Sáng Tạo Là Chìa Khóa Vàng
Chẳng phải tự nhiên người ta liên tục nhấn mạnh vị trí then chốt của sáng tạo trong nền kinh tế linh hoạt thời toàn cầu. Sáng tạo là chuyển động mà trong thế giới ngày nay, dừng lại đã đồng nghĩa với sự tự hủy diệt.
Sáng tạo hiểu theo khái niệm mới
Có thể nhắc đến diễn đàn các nhà lãnh đạo mang chủ đề sáng tạo do hãng IBM tổ chức tại Rome (Ý). Trong ngày đầu tiên, thành phần khách mời được chia thành nhóm nhỏ đi tham quan Viện bảo tàng Vatican, trong đó có bức bích họa để đời của Michelangelo trong nhà nguyện Sistine. Họ nhấm nháp cocktail ngoài hàng lang ở phía sau nhà thờ St. Peter rồi ăn tối trong đại sảnh đầy tượng cẩm thạch bên trong Vatican. Còn nơi nào tốt hơn nước Ý để tổ chức một hội thảo về sáng tạo! Chẳng phải nước Ý là nơi khai sinh phong trào Phục hưng – giai đoạn hưng thịnh của bùng nổ phát kiến và thay đổi – đó sao! Hôm sau, tại Auditorium Parco della Musica, 500 giám đốc điều hành (CEO), viên chức nhà nước cấp cao và nhiều học giả được mời nghe một nhóm chuyên gia đầu ngành về kinh tế sáng tạo đăng đàn thuyết trình.
Sunil B. Mittal – CEO của công ty viễn thông Ý Bharti Tele-Ventures Ltd – giới thiệu về mô hình doanh nghiệp cấp tiến của mình, với kỹ thuật tận dụng nguồn nhân lực mở (trừ tiếp thị và quản lý khách hàng), nơi thu hút 1 triệu khách hàng mỗi tháng… Những câu chuyện trên đã phản ánh trong một bình luận từ CEO của IBM, Samuel J. Palmisano, trình bày vào hôm trước, rằng: “Cách mà bạn phát triển trong môi trường hiện thời là bằng sáng tạo – sáng tạo trong kỹ thuật; sáng tạo trong chiến thuật; sáng tạo trong mô hình doanh nghiệp”. Nhận định Palmisano đã tóm lược sự tập trung ở diện rộng về khuynh hướng sáng tạo trong nền kinh tế thế kỷ 21.
Sáng tạo không thuần túy là thiết kế mới sản phẩm. Nó là tiến trình tái lập phát kiến trong hoạt động doanh nghiệp và xây dựng thị trường hoàn toàn mới để đáp ứng cho những nhu cầu khách hàng chưa được thâm nhập. Quan trọng nhất, ở thời mà Internet và toàn cầu hóa mở rộng phạm vi cho vô vàn ý tưởng mới, sáng tạo còn là sự chọn lọc và triển khai ý tưởng đúng rồi đưa nó ra thị trường trong thời gian kỷ lục. Thập niên 1990, khi nói đến sáng tạo, người ta thường liên tưởng đến kỹ thuật và sự kiểm soát chất lượng cũng như chi phí sản xuất. Ngày nay, sáng tạo hàm ý về sự xây dựng tổ chức doanh nghiệp (corporate organization – ý nghĩa rộng hơn từ “công ty”), sao cho hiệu quả đồng thời tái thiết kế chúng để mang tính sáng tạo và phát triển. Đúng như nhận xét của Vijay Govindarajan – giáo sư Trường kinh thương Tuck thuộc Đại học cộng đồng Dartmouth, tác giả quyển Ten Rules for Strategic Innovators: From Idea to Execution (10 qui luật cho các nhà sáng tạo chiến lược: từ ý tưởng đến thực thi), rằng “sáng tạo (ngày nay) không phải hàm chứa bất cứ gì liên quan đến kỹ thuật”.
Họ đã sáng tạo như thế nào?
Để hiểu rõ hơn về ứng dụng cũng như tầm quan trọng của sáng tạo trong nền kinh tế toàn cầu, chuyên san BusinessWeek đã cùng Nhóm tư vấn Boston (BCG) nghiên cứu và công bố xếp hạng (hàng năm) 25 công ty có thang điểm sáng tạo cao nhất (hơn 1.000 nhà quản trị cấp cao đã phản hồi thăm dò từ khảo sát BusinessWeek/BCG). Qua đó, có thể thấy sáng tạo đúng là thể hiện ở nhiều phạm vi. Có những sáng tạo thuần túy kỹ thuật; cũng có những sáng tạo ở lĩnh vực xây dựng mô hình doanh nghiệp; và cũng có những sáng tạo trong phạm vi xử lý hoạt động doanh nghiệp…
Đứng đầu bảng về sáng tạo là hãng Apple Computer Inc. Apple đã nằm ít nhất ở bảy hạng mục-phạm vi sáng tạo, từ sáng tạo về hoạt động mạng (thỏa thuận với các công ty đĩa bán nhạc trên mạng); sáng tạo về mô hình doanh nghiệp; sáng tạo về xây dựng thương hiệu… Toyota Motor Corp cũng là bậc thầy về sáng tạo, với chiến lược Sáng tạo giá trị. Thay vì làm việc với các nhà cung cấp để giảm chi phí cho phụ tùng, Toyota đầu tư nghiên cứu sâu về tiến trình thiết kế để có thể tiết kiệm ở toàn bộ bộ phận của nguyên chiếc xe.
