“Quên tương lai đi. Tập trung làm mọi việc một cách tốt nhất trong vòng 5 phút tới.” – Tom Peters

Tôi là fan của Tim Ferriss, tác giả quyển sách nổi tiếng Tuần làm việc 4 giờ (The 4-Hour-Workweek). Tuy nhiên, những hướng dẫn của Tim không dễ áp dụng vào cuộc sống cá nhân tôi. Vài năm trước, ba tôi gửi tôi một video của Tom Peters nói về cách quản lý tài chính cá nhân trong khủng hoảng kinh tế. Ông còn nói với tôi rằng “Hãy quên Tim Ferriss đi”. Thế là tôi thử nhấn vào xem video, và trong vài giây, Tom Peters đã trở thành thần tượng mới của tôi.

Vài năm qua, tôi dành ít nhất hai tiếng một tuần để nghiên cứu những công trình của Tom Peters. Trong đó bao gồm bài phỏng vấn của ông dành cho Tim Ferriss. Nếu bạn chưa từng nghe đến tác giả của cuốn sách lừng danh “Tìm kiếm sự xuất sắc” (In Search of Excellence), sau đây là bốn điều cần nhớ để có một cuộc sống ý nghĩa dựa theo Tom Peters.

1/ Luôn đặt mục tiêu nhỏ

“Mọi người luôn bảo bạn phải có tầm nhìn xa, mục tiêu lớn. Tôi nghĩ bạn nên suy nghĩ nhỏ lại và tập trung làm mọi việc một cách hoàn hảo nhất trong ngày hôm nay. Thành công không phải là đạt được điều kỳ diệu lớn lao nào cả. Thành công nằm trong những việc bạn sẽ làm trong năm phút tiếp theo. Quên việc suy nghĩ dài hạn đi. Hãy biến năm phút tới trở thành năm phút thật đáng giá!” – Tom Peters

Chúng ta luôn được dạy phải tìm được mục tiêu trong cuộc sống, phải nhìn dài hạn và chuẩn bị cho tương lai. Theo Tom, chúng ta nên quên những việc đó đi. Sự thật là chúng ta chỉ tồn tại ở hiện tại. Tại sao nghĩ về tương lai khi không một ai chắc chắn rằng mình sẽ thức dậy vào ngày mai?

Hãy bắt đầu với những việc nhỏ và bắt đầu ngay từ bây giờ. Làm mọi việc với 100% nỗ lực. Mang giày lên và chạy bộ với tốc độ tối đa trong năm phút tới. Viết câu văn hay nhất mà bạn từng viết trong năm phút tới. Thật sự tập trung vào hiện tại trong năm phút tới. Đa số chuyện xảy ra trong cuộc sống đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được độ tập trung và nỗ lực trong mọi việc cần làm.

2/ Luôn nghe nhiều hơn nói

“Luôn là người nghe giỏi nhất”. Lắng nghe không phải là một kỹ năng bẩm sinh. Bạn cần thực tập rất nhiều về nó”. Một tỷ người trên thế giới đã tìm kiếm trên Google về “Cách cải thiện kỹ năng nói”. Nhưng chỉ 100.000 người search về “Cách cải thiện kỹ năng nghe”. Hãy là người chọn việc học cách cải thiện kỹ năng nghe. Bạn sẽ không bao giờ có giá trị nếu bạn không học được cách thấu hiểu mọi người xung quanh. Hãy bắt đầu bằng việc tra từ khoá “Lắng nghe” lên Google và tìm một vài cuốn sách về chủ đề này. Tôi thích giới thiệu tới mọi người cuốn Verbal Judo của tác giả George J. Thompson. Đây là một quyển sách cực kỳ dễ hiểu để áp dụng vào cuộc sống. Ngoài ra tác giả còn dạy kỹ năng hòa giải bằng việc sử dụng tai thay vì miệng.

Ngoài những nguyên tắc cơ bản khi giao tiếp như đừng sử dụng điện thoại khi đang nói chuyện hoặc lặp lại những gì bạn vừa nghe thì đây là ba câu hỏi bạn cần đặt ra cho bản thân để trở thành một người nghe hiệu quả hơn:

Hôm nay tôi muốn học hỏi được điều gì mới?

Hôm nay tôi sẽ nhận ra tôi không luôn luôn “đúng” bao nhiêu lần?

Hôm nay tôi sẽ giúp được gì cho người khác?

3/ Luôn học hỏi và tìm tòi

“Đọc, đọc, đọc và đọc. Người học sinh giỏi nhất luôn là kẻ thắng cuộc”. Việc duy nhất bạn nên làm là học. Hãy là người cầm cuốn sách khi mọi người xung quanh bạn cầm điện thoại. Để đọc một cách hiệu quả nhất, hãy đa dạng hóa loại sách mà bạn đọc. Đọc tiểu sử để học cách vượt qua khó khăn và nhận ra rằng không có thành công nào đến dễ dàng trong cuộc sống. Đọc sách về cách tự học để hoàn thiện bản thân. Những cuốn sách này sẽ giúp bạn có ý chí hơn và giúp bạn cải thiện nhiều kỹ năng trong cuộc sống. Đọc tiểu thuyết để trở nên sáng tạo hơn và nhận ra rằng những người xung quanh bạn tài giỏi như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà những người thành công đều đọc sách, rất nhiều sách.

4/ Luôn đối xử tử tế

“Bạn có thể thông minh, bạn có thể giàu có và bạn có thể là một người làm việc chăm chỉ. Nhưng bạn sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc nếu bạn không biết cách đối xử tử tế với mọi người xung quanh.” Tôi đã làm việc trong bảy ngành nghề khác nhau trong vòng 20 năm qua. Điểm khác biệt của một công việc tốt và một công việc tệ luôn là cách bạn đối xử với mọi người xung quanh. Những người làm trong ngành kinh doanh hiểu rõ điều này hơn bất kỳ ai. Các công ty luôn chọn làm việc với những nhân viên tử tế, và ngược lại. Chuyện trở thành một người tử tế lại rất đơn giản.

Cười và chào mọi người bạn bắt gặp

Thăm hỏi về gia đình của bạn bè

Học cách hỏi thăm sức khỏe người khác

Đừng luôn biểu dương bản thân

Luôn lắng nghe

Suy cho cùng, những lời khuyên của Tom đều rất đơn giản để đạt được

Luôn đặt mục tiêu nhỏ

Luôn nghe nhiều hơn nói

Luôn học hỏi và tìm tòi

Luôn đối xử tử tế với mọi người

Source: Medium