Sài Gòn những ngày cuối cùng và nhân tố Trung Cộng
Trong chương 24 “I will draw out my sword”, phần “The final actor: China” (từ trang 553), tác giả George J. Veith đã thuật một số chi tiết về sự can dự của Trung Cộng vào chính trường Nam Việt Nam vào những ngày cuối cùng của nền Đệ nhị Cộng Hòa, trong đó có cả việc Trung Cộng móc nối ông Nguyễn Cao Kỳ. Dưới đây là phần lược dẫn từ những gì được kể trong quyển Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams (phát hành ngày 23-3-2021) của George J. Veith…
“Hai sư đoàn Dù của Trung Cộng sẽ được thả xuống Biên Hòa”
Tiết lộ sau đây được đúc kết từ hơn một thập niên phỏng vấn và trao đổi email với ông Nguyễn Xuân Phong cho đến khi ông qua đời vào tháng 7-2017 (ông Nguyễn Xuân Phong là Quốc vụ khanh, Trưởng phái đoàn hòa đàm VNCH tại Paris – ghi chú của người dịch). Trong hơn ba mươi năm, ông Phong không kể cho ai về sứ mệnh bí mật cuối cùng của mình nhằm có thể cứu vãn tình hình miền Nam. Ông cho biết, hồi ở tù cộng sản (sau 1975), “Tôi đã bị thẩm vấn trong hai năm với câu hỏi rằng chuyện gì xảy ra giữa Nam Việt Nam với Trung Quốc nhưng tôi tuyệt đối không nói” (Phong interview, November 30, 2006 – ghi chú của George J. Veith). Một lần, ông bị tra tấn dã man đến mức gãy hai xương sườn bởi sự ngoan cố không hé môi.
Khi bay trở về Sài Gòn (vào những ngày chiến cuộc nóng bỏng 1975), ông Phong nỗ lực ngăn chặn một “cuộc giao tranh chiếm Sài Gòn”. Đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) bắn tin cho ông, cũng như cho người Pháp và “những người khác”, rằng nếu ông Dương Văn Minh không được đưa lên nắm quyền vào trước ngày 26 tháng 4, Việt Cộng sẽ san bằng Sài Gòn bằng 20.000 quả pháo. Khi ông Phong về đến Sài Gòn, ông lập tức đến gặp Tổng thống Trần Văn Hương.
Vài ngày sau, ông Phong gặp ông Trần Văn Đôn và một đại diện Chính quyền cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (CMLTMNVN) để bàn về giải pháp liên minh. Đại diện ông Dương Văn Minh là Trần Ngọc Liễng (sau 1975, ông Liễng là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chết ngày 10-9-2011 – ghi chú của người dịch). Trong cuộc gặp, ông Phong nói khéo với đại diện CMLTMNVN rằng Pháp và các nước khác sẽ giúp đỡ chính phủ mới. Tuy nhiên, ông vẫn không nói ra thông điệp mà Trung Cộng muốn chuyển đến Sài Gòn. Thông điệp gì?
Kịch bản như sau (theo lời kể của ông Phong với George J. Veith). Trung Quốc muốn CMLTMNVN nắm quyền thông qua công thức của Pháp để ngăn chặn sự tiếp quản của cộng sản Bắc Việt. Rồi sau khi một liên minh giữa chính quyền VNCH và CMLTMNVN được thành lập, Tổng thống Minh sẽ thỉnh cầu giúp đỡ; Pháp hồi đáp bằng cách đưa một lực lượng quốc tế vào Nam Việt Nam với danh nghĩa bảo vệ chính phủ mới. Trong cái gọi là “lực lượng quốc tế” này, có nhóm “cơ bắp”, như cách nói của ông Phong, tức “hai sư đoàn Nhảy Dù của Trung Cộng được thả xuống Biên Hòa”.
