Biết Yêu Bản Thân là một khái niệm lạ trong văn hóa Nho giáo, bởi con người bị ràng buộc bởi chung quanh, làng xóm, họ hàng hay tôn giáo. Yêu bản thân là một chuyện không nên đối với xã hội phong kiến. Trong xã hội tự do và tranh đua hơn, con người bắt buộc phải có một cái neo cho bản thân để tự tin vào con người và bản sắc chính mình, để hiểu và kiếm được hạnh phúc phù hợp với bản thân. Khi yêu bản thân, người ta có một cuộc sống không bị lệ thuộc vào người khác để chứng tỏ mình. Họ có giới hạn rõ ràng trong liên hệ, biết giá trị, và cái gì mình muốn, và cái gì có thể cho đi. Nói cách khác, Biết Yêu Bản Thân là không để mất đi yếu tố bản thân cho người khác. Tôi xin viết lại một câu chuyện thật 100% xảy ra gần đây. Tên nhân vật được thay đổi.

Minh họa: Unsplash

1/

Đang ngủ, bố mẹ giật mình vì tiếng hét của con gái, Ni. Hai người vội chạy sang phòng con. “Mở cửa cho bố mẹ”. Im lặng. Bố sốt ruột: “Con mở ngay cửa”. Ni lên tiếng: “Con không sao, bố mẹ về ngủ đi”. Mẹ nóng lòng: “Không, con mở cửa cho bố mẹ”. Ni: “Con đâu có gì”. Mẹ: “Anh lấy chìa khóa mở ngay đi”. Bố vội chạy đi kiếm chiếc chìa khóa dự trữ và mở cửa. Ni ngồi trên ghế, gục đó. Con dao trên bàn, vết cắt, cánh tay rỉ máu. Mẹ chạy lại ôm Ni: “Có bố mẹ đây mà, con lại cắt tay làm gì. Có gì nói bố mẹ”. Ni ôm mẹ khóc nức nở: “Con không xứng đáng, con không xứng đáng”. Mẹ ôm vỗ về không biết phải làm gì. Chuyện này đã xảy ra nhiều lần. Ni vừa mới chia tay Long, người bạn trai. Trước khi chia tay, Long tâm sự với mẹ Ni về lý do chia tay, và gửi gấm. Bà hiểu Ni và hiểu tại sao Long cần chia tay. Ni đã không yêu mình đủ, nên nhiều khi, những điều bình thường Long làm đều khiến Ni khó chịu trong lòng, và thậm chí nghi ngờ tuôn ra.

Ví dụ, một tin nhắn của cô bạn cùng lớp tới Long, một trang web có cô con gái đẹp Long đọc, thậm chí những bạn gái cũ của Long bây giờ giữ liên lạc trên facebook. Có những lúc Ni đay nghiến Long, tại sao lại đọc facebook của họ, hay tại sao liên lạc với cô kia… Ni sống qua Long, và Ni rất sợ mất Long. Những khi được Long khen đẹp, Ni lại nghĩ là Long khen tội nghiệp. Mỗi khi Long khuyến khích điều gì đó. Ni lại nghĩ Long giả vờ. Giờ giấc của Long cũng được Ni canh và nghi vấn. Ni biết vấn đề tâm lý của mình, ngay trước khi gặp Long. Nhưng Ni không thể kiềm chế được bản thân. Không muốn yêu nhưng Ni đã không ngăn được trái tim mình. Nỗi khổ sâu xé trong lòng Ni.

2/

Long gặp Ni khi cả hai học năm thứ nhất đại học. Long đã mất rất nhiều công lao để đeo đuổi Ni. Một cô gái đẹp và thông minh. Long thương Ni một cách say đắm, vì tình yêu ban đầu của cả hai. Ni có tính nết dịu dàng và đảm đang, chăm lo cho Long không chê vào đâu được. Long và Ni rất hợp tính và sở thích. Họ chia sẻ nhau nhiều kỷ niệm đẹp. Những cuộc đi chơi, dã ngoại. Thế nên ban đầu, họ tưởng tình yêu này sẽ không tàn. Họ có cả một dự tính màu hồng sang Nhật để dự Thế Vận Hội. Ni giữ một lọ thủy tinh có nhiều ngôi sao nhỏ. Mỗi ngôi sao là một nơi mà Ni ước được đi tới với Long. Ngày tháng trôi qua. Ni càng ngày càng lệ thuộc vào tình yêu của Long. Nhưng dần, vì công việc và cần thiết của tương lai, họ phải có những giao tiếp xã hội riêng.

