Cách đây ba năm, khi Star Wars: The Last Jedi trình làng, hàng trăm người đã “cắm trại” với mùng mền chiếu gối đầy đủ để xếp hàng mua vé xem cho bằng được. The Last Jedi đã hốt bạc với 220 triệu USD tại thị trường Mỹ, trở thành bộ phim ra mắt tuần đầu tiên có doanh thu cao nhất 2017 và doanh thu thứ nhì lịch sử điện ảnh (chỉ đứng sau một “Star Wars” khác – The Force Awakens, với 248 triệu USD). Vì sao các phim “Star Wars” thành công? Câu trả lời nằm ở người sinh ra nó: George Lucas.

Một nhà cách tân

Ngày 9-6-2005, George Lucas được Viện điện ảnh Hoa Kỳ (AFI) trao giải thành tựu suốt đời. Trước đó, ngày 5-6-2005, Lucas được kênh truyền hình Discovery chọn là người thứ 100 trong những nhân vật Mỹ vĩ đại nhất. Vào theo chuyên san Forbes, tính đến trước ngày phát hành tập “The Force Awakens” năm 2015, series phim Star Wars đã thu vào khoảng 42 tỷ USD! Từ khi tập đầu Star Wars Episode IV: A New Hope được tung ra năm 1977, Star Wars đã trở thành một hiện tượng văn hóa, khai sinh loạt sản phẩm ăn theo, từ sách, video game, truyện tranh, kịch radio, phim truyền hình nhiều tập đến đồ chơi (nổi tiếng nhất là các bộ Lego). Hẳn không có nhiều bộ phim được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ chọn làm tư liệu lưu trữ, như Star Wars Episode IV: A New Hope của George Lucas!

Trong Star Wars, người ta có thể thấy chất sử thi Hy Lạp, thần thoại La Mã, cổ tích Nhật Bản và thậm chí yếu tố võ thuật Trung Hoa. Chúng cũng chứa đủ tính chất hỉ-nộ-ái-ố của bản chất con người (như lời nhân vật Yoda: “Sợ hãi là con đường dẫn đến mặt tối – sợ hãi dẫn đến giận dữ, giận dữ dẫn đến thù hằn và thù hằn đưa đến khổ đau”). Ở góc độ triết học, người ta cũng thấy bóng dáng Lão tử và Phật giáo trong Star Wars với yếu tố nhân-quả cũng như sự giác ngộ tỉnh thức lương tri (nhiều nhà văn hóa học từng mổ xẻ yếu tố này, chẳng hạn công trình nghiên cứu công phu The Tao of Star Wars – “Đạo trong phim Chiến tranh trên các vì sao” – của Kevin J. Wetmore). Và với giới chuyên môn, Star Wars còn là ví dụ kinh điển của sự đột phá điện ảnh kỹ thuật số. Trước Star Wars, Hollywood từng có nhiều phim khoa học viễn tưởng nhưng chỉ các tập Star Wars mới cho thấy đạo diễn có thể khai thác sự vô tận của kỹ thuật, một cách thông minh, như thế nào.

Suốt 40 năm kể từ lần ra mắt đầu tiên, “Star Wars” đã tạo ra nhiều thế hệ người hâm mộ (Los Angeles Times)

Sinh ngày 14-5-1944 tại Modesto (California) trong gia đình bình thường (bố bán văn phòng phẩm), George Lucas thời niên thiếu chỉ khoái đua xe. Giấc mơ trở thành tay đua chuyên nghiệp tan vỡ khi Lucas bị tai nạn. Thập niên 1960, Lucas học điện ảnh tại Đại học Southern California (Los Angeles). Năm 1967, Lucas giành được xuất học bổng nhỏ của hãng Warner Brothers với ưu tiên được quan sát tiến trình làm phim. Lần đó là phim Finian’s Rainbow của đạo diễn Francis Ford Coppola. Lucas và Coppola trở thành bạn thân và sau đó hai người cùng sáng lập hãng American Zoetrope với hy vọng tạo ra môi trường làm phim tự do không ràng buộc Hollywood. Năm 1971, khi Coppola sản xuất phim The Godfather, Lucas thành lập hãng riêng Lucasfilm Ltd. Và đến năm 1973 thì Lucas bắt đầu có tên tuổi trong làng điện ảnh chuyên nghiệp. Bộ phim American Graffiti do ông đạo diễn và viết kịch bản đã giành Quả cầu vàng và được 5 đề cử Oscar.

Từ 1973-1974, Lucas bắt đầu viết kịch bản cho Star Wars. Với nhiều cảnh dự kiến sử dụng tối đa kỹ xảo, Lucas thành lập hãng ILM (Industrial Light & Magic). Tập Star Wars đầu tiên đã bị nhiều hãng từ chối phát hành cho đến khi Twentieth Century Fox đồng ý, với yêu cầu Lucas không nhận lương đạo diễn mà chỉ nhận 40% doanh số vé cũng như tiền bản quyền sản phẩm ăn theo. Hoàn toàn bất ngờ, Star Wars I thắng đậm không chỉ ở thị trường (thu được 400 triệu USD, con số khổng lồ vào thập niên 1970) mà còn giật được 7 Oscar (sau này, Lucas còn cộng tác với Spielberg để sản xuất các tập phim phiêu lưu Indiana Jones, cũng do Harrison Ford – ngôi sao trong Star Wars – thủ vai chính).

