Max Boot và “The road not taken”…
Những ai theo dõi lịch sử cuộc chiến Việt Nam hẳn không xa lạ với tên tuổi Edward Lansdale, một “kingmaker”, người có vai trò rất lớn trong việc tạo nên quyền lực cho Tổng thống Đệ nhất VNCH Ngô Đình Diệm. Nhân dịp cận kề sự kiện đảo chính ông Diệm, thử đọc lại quyển sách mới viết về Edward Lansdale của tác giả Max A. Boot…
Max A. Boot là người Nga gốc Do Thái sinh ngày 12-9-1969 tại Moscow, theo cha mẹ di cư sang Mỹ vào năm 1976. Anh theo học cử nhân khoa Sử ở Đại học Berkeley, California rồi học cao học Lịch sử bang giao quốc tế ở Đại học Yale. Anh bắt đầu nghề báo khi viết cho tờ The Daily Californian, rồi về sau viết cho The Weekly Standard, Los Angeles Times, The Wall Street Journal, The Washington Post và The New York Times. Anh là nhà sử học, nhà phân tích chính sách đối ngoại được Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế coi là “chuyên gia hàng đầu về các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới”. Anh giữ ghế giảng viên Jeane J. Kirkpatrick Senior Fellow về nghiên cứu an ninh quốc gia ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (Council on Foreign Relations).
Cuốn tiểu sử đại tá Edward Lansdale của Max Boot với nhan đề “The road not taken: Edward Lansdale and the American tragedy in Vietnam” xuất bản tháng 1-2018 nhanh chóng trở thành best-seller và được chọn vào chung kết Pulitzer năm 2019.
“The Road not Taken” viết về cố vấn Mỹ Edward Lansdale. Có mặt tại miền Nam từ giữa thập niên 1950 trong giai đoạn đầu của nền Đệ nhất Cộng hòa, ông Lansdale giữ một vai trò quan trọng, có tính cách quyết định đối với vận mệnh miền Nam Việt Nam. Với cấp bậc đại tá Không quân, ông Lansdale là Trưởng Phái bộ Quân sự đặc biệt của Mỹ (SMM) tại Sài Gòn. Không như đa số đồng nghiệp và đối thủ của ông sau này có trách nhiệm đề ra chính sách đối ngoại Mỹ, là những người thuộc thành phần ưu tú, hoặc thuộc các gia đình tài phiệt Phố Wall và theo học các trường danh giá nhất nước Mỹ, Edward Lansdale xuất thân từ một gia đình trung lưu – cha là giám đốc điều hành trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi. Sinh ngày 6-2-1908 tại thành phố Detroit, Lansdale theo học báo chí tại UCLA (University of California, Los Angeles) nhưng bỏ ngang và hoạt động trong ngành quảng cáo cho các khách hàng như Levi-Strauss và Ngân hàng Wells Fargo. Ông gia nhập quân đội sau trận Trân Châu Cảng, sau đó được Wild Bill Donovan, sáng lập viên của OSS, tiền thân CIA, tuyển vào tình báo quân sự.
Lansdale được điều sang Philippines để tìm cách phá vỡ một cuộc nổi dậy và chặn bước tiến của chủ nghĩa Cộng sản. Để đạt mục tiêu, ông giật dây một cuộc phản cách mạng, hoàn toàn bứng gốc các thành phần nổi dậy qua một chiến lược quân sự vững chắc, kết hợp với chiến dịch “tâm lý chiến” hữu hiệu. Trong vỏn vẹn ba năm, Lansdale thành công trong sứ mạng giúp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Ramon Magsaysay, bạn ông, trở thành nhà lãnh đạo được lòng dân, xứng đáng với ghế Tổng thống Philippines. Quan trọng không kém, ông tìm cách ảnh hưởng tới các quyết định ở Washington bằng cách thuyết phục các ký giả Mỹ viết những bài báo đại loại “Ramon Magsaysay: người bạn tốt nhất của chúng ta ở châu Á”.
Phái Lansdale sang Việt Nam vào năm 1954, Ngoại trưởng John Foster Dulles yêu cầu: “Hãy làm điều mà ông đã làm ở Philippines”. Tại Nam Việt Nam, Lansdale đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo dựng và duy trì chế độ do ông Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Ông đề xuất học thuyết “tranh thủ con tim và khối óc” của người dân để kiềm hãm sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản, đẩy mạnh chống nổi dậy bằng cách lấy dân cư làm trung tâm – một cách tiếp cận được những người ủng hộ mô tả là phương thức chiến tranh nhân bản, phù hợp các lý tưởng tự do của người Mỹ.