Minh họa: Unsplash

Xung đột tăng dần mỗi lần hai người gần gũi. Tính Long lại rất bao dung và nhường nhịn. Nên Ni vô tình đẩy Long rất sâu vào trũng. Những trận cãi vã giữa đêm. Những lần cắt tay của Ni để tự hành hạ. Sau cùng, Long quyết định phải chia tay hoặc làm cái gì đó, mặc dù cực kỳ đau khổ. Nhưng nỗi đau không làm gì luôn dai dẳng. Long tâm sự với bố mẹ. Bố mẹ hỏi tại sao con thương Ni và rất hợp mà muốn chia tay. Long trả lời. Ni không thể nào tự thương mình được, nếu con ở quanh nàng. Và như thế, tình yêu lệ thuộc của Ni sẽ không đi đến đâu.

Đêm đó, một giờ sáng. Long gọi bố mẹ. “Con ở đâu?” – Bố hỏi. Long trả lời, giọng trùng buồn” “Con đang ở parking lot khu chung cư đại học của Ni. Con vừa mới chia tay Ni”. “Ni có sao không con?” – Bố quan tâm hỏi, mặc dù ông chỉ gặp Ni vài lần, vì mùa dịch. Long kể: “Con đề nghị với Ni là mình tạm ngưng một năm tình cảm, hay làm bạn theo kiểu platonic relationship, nhưng Ni không chịu. Nói nếu chia tay thì chia tay luôn, không lừng chừng. Thế là con quyết định chia tay”. “Bố mẹ hiểu rồi. Thế cũng tốt. Con rất can đảm. Thôi con về đi. Bố mẹ chờ con”. Long nói: “Vâng, nhưng con buồn quá”.

Tiếng tít tít reo nhỏ trên phone Long vì có người gọi tới. Long nói: “Bố, Ni đang gọi con, con phải làm sao?”. Bố mẹ nói: “Thôi con về đi, đừng trả lời phone, một khi con đã quyết định, không dùng dằng được. Con phải giúp con và giúp Ni”. Long trả lời: “Vâng, con đang bắt đầu về”. Trên đường về, Ni liên tục gọi Long. Nhưng bố mẹ Long giữ Long trên phone hơn hai chục phút, cho đến khi Long về.

3/

Long về đến nhà. Bố đang chờ phòng khách. nói: “Con tắt phone đi, rồi đi ngủ”. Bố muốn giúp Long dứt khoát. Long nghe lời tắt phone và vào phòng trùm chăn. Một lúc sau, hai vợ chồng, tưởng mọi thứ xong xuôi, tính đi ngủ, thì bố Long thấy cuộc gọi nhỡ của Ni. Bố lo cho Ni nên nói mẹ gọi lại. Ni cho biết đang ở trước cửa nhà. Ni nói vì Long không trả lời nên Ni sợ Long có mệnh hệ gì trên đường về nhà, nên chạy theo. Và Ni nói Ni yên tâm rồi, và sẽ trở về. Nghe giọng của Ni, bố Long biết Ni không an. Sợ Ni lái xe về một mình, Bố Long bảo mẹ hỏi cô ấy: “Con muốn vào nhà ngồi nói chuyện không?”. Ni mừng rỡ: “Nếu không làm phiền hai bác”.

Hai giờ sáng, phòng Long đã đóng chặt. Ni ngồi tâm sự với bố mẹ Long. Nỗi buồn chất nặng trên khuôn mặt xinh đẹp. Bố Long khuyên: “Nếu duyên này có thật là của mình thì nó sẽ trở lại. Con về tịnh dưỡng. Đây là cơ hội cho cả hai vượt qua tình yêu trai gái để tìm được một hạnh phúc thật sự”. Bố Long đã trải nghiệm về việc tình yêu trai gái chỉ làm mù đi quyết định đúng đắn của đường dài bền vững, đòi hỏi sự đồng lòng, đồng tình, và đồng tư tưởng. Ni nói: “Cháu hiểu rồi. Cháu mong có câu hỏi gì bác giúp cháu ý kiến?”. Mẹ Long nói: “Chắc chắn rồi cháu. Hai bác và Long luôn muốn cháu được tốt hơn và hạnh phúc hơn, cho dù cháu có Long hay không – chúng ta ai cũng phải trải qua thử thách – và bác giúp gì được sẽ sẵn lòng. Con muốn bác chở về không, 6 giờ sáng rồi”. Ni cảm ơn, và tự lái xe về.

