Sự thăng tiến nhanh như chớp và có vẻ bất khả chiến bại về chính trị của Donald Trump, ngay cả khi Trump đã thất cử trong chiến dịch tái tranh cử 2020, khiến nhiều chuyên gia bối rối và tự hỏi, “Vì sao chúng ta lại rơi vào hoàn cảnh này?”. Bất kỳ câu trả lời chính xác và đầy đủ nào cho câu hỏi đó không chỉ phải tập trung vào bản thân Trump mà còn vào những người ủng hộ trung thành hiếm thấy của ông ta. Trước sự tận tâm tột độ và sự ngưỡng mộ không ngừng của họ đối với một nhà lãnh đạo rất khó đoán và dễ bị kích động, vài nhà nghiên cứu đã sử dụng tâm lý học để giải thích hiện tượng này một cách khoa học dựa trên những dữ liệu định lượng chính xác và các khung lý thuyết đã được thiết lập.

Mặc dù những phân tích và nghiên cứu của các nhà tâm lý học và nhà khoa học thần kinh đã đưa ra nhiều lời giải thích kích thích tư duy cho sự ủng hộ lâu dài của ông, nhưng lời kể của các chuyên gia khác nhau thường rất khác nhau, đôi khi trùng lặp và những lần khác lại mâu thuẫn. Tuy nhiên, những nhận định này có thể sâu sắc hơn, rõ ràng là cần phải nghiên cứu và kiểm tra thêm để trau dồi các yếu tố tâm lý và xã hội chính xác làm nền tảng cho hành vi đặc biệt này của con người. Trong một bài đánh giá được công bố trên tạp chí Journal of Social and Political Psychology, nhà tâm lý học và giáo sư Đại học UC Santa Cruz Thomas Pettigrew lập luận rằng năm hiện tượng tâm lý chính có thể giúp giải thích sự kiện chính trị đặc biệt này.

Getty Images

1/ Chủ nghĩa độc tài

Chủ nghĩa độc tài đề cập đến việc ủng hộ hoặc phục tùng nghiêm ngặt đối với người nắm quyền lực, hy sinh quyền tự do cá nhân và thường không quan tâm đến ý kiến ​​hoặc nhu cầu người khác. Hội chứng nhân cách độc đoán – một tình trạng được nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến trên toàn cầu – là một trạng thái tâm trí được đặc trưng bởi niềm tin vào sự tuân thủ tuyệt đối và hoàn toàn đối với thẩm quyền của một cá nhân. Những người mắc hội chứng này thường thể hiện sự hung hăng đối với các thành viên ngoài nhóm, phục tùng quyền lực, phản kháng với những trải nghiệm mới và rất cứng nhắc về cấp bậc ai trong xã hội. Hội chứng này thường được kích hoạt bởi sự sợ hãi, nên các nhà lãnh đạo có xu hướng phóng đại mối đe dọa hoặc sợ hãi để có được lòng trung thành của họ. 

Mặc dù tính cách độc đoán được tìm thấy cả ở những người theo chủ nghĩa tự do, nó phổ biến hơn ở những người cánh hữu trên khắp thế giới. Các bài phát biểu của Tổng thống Trump, bao gồm những thuật ngữ áp đặt độc đoán như “kẻ thua cuộc” và “thảm họa hoàn toàn”, tự nhiên hấp dẫn những người thích chủ nghĩa độc tài. Dù trước khi Trump nổi lên trên chính trường, nghiên cứu cho thấy các cử tri Đảng Cộng hòa ở Mỹ đạt điểm cao hơn Đảng Dân chủ về các biện pháp chống lại chủ nghĩa độc tài, một cuộc khảo sát của báo Politico năm 2016 cho thấy những người mang tính chuyên chế cao rất ủng hộ ứng cử viên Trump, dẫn đến dự đoán chính xác rằng ông sẽ giành chiến thắng cuộc bầu cử (2016), bất chấp kết quả các cuộc thăm dò khác.

2/ Định hướng thống trị xã hội

Định hướng thống trị xã hội (social dominance orientation-SDO), mặc dù khác biệt nhưng có liên quan đến hội chứng nhân cách độc đoán, đề cập đến những người có sở thích đối với hệ thống phân cấp xã hội của các nhóm, cụ thể là với cấu trúc trong đó các nhóm có địa vị cao chiếm ưu thế hơn những nhóm có địa vị thấp. Những người có tính SDO thường thích thống trị, có đầu óc cứng rắn và bị điều khiển bởi tư lợi. Trong các bài phát biểu của Trump, ông thu hút những người có SDO bằng cách liên tục phân biệt rõ ràng giữa các nhóm có địa vị cao hơn trong xã hội (da trắng) và những nhóm thường được cho là thuộc về địa vị thấp hơn (người nhập cư và thiểu số). Một khảo sát năm 2016 trên 406 người Mỹ trưởng thành được công bố trên tạp chí Personality and Individual Differences cho thấy những người đạt điểm cao về cả SDO và chủ nghĩa độc đoán là những người có ý định bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử.

