“Chạy quốc tịch”: ai, từ đâu và tại sao?
Tháng 11-2019, một hội thảo rình rang được tổ chức ba ngày tại khách sạn năm sao Rosewood ở London (Anh) với vé tham dự đắt đỏ 1.500 euro. Thực chất đây là chiến dịch tiếp thị quảng bá một sản phẩm đặc biệt: quốc tịch; được đích thân nguyên thủ và giới chức cấp cao đứng ra “chào bán”. Thủ tướng Allen Chastanet (đảo quốc St Lucia) nói rằng “passport vàng” nước mình có thể đến 145 quốc gia không cần visa trong đó có Anh, khu vực Schengen thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hong Kong và Singapore. Tại hội thảo, ngoài thủ tướng St Lucia, còn có thủ tướng Albania (Edi Rama), thủ tướng Montenegro (Duško Marković), một bộ trưởng Malta, một đại sứ Antigua and Barbuda, và đại diện Cyprus – theo The Guardian.
Một thị trường phức tạp
Thị trường quốc tịch, thông qua chương trình “visa vàng” và “passport vàng”, đang bùng nổ, trị giá trung bình 25 tỷ USD/năm. Được đảo quốc St Kitts and Nevis tung ra đầu tiên năm 1984 nhưng dịch vụ này chỉ nhộn nhịp trên dưới 10 năm trở lại, đặc biệt từ sau năm 2009, khi người sở hữu passport St Kitts and Nevis được miễn thị thực nếu đến 26 quốc gia khu vực Schengen. Các nước giàu như Mỹ, Anh, New Zealand, Canada… đều có chương trình nhập tịch thông qua đầu tư (Citizenship by investment programs-CIP) nhưng hồ sơ được xét luôn gay gắt nhằm tránh rửa tiền cũng như tham nhũng. Đáng chú ý hơn vẫn là hồ sơ CIP từ những đảo quốc nhỏ, dù giá mua quốc tịch không hề rẻ: khoảng 1,1 triệu euro đối với Malta hoặc 2 triệu euro với Cyprus.
EU liên tục lên tiếng về sự lỏng lẻo trong duyệt hồ sơ CIP tại các đảo quốc. Năm 2014, khoảng 89% thành viên Quốc hội EU đã bỏ phiếu chống CIP của Malta (thành viên EU) vì sự thiếu minh bạch. Tuy nhiên, EU lại không có quyền cấm cản Malta. Một trong những điều khoản trong quy định CIP của Malta gây chỉ trích nhiều nhất là việc cho phép người có tiền án hình sự hoặc dính dáng tham nhũng vẫn được mua passport với (cái gọi là) “điều kiện”: “Người đứng đơn có thể được duyệt cấp trong những trường hợp đặc biệt”! Hẳn việc Cyprus bán passport cho người anh em họ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là “trường hợp đặc biệt” tương tự.
Sự mờ ám ít nhiều dính dáng mafia trong đường dây mua bán quốc tịch Malta từng khiến chú ý, với vụ ám sát nhà báo Daphne Caruana Galizia bằng quả bom cài trong xe vào năm 2017, khi Galizia đang thực hiện phóng sự điều tra liên quan. Trước khi bị giết, Galizia viết trên blog: “Tổn thất gây ra cho Malta bởi việc bán quốc tịch là không thể tin được…”. Malta từng bị tai tiếng khi bán quốc tịch cho năm người dính dáng tội phạm hình sự, trong đó có Anatoly Hurgin, công dân Israel, kẻ bị Mỹ và Israel cáo buộc tội gian lận, buôn lậu và rửa tiền. Ngoài Anatoly Hurgin, còn có tỷ phú Nga Boris Mints, người bị Chính phủ Anh phong tỏa tài sản vì tội gian lận; một công dân Ai Cập tên Mustafa Abdel Wadoood bị Mỹ cáo buộc tội rửa tiền và đối mặt bản án 125 năm tù; tỷ phú Trung Quốc Lưu Trung Điền (Liu Zhongtian) bị Mỹ cáo buộc tội gian lận thuế; và Pavel Melnikov bị Chính phủ Phần Lan cáo buộc tội gian lận tài chính.
Ai, từ đâu, và tại sao?
