Ronald Reagan và ngày rời Tòa Bạch Ốc
Những ngày này, người ta thường nhớ lại và nhắc nhau về những giá trị truyền thống của Mỹ, những giá trị định hình nước Mỹ, những giá trị đã mang lại không chỉ sự thịnh vượng mà còn đưa nước Mỹ trở thành ngọn hải đăng cho các khái niệm Dân chủ và Tự do. Một trong những người đang được nhắc lại là Tổng thống Ronald Reagan.
Ronald Wilson Reagan sinh ngày 6 tháng 2 năm 1911 tại thành phố Tampico, bang Illinois, là con trai của ông John Edward “Jack” Reagan và bà Nellie Wilson Reagan. Suốt những năm tháng thơ ấu, ông theo cha mẹ chuyển đến nhiều thành phố của Mỹ và cuối cùng định cư ở thành phố Dixon, bang Illinois vào năm 1920, nơi cha ông mở một tiệm bán giày. Năm 1928, ông tốt nghiệp trường trung học Dixon, có thân thể cường tráng và giỏi nhiều môn thể thao nên nhận được một học bổng dành cho học sinh có phẩm chất của một lực sĩ để vào học kinh tế học và xã hội học ở Eureka College tại Illinois. Khi theo học ở đại học này, ông chơi bóng bầu dục, làm thủ quân đội bơi lội, làm chủ tịch Hội Sinh viên và đóng trong một vài bộ phim do trường đại học thực hiện.
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1932, ông làm xướng ngôn viên chương trình thể thao trên đài truyền hình tại Iowa. Năm 1937, ông ký một hợp đồng bảy năm với hãng phim Warner Bros và suốt ba thập niên sau đó đã góp mặt trong 50 bộ phim. Năm 1940, ông cưới nữ diễn viên Jane Wyman, có với nàng một cô con gái tên Maureen và nhận nuôi một đứa con trai tên Michael, nhưng vợ chồng ông ly dị vào năm 1948. Trong Thế chiến thứ hai, ông được miễn tác chiến ngoài chiến trường vì thị lực kém, chỉ tham gia thực hiện những phim huấn luyện quân đội rồi giải ngũ với cấp bực đại úy.
Từ năm 1947 tới năm 1952, ông làm chủ tịch Hiệp hội Diễn viên điện ảnh và thời gian này, ông đã gặp Nancy Davis, một nữ diễn viên đã nhờ ông giúp đỡ vì chẳng may bị nêu tên trong danh sách đen của những diễn viên Hollywood có cảm tình với Cộng sản. Hai người bị cuốn hút vào nhau thật mãnh liệt, nhưng Reagan không còn muốn kết hôn nữa sau lần ly dị đầy đau đớn với Wyman. Tuy nhiên, cuối cùng ông thấy mình không thể sống thiếu Nancy Davis nên đã kết hôn với nàng vào năm 1952.
Reagan có bước đi đầu tiên, xuất hiện trên sân khấu chính trị vào năm 1964 khi thực hiện buổi trực tiếp truyền hình bài phát biểu của ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Barry Goldwater. Hai năm sau, khi tranh cử thống đốc bang California, ông đã đánh bại ứng cử viên Edmund “Pat” Brown Sr. của đảng Dân chủ, vượt xa ông này hơn một triệu phiếu. Trong hai kỳ bầu cử tổng thống năm 1968 và năm 1976, ông không thành công trong việc vận động để được đảng Cộng hòa chọn làm ứng cử viên tổng thống, nhưng đến năm 1980, ông được chọn làm ứng cử viên và đánh bại Tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter của đảng Dân chủ, giành được 489 phiếu đại cử tri (trong khi Jimmy Carter chỉ được có 49 phiếu), cùng hơn 51% phiếu bầu phổ thông. Vào thời kỳ ấy, ở tuổi 69, Reagan là vị tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ bước vào Nhà trắng. Trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20 tháng 1 năm 1981, ông nói: “Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Chính phủ không là giải pháp cho những vấn đề của chúng ta; chính phủ chính là vấn đề”. Ông kêu gọi người Mỹ mở ra một thời kỳ đổi mới quốc gia và hy vọng nước Mỹ sẽ lại trở thành “biểu tượng của niềm hy vọng cho những người không có được tự do”.
