Hiểu rõ nghĩa của những từ tiếng Anh này, nhận thức của bạn sẽ thay đổi
Đây là những khái niệm cơ bản chúng ta nên hiểu để biết được tại sao “dân chủ” lại dễ đến với các nước phương Tây hơn phương Đông
Tại sao trong tiếng Anh, người ta thường nhắc đến cụm từ “Eastern Cultures” (nền văn hóa phương Đông) và “Western Civilizations” (văn minh phương Tây)?
Rất ít người trong chúng ta có thể giải thích sự khác biệt giữa hai từ “văn minh” và “văn hóa” mặc dù ta có thể hiểu mơ hồ theo kiểu “văn hóa” mang tính chất truyền thống, còn “văn minh” mang tính chất hiện đại tân tiến hơn. Cách hiểu đó hoàn toàn không sai nhất là khi so sánh hai từ “culture” và “civilization” trong tiếng Anh với nhau. Từ “culture” (văn hóa) trong tiếng Anh có cùng nguồn gốc với từ “cultivate” (trồng trọt) và “agriculture” (nông nghiệp).
Những quốc gia phương Đông lấy nông nghiệp làm nền tảng phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ… thường được nhắc tới như là những ví dụ của “Eastern Cultures”; trong khi “civilization” (văn minh) bắt nguồn từ chữ “civil” trong tiếng Latin, có nghĩa là “thành thị”. Với các quốc gia như Hy Lạp, La Mã cổ đại, cái nôi của nền văn minh phương Tây bắt nguồn từ những thành bang chứ không bắt nguồn bằng nông nghiệp nên “Civilization” mang ý nghĩa “lối sống thành thị”. Chính vì vậy từ “culture” thường hay gắn liền với “Eastern” còn “civilization” thường gắn với “Western”. Chúng ta tự hào về “Vietnamese culture” không sai, nhưng điều đó không có nghĩa là vẫn giữ mãi những gì lạc hậu của lối sống nông nghiệp. Muốn đạt được “civilization”, phải tập bỏ lối sống “nông nghiệp” của “culture” và tập lối sống văn minh thành thị.
“Ignorant” và “Stupid” khác nhau như thế nào?
Khi nói về sự ngu dốt, người ta hay dùng từ “stupid”. Tuy nhiên trong tiếng Anh còn một từ nữa cũng chỉ sự ngu dốt là “ignorant”. Vậy hai từ này giống hay khác nhau? Nếu tinh ý bạn sẽ thấy từ “ignorant” có gốc từ “ignore” (làm ngơ, bỏ mặc). Đúng vậy, nếu một người với trí thông minh bẩm sinh hạn chế thì sẽ được gọi là “stupid”. Còn những người “ignorant” là những người có trí thông mình bình thường như bao người khác nhưng lại cảm thấy thỏa mãn với sự hạn hẹp về kiến thức của mình mà không chịu nâng cao hiểu biết (ignore knowledge). Chính vì vậy trong tiếng Anh có một câu thành ngữ “Stupidity is by birth but ignorance is by choice” (“Stupid” là do bẩm sinh nhưng “ignorant” là do chính bạn chọn lựa). Nếu đã được lựa chọn, xin đừng lựa chọn việc quay lưng nhắm mắt để trở thành kẻ “ignorant”. Một người có học vẫn có thể bị gọi là ignorant nếu kiến thức và tầm nhìn người đó hạn hẹp
“Chính trị” có phải là một điều cấm kỵ?
Trong tiếng Anh, từ “politic” (chính trị) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “polis”, có nghĩa là “thành phố”, vì Hy Lạp cổ đại vốn theo chế độ thành bang. Những từ “police” (cảnh sát), “policy” (chính sách) hay “polite” (lịch sự) cũng bắt nguồn từ gốc từ “polis” mà ra. Hiểu theo nghĩa đen, “politic” là những chuyện liên quan đến việc điều hành một “thành phố” hay một “quốc gia”. Nếu như thế thì tất cả công dân “citizen” đều có quyền được biết và được tham dự, chứ không phải là chuyện của chính quyền (government) hay một đảng phái (party). Đó chính là nguồn gốc của dân chủ.
“Cách mạng” phải chăng chỉ là sự lặp lại của lịch sử?
