Khi tôi ngồi nghĩ việc sẽ viết về bộ phim TENET của Christopher Nolan, thời gian cứ trôi đi, từng giây, từng phút, từng giờ rồi từng ngày. Nó cứ trôi mà tôi không có cách nào dừng nó lại, cho đến khi tôi quyết định viết về nó ngay lúc này, chỉ lúc đó, thời gian dường như mới đi chậm lại, theo dòng ký ức của tôi trôi ngược về quá khứ, cách đây năm ngày, ngồi xem một cách choáng ngợp TENET của Nolan và cảm thấy hài lòng vì một trong những đạo diễn tôi ưa thích, không làm tôi thất vọng, theo cách mà một người hâm mộ mong đợi những sản phẩm mới.

Vậy là một cách tương đối, tôi đã đi ngược lại thời gian, tua ngược lại những ngày đã trôi qua trước khi thời điểm tôi đang viết. Tôi xuống sân bay Nội Bài. Tôi ngồi trên chuyến bay mang số hiệu VN280. Tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi nhắn tin cho anh chủ nhà rằng tôi để quên chiếc bánh mì tôi mới mua trong phòng vì vội ra sân bay. Tôi đi về từ công ty của mình… Tôi bắt đầu ngồi xem nhân vật chính The Protagonist – một đặc vụ CIA cải trang thành cảnh sát Ukraine đang thực hiện nhiệm vụ lấy lại một vật thể nào đó không xác định trong nhà hát Opera Kiev. Vậy đó, tôi đã đi ngược lại đến thời điểm xác định tôi sẽ thu nạp vào đầu câu chuyện của Nolan để viết nó ra đây, thành một bài cảm nhận phim của mình.

Một sự dài dòng thừa thãi, có thể bạn nghĩ thế, nhưng tôi chỉ đang cố gắng nói về phim theo khái niệm về thời gian mà Nolan đưa vào bộ phim của mình, một khái niệm về nghịch đảo thời gian, chứ không phải du hành thời gian như ta thường thấy trong các tác phẩm khác như Source Code, phim truyền hình Dark, hay Predestination… Câu chuyện của TENET thì đơn giản, một cuộc hành trình của The Protagonist và Neil (Robert Pattinson) theo phong cách James Bond, để khám phá bí mật về những viên đạn bắn ngược; và từ đó, tìm thấy được một bí mật có thể gọi là “động trời”, một âm mưu hủy diệt loài người cũng của chính con cháu mình trong tương lai.

Nolan bị ám ảnh bởi thời gian, có lẽ vậy, sự ám ảnh đó đã hiện hữu trong nhiều tác phẩm của ông theo những chiêm nghiêm và thể hiện khác nhau. Từ bộ phim trắng đen đầu tay Following với cách kể chuyện phi tuyến tính, các phân đoạn phim nhảy cóc trong dòng thời gian; sau đó nó hiện diện rõ nét trong Memento, về một gã bị mất trí nhớ ngắn hạn, thời gian tick tock báo hiệu sự lãng quên trước mắt khiến anh phải liên tục ghi lại thông tin lên giấy để nhắc nhở mình. Những bộ phim nhỏ đầu tay là những cú hích giúp Nolan tạo ra những chiều thời gian phức tạp trong các bộ phim bom tấn; khởi đầu là Inception với khái niệm về thời gian trong giấc mơ với tiếng tick tock của thời gian được quy ước bằng giai điệu tuyệt vời của bài hát Non, Je Ne Regrette Rien.

 

Tiếp đến là không thời gian trong chuyến du hành vũ trụ kỳ vĩ mang tên Interstellar đi vào hố đen và kết nối với chiều không gian thứ năm, hòng mang đến trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời về tình cha con. Để có một TENET đầy tham vọng với khái niệm nghịch đảo thời gian sao cho khán giả có thể hiểu và sao cho mạch phim được kết nối thuần nhuyễn và hợp lý thì Christopher Nolan cần đến một Dunkirk với một trải nghiệm vô cùng ấn tượng về sự tụ hợp tại một điểm của ba dòng thời gian của ba sự kiện khác nhau trên nền bối cảnh mặt trận Dunkirk ở Thế chiến thứ hai.

Kể ra vậy để thấy, TENET là một bước tiếp theo trong hành trình đầy tham vọng của Nolan trong việc giúp truyền tải những ý niệm của ông về thời gian bằng điện ảnh sao cho tường minh và gần sát với khoa học nhất và vẫn mang những vẻ đẹp tuyệt vời của điện ảnh bằng cách sử dụng âm thanh, hình ảnh, chuyển cảnh và cái cảm xúc hỗn độn gần như vô cảm của một dòng thời gian tuyến tính vốn không cho phép những gì đã xảy ra có thể bị thay đổi, ý chí của con người luôn cố thay đổi định mệnh.

