Cuốn Sơ học luân lý của học giả Trần Trọng Kim vừa được Nhã Nam và Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành vào đầu tháng tư. Đây được coi là tài liệu tham khảo có giá trị đối với những ai quan tâm tới thực trạng giáo dục và văn hóa, lối sống của Việt Nam hiện nay. Trong lời bạt của cuốn sách, ông Trần Văn Chánh viết: “Trước sự suy thoái về văn hóa, đạo đức trong xã hội nước ta đang ở mức báo động… Việc tái xây dựng một nền văn hóa – đạo đức lành mạnh cho nước Việt Nam trên cơ sở kết hợp giữa tính hiện đại với tính truyền thống đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạt động giáo dục – văn hóa – tôn giáo…”  

 

Trước hiện trạng giáo dục đầy u ám và sự xuống cấp đạo đức, bạo lực học đường… mà không ai chịu trách nhiệm, mọi giải pháp từ bộ ngành có liên quan đều mơ hồ, chưa tạo niềm tin cho xã hội về một thế hệ tương lai giàu tình nhân ái và trách nhiệm, sự ra đời (tái bản) Sơ học luân lý như một tư liệu để người làm giáo dục, các thế hệ đã trưởng thành xem lại, tìm thấy điều tốt đẹp kết hợp truyền thống và hiện đại để giáo dục và bồi đắp những khiếm khuyết cho thế hệ trẻ. Cuốn sách được học giả Trần Trọng Kim viết bằng chữ Quốc ngữ. Đây là một trong những quyển sách viết bằng chữ Quốc ngữ hiếm hoi viết về chủ đề luân lý lúc bấy giờ. Trong suốt Sơ học luân lý, các chủ đề hết sức cô đọng, súc tích, văn phong mạch lạc, ngôn ngữ tường minh…

Mỗi từ được nhấn mạnh trong các bài học trong sách này tác giả đều có chú thích để người đọc đầu thế kỷ 20 có thể hiểu được. Những từ ngữ bây giờ đã quá quen thuộc song đối với học sinh nhỏ tuổi lúc đó có thể khó hiểu tường tận như “lương tâm”, “thân ái”, “hòa thuận”… đều được cắt nghĩa rõ ràng và tỉ mỉ.

 

Các tác phẩm được tái bản của học giả Trần Trọng Kim 

Cuốn sách được chia làm bốn phần: Gia tộc luân lý; Học đường luân lý; Bản thân luân lý; Xã hội luân lý. Mỗi phần đều chia thành các bài học nhỏ. Cuối mỗi bài, tác giả tóm tắt ý chính (gọi là “Toát yếu”) và các câu hỏi củng cố (gọi là “Đầu bài”). Ngay từ đầu tựa cuốn sách, tác giả đã nói lên tầm quan trọng của luân lý: “Luân lý là một sự quan trọng hơn cả trong sự giáo dục ở sơ đẳng học đường, cho nên chương trình của chính phủ đặt ra phải để mục luân lý đứng đầu các mục khác“. Vậy luân lý là gì mà phải học? Tác giả viết: “Luân lý chỉ cốt có một điều là phải khiến sự ăn ở của mình thế nào cho hợp với cái đạo thường của người ta trong xã hội… tức là làm điều lành, tránh điều ác nhưng cuộc sống làm con người ta nhiều lúc không phân biệt phải – trái, đúng – sai, hay – dở nên “cần học luân lý để mở mang cái lương tâm“.

Tác giả dường như có chủ đích viết cho các bậc cha mẹ, thầy cô và người trưởng thành tham khảo trước, sau đó mới hướng dẫn người lớn vào các chủ đề bài học để giáo dục con trẻ:

(1) Về bổn phận con cái với cha mẹ từ lúc sinh ra cho tới lúc già yếu và mất đi; mối quan hệ giữa anh em, họ hàng và người ở làm thuê;

(2) Cách thức học tập ở trường học cũng như lễ nghĩa trọn đầy với thầy giáo và bạn học;

(3) Đồng thời trong phần Bản thân luân lý tác giả còn xây dựng cho con trẻ một cốt cách làm người về trí tuệ, tâm lực, các đức tình khôn ngoan, dũng khí, hào phóng… và tránh xa sự nói xấu, ích kỷ…

(4) Đối với xã hội phải sống sao cho phải đạo là “người con trong Ngôi nhà lớn”, biết bố thí yêu thương đồng loại, biết tôn trọng sự sống, trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước…

Sơ học luân lý trong lần in này, Nhà xuất bản Nhã Nam tái bản từ bản in 1950 của Nhà xuất bản Tân Việt. Đây là tác phẩm thứ ba của học giả Trần Trọng Kim sau hai công trình đồ sộ trước đó là Việt Nam sử lượcNho giáo cũng đã được Nhã Nam liên kết xuất bản. Người viết bài hy vọng rằng, người đọc sẽ tìm đọc và xem thêm các tác phẩm có giá trị giáo dục khác của cùng tác giả như: Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư đã được xuất bản trước đó.