Được ông Diệm tín cẩn, Edward Lansdale gặp ông Diệm hầu như hàng ngày. Ông luôn kiên nhẫn lắng nghe ông Diệm độc thoại hàng giờ, mặc dù ông không nói được tiếng Việt hay tiếng Pháp. Từng hoạt động trong ngành quảng cáo, Lansdale thích chiến tranh tâm lý và tìm hiểu nền văn hóa sở tại để vận dụng tâm lý chiến một cách hữu hiệu. Ông tin tưởng mạnh mẽ vào khái niệm dân chủ, tôn vinh Hiến pháp Mỹ do các nhà lập quốc soạn, và nhiều lần tỏ ý mong muốn Tổng thống Ngô Đình Diệm trở thành “một cha già dân tộc” của Nam Việt Nam, khiến Tổng thống Diệm có lúc phải gắt lên: “Đừng gọi tôi là Papa nữa!”.
Lansdale trở thành người bạn Mỹ ông Diệm tin cậy nhất. Cuối năm 1956, ông trở về Mỹ nhận một nhiệm vụ khác vì cấp trên cho là ông đã hoàn thành mỹ mãn công việc được giao, giúp ông Diệm củng cố quyền hành, đủ sức lãnh đạo miền Nam trong cuộc chiến chống Cộng. Ngoại trừ một chuyến trở lại Việt Nam trong một tuần vào năm 1960 để khảo sát tình hình cùng với tướng Maxwell Taylor và giáo sư Walt Rostow, Lansdale hoàn toàn bị gạt ra khỏi mọi hoạch định chính sách về Việt Nam của Chính phủ Mỹ từ khi ông rời Việt Nam. Chỉ đến tháng 10-1963, bởi tình hình Nam Việt Nam ngày càng trở nên cực kỳ phức tạp, Tổng thống Kennedy đã ngỏ ý yêu cầu ông trở lại Việt Nam, theo đề nghị Đại sứ Cabot Lodge, với sứ mạng dàn xếp sự ra đi của Cố vấn Ngô Đình Nhu, và nếu cần thì tổ chức đảo chánh. Tuy nhiên, Lansdale từ chối. Điều trớ trêu số phận là cơ quan của ông là Lầu Năm Góc tổ chức bữa liên hoan để chia tay khi ông về hưu vào buổi tối 31-10-1963 thì ngay hôm sau, người bạn thân của ông là Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh và bị sát hại cùng với Ngô Đình Nhu.
Thời gian sau, nhiều người chịu trách nhiệm trong việc lật đổ ông Diệm đã nhận ra sai lầm lịch sử của họ. Lansdale kể rằng mấy năm sau đó, khi uống rượu say ở Sài Gòn, “anh chàng cứng cỏi” Lou Conein, tay điệp viên CIA dính rất sâu vào kịch bản đảo chánh ông Diệm, “đã khóc lóc xin tôi (Lansdale) tha thứ cho những việc làm của anh ta trong vụ đảo chánh”. Nhưng đó không chỉ là lỗi của Lou Conein. Anh ta chỉ làm theo lệnh cấp trên. Nhiều chục năm sau, Lansdale viết: “Thật sai lầm về mặt tinh thần và thật ngu xuẩn về mặt chiến lược khi gây chia rẽ trong cơ sở chính trị của chúng ta ở Việt Nam, một cơ sở nhỏ bé như vậy lại đang phải đối đầu với một kẻ thù rất mạnh, biết tận dụng mọi cơ hội. Napoléon từng nói: “Người ta không nên chia rẽ lực lượng của mình khi đối mặt với kẻ thù. Chính phủ Kennedy đã không giữ được nguyên tắc này” (The road not taken: Edward Lansdale and the American tragedy in Vietnam, tr. 414, 415).