Với Procter & Gamble Co (P&G), họ tạo ra chiến lược “kết nối và phát triển”. Ý tưởng này tập trung vào việc sử dụng bộ não tập thể từ các chuyên gia khắp thế giới. 50% sản phẩm mới của P&G đều đến từ bên ngoài phòng thí nghiệm công ty. Nói một cách dễ hiểu, P&G thiết lập một mạng lưới cộng tác với chuyên gia, nhà khoa học lẫn nhà cung cấp. P&G vẫn có thể sở hữu những ý tưởng tốt nhất mà không cần phải nuôi một bộ máy nghiên cứu cồng kềnh và tốn kém. Trong thực tế, mạng “người ngoài” đã giúp rất nhiều cho P&G. Cụ thể, P&G tạo ra 70 “nhà doanh nghiệp kỹ thuật” (technology entrepreneur-TE), làm việc như nhóm trinh sát chuyên biệt có nhiệm vụ tìm kiếm đột phá mới nhất từ khắp nơi, chẳng hạn phòng nghiên cứu đại học. TE lập ra bảng khảo sát để định vị cơ hội cũng như giúp các nhà quản trị P&G nhận biết thấu đáo chuyển động từ các đối thủ cạnh tranh…
Về sáng tạo điều phối, BMW Group hiện được đánh giá cao nhất. Bất cứ khi nào BMW bắt đầu nghiên cứu một mẫu xe mới, các thành viên nhóm dự án (khoảng 200-300 người, thuộc lĩnh vực cơ khí, thiết kế, sản xuất, tiếp thị, kinh doanh và tài chính) đều phải rời vị trí làm việc của mình (rải rác tại nhiều nơi) để tập trung về Trung tâm sáng tạo và nghiên cứu (FIZ) và làm việc ở đó có khi đến ba năm! Liên quan sáng tạo điều phối, còn có hãng hàng không Southwest. Gần đây, Southwest tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đơn vị bay, đơn vị mặt đất, đơn vị bảo trì… Trong sáu tháng, họ gặp nhau 10 tiếng/tuần, trình bày ý tưởng quanh chủ đề: “Những thay đổi mang lại ảnh hưởng lớn nhất nào có thể được thực hiện cho hoạt động hàng không của chúng ta?”. Nhóm khảo sát đệ trình 109 ý tưởng cho ban quản trị cấp cao rồi từ đó người ta chọn ra ý tưởng khả thi nhất…
Hãy tạo ra một nền văn hóa sáng tạo!
Làm thế nào để tạo ra một nền văn hóa sáng tạo? Thể hiện sự trân trọng là điều cần thiết. Tại hãng 3M, từ lâu người ta đã trao giải Genesis Grants cho các nhà nghiên cứu (12-20 chương trình trợ cấp từ 50.000-100.000 USD được trao mỗi năm và nhà khoa học dùng khoản tiền này để tự thuê nhân viên hoặc mua sắm thiết bị dùng cho công tác nghiên cứu phục vụ 3M)…
Một trong những cốt lõi nữa của kinh tế sáng tạo là khảo sát thực địa để nắm rõ tâm lý người tiêu dùng. Starbucks Corp từng nghiên cứu về dân tộc học năm 2002. Khảo sát BusinessWeek/BCG cũng cho thấy vài yếu tố rào cản đối với sáng tạo. Khó khăn lớn nhất có lẽ là tiến trình phát triển. Nhu cầu thay đổi của khách hàng, nguồn nhân lực chảy ra ngoài và thậm chí phần mềm nguồn mở đã khiến thị trường ngày nay chuyển động cực nhanh. Trong khi đó, nhiều công ty không thể tự cơ cấu để ứng biến nhanh hơn – như nhận xét của George Stalk Jr, một phó chủ tịch BCG từng nghiên cứu đề tài cạnh tranh theo thời gian tính trong suốt 25 năm. Chu kỳ thời gian rút ngắn cho thấy sẽ có một tỉ lệ may rủi nhất định và sự trả giá cho sai lầm là điều khó có thể tránh khỏi. Thiếu sự điều phối cũng là rào cản đối với sáng tạo. Ngoài ra, hiểu đúng khách hàng cũng là một thách thức nữa đối với nền kinh tế sáng tạo. Dù thế nào, khi đã nhận biết được rào cản, người ta cũng đồng thời tìm được phương thức vượt chướng ngại vật để tiến tới sự thăng hoa sáng tạo, trừ khi mắc bệnh lười tư duy và chỉ thích ngồi yên tại chỗ…