Đào Trường Phúc sinh năm 1947 tại Hà Nội, theo gia đình di cư vào Nam vào năm 1954. Như hầu hết thiếu niên gốc Bắc di cư, anh theo học Trường trung học Chu Văn An tại Sài Gòn và một lý do nữa khiến anh muốn vào học tại đây là lòng mến mộ nhà thơ Vũ Hoàng Chương, người thầy dạy môn Việt văn, như lời kể của anh trong tùy bút “Xuân xưa, người cũ”:

“Đó là những năm tháng tôi lớn lên, học xong bậc trung học đệ nhất cấp, trôi dạt qua hai, ba ngôi trường trước khi được cha mẹ chiều ý xin cho vào Trường Chu Văn An để học lớp Đệ tam (lớp 10) ban C. Theo học ban C của Chu Văn An là một trong những ước nguyện lớn nhất của tôi lúc bấy giờ vì một lý do rất đơn giản: điều đó có nghĩa là một năm sau, tôi sẽ theo gót anh tôi, trở thành học sinh lớp đệ nhị (lớp 11) C, lớp duy nhất của bậc trung học – tại Sài gòn nói riêng và miền Nam nói chung – được học Việt văn với giáo sư Vũ Hoàng Chương…

“Trong hai năm đệ tam và đệ nhị, tôi trốn học khá nhiều giờ để đi bát phố hay để ngồi nhâm nhi những ly cà phê với bạn bè, nhưng riêng những giờ Việt văn thì không bao giờ tôi vắng mặt. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ, và tôi biết tôi sẽ nhớ mãi mãi, cái cảm giác lâng lâng sung sướng của chính mình trong từng giờ học, mỗi khi nghe thầy Chương giảng về thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ… hay khi nghe ông ngâm nga những câu Kiều, và thú vị hơn nữa là khi nghe ông bất chợt xen giữa những bài giảng, kể lại vài mẩu giai thoại văn chương, nhắc lại dăm ba kỷ niệm với những khuôn mặt văn hữu thân thiết của ông như Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Bính…” (Xuân xưa, người cũ).

Anh tốt nghiệp cử nhân văn chương (1969) ở Đại học Văn khoa Sài gòn và tốt nghiệp cao học Luật khoa (1971) ở Đại học Luật khoa rồi vào làm việc tại Cơ quan Tiếp vận Trung ương thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Anh phụ trách những chương trình phát thanh của Đài phát thanh Sài gòn, cộng tác với các tạp chí Văn, Bách Khoa, Tiếng Nói, Hoài Bão, Phát Triển Văn Hóa và trở thành hội viên Trung tâm Văn bút Việt Nam từ năm 1973. Năm 1983, anh vượt biên đến đảo Pulau Bidong của Malaysia rồi định cư tại bang California của Hoa Kỳ từ năm 1984. Trên quê hương mới, anh làm việc cho tuần báo Phố Nhỏ tại Virginia và cộng tác với các tạp chí như Làng Văn (Canada), Hồn Việt (California), Thế Giới Mới (Texas).

Tác phẩm đã xuất bản:

– Thơ tình mùa hạ (thơ, Hồng Lĩnh xuất bản,1970)

– Mặt trời trên cát (tập truyện, Từ Thức xuất bản, 1971)

– Hiện tượng Quỳnh Dao (tiểu luận, Khai Hóa xuất bản, 1973)

– Quê hương lưu đày (tiểu luận, Làng Văn xuất bản, 1987)

– Những điểm nóng sau Chiến tranh lạnh (tiểu luận, Làng Văn xuất bản, 1994)

Trong những tháng năm sống ở hải ngoại, Đào Trường Phúc đã viết những câu thơ đầy cảm xúc về mưa mù khơi những sớm mai hiu hắt:

Mưa trên quê hương tôi
Mưa phùn trời Hà Nội
Mưa xứ Huế lạnh lùng
Mưa Sài Gòn vời vợi…

Mưa trên quê hương tôi
Mưa giăng mắc mù khơi
Những sớm mai hiu hắt
Chẳng hẹn một niềm vui…

Tuy nhiên những câu thơ về mưa của anh được nhiều người biết đến nhất là những câu thơ trong bài thơ “Mưa trên đỉnh đồi cao” được nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo phổ nhạc thành ca khúc “Mưa trên thành phố cũ”:

Bài thơ MƯA TRÊN ĐỈNH ĐỒI CAO 

Mưa trên đỉnh đồi cao 
Mưa trên thành phố cũ
 
Hôm nay thu về nhiều
Hồn anh đầy lá úa.