Sai lầm của người Mỹ khi hậu thuẫn các tướng lãnh VNCH trong cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 là cực kỳ to lớn. Max Boot nhận định:
“Uy tín chính trị và hiệu quả của chính quyền vốn đã bắt đầu giảm sút trong năm cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị giáng một đòn chí tử và không còn gắng gượng trở lại nổi nữa. Các tướng lãnh lên cầm quyền sau ông Diệm cũng chuyên quyền, không được lòng dân, xa cách và cũng thiếu tính chính danh, thiếu hiệu quả và tham nhũng. Không có vị tướng nào thành công khi đối đầu với những nguy cơ tạo ra bởi các tín đồ Phật giáo và những người Cộng sản. Trong vòng bốn tháng sau khi ông Diệm bị sát hại, các Phật tử tự thiêu còn nhiều hơn cả chín năm ông Diệm cầm quyền, nhưng sau cuộc đảo chánh, tin tức về những vụ tự thiêu này không còn là những tin tức hàng đầu trên các báo nữa. Cộng sản tiếp tục mở các cuộc tấn công, và những vụ tấn công ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu nhiều hơn trước. Một lãnh đạo Mặt trận Giải phóng miền Nam đã nói: “Cái chết của ông Diệm là một món quà Trời ban cho chúng ta”.
Các tác giả của “Tài liệu mật của Lầu Năm Góc” về sau cũng viết rằng: “Sự đồng lõa của chúng ta trong việc lật đổ ông Diệm đã làm cho trách nhiệm của chúng ta nặng nề hơn và chúng ta dấn sâu hơn vào một nước Việt Nam không có nhà lãnh đạo”. William Colby, cựu giám đốc CIA, nói rằng việc đảo chánh ông Diệm là “sai lầm tệ hại nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam”, một nhận định cũng được cả Tổng thống Johnson và Tổng thống Nixon sau này chia sẻ, dù rằng có những nhà phân tích cho rằng bi kịch thảm bại của Mỹ ở Việt Nam là điều không thể tránh khỏi, dù còn ông Diệm hay không.
Cuộc hành trình mà nước Mỹ dấn thân vào không chỉ là một sai lầm, mà còn là một thảm họa sẽ ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Mỹ suốt nhiều thập niên sau. Điều này đã có thể tránh nếu người ta nghe theo lời khuyên Edward Lansdale – chuyên gia chống nổi dậy nổi tiếng đã có mặt từ những ngày đầu của nền Đệ nhất Cộng hòa ở Nam Việt Nam. Những khuyến cáo của Lansdale về hậu quả cuộc đảo chánh đã không được lưu ý, không chỉ trong năm 1963 mà cả những năm trước đó. Ông đã hoài công biện giải về sự cần thiết của việc hạn chế hỏa lực nhắm vào những phần tử nổi dậy để tập trung vào việc giúp cho chính quyền Sài Gòn có uy tín hơn, có tính chính danh hơn và được lòng dân hơn.
Sẽ không là thái quá nếu nói rằng toàn bộ cuộc xung đột, thảm bại quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ sẽ có một diễn trình khác, ít tốn kém hơn và có nhiều khả năng thành công hơn, nếu những khuyến cáo của một người được lắng nghe. Nhà tiên tri thấu thị kỳ tài, nhà chiến lược không được vinh danh, nhà cố vấn ngoài cuộc ấy là ai mà chỉ muốn đi theo “con đường người ta đã không chọn”, như ý nhà thơ Robert Frost trong bài “The road not taken”? Ông ấy chính là Edward Lansdale!
The road not taken
Con đường rẽ làm đôi giữa rừng lá vàng,
Biết làm sao, tôi chỉ có thể chọn một mà thôi
Thân phận lữ hành, tôi đứng mãi
Nhìn theo một lối rẽ bên này
Đến tận nơi vệt đường khuất dạng sau bụi cây;
Thế rồi tôi lại bước vào lối rẽ bên kia
Có khác gì đâu, mà có khi lại có lý hơn kìa
Vì cỏ rậm trên mặt đường như thèm muốn người đi;
Nhưng thật ra có đôi chỗ đây kia
Cũng đã thấy dấu mòn như con đường nọ,
Và thế là buổi mai hôm đó
Trước hai con đường lá rơi đầy chưa đen vết chân ai
Tôi đành hẹn sẽ quay lại con đường không đi một ngày nào đó
Nhưng lòng thừa hiểu nào biết đến bao giờ
Đường lại đưa đường làm sao biết trước.
Tôi sẽ kể chuyện này trong một tiếng thở dài
Rằng đâu đó ngày xưa đã lâu lắm rồi:
Con đường rẽ làm đôi giữa một khu rừng, và tôi
Tôi đã chọn lối mòn ít có ai đi,
Và điều đó đã làm đổi thay tất cả
(Bản dịch thơ của Trịnh Lữ)