Tháng 7-2020, nhạc sĩ Mai Anh Việt cho ra mắt tuyển tập “Tình khúc Mai Anh Việt”, tập hợp 65 ca khúc anh đã sáng tác trong hơn 30 năm qua, bắt đầu từ những ca khúc như “Tàn dư một đời” và “Gió” viết năm 1985. Bìa và phụ bản do họa sĩ Đinh Trường Chinh, con trai cố họa sĩ Đinh Cường, Duy Mai và Trần Duy Trác thực hiện.

 

Thuở còn học Trường trung học Mạc Đỉnh Chi, anh học nhạc với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Năm 1970, khi đang học lớp 10, anh bắt đầu viết nhạc và học thêm nhạc lý với thầy Phó Quốc Thăng. Sau khi anh Nguyễn Chánh Tín đậu Tú tài hai và rời trường, thầy Tổng giám thị Phạm Ngọc Đỉnh rất thích giọng hát của Việt nên thuyết phục anh vào ca đoàn của trường thay thế Nguyễn Chánh Tín. Năm 1974, anh được học bổng đi du học Đài Loan. Năm 1976, anh qua Mỹ, học nhạc tại St. Cloud University Minnesota (1976-1978) và tại Đại học Portland ở Oregon (1978-1981). Anh lập gia đình năm 1979, định cư tại Aloha, bang Oregon.

Đầu thập niên 1990, Mai Anh Việt còn khá xa lạ với thính giả trong nước nhưng đã được biết đến khá nhiều ở hải ngoại qua album “Vầng tóc rối” (1991), với giọng ca Thái Hiền, Thái Thảo, Thiên Phượng, Tuấn Ngọc và tác giả Mai Anh Việt. Album nhạc đầu tay của nhạc sĩ Mai Anh Việt ra mắt vào mùa hè năm 1991 do nhạc sĩ Duy Cường hòa âm, thực hiện với thiết bị tối tân nhất vào thời ấy là Master Reel To Reel 24 tracks tại phòng thu của John Tomlinson.

Mai Anh Việt cho biết lý do vì sao những sáng tác âm nhạc của anh là những tình khúc: “Không có gì vĩnh cửu ngoài thời gian và sự chết. Tình yêu, đôi khi, cũng được nhầm tưởng như thế. Đó là lý do tại sao những tình khúc cần được ghi lại, trước khi bị lớp bụi thời gian khuất lấp”. Tình yêu không phải là điều gì vĩnh cửu như thời gian và sự chết, nhưng những cảm xúc trong tình yêu hay những kỷ niệm tình yêu được diễn đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật sẽ còn lại mãi với thời gian.

Album “Vầng tóc rối” ra mắt năm 1991 rất được giới audiophile trong nước ưa chuộng vì hòa âm và âm thanh hay. Năm 2016, album được tái bản với bìa mới do họa sĩ Đinh Trường Chinh thiết kế. Trong album nhạc này, ca sĩ Tuấn Ngọc hát ca khúc “Anh xin làm”, một ca khúc có lời lẽ thiết tha về “những kỷ niệm không dễ gì phôi pha” và “Vầng tóc rối”, một ca khúc lãng đãng về những cơn say giúp lãng quên một hình bóng “đã tan vào cõi huyền không”.

Nhạc sĩ Mai Anh Việt 

VẦNG TÓC RỐI

Bước chân phiêu du đã đưa anh theo cơn giông đến với một khung trời thênh thang và khi dừng bước trong giây lát chợt thấy tâm hồn lạc loài, cơn mê của những năm tháng đã qua chỉ còn để lại cảm giác mệt nhoài. Đời vẫn lặng lẽ trôi và tất cả những gì còn lại với anh là những đêm cô đơn phải tìm lãng quên trong những cơn say:

“Ngày lạc bước phiêu du, tôi theo cơn giông, qua khung trời rộng 
Ðời lặng lẽ trôi qua, cơn mê mệt nhoài, đôi chân lạc loài
 
Còn lại những cơn say, theo tôi bao đêm, cho quên đời này…”

Dấu vết của tình yêu một thuở chỉ còn là những lá thư đã úa màu theo năm tháng cũng như hình bóng của em đã thật xa mờ, nhưng anh vẫn cố tìm lại những kỷ niệm xưa trong những đêm dài quạnh quẽ khi những cơn mưa ào ạt đổ xuống:

“Nhìn lại cánh thư xưa, xanh xao nhạt màu, em yêu còn đâu? 
Lặng lẽ đi tìm dấu em đêm dài, nhịp nào gõ hồn tôi, cơn mưa dạt dào vỗ về…”

Nhưng tìm mãi trong ký ức của những đêm dài đầy bóng tối, chỉ còn thấy một hình ảnh đã phai mờ như đã tan vào cõi hư không và chỉ còn lại một chút hồi quang của một tình yêu thắm thiết đã chìm khuất sau bao tháng năm và chôn chặt vĩnh viễn trong tâm hồn:

“Nhiều khi tôi tìm trong ký ức, vụng về bóng hình em, đã tan vào cõi huyền không 
Còn lại chút bao dung, tôi mang cho em, yên vui phận người
 
Về nhặt góp dư âm, tôi chôn trong tim, cưu mang muộn phiền…”

Tình yêu đã mất ấy không dễ quên nên có những lúc từ thinh không vọng lại âm vang của một buổi chiều vàng trên đồi khi gió lồng lộng làm tung bay mái tóc rối của em:

“Ngọn đồi gió năm xưa, vi vu âm vang, thinh không vọng lại 
Vầng tóc rối em ngoan, bay trong chiều vàng, tôi yêu ngàn năm…”

 ? Ca khúc “Vầng tóc rối” với giọng ca Tuấn Ngọc

? Ca khúc “Vầng tóc rối” với giọng ca Diễm Liên