Khai sáng nền điện ảnh high concept

Ý tưởng đi tiên phong trong kỹ thuật dựng phim từng đến với George Lucas hồi ông còn là sinh viên điện ảnh. Chính nhờ mối quan hệ với đạo diễn huyền thoại Nhật Akira Kurosawa, Lucas đã đưa chất thần thoại cổ tích Nhật vào các tập Star Wars (sự quen biết trên được thực hiện qua trung gian giới thiệu của người bạn John Milius – sau này là đồng kịch tác gia của phim chiến tranh Việt Nam Apocalypse Now và là đạo diễn bộ phim hành động kinh điển Red Dawn). Nền tảng tiên phong của George Lucas cũng giúp hình thành cái gọi là trường phái Biểu hiện điện ảnh (Filmic Expression), trong đó, người ta nhấn mạnh sự thể hiện diễn xuất không lời thoại, hay nói cách khác là kể chuyện mà không dùng từ mà sử dụng ánh sáng, không gian, cử chỉ, hành động và màu sắc. Ngôn ngữ kể chuyện kiểu này thật ra từng được một nhóm đạo diễn Canada dùng nhưng họ chưa đưa nó đến mức hoàn thiện.

Star Wars: The Last Jedi được đón nhận nồng nhiệt (Los Angeles Times)

Và nói đến George Lucas còn phải nói đến sự hình thành nền điện ảnh siêu kỹ xảo. Không phải tự nhiên mà giới bình luận gọi Lucas là cha đẻ của điện ảnh kỹ thuật số. Hãng ILM của ông đã tạo ra vô số cảnh ngoạn mục trong các phim Indiana Jones; Harry Potter; Jurassic Park; Star Trek; Schindler’s List; Snow Falling on Cedars; 101 Dalmatians; Die Hard 2; Titanic; Magnolia; Artificial Intelligence: AI; The Day After Tomorrow… (tính đến năm 2016, ILM đã giành được 16 Oscar giải kỹ xảo và 40 đề cử; chưa kể 24 Oscar hạng mục kỹ thuật).

Ít người nhớ rằng nhu liệu chỉnh sửa hình ảnh “Photoshop” nổi tiếng đã được viết bởi hai chuyên gia hiệu ứng đặc biệt (anh em) John và Thomas Knoll và “Photoshop” cũng được sử dụng lần đầu tiên tại ILM. Mở ngoặc thêm, một nhóm chuyên gia kỹ xảo ILM sau này đã tách riêng và thành lập hãng phim hoạt hình ba chiều lừng danh hiện nay Pixar Animation Studios. Sự tiên phong trong kỹ thuật của George Lucas còn thể hiện ở một số công đoạn hậu kỳ, chẳng hạn SoundDroid và EditDroid (giúp biên tập âm thanh và hình ảnh).

Cùng Steven Spielberg, Lucas đã lần đầu tiên đưa đến sự hình thành thuật từ báo chí “blockbuster” (siêu phẩm điện ảnh hốt bạc) cho lịch sử điện ảnh thế giới. Cần nói rõ, “blockbuster” nằm trong khuôn khổ một lý thuyết điện ảnh hiện đại gọi là “khái niệm cao” (high concept), hình thành bởi những người tiên phong như Lucas hoặc Spielberg. Hai tập phim Jaws (1975) của Spielberg và Star Wars (1977) của Lucas được xem là những viên gạch đầu tiên của xu hướng high concept. Trong phim high concept, kịch bản thường đơn giản, có thể thuật lại chỉ trong vài câu nhưng tính hấp dẫn của nó ở chỗ, mỗi cảnh và mỗi nhân vật đều được dùng để “đẩy” ra ý của kịch bản.

Loại phim high concept còn được dựng với sự kết hợp hoàn hảo của âm nhạc, được viết ăn khớp với tình tiết trong phim, và giúp đưa tính gay cấn của phim lên đỉnh điểm, tạo tâm lý căng thẳng nhưng hứng thú cho người xem. Do đó, thường là những tay tổ trong làng nhạc phim như John Williams hoặc James Horner mới được mời viết nhạc nền cho thể loại high concept. Phim high concept thường được tung vào mùa hè với chiến dịch quảng cáo cực mạnh và nhắm vào thị hiếu giải trí là chủ yếu. Trong rất nhiều tài liệu nghiên cứu điện ảnh Hollywood, hầu hết đều ghi rằng phim Jaws (Hàm cá mập) của Spielberg là cột mốc khai sinh cho điện ảnh high concept, một loại điện ảnh khuynh hướng thương mại hóa được dựng chắc tay theo phong cách chuyên nghiệp. Và người thứ hai được nhắc đến trong trào lưu high concept hẳn nhiên là George Lucas.

@theNewViet