Thế giới điện ảnh vừa kỷ niệm 100 năm ngày sinh tài tử huyền thoại Marlon Brando. Nhân dịp này, nhà bình luận Ty Burr viết trên The Washington Post: “Who’s the next Brando? Nobody.” Chẳng có ai cả! Trong thế giới nghệ thuật, có những nhân vật để lại dấu ấn độc đáo đến mức nhiều thế hệ sau cũng không ai đủ đẳng cấp làm lu mờ hình ảnh họ. Phạm Duy của Việt Nam là một ví dụ. Và trong thế giới điện ảnh, Marlon Brando là một người như vậy…

Ngày 3 Tháng Tư 2024 đánh dấu 100 năm ngày sinh Marlon Brando – một trong những nhân vật lớn nhất của văn hóa đại chúng thế kỷ 20. Với sự xuất hiện trong vai Stanley Kowalski trong vở kịch A Streetcar Named Desire của Tennessee Williams sản xuất năm 1947 và phiên bản điện ảnh năm 1951, Marlon Brando đã xé bỏ và viết lại các quy tắc biểu diễn, về những gì tạo nên cái gọi là “nghệ thuật diễn xuất”.

Trong suốt nhiều thập niên, vô số nam tài tử đã cố bắt chước thần tượng Marlon Brando, từ Steve McQueen, Paul Newman, Robert De Niro, Al Pacino, Sean Penn, đến Leo DiCaprio… nhưng tượng đài Marlon Brando vẫn sừng sững. Phong cách diễn xuất và định nghĩa văn hóa về nam tính đã thay đổi theo nhiều thập niên; và thế kỷ 21 cũng chứng kiến ​​một thị trường ngày càng mở rộng với sự xuất hiện hàng loạt ngôi sao tài năng, mà mỗi người có một vị trí riêng, nhưng Marlon Brando vẫn được giới phê bình tôn vinh như một biểu tượng bất tử.

Di sản Marlon Brando là cuộc cách mạng trong diễn xuất, mang lại nền tảng cho những thế hệ sau. Nhiều diễn viên đã nghiên cứu và bắt chước phương pháp này, từ Robert De Niro đến Leonardo DiCaprio. Chẳng phải tự nhiên mà Peter Tonguette viết trên Wall Street Journal ngày 1 Tháng Tư 2024 rằng Marlon Brando là “The Godfather of Modern Acting”.

Chỉ với vai diễn Stanley Kowalski trong vở A street car named Desire của kịch tác gia Tennessee Williams, chàng diễn viên trẻ 23 tuổi Marlon Brando đã gây chấn động, tạo tiền đề cho con đường thâm nhập điện ảnh. Vở diễn tại rạp Ethel Barrymore ở Broadway ngày 3 Tháng Mười Hai 1947 đã lập dàn phóng cho Marlon Brando. Bạn diễn Jack Nicholson kể: “Ông ấy cho chúng tôi sự tự do”. Hàm nghĩa, kiểu cách của Brando đã cho phép các bạn diễn đi xa hơn nhân vật bị đóng khung trong kịch bản. Và đạo diễn Elia Kazan – người dàn dựng A street car named Desire – cho rằng, Brando đã thách thức tất cả những gì từng khuôn định cho kịch nói.

Sinh tại Omaha (tiểu bang bang Nebraska), Brando học tại Trường diễn viên ở New York và bắt đầu xuất hiện trên sân khấu năm 1944. Năm 1950, ông đóng phim lần đầu tiên, trong The men của đạo diễn Fred Zinnemann, với vai một cựu binh Đệ nhị Thế chiến. Năm sau, ông xuất hiện trong A street car named Desire dưới phiên bản điện ảnh (phim này đem lại tượng Oscar giải nữ diễn viên chính cho Vivien Leigh).

