Don McLean và “And I love you so”
Don McLean sinh ngày 2-10-1945 tại New Rochelle, bang New York, khi mới 5 tuổi đã say mê âm nhạc và bỏ ra hàng giờ mỗi ngày để nghe nhạc qua radio hay nghe những đĩa nhạc cha anh sưu tập được. Bệnh suyễn sớm bộc phát đã khiến anh không thể đến trường liên tục như những học sinh khác và thời gian anh phải ở nhà để chữa bệnh đã tạo điều kiện để anh nuôi dưỡng tình yêu dành cho âm nhạc. Anh đã tự sắm một cây guitar và theo học một lớp dạy hát opera vì chị anh đã hào phóng đóng hết học phí cho anh.
Năm 1961, cha anh dẫn anh đi du lịch ở Washington D.C., rồi chỉ vài tháng sau ông từ trần, nhưng chuyến viếng thăm thủ đô đã làm cho anh quyết tâm đi vào hoạt động âm nhạc. Anh gởi số điện thoại của nhà mình cho một vài người trong giới âm nhạc, trong đó có ca sĩ – nhạc sĩ Erik Darling. Nhờ sự giới thiệu của Erik Darling, anh vào phòng thu để thu âm những ca khúc đầu tiên với Lisa Kindred và được Erik Darling mời tham gia nhóm nhạc the Rooftop Singers của anh ta. Thế nhưng anh từ chối lời mời hấp dẫn này vì tự trong thâm tâm, anh cảm thấy mình giống một nghệ sĩ hát rong hơn là một thành viên của một nhóm nhạc thời thượng.
Năm 1963, khi theo học bốn tháng tại Đại học Villanova, anh kết bạn với ca sĩ Jim Croce và bắt đầu trình diễn tại những quán cà phê ở New York như Bitter End và Gaslight Café, tại Liên hoan nhạc folk ở Newport và tại hơn 40 trường đại học ở New York và các bang ở miền Đông Bắc nước Mỹ. Buổi tối, anh học chương trình đại học của Đại học Iona cho tới khi có được bằng cử nhân Quản trị kinh doanh vào năm 1968, nhưng sau đó lại từ chối không nhận học bổng để theo chương trình cao học của Đại học Columbia danh tiếng vì chỉ muốn làm một nghệ sĩ biểu diễn thường xuyên ở quán cà phê Lena tại New York.
Vào thời gian này, Hội đồng nghệ thuật New York đã mời anh làm nghệ sĩ hát rong (troubadour) trên sông Hudson và anh đã nhận lời, đi từ thành phố này tới thành phố khác ở Thung lũng Hudson để đàn hát và nói chuyện về môi trường. Một năm sau, anh tham gia nhóm nhạc đầu tiên của Sloop Clearwater, cùng với ca sĩ Pete Seeger đi trên chiếc thuyền Clearwater chạy dọc theo bờ biển miền Đông nước Mỹ để đàn hát trong một dự án bảo vệ môi trường. Anh cũng đi hát ở các trường tiểu học và viết được một vở nhạc kịch về danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh, nhưng không có hãng đĩa nào chịu thu âm tác phẩm này; chỉ có hãng MediaArts ký với anh hợp đồng thu âm một album gồm những bản nhạc khác của anh.
Album đầu tay mang tên “Tapestry” không thành công như mong đợi, nhưng may mắn thay, ca khúc “And I love you so” do ca sĩ Perry Como cover lại đã trở thành một bài hit nên hãng United Artists ký tiếp một hợp đồng thu âm với anh. Năm 1971, anh thành công rực rỡ với “American Pie”, một ca khúc dài hơn tám phút lấy cảm hứng từ cái chết của ca sĩ – nhạc sĩ Buddy Holly. Ca khúc thành công vang dội ngay sau đó là “Vincent”, một bài hát về danh họa Van Gogh, người nghệ sĩ có tâm hồn đau khổ đã ám ảnh ảnh anh suốt nhiều năm.
Thế nhưng sau thành công vang dội của “Vincent”, những nhạc phẩm sau đó của anh như “Playin’ Favorites”(1974), “Homeless Brother” và “Solo” (1976) không còn gây chú ý và hãng United Artists hủy hợp đồng với anh. Năm sau, anh ký hợp đồng với hãng Arista và cho ra mắt album “Prime Time”, nhưng kết quả cũng chẳng khả quan hơn nên suốt nhiều năm sau đó không một hãng đĩa nào chịu ký hợp đồng với anh.