Mưa trên đỉnh đồi cao
Em phương trời có nhớ
 
Một sớm có mưa nhiều
 
Trên vỉa hè tình tự.

Mưa trên đỉnh đồi cao 
Mưa trên vùng thơ ấu
Mưa ướt mấy mươi năm
Không nhủ hồn nương náu.

Mưa trên đỉnh đồi cao
Mưa trên tóc người yêu
Ta ngồi ôm vai nhỏ
Nghe bước đời tịch liêu.

Mưa trên đỉnh đồi cao 
Mưa trên đỉnh đồi chiều
Ta về thành phố cũ
Có cuộc tình trôi theo.

Đào Trường Phúc (trích từ tập “Thơ tình mùa hạ”, Hồng Lĩnh xuất bản, Saigon 1970)

Mùa thu đã về trên thành phố của những ngày yêu dấu đã xa. Mưa giăng mờ những đỉnh đồi cao và mưa rơi trên những đường phố vắng. Trong buổi sớm mai hiu quạnh này, lá úa rơi nhiều như nỗi buồn tràn ngập tâm hồn anh, và anh tự hỏi ở phương trời xa, em có khi nào nhớ tới cuộc tình của chúng ta và hồi tưởng lại một buổi sớm mai có mưa nhiều, em và anh còn ở bên nhau, nói với nhau những lời tình tự thiết tha nhất. Mưa rơi sáng nay như đã rơi từ những năm tháng xa xưa, nỗi hiu quạnh từ mấy mươi năm qua trở lại với anh và anh bỗng thấy tâm hồn chơi vơi, không còn biết nương tựa vào đâu. Mưa rơi làm anh nhớ lại những ngày ta còn ở bên nhau, mái tóc em ướt đẫm mưa, nhưng giờ đây anh chỉ còn lại một mình, nhìn cuộc sống tịch liêu chầm chậm trôi qua. Khi màn mưa che mờ những đỉnh đồi cao, anh trở lại thành phố cũ, cuộc tình của em và anh đã vĩnh viễn không còn nữa, nhưng sao những kỷ niệm không thể nào quên cứ vương vấn mãi trong tâm hồn anh.  

Ca khúc MƯA TRÊN THÀNH PHỐ CŨ của Hoàng Quốc Bảo

Mưa trên đỉnh đồi cao
Hôm nay thu về nhiều
Hồn anh đầy lá úa
Hôm nay thu về nhiều
Hôm nay thu về nhiều.

Em phương trời có nhớ
Mưa trên đỉnh đồi cao
Một sớm có mưa nhiều
Trên vỉa hè ân ái
Một sớm có mưa nhiều
Một sớm có mưa nhiều.

Mưa trên vùng thơ ấu
Mưa trên đỉnh đồi cao
Mưa ướt mấy mươi năm
Không nhủ hồn nương náu
Mưa ướt mấy mươi năm
Mưa ướt mấy mươi năm.

Ôi! Một lần yêu nhau
Một lần yêu nhau giữa đời
Nụ sầu rơi xuống đời chẳng biết
Mưa trên đỉnh đồi cao
Chiều mưa trên đỉnh đồi cao
Bước chân bước chân ta về
thành phố cũ
Nhưng
có cuộc tình
vẫn cuộc tình
trôi theo.

Mưa trên tà áo biếc
Mưa trên đỉnh đồi cao
Mai đây anh phương nào
Còn xui lòng nhớ tiếc
Mai anh phương trời nào
Mai đây anh phương nào?
(Hoàng Quốc Bảo)

– Ca khúc “Mưa trên thành phố cũ” do Hoàng Quốc Bảo trình bày

– Một phiên bản khác với giọng ca Hoàng Quốc Bảo