Đến tháng 11 năm 1984, ông lại chiến thắng vang dội khi tranh cử với ứng cử viên Walter Mondale của đảng Dân chủ, giành chiến thắng ở 49 bang, ôm hết 525 phiếu đại cử tri trong tổng số 538 phiếu đại cử tri. Trong nhiệm kỳ thứ hai này, ông ký kết với Tổng bí thư Mikhail Gorbachev của Liên Xô một hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 1987; và cũng trong năm ấy, khi phát biểu bên Bức tường Berlin ở Tây Đức, ông đã thách thức Gorbachev phá bỏ bức tường được coi như biểu tượng của chủ nghĩa Cộng sản. Hơn hai năm sau, Gorbachev đã cho phép người dân Đông Đức phá bỏ Bức tường Berlin, chấm dứt vĩnh viễn sự thống trị của Liên Xô ở Đông Đức và kết thúc Chiến tranh Lạnh. Sau gần 10 năm cuối đời mắc bệnh Alzheimer, Reagan từ trần ngày 5 tháng 6 năm 2004 ở tuổi 93, được an táng ngay tại nơi đặt thư viện mang tên ông.
Trong chương kết của cuốn tự truyện “An American Life”, Ronald Reagan kể lại những khoảnh khắc thật đẹp khi ông rời Nhà trắng, kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống:
“Cánh cửa của chiếc trực thăng đóng lại và máy bay cất cánh. Không báo cho chúng tôi biết trước anh sẽ làm gì, anh phi công trực thăng bay vòng lại và bay quanh Tòa nhà Quốc hội. Bên dưới chúng tôi là quang cảnh đẹp mắt, từng là nơi chốn gần gũi với chúng tôi: Đài tưởng niệm Washington, Đài tưởng niệm Lincoln và Jefferson rồi đến những dòng người trong ngày nhậm chức của tân tổng thống và những đám đông ở khắp nơi trong ngày này.
Mọi sự đều cho thấy sự tuyệt vời của hệ thống chính quyền của chúng ta và sự nhẹ nhàng khi thực hiện một cách êm thắm việc chuyển giao quyền lực. Thế rồi anh phi công thu hẹp vòng bay và cho máy bay hạ độ cao. Chúng tôi bay vòng quanh Tòa Bạch Ốc. Bên dưới là những hàng hiên đầy cỏ xanh và những vòi nước. Tôi nói với Nancy: “Em xem kìa: có cả ngôi nhà nhỏ của chúng ta”. Tôi thấy thật khó diễn tả cảm xúc của mình. Tòa Bạch Ốc hoàn toàn khác với những ngày tôi nhìn nó với ánh mắt ngỡ ngàng. Giờ đây, tôi nhìn lại nơi đã từng là ngôi nhà của chúng tôi suốt tám năm qua. Chúng tôi đã quen thuộc với mỗi căn phòng, mỗi hành lang và còn giữ được những kỷ niệm ấm áp về cuộc sống của chúng tôi trong ngôi nhà xinh đẹp có lịch sử lâu đời ấy.
Giờ đây, chúng tôi nói lời từ biệt. Chúng tôi ngoái nhìn lại Tòa Bạch Ốc cho tới khi nó hút khỏi tầm mắt. Khi trực thăng hạ cánh, tôi thấy một đội lính đông đảo và một đám đông dân chúng cùng với một ban quân nhạc đang chờ đón. Đó là giây phút từ biệt, tôi đi duyệt đội quân danh dự rồi bắt tay từng người. Ban quân nhạc trình tấu bài quốc ca và chúng tôi lên chiếc Air Force One chở tôi đi khắp nơi suốt tám năm… Rồi có tiếng gõ nhẹ trên cửa máy bay và tôi nhớ lại rằng mình đang đi chuyến cuối cùng trên Air Force One. Tất cả những người trên chuyên cơ tập hợp lại – các nhân viên Tòa Bạch Ốc, nhà báo và nhân viên đặc vụ S.S. – nói lời chia tay trước khi chúng tôi hạ cánh. Có những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm đẫm nước mắt và những bức ảnh được chụp. Cuối cùng, người ta đem champagne ra và mọi người giơ ly chúc mừng: “Chúc mừng ngài Tổng thống, nhiệm vụ đã hoàn thành”…
(An American Life, tr. 766, 768)
Nguồn: Facebook Huỳnh Duy Lộc