Bắc Kinh cho biết họ cần bốn ngày để điều quân và đưa đến căn cứ không quân. Ông Phong giải thích suy nghĩ của họ: Bắc Kinh không thể trực tiếp tiến hành và muốn tạo cảm giác để mọi người thấy rằng họ để người Pháp can dự. Vì yếu tố chính trị quốc tế nên Bắc Kinh không ngang nhiên can thiệp quân sự vào Nam Việt Nam. Phần mình, Pháp cần kêu gọi một số quốc gia tham gia “lực lượng quốc tế” (với Pháp đứng đầu) nhằm có cớ để kéo Trung Cộng vào. Một số vấn đề mà Bắc Kinh đối diện thời điểm đó là số quân được đưa vào là bao nhiêu, và họ ở lại miền Nam Việt Nam bao lâu để kiềm chế và trấn áp quân Bắc Việt? Trung Cộng hứa họ sẽ ở lại chừng nào tình hình còn cần thiết nhưng từ ba đến sáu tháng là tối đa… vì họ không muốn bị buộc tội xâm chiếm miền Nam Việt Nam.
Tại sao Trung Cộng muốn cản trở Bắc Việt, đặc biệt sau nhiều năm hỗ trợ Hà Nội? George J. Veith viết rằng, Trung Quốc chỉ muốn có một miền Nam Việt Nam trung lập để tránh bị bao vây bởi một hiệp ước giữa Moscow và Hà Nội rất có khả năng xảy ra. Một nhà sử học khẳng định rằng “có một sự đồng thuận về nhận định của giới nghiên cứu là vào năm 1973, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lo ngại việc Hà Nội nghiêng về Moscow” (Kosal Path, “The Sino-Vietnamese Dispute over Territorial Claims, 1974–1978: Vietnamese Nationalism and its Consequences” – ghi chú của George J. Veith). Khi quan hệ giữa hai cường quốc Cộng sản (Trung Quốc và Liên Xô) trở nên tồi tệ từ đầu những năm 1960, Trung Quốc bắt đầu lo sợ sự can thiệp quân sự của Liên Xô, như cách họ xâm lược Tiệp Khắc năm 1968. Học thuyết Brezhnev thậm chí tuyên bố rằng Moscow có quyền lật đổ bất kỳ chính phủ Cộng sản nào tách khỏi quỹ đạo của họ. Tháng 3-1969, loạt giao tranh vũ trang đã nổ ra dọc biên giới Liên Xô và Trung Quốc; rồi tháng 5, Liên Xô đã thuyết phục Ấn Độ và Triều Tiên tham gia liên minh chống Bắc Kinh.
Trung Cộng tiếp xúc ông Nguyễn Cao Kỳ?
Theo ông Phong, cuộc gặp giữa ông với phái viên của Chu Ân Lai vào tháng 12-1970 là ván bài mở đầu của Bắc Kinh trong chiến dịch hậu trường ngăn cản một nước Việt Nam thống nhất. Không ai bị sốc hơn, khi biết về sự thay đổi này trong chính sách Trung Quốc, bằng đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Alexander Haig. Gặp Chu Ân Lai năm 1972 với tư cách thành viên đoàn tiền trạm cho chuyến thăm của Nixon, Haig đã sửng sốt khi nghe Chu nói: “Các ông (Mỹ) đừng thua ở Việt Nam”! Báo cáo của Haig cho biết, Chu “xem việc Mỹ thất bại và rút quân khỏi Đông Nam Á là… nguy hiểm đối với Trung Quốc”…
Nayan Chanda, phóng viên nổi tiếng của tờ Far Eastern Economic Review, cũng từng đề cập về nỗi sợ của Trung Quốc trước viễn cảnh một Việt Nam thống nhất. Chanda viết rằng Bắc Kinh đã “nhất quán tuân thủ chính sách duy trì bằng mọi giá một Đông Dương bị chia cắt không có sự có mặt các cường quốc. Để làm được điều đó, họ áp dụng chính sách “ngoại giao thầm lặng”, tạo ảnh hưởng kinh tế, và tất nhiên, sử dụng sức mạnh quân sự”. Chanda cho biết thêm, tháng 4-1975, Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội không nên thực hiện chiến dịch tổng tiến công vào Sài Gòn. Philippe Richer, từng là đại sứ Pháp tại Hà Nội giai đoạn 1973-1975, xác nhận rằng vào ngày 20-4-1975, chín ngày trước khi chiếm được Sài Gòn, Bắc Kinh đã thực sự cảnh báo Hà Nội về mối nguy hiểm của việc “vươn chổi quá xa”, cách nói của Mao vào năm 1972. Và Trung Cộng cũng được cho là đã tiếp cận ông Nguyễn Cao Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn với William Buckley trên Firing Line vào tháng 9-1975, cựu Phó Tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ nói rằng, khoảng cuối năm 1972, đại diện Trung Cộng đã đến tận nhà ông ở Sài Gòn. Ông Kỳ cho biết, họ yêu cầu ông lật đổ ông Thiệu và “tuyên bố miền Nam Việt Nam trung lập, không đứng về Nga hay Mỹ”. Nếu ông Kỳ chấp nhận làm điều đó, “người Trung Quốc sẽ ủng hộ ông, vì chúng tôi vốn đã gặp khó khăn ở biên giới phía Bắc với người Nga. Chúng tôi không muốn thấy sườn phía Nam của chúng tôi bị một vệ tinh của Nga trấn ngữ” (“Why We Lost the War in South Vietnam,” transcript of PBS Firing Line, October 4, 1975 – chú thích của George J. Veith).
