Nước Mỹ “quái đản”!
Chẳng có quốc gia nào “quái đản” bằng nước Mỹ, nơi những giá trị dân chủ, tự do và nhân bản tồn tại cùng lúc với mặt trái của chủ nghĩa vật chất, tiêu dùng và thậm chí suy đồi đạo đức. Tỷ lệ đầu sách về sống tốt và hướng thiện được in tại Mỹ có thể nói nhiều nhất thế giới, bên cạnh tỷ lệ phim ảnh và sách báo khiêu dâm hẳn cũng nhiều nhất thế giới. Để hiểu về nước Mỹ là điều không đơn giản, thậm chí đối với cả chính người Mỹ, dù nước Mỹ là quốc gia được viết nhiều nhất thế giới, bằng lòng yêu thích, bởi sự ganh tỵ và thậm chí có khi từ thái độ thù ghét…
Chuyện gì cũng có ở nước Mỹ, từ thái cực này đến thái cực khác, từ cực tốt đến cực tệ. Nước Mỹ có nhiều luật sư và hệ thống luật pháp chặt chẽ và nghiêm minh nhất nhì thế giới. Nước Mỹ cũng có nhiều người sử dụng súng nhất thế giới. Nước Mỹ có nhiều trường đại học tốt nhất thế giới và nước Mỹ cũng có môi trường cạnh tranh chà đạp nhau kinh khủng nhất thế giới. Nước Mỹ có chính sách an sinh xã hội tốt nhất nhì thế giới nhưng nước Mỹ cũng có tỷ lệ người vô gia cư nếu không thuộc hàng “vô địch” thế giới thì cũng rất gần với “danh hiệu quán quân”.
Nước Mỹ có hệ thống chính trị phức tạp nhất thế giới. Và trong khi được chính không ít người Mỹ đánh giá rằng hệ thống chính trị của họ là “bẩn thỉu” nhất thế giới thì nước Mỹ cũng cùng lúc được nhìn nhận là có nền dân chủ minh bạch nhất nhì thế giới. Gần như chẳng có gì mà công chúng không biết, một phần nhờ hệ thống báo chí mạnh nhất thế giới của họ. Người Mỹ chưa bao giờ ngưng tranh luận từ thập niên này sang thập niên sau về “sự rạn nứt” và “phân cắt” của nước Mỹ mà họ “chưa bao giờ chứng kiến như thế này”. Tuy nhiên, một nước Mỹ luôn than phiền về “divided” cũng là một nước Mỹ gần như chưa bao giờ không “united”.
Để hiểu nước Mỹ là điều chưa bao giờ dễ dàng. Để hiểu nước Mỹ chỉ bằng vài sự kiện là điều rất không chính xác. Đi từ bang này đến bang kia, kể cả hai bang tiếp giáp, đã có cảm giác như đi sang một quốc gia khác. Cách nhau chỉ bốn tiếng đi xe, New York và Washington DC đã trông như hai “lãnh thổ” khác nhau, từ kiến trúc đến văn hóa sinh hoạt. Chỉ riêng cái gọi là “quận Cam” (Orange County), những tưởng nhỏ bằng cái lỗ mũi, địa danh này có đến 34 thành phố. Với dân số chỉ hơn 3,1 triệu, GDP của “quận Cam” đã là 230 tỷ USD, chỉ kém GDP Việt Nam chừng 15 tỷ USD. Sự khác biệt, từ kiến trúc đến cộng đồng cư dân, giữa Westminster (nơi tập trung đông cộng đồng người Việt) và Huntington Beach, đã là một trời một vực. Hai thành phố này, đều thuộc “quận Cam”, chỉ cách nhau vỏn vẹn 10 phút đi xe, còn ngắn hơn thời gian đi từ Bình Thạnh lên quận 1 Sài Gòn.
