Với tài sản 178,1 tỷ USD (tính đến ngày 7-7-2020 – theo Forbes), Jeff Bezos là người giàu nhất thế giới hiện nay. Là người sáng lập trang web mua sắm Amazon, Jeff Bezos đã định dạng lại không chỉ thói quen mua sắm mà cả xu hướng kinh doanh online…

Vì sao Amazon luôn là số một?

Thoạt đầu chỉ chuyên bán sách, Amazon giờ đây đã trở thành cửa hàng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới với đa dạng mặt hàng lẫn dịch vụ, từ CD nhạc, DVD phim, đồ chơi con nít, quần áo, giày dép, thiết bị điện tử đến cả dụng cụ nhà bếp. Vài năm gần đây, sự phát triển của Amazon đã đi từ hiện tượng gây kinh ngạc đến sự thừa nhận hiển nhiên. Các đối thủ luôn nhìn Amazon bằng cặp mắt ghen tỵ lẫn kính nể. Không chịu nổi sự thống trị của Amazon, đối thủ Borders.com đã phải gác súng giơ cờ trắng đầu hàng vào đầu năm 2011. Trong khi đó, Best Buy đau thấu ruột gan lẳng lặng nhìn Amazon nuốt từng miếng thị phần mình; và đại gia vốn có “số má” Wal-Mart Stores đang cố hết sức trong cuộc chạy đua mệt nghỉ với mạng lưới phân phối tuyệt hảo của Amazon. Những website từng một thời oanh liệt ngang ngửa Amazon về giá cả lẫn sự phong phú hàng hóa và dịch vụ – Zappos.com, Diapers.com – đều đã bị Jeff Bezos mua đứt.

Chỉ với thiết bị đọc sách điện tử Kindle, Amazon đã chiếm đến 95% thị trường dành cho sách điện tử tại Mỹ. Với ưu thế kinh doanh sách lâu nay, Amazon cũng là đối thủ tiên phong trong lĩnh vực sách số hóa đồng thời thâm nhập vào sân chơi giải trí kỹ thuật số. Năm 2006, Amazon khai trương cửa hàng phim và truyền hình online; năm 2007, họ cắt băng khánh thành cửa hàng e-book tải vào thiết bị đọc sách điện tử Kindle (do chính họ sản xuất); rồi năm 2008 tiếp tục khai trương cửa hàng nhạc số MP3…

AP

Một trong những điều khiến Amazon khác biệt và nổi trội hơn các đối thủ là sự phong phú trong cung cấp dịch vụ và hình thức khuyến mãi của họ. Amazon luôn biết níu chân khách hàng bằng sự quan tâm đúng mực. Một trong những dịch vụ đang ăn khách nhất của Amazon là dịch vụ điện toán đám mây (Amazon Web Services – AWS). Nói một cách tinh giản, AWS là hình thức cho thuê “nhà kho” trực tuyến để khách hàng lưu cất dữ liệu. Với AWS, khách hàng – từ người bình thường đến cả một công ty lớn – giờ đây không cần phải đầu tư sắm dàn máy chủ tốn kém lưu dữ liệu mà chỉ cần gửi lên “nhà kho” nhờ Amazon cất hộ rồi có thể truy xuất bất kỳ lúc nào. Về dịch vụ “câu khách”, Amazon có hình thức Amazon Prime trong đó khách hàng đóng phí hàng năm (79 USD) sẽ được hưởng hai ngày giao hàng miễn phí dù mua bất kỳ món hàng nào.

Điều khiến Amazon hấp dẫn nhất vẫn là giá cả. Riêng về sách, gần như chẳng nhà sách nào có thể cạnh tranh nổi mức giá của Amazon. Năm 2010, Amazon còn ký hợp đồng với The Wylie Agency trong đó Wylie trao Amazon quyền sở hữu điện tử các tác phẩm của nhiều tác giả mà Wylie đại diện – một nhát dao thọc vào mạn sườn các nhà xuất bản gốc và cả tác giả (làm ảnh hưởng đến việc khai thác bản quyền của họ). Cần biết, từ giữa năm 2010, doanh số Kindle và e-book đã đạt đến  2,38 tỉ USD và doanh số e-book của Amazon đã cao hơn so với bản in bìa cứng. Không chỉ tạo ra cuộc cách mạng về bán sách, Bezos cũng đang tạo ra cuộc cách mạng về cách chúng ta đọc…

Jeff Bezos làm gì để xây dựng Amazon?

Jeff Bezos đã được ông ngoại (vốn là khoa học gia tên lửa) dạy cho bài học để đời: Làm người phải biết tự chủ và tự lực. “Ông là một tấm gương lớn đối với tôi” – Jeff Bezos kể – “Nếu có cái gì hỏng, phải biết tự sửa nó lại. Để thực hiện được cái gì đó mới, bạn phải lì lợm và chí tâm, đạt đến điểm mà người khác sẽ cho rằng không thể”. Hè 1994, đang làm phó chủ tịch hãng dịch vụ tài chính D.E. Shaw tại New York, Jeff Bezos nghỉ việc. Cùng vợ (MacKenzie), họ dọn đến Seattle để đón ngọn gió Internet đang bùng thổi (tăng trưởng với tỉ lệ 2.300%/năm!). Nghiên cứu các đơn đặt hàng qua thư, Bezos nhận thấy mình có thể triển khai dịch vụ đơn đặt hàng qua e-mail. Giới hạn dần các dịch vụ đặt hàng qua e-mail, Bezos rút ra thêm kết luận rằng thị trường sách online vẫn còn bỏ trống. Đầu tiên, Bezos bàn với vợ (cũng tốt nghiệp Princeton như ông, chuyên ngành văn chương Anh) rồi lấy ý kiến với nhiều thành viên khác trong gia đình. Ủng hộ ý chí tự lập của con trai, mẹ Bezos (bà Jackie) quyết định góp sức với 300.000 USD (phần lớn trong khoảng hưu tiết kiệm)…