Hôm sau thức dậy, Long cảm ơn bố mẹ đã hỗ trợ lúc cần nhất. Long kể ngày xưa Ni đã bị trầm cảm, một phần vì áp lực gia đình khi Ni học bao nhiêu cũng không đủ, luôn bị so sánh. Một phần vì Ni muốn làm vui lòng bố mẹ mà không vì động lực bản thân. Dần dần, Ni đã đánh mất hồn nhiên, và cảm thấy mình không có giá trị trong cuộc đời. Vì thế nên Ni muốn dùng người mình thương để thấy giá trị bản thân. Long giải thích cho bố mẹ là đã nhờ, và chia sẻ cách cho bạn bè và gia đình của Ni, để giúp cho Ni yêu lại bản thân.  Long nói: “Con đã giải thích, Nếu Ni yêu lại bản thân. Và còn muốn tiếp tục, và cả hai không có liên hệ tình cảm với ai, thì sẽ cho nhau một cơ hội”.

4/

Sau vài ngày chia tay, Ni lấy lại bình tĩnh và thấm hiểu tại sao Long phải quyết định. Những ngày đầu, vì Long quyết định không liên hệ để Ni tự có động lực đứng một mình. Ni viết nhiều về suy nghĩ và trải nhiệm, sau đó gửi cho Long. Long hỏi thêm ý kiến của bố mẹ. Bố mẹ nói cứ im để Ni bình phục. Nhiều tranh đấu trong lòng, nhưng Long cố dằn, lấy công việc để quên. Long có vài người bạn chung với Ni nên biết tiến trình của Ni. Sau khoảng một tháng, Ni không còn gửi và liên lạc với Long nữa.

Khoảng sáu tháng sau, Long rủ bố chạy bộ. Bố rất mừng. Trên đường chạy, Long nói bố. Đây là nhà Ni. Bố chợt hiểu. Tình cảm với Ni, Long vẫn còn ôm ấp. Long kể cho bố nghe nhiều về những câu chuyện của Long và Ni. Bố bùi ngùi hỏi: “Nếu Ni trở lại yêu thương con như xưa thì sao?”. Long trả lời: “Tùy bố. Có duyên mà không biết có nợ hay không. Bố biết con thương Ni mà. Nhưng con chỉ muốn Ni tốt cho cuộc sống của cô ta. Nếu có nợ thì con sẽ rất vui. Nhưng con muốn chắc chắn là Ni được hạnh phúc, và con cũng có hạnh phúc. Lúc đó, nếu chúng con trở lại với nhau bằng sự tự tin của bản thân, hạnh phúc mới đúng là hạnh phúc đầy”. Bố Long mừng là Long đã thấm sự khác biệt giữa tình cảm trai gái nhất thời và tình nghĩa dài hạn.

Minh họa: Unsplash

5/

Hai tuần trước, Long nói bố: “Con đã liên lạc lại với Ni rồi. Ni bây giờ rất tự tin. Ni đã tìm tới bác sĩ tâm lý và họ đã giúp Ni, dần tìm lại con người của Ni. Ni cảm ơn con là đã giải thoát cho Ni, để Ni thực sự tìm lại được con người của mình. Chúng con có đi chơi với nhau và con rất mừng vì Ni nói câu này”. Bố tò mò hỏi: “Ni nói câu gì mà con mừng?”. “Ni nói, em không còn thương dễ nữa. Nếu trở lại, em phải coi anh có thực sự cho em hạnh phúc em cần không”. “Bộ con không buồn việc có thể mất Ni?” – Bố hỏi. Long trả lời: “Nếu Ni không bao giờ là của con thì làm sao con mất? If we are never meant for each other, she’s never mine”.