Đến thập niên 1980, anh phục hồi được vị trí và danh tiếng của mình với ca khúc “Chain Lightning” rồi đạt được thành công lớn hơn khi cover lại ca khúc “Crying” của Roy Orbison và giới thiệu “Castles in the Air” và “Since I Don’t Have You”, hai ca khúc mới sáng tác ngay sau đó đã chiếm thứ hạng cao trên bảng xếp hạng âm nhạc. Đến năm 1983, ca khúc “Dominion” lại thất bại và anh không còn được một hãng đĩa nào mời cộng tác. Những năm gần đây, anh thực hiện những chuyến lưu diễn với những ca khúc đã giúp anh thành danh như “American Pie”, “Vincent” và vào phòng thu ghi âm những ca khúc cho album “For The Memories” (gồm những những bản cover những ca khúc kinh điển của dòng nhạc pop, country và jazz) và album “Rivers of Love” (1995).
Các ca khúc của Don McLean được trình bày bởi rất nhiều ca sĩ thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau, từ nữ ca sĩ Madonna với ca khúc “American Pie” vào năm 2000 đến nam ca sĩ George Michael với ca khúc “The Grave” chống cuộc chiến Iraq vào năm 2003. Năm 2004, Songwriters’ Hall of Fame đã vinh danh anh với những ca khúc đã góp phần làm nên diện mạo của nền âm nhạc Mỹ thế kỷ 20.
“And I love you so” là một tình khúc trong album đầu tay “Tapestry” ra mắt vào năm 1970 đã được nhiều ca sĩ cover lại, trong đó bản cover của ca sĩ Perry Como vào năm 1973 đã trở thành một bài hit. Hai năm sau, đến lượt Elvis Presley cover ca khúc này để đưa vào album “Today” của anh, rồi còn nhiều ca sĩ khác nữa như Rick Astley, Shirley Bassey, Glen Campbell, Bobby Goldsboro, Tom T. Hall, Emmylou Harris, Engelbert Humperdinck, Howard Keel, Johnny Mathis, Nana Mouskouri, Jim Nabors, Helen Reddy, Bobby Vinton và có cả Claude Francois với phiên bản tiếng Pháp mang tên “Et je t’aime tellement” (1977).
AND I LOVE YOU SO
And I love you so,
The people ask me how,
How I’ve lived till now
I tell them “I don’t know”.
I guess they understand
How lonely life has been
But life began again
The day you took my hand.
And yes I know how lonely life can be
The shadows follow me
And the night won’t set me free
But I don’t let the evening bring me down.
Now that you’re around me
And you love me too
Your thoughts are just for me
You set my spirit free
I’m happy that you do.
The book of life is brief
And once a page is read
All but love is dead
This is my belief.
And yes I know how lonely life can be
The shadows follow me
And the night won’t set me free
But I don’t let the evening get me down
Now that you’re around me.
Và anh đã yêu em
Người ta đã hỏi anh
Sống đến nay thế nào?
Anh nói anh không biết.
Anh đoán họ cũng hiểu
Cuộc sống thật buồn tẻ
Nhưng đời bắt đầu lại
Ngày em nắm tay anh.
Anh biết đời buồn tẻ
Bóng tối đuổi theo anh
Đêm không giải thoát anh
Nhưng anh không gục ngã
Khi em đến với anh.
Và em cũng yêu anh
Em luôn nghĩ tới anh
Em đã giải thoát anh
Mang lại niềm hạnh phúc.
Cuốn sách đời rất ngắn
Một trang vừa đọc xong
Chỉ còn lại tình yêu
Anh luôn tin như thế.
Anh biết đời buồn tẻ
Bóng tối đuổi theo anh
Đêm không giải thoát anh
Nhưng anh không gục ngã
Khi em đến với anh.
Năm 1973, ca khúc “And I love you so” đã trở thành một bài hit của Perry Como (được xếp hạng 29 trên bảng xếp hạng Hot 100 của tạp chí Billboard) khi anh cover lại để đưa vào album “And I love you so”
– “And I love you so” với giọng ca Don McLean
– “And I love you so” Don McLean live
– Ca khúc “And I love you so” với giọng ca Perry Como (live version)
– Ca sĩ Claude Francois đã cover ca khúc “And I love you so” dưới cái tên “Je t’aime tellement”