Khi Amazon.com ra đời năm 1995, mọi người trong công ty phải làm việc đến 2-3g sáng, quỳ mọp dưới sàn để đóng gói sách, đề địa chỉ người nhận và chuyển hàng. “Cứ điểm” đầu tiên của họ là căn nhà ba phòng ngủ tại ngoại ô Bellevue được thuê với giá 890 USD/tháng. Ngày 16-7-1995, Amazon.com xuất hiện trên Internet, vào thời điểm mà nhiều đối thủ đã tạo ra nhiều website kinh doanh trực tuyến thành công. Nhờ chính sách giảm giá 10-30%, Amazon bắt đầu có khách hàng. Thoạt đầu, chỉ khoảng hơn 6 đơn hàng mỗi ngày. Một tay thảo chương lúc đó trong công ty đã cài vào máy tính chương trình thông báo giúp reng chuông mỗi khi có đơn đặt. Ba ngày sau khi Amazon.com xuất hiện, Bezos nhận được e-mail từ Dương Trí Viễn (Jerry Jang, một sáng lập viên của Yahoo!), hỏi rằng có muốn đưa website Amazon lên trang giới thiệu “What’s Cool” của Yahoo không. Bezos đồng ý. Nhờ đó, đơn hàng đặt đến nhiều hơn. Cuối tuần đó, Amazon nhận được số đơn hàng trị giá tổng cộng 12.000 USD.

Tuần sau, tăng lên gần 15.000 USD. Trong 30 ngày đầu tiên, Amazon đã bán sách đến 50 tiểu bang Mỹ và 45 quốc gia. Đến tháng 10-1995, Amazon bắt đầu bán được 100 quyển sách trong một ngày. Không đầy một năm sau, họ bán được 100 quyển sách trong một giờ… Trong 6 tháng đầu tiên, họ bán được số sách trị giá 500.000 USD nhưng đến năm 1996, doanh số đạt 15,7 triệu USD rồi 147,8 triệu USD năm 1997 và 1,6 tỉ USD năm 1999. Chỉ trong thời gian ngắn, Amazon đã được biết đến như một hiện tượng và là mô hình thành công nhất của trào lưu dot.com. Tháng 5-1996, Amazon xuất hiện trên trang nhất Wall Street Journal, lập tức thu hút quan tâm đến người tiêu dùng lẫn hai đối thủ sừng sỏ Barnes & Noble và Borders Group mà lúc đó vẫn còn chưa “online” (một năm sau, website Barnesandnoble.com mới ra đời)…

Một trong những nhà kho khổng lồ của Amazon ở Phoenix, bang Arizona (Reuters)

Từ nhỏ, Bezos đã chứng tỏ có năng khiếu kinh doanh. Hồi trung học, Bezos thành lập “doanh nghiệp” đầu tiên, “Dream Institute”, tổ chức trại hè cho học sinh tiểu học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Princeton chuyên ngành khoa học máy tính, Bezos làm việc cho một số công ty tại Wall Street. Năm 1994, Bezos bỏ ra làm riêng. Và Amazon ra đời vào năm sau…

Có một chi tiết không thể không kể liên quan Jeff Bezos. Đó là cá tính “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” nổi tiếng của ông. Có lẽ ít ông chủ nào giàu như Bezos mà bị mang tiếng “bần” đẳng cấp cỡ ông. Như được kể trong bài viết của Brad Stone (BusinessWeek 3-10-2011), đến nay, “trùm sò” Jeff Bezos vẫn tiếp tục “hẹp hòi” với công nhân. Được nhận làm với mức lương khởi điểm khoảng 11 USD/giờ, công nhân Amazon phải làm việc trong điều kiện môi trường khá khắc nghiệt. Tại hầu hết kho xưởng, dù nhiệt độ phòng nóng như chảy mỡ nhưng Bezos vẫn không chịu gắn máy lạnh và còn phạt công nhân nào làm việc chậm bởi ảnh hưởng sức nóng mùa hè. Không như Google và Apple, Amazon không “nuôi” cơm và cũng chẳng cho nước ngọt miễn phí.

Có lẽ tuổi thơ nghèo khổ đã ảnh hưởng đến Jeff Bezos. Một quá khứ lam lũ chật vật hẳn đã hằn sâu trong ký ức ông. Khi sinh cậu con trai Jeff Bezos ngày 12-1-1964, bà Jackie chỉ mới 17 tuổi. Cuộc hôn nhân của bà kết thúc sau khoảng một năm (đến nay, Bezos chẳng biết và cũng chẳng quan tâm đến người cha ruột của mình). Thế rồi Jackie tái hôn với Mike Bezos, một người gốc Cuba từng một thân một mình đến Mỹ năm 15 tuổi, với hành trang chỉ là những gì không nhiều hơn hai cái áo và một cái quần. Bươn chải kiếm sống rồi vào Đại học Albuquerque, Mike phải vừa học vừa làm thêm vào ban đêm. Ông lập gia đình với Jackie khi Bezos lên bốn… Phải chăng những dấu ấn quá khứ đó đã khiến ông chủ Jeff Bezos vẫn luôn thận trọng đến từng đồng xu phải chi ra?