Với ngoại hình bô trai, đầy nam tính, cùng phong cách diễn mạnh mẽ, ông tiếp tục có mặt trong hàng loạt phim lớn, trong đó có Julius Caesar (1953) và The Wild One (1954). Với On the Waterfront (1954), Brando được trao Oscar giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Sau đó, ông có mặt trong nhiều tác phẩm kinh điển lẫn giải trí: The Teahouse of the August Moon (1956), The Young Lions (1958), One-Eyed Jacks (1961), Mutiny on the Bounty (1962), Last Tango in Paris (1973), Apocalypse Now (1979), The Formula (1980), A Dry White Season (1989)…

Như cái vẻ khinh khỉnh bất hủ của ông trên màn bạc, Marlon Brando ngoài đời cũng là một kẻ kiêu ngạo. Nhưng sự kiêu ngạo đã tạo ra giá trị cộng thêm cho tài năng và nhân cách Marlon Brando. Năm 1972, Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) trao Oscar giải nam diễn viên chính xuất sắc cho Marlon Brando với vai diễn bố già Vito Corleone trong The Godfather. Tuy nhiên, Brando từ chối, để phản đối sự bóc lột người Mỹ da đỏ của giới chủ công nghiệp điện ảnh.

Trong hồi ký Brando – songs my mother taught me, Brando kể lại rõ lý do ông không nhận Oscar 1972. “Chương trình Oscar có cội rễ từ sự ám ảnh tự đề cao của Hollywood. Họ đam mê việc tán dương nhau… Thậm chí cái tên ‘Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh’ cũng là một sự thậm xưng. Tôi cười vào mặt những kẻ gọi công nghệ điện ảnh là nghệ thuật và diễn viên điện ảnh là nghệ sĩ. Rembrandt, Beethoven, Shakespeare và Rodin là nghệ sĩ. Diễn viên điện ảnh chỉ là những con kiến thợ trong một thứ doanh nghiệp và cặm cụi làm để kiếm tiền”.

Cần nói thêm một chi tiết có thể ít người biết: Thoạt đầu, Brando không muốn nhận vai ông trùm mafia trong The Godfather dù đích thân tác giả Mario Puzo gửi tặng một quyển và đề nghị Brando thủ vai bố già Vito Corleone khi truyện được chuyển thể thành phim. Sở dĩ Brando không muốn nhận vai vì cho rằng, theo lời kể của ông trong hồi ký nói trên, không có gì khác biệt giữa màn giết người của mafia và… cuộc ám sát Tổng thống Ngô Ðình Diệm tại Nam Việt Nam!

Điều khiến Marlon Brando trở thành tài tử cuốn hút là sự bộc lộ năng khiếu bẩm sinh đầy lôi cuốn của ông. Sử gia Hollywood Peter Manso nhận xét: “Mọi người đột nhiên bắt đầu nhìn ông ấy. Cách diễn của Marlon Brando khiến người ta ớn lạnh… Giống như đột nhiên bạn thức dậy và thấy đứa con ngốc nghếch của mình biết chơi nhạc Mozart. Nó khiến tóc bạn dựng đứng.” Diễn xuất của Brando vô thức đến mức trần trụi. Khi xem Brando trong Truckline Cafe năm 1946, nhà phê bình phim Pauline Kael nghĩ rằng tay tài tử trẻ này đang lên cơn động kinh. Khi diễn viên nói chung cố thể hiện vai hoặc tìm cách nhập vai một cách có ý thức, Brando lại thể hiện một trực giác tự nhiên, không cần được hướng dẫn gì, ngoài việc tự tìm những gì cảm thấy phù hợp để thể hiện, vào đúng thời điểm chính xác nào đó…

Cách dễ nhất để đánh giá di sản và ảnh hưởng của bất kỳ ai đối với nghề nghiệp họ đã chọn là xem nó tồn tại trước và sau họ như thế nào. Khi nói đến diễn xuất, không một chút nghi ngờ rằng Marlon Brando chắc chắn là một trong những diễn viên có ảnh hưởng nhất từng xuất hiện trên màn bạc. Marlon Brando thậm chí có thể là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.