Trong tiếng Anh, từ “revolution” (cách mạng) bắt nguồn từ động từ “revolve” (xoay vòng). Điều này ám chỉ, cái gọi là “cách mạng” thực chất chỉ là sự xoay vòng của lịch sử, khi một triều đại/thể chế suy yếu, nó sẽ bị một triều đại/thể chế khác lật đổ và thay thế nó. Nhưng triều đại/thể chế thay thế đó cũng không thể tồn tại mãi mãi mà cũng sẽ dần dần bộc lộ những nhược điểm và suy yếu, và như một lẽ tất yếu, một thể chế mới tiến bộ hơn sẽ lật đổ và thay thế nó. Cứ thế mà xoay vòng. Không có cuộc cách mạng nào mang lại một thể chế vĩnh cửu không thể thay thế. Đó mới là cách hiểu đúng đắn về quy luật của lịch sử.
“Quyền lợi” là những gì “đúng đắn”
Từ “right” (quyền lợi) và từ “right” (đúng đắn) không phải tự nhiên lại là hai từ có cùng cách đọc và cách viết. Sự trùng hợp này ám chỉ, những gì thuộc về “quyền lợi” của con người đều là những điều “đúng đắn và chính đáng”. Một khi đã được pháp luật công nhận điều đó là quyền lợi thì đó là một điều đúng đắn và cần được bảo vệ. Đấu tranh cho quyền lợi cũng chính là đấu tranh cho lẽ phải.
“Rule” khác với “Law” như thế nào?
Trong tiếng Anh, “rule” vừa là “luật lệ” vừa là “cai trị”. Những kẻ cai trị đặt ra luật lệ để cai trị. Còn “law” (luật pháp) cũng là những quy luật của tự nhiên. Ví dụ như “định luật về trọng lực của Newton” trong tiếng Anh gọi là “Newton’s laws of gravity”. “Law” là luật hợp với tự nhiên và nên tôn trọng theo, còn “rule” thứ luật lệ do những kẻ cai trị đặt ra để cai trị và nếu nó trái với quyền lợi chính đáng thì không nên tuân theo. Một trong những đặc điểm của một nước thiếu dân chủ là người dân sợ luật lệ (rule) nhưng lại không biết tôn trọng pháp luật (law). Khi nào con người biết phân biệt được giữa rule và law thì việc xây dựng dân chủ mới thành công.
“Khởi nghĩa” hay “nổi loạn” cũng chỉ là một?
Có lần có một đồng nghiệp hỏi tôi dịch từ “khởi nghĩa” sang tiếng Anh như thế nào? Tôi bảo trong tiếng Anh, “khởi nghĩa” dịch là “rebellion”. Bạn tôi phản đối, bảo rằng “rebellion” là “cuộc nổi loạn” mang ý nghĩa tiêu cực, còn “khởi nghĩa” mang ý nghĩa tích cực. Tôi dùng một số dẫn chứng của tài liệu lịch sử nước ngoài về cách gọi “rebellion” dùng cho “khởi nghĩa” như “khởi nghĩa Hai Bà Trưng” được dịch là “the Trung Sisters’ rebellion” hay “khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn” được dịch là “Yi Hua Tuan rebellion”; và giải thích từ “rebellion” hoàn toàn trung lập. Đứng ở góc độ của nhà cầm quyền thì đó là sự nổi loạn chống chính quyền, còn đứng ở góc độ người dân thì đó là một cuộc khởi nghĩa. Bạn tôi đồng ý nhưng vẫn thấy ngại ngại khi dịch cụm từ “Nam Kỳ Khởi Nghĩa” thành “the Southern provinces’ rebellion” nghe nó “phản động” và bôi nhọ “đường lối chính sách của Đảng”. Tôi bảo nếu ông tìm được từ khác hay hơn thì cứ dùng, còn sự thật nó là như thế.
Đánh giá một người qua “sơ yếu lý lịch” là “phiến diện”
Trong tiếng Anh, “profile” vừa là “sơ yếu lý lịch” vừa là “hình chụp nhìn nghiêng một bên mặt của một người”. Điều này cho ta thấy, nếu đánh giá một người chỉ dựa trên hồ sơ hay lý lịch là một điều hết sức phiến diện và thiếu sót vì ta chỉ thấy được một phần của gương mặt người đó. Đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận năng lực của một người ở nhiều khía cạnh khác nhau, đừng chỉ dựa vào “sơ yếu lý lịch” của người đó mà chọn lựa.
Vui lòng nhấn vào tag #Chữ Tây, chữ Ta để đọc các bài cùng chuyên mục