Ông Kỳ cũng lặp lại câu chuyện này trong một phát biểu vào tháng 12-1975 tại Mỹ, kể rằng “một nhóm đặc vụ Trung Quốc đã đến nhà ông ấy…, đề xuất một vụ đảo chính lật đổ ông Thiệu được Trung Cộng hậu thuẫn” (China Proposed Coup, Said Ky,” Baltimore Sun, December 6, 1975 – chú thích của George J. Veith). Tuy nhiên, tại sao ông Kỳ không bao giờ đề cập vụ này trong hai cuốn sách của ông cũng là điều cần đáng chú ý. George J. Veith thuật thêm, sau khi chiếm Hoàng Sa vào tháng 1-1974, Trung Cộng cũng cố móc liên lạc với ông Thiệu. Khi trao trả tự do cho những người lính VNCH bị bắt trong vụ Hoàng Sa qua ngã Hong Kong, Trung Cộng đã yêu cầu tổng lãnh sự VNCH chuyển một thông điệp cho Tổng thống Thiệu với yêu cầu tổ chức cuộc gặp bí mật.
Việc Trung Cộng ráo riết muốn nhảy vào chính trường miền Nam nhằm ngăn ý muốn thống nhất Việt Nam của cộng sản Bắc Việt còn được thực hiện ở London. Hè 1974, Trung Cộng cho người tiếp cận Đại sứ quán VNCH ở London (Nguyen Tien Hung, Palace File – chú thích của George J. Veith). Trong khi đó, tại Hong Kong, Bắc Kinh muốn thông qua kênh Jim Eckes, một bạn thân của ông Phong, thời điểm đó là giám đốc một hãng hàng không ở Sài Gòn. Gia đình Eckes sống ở Hong Kong và đương sự đi đi về về giữa Hong Kong và thủ đô Nam Việt Nam. Tổng lãnh sự VNCH đã nhờ Eckes chuyển thông điệp Trung Cộng cho Tổng thống Thiệu nhưng Eckes lại đưa cho Đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam Graham Martin; và “thông điệp” – Eckes cho biết – cuối cùng “đã ‘chết’ trong tay Martin” (Interview with Jim Eckes, October 11, 2007 – chú thích George J. Veith).
Tướng Pháp Paul Vanuxem trong Dinh Độc lập ngày 30-4: Còn nước còn tát!
Nhân vật đại diện Paris trong vụ Pháp muốn cùng Trung Cộng nhảy vào miền Nam là tướng hưu Paul Vanuxem, người từng biết ông Thiệu cũng như nhiều tướng tá VNCH từ thời cuộc chiến Đông Dương. Vanuxem đã gặp ông Thiệu nhiều lần và trở lại Nam Việt Nam vào những ngày cuối cùng với tư cách phóng viên tuần báo Pháp Carrefour. Năm 1976, Vanuxem đã ấn hành tập sách mỏng kể chi tiết những ngày cuối cùng của Sài Gòn, cho biết rằng mình có mặt trong Dinh Độc lập ngày 30-4 cùng Tổng thống Minh cũng như một số nhân vật trọng yếu (trong đó có Thủ tướng Vũ Văn Mẫu-Thủ tướng; Thái Lăng Nghiêm-Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng; dân biểu Lý Quí Chung-Bộ Trưởng Thông Tin; chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh-quyền Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH… – chú thích thêm của người dịch).