TENET không phải là một bộ phim hack não theo cách mà những David Lynch, Andrei Takovsky thực hiện khi họ tạo ra một mê cung với những ẩn ý mang tính trừu tượng, khiến khán giả thực sự khó nắm bắt ý tưởng của đạo diễn chính xác là gì. Phim của Nolan đơn giản hơn rất nhiều. Nó chỉ yêu cầu một thứ duy nhất, tư duy của khán giả. Tư duy ham tìm hiểu, tư duy khoa học và tư duy logic. Nó được sử dụng trong hầu hết tác phẩm của ông. Tiến trình của nhân vật trong những động lực hành động đều đã được ông giải trích trong phim. Chỉ là trong TENET, ông kiệm lời hơn, và đòi hỏi khán giả tư duy nhanh hơn một chút để bắt được các cú chuyển cảnh đột ngột, và những “gọng kìm thời gian” tạo thành một vòng khép kín để nhân vật xử lý một cách gọn gàng nhất mục tiêu của mình.

Đạo diễn Christopher Nolan (Getty Images)

Cả bộ phim là một “gọng kìm thời gian lớn” trong đó những nhân vật như Kat (Elizabeth Debicki), hay Sator (Kenneth Branagh) ở trong gọng kìm và ta thấy được chiều sâu của nhân vật với những cảnh hồi tưởng hiếm hoi. Còn lại những nhân vật như The Protagonist (John David Washington) và Neil (Robert Pattinson) đều nằm ngoài cái gọng kìm mà họ nhảy vào để thực hiện nhiệm vụ trong phim, ngăn cản “tận thế” xảy ra, nên họ hầu như không được xây dựng câu chuyện nền như thường thấy. Đây có lẽ là điều khiến khán giả hụt hẫng. Tuy nhiên, đối với tôi, đây không phải là một bước lùi của Nolan mà đây là ý đồ của Nolan trong một cuộc chiến đã không còn thuần cảm xúc mà nó mang nặng lý tính theo cách mà một nhà khoa học sẽ nhìn thấy cái đẹp ở những công thức vật lý khô khan nhưng nó lý giải “tương đối” về vũ trụ diệu kỳ.

Trong gọng kìm đó, The Protagonist (Nhân Vật Chính) gia nhập tổ chức TENET, một tổ chức bí ẩn nằm giữ bí mật về sự nghịch đảo thời gian. Anh được Neil trợ giúp để dần khám phá một âm mưu động trời về việc tiêu diệt loài người hiện tại của những “con cháu” trong tương lai. Thay vì du hành thời gian, điều mà hậu thế trong TENET chưa tìm ra cách, họ mới chỉ biết cách nghịch đảo thời gian. Có nghĩa là nhờ một cánh cổng xoay, ta có thể đi ngược về quá khứ từng bước một và khi ta bước về quá khứ, ta sẽ chứng kiến mọi thứ đều đang được nghịch đảo, những cánh chim bay ngược…

Nolan đã tạo nên một câu chuyện “gợi cảm” về mặt thị giác và kích thích tư duy. Việc sử dụng những cú cắt cảnh đột ngột, bỏ qua hết những bước đệm trong hành động của nhân vật thay vào đó, Nolan đưa nhân vật thẳng đến những nơi, những việc cần làm ngay khi ý niệm về việc đó được xác định và triển khai. Nên TENET đậm chất hành động, mang đầy tính chất của một bộ phim bom tấn mãn nhãn với âm nhạc xuất sắc của nhà soạn nhạc người Thuỵ Điển Ludwig Göransson và đạo diễn hình ảnh Hoyte van Hoytema quay hoàn toàn bằng máy quay 70mm và máy quay IMAX.

TENET của Christopher Nolan là một tác phẩm điện ảnh tuyệt vời mà chỉ có Nolan mới có thể biến nó thành hiện thực. Những năm gần đây, những kịch bản gốc với kinh phí khổng lồ ngày càng khan hiếm do sự phát triển mạnh mẽ của các vũ trụ điện ảnh và các sản phẩm live-action khiến các hãng lớn không muốn mạo hiểm với các kịch bản gốc chưa có sự kiểm chứng. Nhưng với cái tên Nolan, TENET đã được làm với kinh phí hơn 200 triệu USD, để triển khai một ý tưởng mới, hoàn toàn không dễ nắm bắt, và thiếu những cảm xúc cần thiết để nhờ đó phim lay động được khán giả.

Chẳng phải nhờ TENET, các bạn sẽ hiểu thêm nhiều về khoa học khi đọc những phân tích tràn ngập trên facebook những ngày qua sao. Có thể đúng, có thể sai, nhưng tìm hiểu khoa học là điều cần thiết để nhào nặn tư duy, để trăn trở về thời gian, và để tin vào tính hiện sinh của thời khắc, của thực tại trong sự bất định kỳ lạ của vạn vật trên đời.