Getty Images

3/ Định kiến

Sẽ là hoàn toàn không công bằng và không chính xác nếu nói rằng tất cả những người ủng hộ Trump đều có thành kiến ​​về sắc tộc và tôn giáo, nhưng cũng không chính xác nếu nói rằng họ không phải. Một thực tế rõ ràng là đảng Cộng hòa, ít nhất là từ thời “chiến lược phía Nam” (“southern strategy”) của Richard Nixon, đã sử dụng các chiến lược thu hút sự mù quáng, chẳng hạn bằng cách phát biểu với “tiếng sáo gọi chó” (“dog whistles”) thuật từ do những người phân biệt chủng tộc đặt ra để thể hiện thành kiến ​​đối với những người yếu thế. 

Trong khi “tiếng sáo gọi chó” trước đây tinh tế hơn, cách của Trump đôi khi trực tiếp gây sốc. Không thể phủ nhận rằng ông ta thường lôi cuốn những người ủng hộ cố chấp khi ông ta gọi những người Hồi giáo là “nguy hiểm” và những người nhập cư Mexico là “những kẻ hiếp dâm” và “những kẻ giết người”, với một cách thức như chụp mũ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sự ủng hộ dành cho Trump có tương quan với thang điểm tiêu chuẩn của phân biệt chủng tộc hiện đại.

4/ Liên hệ giữa các nhóm

Liên hệ giữa các nhóm là sự liên hệ với các thành viên của các nhóm bên ngoài nhóm mình và điều này đã được thực nghiệm chứng minh là làm giảm thành kiến. Do đó, điều quan trọng cần lưu ý là ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người da trắng ủng hộ Trump tiếp xúc với người thiểu số ít hơn đáng kể so với những người Mỹ khác. Ví dụ: một nghiên cứu năm 2016 cho thấy “… sự cô lập về chủng tộc và sắc tộc của người da trắng ở cấp mã zip khu vực địa lý là một trong những yếu tố dự đoán mạnh nhất về sự ủng hộ của Trump”.  Mối tương quan này vẫn tồn tại trong khi kiểm soát hàng chục biến số khác. Đồng tình với phát hiện này, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng sự ủng hộ dành cho Trump tăng lên theo khoảng cách vật lý của cử tri đối với biên giới Mexico.

5/ Thiếu thốn tương đối

Thiếu thốn tương đối đề cập đến trải nghiệm bị tước đoạt thứ gì đó mà người ta tin rằng họ được hưởng. Đó là cảm giác bất bình khi một người so sánh vị trí của họ trong cuộc sống với những người khác, những người mà họ cảm thấy ngang bằng hoặc kém hơn nhưng lại thành công hơn họ một cách bất công. Những cử tri không mù quáng thường đưa ra lý do ủng hộ Trump là vì kinh tế. Không nghi ngờ gì khi một số người ủng hộ Trump chỉ đơn giản tức giận vì người Mỹ bị mất việc làm vào tay Mexico và Trung Quốc, điều này chắc chắn có thể hiểu được, mặc dù những người trung thành này thường phớt lờ thực tế rằng một số công việc có thể bị mất do tốc độ tự động hóa ngày càng nhanh.

Những người ủng hộ Trump đang trải qua tình trạng thiếu thốn tương đối, và phổ biến ở các bang chiến trường như Ohio, Michigan và Pennsylvania. Loại thiếu thốn này được gọi cụ thể là “tương đối”, trái ngược với “tuyệt đối”, bởi vì cảm giác này thường dựa trên nhận thức lệch lạc về những gì một người được hưởng.  Ví dụ, một phân tích do FiveThirtyEight thực hiện ước tính rằng thu nhập trung bình hàng năm của những người ủng hộ Trump là 72.000 USD. Nếu dữ liệu như vậy là chính xác, sự miêu tả về hầu hết những người ủng hộ Trump như những công dân thuộc tầng lớp lao động muốn nổi dậy chống lại giới tinh hoa của Đảng Cộng hòa có thể không hoàn toàn chính xác.

Nguồn: An Analysis of Trump Supporters Has Identified 5 Key Traits