Ca Khúc Nào Hay Nhất Mọi Thời?
Ca khúc của một thời ở đây không là ca khúc gắn liền với kỷ niệm cá nhân (hoàn toàn mang tính riêng tư) mà là những ca khúc từng tồn tại trong quãng thời gian nhất định với sự chấp nhận của số đông. Khó có thể định nghĩa chính xác tuyệt đối thế nào là ca khúc một thời (bởi một tác phẩm có người này thích nhưng người kia không ưa và ngược lại) và càng khó chọn ca khúc nào hay nhất mọi thời…
Non je ne suis plus la même của Sylvie Vartan, Et pourtant của Charles Aznovour, Non Chéri của Sheila, Après toi của V. Leandros… là thời của thập niên 1970, thời nhạc Pháp còn ở đỉnh cao. Yesterday once more của Carpenter, Reaching out của Bee Gees, Still got the blues của Gary Moore… là thời thập niên 1970, thời của pop truyền thống. Cherish (Kool & The gang), You’re my everything (Santa Esmeralda), All I have to do is dream (Andy Gibb), Because I love you (Shakin Stevens), Friday night (Koren Alice Maywood), Face to face (Olivia Newton John & Barry Gibb), Saving all my love for you (Whitney Houston), Super Trouper của Abba… là thời thập niên 1980 – đỉnh cao của pop hiện đại…
Khó có thể kể hết trong số hàng ngàn ca khúc được xem là tiêu biểu trong các giai đoạn trên và chỉ có thể tóm lược bằng nhận xét chung: tất cả ca khúc trên đều là những ca khúc của một thời, không những quen thuộc mà thậm chí chỉ cần đọc tên thì người ta đã có thể “nghe” được giai điệu trong đầu… Có thể lập ra một công thức phổ quát đơn giản cho ca khúc được gọi là bất tử với thời gian:
1/ Ca khúc một thời là ca khúc dễ nghe, dễ thuộc và dễ nhớ;
2/ Sự tồn tại kéo dài nhiều năm hay nhiều thập niên và bám rễ sâu trong tiềm thức người nghe;
3/ Được đa số công chúng chấp nhận;
4/ Được “cover” (hát lại) nhiều lần bởi thế hệ sau;
5/ Trở thành đại diện tiêu biểu trong sự nghiệp ca sĩ/nhóm nhạc. Dù những yếu tố trên có thể không là tiêu chí mang tính chuẩn mực để đánh giá thế nào là ca khúc một thời nhưng ít ra cũng giúp có cái nhìn nhất định về giá trị cần có của một ca khúc.
Việc chọn những ca khúc nằm trong bảng vàng hay nhất mọi thời chưa bao giờ dừng lại ở mỗi giai đoạn hoặc thời điểm. Điều này cho thấy khái niệm “hay nhất mọi thời” chỉ là một ý niệm lỏng lẻo. Sự đánh giá và chọn lọc thường luôn gây ra các cuộc tranh cãi như mổ bò. Ý kiến của giới chuyên môn không phải bao giờ cũng khớp với người hâm mộ. Hồi năm 2001, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) cùng Tổ chức tài trợ nghệ thuật quốc gia (NEA) đã công bố danh sách “365 ca khúc hay nhất thế kỷ”. RIAA – tổ chức có uy tín lớn – đã khiến bất bình bởi thứ hạng của những ca khúc được xem là hay nhất thế kỷ 20 này. Vấn đề ở chỗ, RIAA không nêu rõ tiêu chí chọn ca khúc – chẳng hạn doanh số đĩa, sức cuốn hút, khả năng tồn tại thời gian hay đơn giản hơn là “sự nhớ đến” của công chúng.
Thứ tự 10 ca khúc đứng đầu trong 365 ca khúc thế kỷ là: Over the rainbow của Judy Garland; White Christmas của Bing Crosby; This land is your land của Woody Guthrie; Respect của Aretha Franklin; American Pie của Don McLean; Boogie woogie bugle boy của The Andrews Sisters; West Side Story (nhạc kịch Broadway); Take me out to the ball game của Billy Murray; You’ve lost that lovin’ feelin’ của The Righteous Brothers; và The entertainer của Scott Joplin.
