Chuyên san The Harvard Crimson (thuộc Đại học Harvard) đã đăng 10 bài tiểu luận xuất sắc năm 2019 của các em học sinh trung học thế giới khi nộp đơn xin vào Harvard, giúp tham khảo và học được cách viết một bài tiểu luận thành công nhằm có thể lọt vào cánh cửa cực khó của trường đại học danh tiếng này. Đọc những tiểu luận này giúp học thêm được kỹ năng tư duy cũng như “kỹ thuật” chọn vị trí để quan sát và diễn giải vấn đề sao cho đạt được sự thuyết phục cao nhất. TheNewViet xin giới thiệu bài thứ tư…

Harvard Essay: Valerie

Ngôn ngữ luôn có một vai trò quan trọng trong đời tôi. Tôi đã học qua nhiều thứ tiếng, ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng ngoài danh nghĩa học để hiểu người ta nói gì, tôi còn thật sự muốn biết được những gì nằm bên dưới bề mặt nổi của ngôn ngữ. Làm thế nào để một nền văn hoá được tự khai sinh? Chúng ta biết được gì khi tiếng Nhật được dựa trên thủ tục nghi lễ? Hay chúng ta có thể nói gì về người Đức khi trong ngôn ngữ của họ động từ luôn được đặt ở cuối câu? Cũng có thể không nhiều lắm, nhưng nếu không có kiến thức về ngôn ngữ thì khả năng thấu hiểu toàn diện vấn đề cũng bị giảm thiểu đi ít nhiều. Mối quan tâm về ngôn ngữ cũng như về tâm lý học của tôi xuất phát từ một niềm tin, rằng ngôn ngữ có một nền cấu trúc ngầm, mà qua việc nghiên cứu và tìm hiểu nó, chúng ta có thể tìm được một sự đồng cảm chung.

Ngoài cấu trúc ngầm, bản thân từ ngữ cũng có một bề dày phát triển sâu rộng. Nội cách chúng được dùng như thế nào đã là một vẻ đẹp riêng. Cha tôi là người đầu tiên mở mắt cho tôi trước cái đẹp này. Ông dạy tôi yêu mến từ ngữ qua những câu chuyện của nó, cho tôi thấy được sự quan trọng của môn từ nguyên học. Đầu tiên chỉ là những cuộc đố vui giữa hai cha con, rồi từ thích thú nhanh chóng trở nên mê mẩn, tôi phải học nghiên cứu về tiếng Latin để thoả mãn đam mê của mình. Tôi bắt đầu thấy được những mối liên quan của các từ ngữ sử dụng hàng ngày. Lắm khi tôi ngồi trước máy tính hàng mấy tiếng đồng hồ để tìm kiếm những website giúp tôi khám phá những điều mới mẻ. Một trong những khám phá mà tôi tâm đắc nhất, (và cũng thích hợp để tôi chia sẻ với bạn) là từ hedera.

Tôi tình cờ biết đến từ hedera khi tôi để ý thấy có một sự giống nhau giữa những từ apprehend của tiếng Anh, aprender của tiếng Tây Ban Nha, và apprendre của tiếng Pháp. Rõ ràng, nếu căn cứ theo cách viết và định nghĩa, thì ba chữ này có cùng một gốc Latin. Nhưng theo những nghiên cứu của tôi, thì chưa bao giờ tôi gặp một chữ Latin nào như vậy cả. Tiếp theo đó, tôi lại có những từ apprentice, comprehend, prehensile, apprehensive. Có mối liên hệ gì giữa một người thực tập và linh cảm cho một điềm báo trước? Câu trả lời nằm giữa những hoán chuyển của từ ngữ, đưa đến từ “hedera”, từ Latin cho ivy (cây thường xuân). Khi bỏ hết đi phần đệm phía sau, thì cuối cùng cái gốc luôn còn lại là “hendere”. Đứng một mình thì nó không mang một ý nghĩa gì cả, nhưng nó đã biến hoá từ từ “hedera” dưới hình thức là một động từ để diễn tả một ước muốn không bao giờ đủ. Còn từ nào thích hợp hơn ivy, loài thân dây nổi tiếng trường tồn? Tôi thật sự ngưỡng mộ giống ivy đã được gắn vào ngôn ngữ theo một cách như vậy.

Ngôn ngữ gói gọn lại là ý nghĩa của câu chữ và kiến thức. Nhưng để ôm trọn cho hết ý nghĩa thật sự của ngôn ngữ, ta phải nhìn xuyên qua bề mặt của câu từ, để thấy được cấu trúc, hay thậm chí nhìn sâu xa hơn nữa, tìm hiểu về ý nghĩa và lịch sử của từng câu chữ. Chính vì vậy, ngôn ngữ là niềm đam mê của tôi vì nó là một môn nghiên cứu của trí tuệ.

NHẬN XÉT CỦA TRƯỜNG

Thế mạnh của bài tiểu luận của Valerie, không có gì đáng ngạc nhiên, chính là cách sử dụng rất tài tình từ ngữ để nối kết liền mạch giữa các câu, vừa lôi cuốn lại vừa truyền tải rất rõ thông điệp của mình. Văn của Valerie già dặn vượt bậc một cách đặc biệt so với độ tuổi: không cố gắng mà vẫn đầy chất thơ trong những lời tự bạch, không dùng từ đao to búa lớn mà vẫn cho thấy được vốn từ vựng rất giàu có. Như Valerie đã trình bày ngay từ đầu, câu từ và ngôn ngữ là công cụ cô phát huy nhiều nhất, thì bài tiểu luận này đúng là một minh chứng.

Về nội dung, bài tiểu luận đã truyền tải thành công sự hiếu kỳ thông minh của tác giả bằng cách phân tích những lý do vì sao cô yêu thích ngôn ngữ, rồi chứng minh quá trình học hỏi của cô qua cách phân tích một từ cụ thể. Tuy vậy, cách làm này làm tác giả đi xa khỏi đề tài thảo luận ban đầu, là ngôn ngữ giúp cô hiểu hơn về văn hoá và con người như thế nào, một khái niệm rất hấp dẫn nhưng cuối cùng lại không được nhắc đến nhiều. 

Ngoài ra, bài tiểu luận này còn thể hiện được con người của chính tác giả. Qua việc nhắc đến một mối quan hệ thân thiết với cha mình, chúng ta cũng thoáng thấy được phần nào tính cách của cô. Bài tiểu luận chỉ gồm 475 chữ, ngắn hơn nhiều với số lượng tối đa 650. Nếu mở bài sinh động hơn, Valerie nói thêm về sự yêu thích ngôn ngữ của cô đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận với những người xung quanh như thế nào, hay một kết luận có tính cách cá nhân hơn, sẽ còn làm lý lẽ rõ ràng và sắc bén của tác giả sống động hơn nhiều.