“Quận Cam” mới chỉ là “cái lỗ mũi” của California, tiểu bang có diện tích lớn hơn Việt Nam. Nói như vậy để thấy nước Mỹ rất lớn, về diện tích lẫn không gian văn hóa. Nó lớn đến mức những gì xảy ra “ở Mỹ” đáng lý cần phải hiểu chỉ xảy ra tại một địa phương nhỏ bé nào đó ở Mỹ. Nó lớn đến mức sự hiểu biết ngay cả đối với người Mỹ về đất nước họ có khi chỉ là sự hiểu biết giới hạn trong phạm vi địa lý mà họ sống hoặc trong phạm vi vùng miền mà họ có trải qua chút kinh nghiệm. Nói như thế để thấy, muốn kết luận một cách khẳng định rằng nước Mỹ “bát nháo” hay “trật tự” không thể chỉ căn cứ vào một hình ảnh hoặc một sự kiện.
Trong thực tế, trong suốt chiều dài lịch sử, nước Mỹ gần như chưa bao giờ ngưng “hỗn loạn”. Nếu sống ở thời mà người da màu còn chưa được phép đi cùng xe bus với người da trắng, bạn có thể đặt câu hỏi rằng “nước Mỹ này rồi sẽ có tương lai như thế nào?”. Nếu trải qua những năm tháng nước Mỹ sống với không khí phản chiến thời chiến tranh Việt Nam, bạn có thể đặt câu hỏi “thế hệ trẻ nước Mỹ sẽ ra sao đây?”. Mỹ chưa bao giờ là một quốc gia thật sự bình yên. Nước Mỹ thậm chí nhiều lần mang đến cảm giác rằng họ sắp sụp đổ.
Tôi đã viết về nước Mỹ, đủ đề tài, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, trong 25 năm. Trong số hơn 5.400 bài viết lưu trong máy được đánh số và phân loại hạng mục (bài đang viết này có số thứ tự 5.463), khoảng phân nửa trong số đó là về Mỹ. Nói như vậy không phải để “khoe” mà là để thấy, tôi có cơ hội đọc lại những gì từng viết về nước Mỹ, dựa vào nguồn báo và sách vở của giới nghiên cứu Mỹ. Nó giúp cho tôi nhận ra rằng tôi vẫn chưa hiểu nhiều về nước Mỹ.
Đơn giản, vì nước Mỹ luôn thay đổi. Nước Mỹ chưa bao giờ “dừng lại” để có thể được quan sát và miêu tả chính xác chân dung của nó. Người Mỹ luôn sống với hết bi kịch này đến bi kịch khác, từ bi kịch quốc gia đến bi kịch cá nhân. Dường như thế hệ người Mỹ nào cũng chứng kiến bi kịch nào đó xảy ra trên đất nước họ. Tuy nhiên, bi kịch luôn làm người Mỹ bật dậy để học. Chính sự “hỗn loạn” và “bát nháo” của hệ thống chính trị Mỹ nói riêng và xã hội Mỹ nói chung, được các nước độc tài đảng trị như Trung Quốc cho là “mặt trái của nền dân chủ Mỹ”, đã liên tục tạo ra những hệ giá trị mới xây dựng nên trật tự mới. Rồi trật tự mới lại được phá vỡ để thay bằng các giá trị khác, sao cho nước Mỹ, dù “divided”, nhưng cuối cùng, vẫn “united”.
Nói cách khác, ít có quốc gia nào luôn sống với sự tiến hóa liên tục, với lý thuyết thải loại khắc nghiệt, bằng Mỹ. Nếu không có sự đối kháng dữ dội trong chính trị lẫn mọi mặt xã hội, nước Mỹ hẳn đã không thể là một đất nước có sức ảnh hưởng như đang thấy, để khiến người ta lại thấy nó “cực kỳ quái đản”, với sự tương phản đối nghịch như trắng và đen, như âm với dương, giữa cái xấu không thể nào có thể hình dung và những giá trị nhân bản mà không phải quốc gia nào cũng có thể kiến tạo và gìn giữ được.