Năm 1982, Nguyễn Hữu Hạnh đã nhắc lại về sự kiện này trong cuộc phỏng vấn được phát trong Vietnam: A Television History của Đài PBS. Ông Hạnh kể rằng, điều đầu tiên mà Vanuxem nói trong cuộc gặp những nhân vật cao cấp nhất của VNCH ngày 30-4 tại Dinh Độc lập là cho biết mình vừa đến từ Paris, rằng trước đó, ông đã gặp một số người quan trọng trong đó có các viên chức Đại sứ quán Trung Cộng. Tiếp đó, Vanuxem yêu cầu Tổng thống Minh tuyên bố “nghỉ chơi” với Mỹ để “đón chào” Trung Cộng; và chỉ như vậy thì Bắc Kinh mới có thể ép Hà Nội ngừng bắn. Vanuxem cũng đề nghị Tổng thống Minh câu giờ (việc tuyên bố đầu hàng) thêm 24 tiếng nhưng ông Minh từ chối. Cần nhắc lại, thời điểm Vanuxem đến Dinh Độc lập là lúc ông Minh vừa ghi âm xong bản tuyên bố đầu hàng.
Khi ông Minh nói tình hình chẳng còn gì để níu kéo, Vanuxem trả lời: “Không đến mức tuyệt vọng. Tôi đã dàn xếp chuyện này ở Paris. Tôi chỉ muốn ông công khai lên tiếng việc cần Trung Quốc bảo vệ ông”… Vanuxem đồng thời cũng nói với những người có mặt trong Dinh Độc lập lúc ấy: “Các ông phải rút xuống Cần Thơ và bảo vệ Quân đoàn IV chiến thuật. Vài ngày nữa, Trung Quốc sẽ đưa ra giải pháp trung lập cho Nam Việt Nam”. Ông Minh trả lời: “Chúng tôi vừa yêu cầu người Mỹ rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ tới. Chúng tôi không thể yêu cầu Trung Cộng can thiệp tình hình nội bộ Việt Nam” (Letter from Trinh Ba Loc, March 22, 2013 – chú thích của George J. Veith).
Cộng sản Bắc Việt không hoàn toàn mù tịt về vụ này. Tướng Bắc Việt, Văn Tiến Dũng, viết: “Vanuxem đã vội vã đến Sài Gòn từ Pháp”; vào ngày 30-4, “ông ta (Vanuxem) đã cố ngăn việc phát đoạn băng (tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Minh) và đưa ra một kế hoạch nhằm ngăn chặn cuộc tổng tiến công của chúng ta vào Sài Gòn” (Van Tien Dung, Our Great Spring Victory: An Account of the Liberation of South Vietnam, translated by John Spragens, Jr – chú thích của George J. Veith).
*****
Bất luận thế nào, tác giả George J. Veith cũng thận trọng viết thêm rằng, những gì ông Nguyễn Xuân Phong thuật lại, liên quan Trung Cộng, là điều chưa thể kết luận rằng có chính xác tuyệt đối hay không, dù rằng việc tạo ra một chính phủ liên hợp (VNCH và CMLTMNVN) để loại ông Thiệu chắc chắn là âm mưu của Hà Nội và điều này hoàn toàn có cơ sở để tin. Cá nhân ông Hoàng Đức Nhã cũng nghĩ như vậy. Cho đến nay, Hà Nội có vẻ tin vào những gì Vanuxem kể, nhưng với giới nghiên cứu, người ta chưa tìm thấy tài liệu khả tín được công bố một cách chính thức bởi chính quyền Paris hoặc Bắc Kinh. Dĩ nhiên việc chờ Bắc Kinh tiết lộ những bí mật hậu trường chính trị quốc tế là điều không gì có thể hoang đường hơn.
Có một điều chắc chắn rằng, ý tưởng hất Mỹ để nhảy vào Việt Nam là điều mà Pháp luôn thèm khát và họ đã thực hiện điều đó từ thời ông Ngô Đình Diệm, lúc Charles De Gaulle còn ngồi ghế tổng thống – như được thuật trong quyển Death Of A Generation – How The Assassinations Of Diem And JFK Prolonged The Vietnam War của tác giả Howard Jones (giáo sư sử Đại học Alabama). Trong quyển này, Howard Jones cũng nhắc lại việc Pháp muốn dựng một miền Nam Việt Nam trung lập…