Ngày 23-8-2020, Chính phủ Cyprus phủ nhận các qui kết mờ ám và lỏng lẻo trong CIP của họ. Bộ trưởng nội vụ Cyprus nói rằng 12 người nước ngoài nêu trong hồ sơ điều tra của tờ Al Jazeera đều được cấp quốc tịch sau khi trải qua quy trình thẩm định chặt chẽ (bốn người Nga; hai người từ mỗi nước Trung Quốc, Ukraine và Iran; một người từ mỗi nước Venezuela và Việt Nam). Cyprus nhắc lại rằng họ đã tước quốc tịch 26 nhà đầu tư từ Nga, Campuchia, Malaysia và Iran vào năm 2019. Tuy nhiên, một khi CIP được thực hiện trực tiếp từ một công ty tư nhân (trong trường hợp này là Henley & Partners – hiện là tập đoàn lớn nhất thế giới về mua bán quốc tịch) thì khả năng hồ sơ được “tư vấn” giúp “làm sạch” nhằm lọt cửa thẩm định là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra và không quá khó, đặc biệt với giới có tiền và với những kẻ bằng mọi giá phải “chạy” quốc tịch nước ngoài.
Từ năm 2017-2019, các nước có công dân xin nhập tịch Cyprus nhiều nhất là Nga, Trung Quốc và Ukraine. Trong số hồ sơ được Cyprus chuẩn duyệt mà tờ Al Jazeera tiếp cận được có tỷ phú Ukraine Mykola Zlochevsky, người mua passport Cyprus năm 2017, ở thời điểm đương sự đang bị điều tra tham nhũng. Tháng 6-2020, công tố viên Ukraine thậm chí cho biết họ được Zlochevsky đề nghị hối lộ 6 triệu USD bằng tiền mặt để hủy án. Tương tự, Nikolay Gornovskiy (cựu giám đốc tập đoàn năng lượng Nga Gazprom), người được Cyprus cấp passport năm 2019, cũng nằm trong danh sách truy nã của Nga. Trương Khắc Cường (Zhang Keqiang) được cấp passport Cyprus dù đương sự từng ngồi tù ở Trung Quốc. Không thể không kể Phạm Nhật Vũ, người được chuẩn y hồ sơ xin cấp passport một tháng sau khi Vũ bị Chính phủ Việt Nam cáo buộc tội biển thủ hàng triệu đôla. Còn phải kể đến Lý Gia Đông (Li Jiadong), kẻ bị Chính phủ Mỹ cấm vận vì tội rửa tiền trong vụ án liên quan Bắc Triều Tiên…
Điều tra mới nhất cho thấy, trong số viên chức và giới thượng lưu Trung Quốc mua quốc tịch Cyprus, có Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan), người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, với tài sản 28,5 tỷ USD. Dương Huệ Nghiên là ái nữ của Dương Quốc Cường (Yang Guoqiang), thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Những kẻ khác đang cầm passport Cyprus là Lục Văn Bân (Lu Wenbin) – đại biểu nhân dân Thành Đô; Trần An Lâm (Chen Anlin) – thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị quận Hoàng Bi (thuộc thành phố Vũ Hán); Phó Chính Quân (Fu Zhengjun) – thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị thành phố Kim Hoa (Chiết Giang); Triệu Chân Bằng (Zhao Zhenpeng) – thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị thị trấn Tân Châu (Sơn Đông)…
Câu chuyện “chạy” quốc tịch cho thấy việc bằng mọi giá phải có quốc tịch nước ngoài, trong vài trường hợp, là “giải pháp vàng” đối với đám tham nhũng và tội phạm, được ít nhiều trợ giúp bởi những tập đoàn tư nhân khổng lồ như Henley & Partners hoặc Knightsbridge Capital Partners mà cho đến thời điểm này hoạt động của họ ngày càng tai tiếng và không thể kiểm soát (Henley & Partners thậm chí thiết kế luôn cả passport!). Tình trạng này còn thêm hỗn loạn phần nào bởi kể cơ chế của hệ thống EU mỗi lúc mỗi lộ ra hết khiếm khuyết này đến lỗ hổng khác.
Tuy nhiên, hơn hết, nó là câu chuyện của niềm tin vào thể chế, vào năng lực điều hành kinh tế lẫn mức độ an toàn xã hội. Danh sách “khách hàng” từ Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Ukraine… cho thấy một điểm chung: đó là những quốc gia bị nạn tham nhũng trầm trọng và thiếu minh bạch, nơi mà những mỹ từ như “yêu nước” và “đóng góp quốc gia” luôn được lạm dụng nhưng ngày càng trở nên không đủ “nặng” để có thể giữ chân những kẻ vốn có thể thấy rõ sự hào nhoáng giả tạo và những khiếm khuyết hệ thống mà chính họ góp phần tạo ra.