du lịch tại một nơi gần biên giới Myanmar, Lào và Việt Nam. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã đi cửa sau với UNESCO để Jingmai cũng như nhiều địa điểm khác ở nước họ được xếp hạng Di sản Thế giới. Dùng con dấu UNESCO, ý đồ của Trung Quốc là viết lại lịch sử!
Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn miệng nhấn mạnh rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất có lịch sử liên tục kéo dài hàng nghìn năm; và bản sắc dân tộc của họ luôn gắn liền với bản sắc dân tộc Hán, dân tộc chiếm hơn 90% dân số. Luật di sản của Trung Quốc đề cập đến việc duy trì “sự thống nhất đất nước” và thúc đẩy “sự hòa hợp xã hội”. Trên thực tế, luận điểm này đồng nghĩa với việc bóp méo lịch sử để phù hợp với quan điểm của đảng về quá khứ và củng cố tầm nhìn về tinh thần dân tộc.
Vào thời điểm UNESCO bắt đầu thiết lập danh sách Di sản Thế giới những năm 1970, Trung Quốc từng dự định phá tan nát các di tích văn hóa cho mục đích “phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, ngày nay Trung Quốc vận động liên tục và bằng mọi giá sao cho danh sách Di sản Thế giới của UNESCO có nhiều di sản Trung Quốc.
Một số địa điểm xứng đáng là Di sản Thế giới, chẳng hạn Vạn Lý Trường Thành, nhưng nhiều địa điểm khác, được vận động để lọt vào danh sách UNESCO, chỉ nhằm mục đích hợp pháp hóa sự cai trị của đảng đối với các khu vực có đông dân tộc thiểu số – như nhận định của Christina Maags thuộc Đại học Sheffield. Các khu vực như Tân Cương và Tây Tạng, hẳn nhiên, về lịch sử, không phải thuộc Trung Quốc và không thuộc sở hữu lẫn cội nguồn của văn hóa Hán tộc. Tuy nhiên, phiên bản lịch sử của cộng sản Trung Quốc lại kể một câu chuyện khác.
Ở Tân Cương, hơn 40% dân số là người Duy Ngô Nhĩ. Văn hóa, ngôn ngữ và đức tin Hồi giáo của họ khác biệt với phần lớn Trung Quốc. Vùng trung tâm của người Duy Ngô Nhĩ bắt đầu nằm dưới sự kiểm soát chính thức của Trung Quốc vào giữa thế kỷ 18, khi những người cai trị Mãn Châu thuộc triều đại nhà Thanh đặt tên cho nơi này là Tân Cương, có nghĩa là “lãnh thổ mới”. Trong suốt thập niên qua, Bắc Kinh đã buộc người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong khu vực phải đồng hóa. Kể từ sau năm 2017, hàng triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ đã bị tống vào “trại cải tạo”. Văn hóa Duy Ngô Nhĩ đã và tiếp tục bị xóa sạch.
Bằng chứng rõ nhất của âm mưu viết lại lịch sử là việc Trung Quốc đề cử dãy núi Thiên Sơn ở Tân Cương là Di sản Thế giới. Đơn đăng ký có đoạn: “Từ xa xưa, người dân thuộc mọi sắc dân Trung Quốc đã sinh sống trên vùng đất màu mỡ này và tạo ra một nền văn hóa vật chất và văn minh tinh thần phong phú”.
Trong đơn đăng ký Di sản Thế giới gửi UNESCO, Trung Quốc mô tả một Tân Cương gồm các thị trấn quân sự và trung tâm vận chuyển hàng hóa của người Hán; đồng thời trích các nhà thơ Hán từng ca ngợi dãy núi Thiên Sơn. Trong gần 1,000 trang tài liệu nộp UNESCO, người Duy Ngô Nhĩ chỉ được nhắc đến vài lần, với tư cách là những người thiểu số thuộc các nhóm dân tộc sống trong khu vực. Một lịch sử sai lệch và bóp méo (tương tự Tân Cương) cũng đã được chính phủ Trung Quốc đưa ra khi một phần của Con đường Tơ lụa chuẩn bị được UNESCO công nhận. Khu vực này được mô tả là một vành đai văn hóa chứng kiến sự “hội nhập” và “liên tục hợp nhất” của người Hán với “cư dân địa phương”.