Nhiều người đã chỉ trích gay gắt danh sách RIAA. Chẳng hạn việc ca sĩ tài danh Bob Marley (chết năm 1981) – người được xem là một trong những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng mạnh nhất thế kỷ 20 – lại bị hất văng khỏi danh sách RIAA. Hơn nữa, việc xếp hạng lại không thỏa đáng giới chuyên môn cũng như người hâm mộ. Ca khúc U can’t touch this của M.C. Hammer (mà nay không còn mấy ai nhớ) được xếp hạng 201, trong khi All along the watchtower của Jimi Hendrix đứng hạng chót (365). Every breath you take của The Police nằm hạng 44 trong khi Yesterday của Beatles đứng hạng 56. Livin’ la vida loca của Ricky Martin đứng hạng 203 trong khi tuyệt khúc You’re so vain của Carly Simon lừng danh từ hồi Ricky còn chưa biết chập chững lại đứng hạng 216…
Trước danh sách RIAA, chuyên san âm nhạc Rolling Stone (RS) phối hợp cùng MTV, cũng công bố 100 ca khúc hay nhất mọi thời (đăng trên RS số đề ngày 7-12-2000). Danh sách này cũng gây tranh cãi nốt. Đứng đầu danh sách là Yesterday của Beatles. Chẳng có gì bàn cãi thêm nếu RS/MTV không xếp I want it that way của Backstreet Boys hạng 10 (!) – hơn cả hàng loạt ca khúc tuyệt đỉnh từng khuynh đảo một thời như: Hotel California của The Eagles (hạng 11), Imagine của John Lennon (hạng 15), Your song của Elton John (hạng 30), I will always love you của Whitney Houston (hạng 40), I want to know what love is của The Foreigner (hạng 83), Stayin’ alive của Bee Gees (hạng 93)…
Gần đây, nhân kỷ niệm 60 năm ngày đầu tiên tung ra bảng xếp hạng “Hot 100”, chuyên san âm nhạc Billboard (2-8-2018) lại công bố danh sách “The Biggest Hits of All: The Hot 100’s All-Time”. Dĩ nhiên không ít người cũng có thể nổi khùng với danh sách này vì ca khúc mình yêu thích và tin rằng nó đáng lý phải được xếp hạng cao hơn đã không có trong danh sách hoặc nằm ở thứ hạng thấp. Đứng đầu danh sách là The Twist (1960) của Chubby Checker. Kế đó là Smooth (1999) của Santana; rồi Mack the knife (1959) của Bobby Darin; Uptown funk! (2015) của Mark Ronson hát cùng Bruno Mars; How do I live (1997) của Leann Rimes…
Các ca sĩ thế hệ trẻ cũng có mặt trong bảng Billboard 2018: Ed Sheeran (với Shape of you – 2017; hạng 9); Adele (Rolling in the deep – 2011; hạng 35); Rihanna hát cùng Calvin Harris (với We found love – 2011; hạng 27)… Phần Beatles, họ có vài ca khúc (chẳng hạn Hey Jude – 1968; hạng 12) nhưng Yesterday thì bị ra rìa. Tin nổi không? Yesterday bị ra rìa, không hề có mặt trong danh sách “The Hot 100’s All-Time”!
Với người viết bài này, “The Biggest Hits of All” là những ca khúc từng in đậm trong đầu với những kỷ niệm gắn liền với cái thời mà Sài Gòn chẳng có gì giải trí ngoại trừ rủ nhau đi quán café nhạc, vào thời mà nghe nhạc và chơi nhạc là niềm vui duy nhất để có thể sống trên một đất nước nghẹt thở, khốn cùng và bi đát ở giai đoạn sau 1975. Cái bụng đói lép kẹp đã được lấp “no nê” với Heartbreaker của Dionne Warwick; Lost in France của Bonnie Tyler; Stumblin’ in của Suzi Quatro; Papa của Paul Anka, Oye como va của Santana; Hotel California của Eagles; Too much heaven của Bee Gees; Life story của Barbra Streisand; Sultans of swing của Dire Straits; Main dans la main của Christophe; Lost in love của Air Supply… “The Biggest Hits of All” còn là những ca khúc đệm cho cô nào đó hát trong những “đêm đen” vì… cúp điện. “The Biggest Hits of All” cũng là những ca khúc mà bây giờ nghe lại luôn gợi nhớ đến một thời, một thời “tán gái thuở đầu đời”…
@theNewViet