Cần nhắc lại, khi đám quân du kích xốc xếch của Mao Trạch Đông lên nắm quyền vào năm 1949, biên giới Trung Quốc vẫn chưa được xác định rõ ràng và các sắc dân địa phương ở nhiều nơi vẫn chưa hoàn toàn phục tùng Mao. Năm 1950, khi quân đội cộng sản Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng, họ không được người dân ở đây chào đón như những kẻ “giải phóng”, như ngôn luận mà đảng cộng sản tuyên truyền. Những lời hứa về quyền tự trị nhanh chóng bị phá vỡ, dẫn đến cuộc nổi dậy (bất thành) của người Tây Tạng vào năm 1959.
Tuy nhiên, thứ lịch sử bóp méo về Tây Tạng – được UNESCO phê duyệt – lại cho thấy một “quá khứ hài hòa” ở vùng đất trên. Năm 2013, UNESCO chấp nhận các hồ sơ về Tây Tạng từ triều đại nhà Nguyên của Trung Quốc (1279-1368), như một phần thuộc về “ký ức của thế giới”. Bắc Kinh nói rằng sự có mặt của nhà Nguyên ở Tây Tạng là bằng chứng cổ xưa, cho thấy các ông vua (Hán) thời phong kiến “rất khoan dung đối với tôn giáo, hệ thống chính trị và văn hóa của Tây Tạng” – và “hiển nhiên” đó là bằng chứng cho thấy lịch sử lâu dài của sự hội nhập Tây Tạng vào Trung Quốc.
Để củng cố quan điểm bản sắc với Hán tộc làm trung tâm (Han-centric identity), cộng sản Trung Quốc cố tình làm lu mờ sự đóng góp của các nhóm thiểu số trong hồ sơ đệ trình UNESCO. Cụ thể, các tài liệu nộp UNESCO nêu rằng kiến trúc Cung điện Potala của Tây Tạng, nơi lưu trú của các Đạt Lai Lạt Ma từ năm 1649 đến năm 1959, đã thể hiện kỹ năng xây dựng của nhiều nhóm sắc tộc chứ không phải riêng người Tây Tạng.
Trung Quốc cũng chọn lọc cẩn thận những sinh hoạt văn hóa cụ thể để làm đậm nét văn hóa Hán trong khi làm mờ nhạt các nền văn hóa sắc tộc khác. Bắc Kinh luôn nhấn mạnh đến ý niệm rằng người Hán mới là những người “xây dựng và kiến tạo nền văn minh” và do vậy chỉ người Hán mới có những thể loại và mô hình văn hóa đỉnh cao như Kinh kịch; hoặc rất giỏi về chuyên môn kỹ thuật, chẳng hạn kỹ thuật làm cầu. Trong khi đó, các dân tộc vùng biên giới chỉ có các tục lệ dân gian linh tinh như tắm thuốc (medicinal bathing – Tây Tạng) và hát cổ họng (throat singing – Mông Cổ).
Kể từ khi tham gia Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1985, đến nay Trung Quốc có 57 Di sản thế giới; trong đó có 38 di sản văn hóa, 14 di sản thiên nhiên và 4 di sản văn hóa và thiên nhiên (hỗn hợp), đứng thứ hai trên thế giới (sau Ý). Điều đáng nói là UNESCO luôn dễ dãi với những hồ sơ Di sản Thế giới của Trung Quốc. Họ gần như chẳng cật vấn hay hoài nghi những gì Trung Quốc đệ trình.
Cần nói thêm, chẳng phải tự nhiên mà gần đây (giữa năm 2023), Mỹ tuyên bố tái gia nhập UNESCO. Với nhiều nhà quan sát, UNESCO là đấu trường mà Mỹ cần có mặt để làm đối trọng chặn bớt ảnh hưởng thao túng của Trung Quốc. Mỹ rút khỏi UNESCO vào năm 1984, quay trở lại năm 2004 rồi lại rời đi thời chính quyền Trump.
Rõ ràng, dù UNESCO không phải là tổ chức địa chính trị, nhưng sự vắng mặt của Mỹ đã vô hình trung giúp Trung Quốc thuận lợi trong việc chính trị hóa danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, giúp Trung Quốc mặc sức tuyên bố nhiều phong tục và nghệ thuật thiểu số là một phần di sản Trung Quốc hoặc thậm chí chiếm đoạt văn hóa truyền thống của các nước láng giềng.