Bạn sẽ để lại cho con điều gì?
Thỉnh thoảng tôi đọc được đâu đó một câu đại khái là con người phải sống trong hiện tại, hãy quên đi quá khứ và đừng nghĩ về tương lai. Nhưng tôi lại luôn nghĩ rằng, con người mình của ngày hôm nay là một tấm dệt từ trong quá khứ. Tương lai chưa tới, thôi thì có nghĩ cũng chưa biết sẽ ra sao. Nhưng dù muốn dù không, quá khứ đã là một phần của thân thể và khối óc của bạn ngày hôm nay rồi đó thôi, làm sao tách hẳn đi được?
? Hôm nọ đọc được một bài viết của Bob Brody (tác giả của Playing Catch With Strangers) trên tờ Washington Post, ngay lập tức tôi thấy rất đồng cảm với suy nghĩ của ông. Bob Brody tiếc cha mẹ ông đã không để lại gì dấu tích nhiều về cuộc sống họ trong quá khứ, và cả hai đều đã qua đời nên ông lại càng không thể tìm hiểu thêm. Chính vì vậy, không muốn điều đó lại xảy ra với các con mình, ông viết, bắt đầu từ năm 2008. Cứ mỗi cuối tuần ông lại viết một bài chừng vài trăm từ, về những gì đã xảy ra, hay về những gì ông muốn con biết về cha mẹ ông bà chúng. Ông khuyến khích mọi người, hãy viết lại, ghi tiếng lại những câu chuyện gia đình của ngày hôm nay để gửi đến thế hệ tương lai. Chúng cần có kiến thức về quá khứ, về cha mẹ ông bà, về con đường mình lớn khôn. Với Bob Brody, kiến thức ấy là một điều rất quan trọng mà nếu không được ghi chép lại thì những câu chuyện truyền miệng nghe cho vui ấy sẽ bị lãng quên trong chốc lát.
Bob Brody kể về cô bạn Lisa của mình, mới 19 tuổi thì mồ côi mẹ vì bệnh ung thư. Khi Lisa lập gia đình, cô viết nhật ký cho từng đứa con một. Những quyển sổ viết tay ấy được trân trọng trao tặng lại cho các con khi chúng 21 tuổi. Lisa sợ lỡ chúng có mất mẹ sớm, như cô, thì vẫn còn được ôm ấp bởi những dòng thư đầy yêu thương ấy. Mà cũng biết đâu được, khi mà Lisa gần đây cũng là nạn nhân của chính căn bệnh ung thư?
? Riêng tôi, tôi cũng thích viết vẩn vơ về những câu chuyện ngộ nghĩnh khi các con còn bé. À không, nói lại cho đúng, cả những khi chúng đã lớn, vì có bao giờ các con lại không hoài nhỏ bé trong mắt cha mẹ mình nhỉ? Tôi không có một khuôn mẫu nào nhất định, cũng không có một thời khoá biểu ngay ngắn như Bob Brody. Tôi chỉ viết khi có một điều gì đó đọng lại trong trí tưởng và tạo thành cảm xúc.
Đó có thể là khi con hết sức chạy theo chiếc xe bán kem dạo mà vẫn không kịp, con quay về ngân ngấn nước mắt. Đó là khi con thương tiếc một ổ trứng vịt trời bị mẹ bỏ rơi, con đem vô nhà tự ấp rồi đành đem chôn. Đó là khi các con cố gắng nói tiếng Việt và mắc những lỗi buồn cười dễ thương nhất. Đó là khi con từ xa xôi gọi về, đọc cho mẹ nghe bài thơ đầu đời của mình. Đó là khi con lần đầu một mình đi chơi xa với bạn, nhắn tin gửi hình về cho ba mẹ.
Đó là những câu chuyện đầy ắp thương yêu mà sau này đọc lại các con sẽ nhận ngay ra chính mình. Hay là những chuyện trong đó thấp thoáng hình ảnh của ba mẹ, của nội ngoại, cô chú cậu dì và những người thương yêu con. Thêm nữa sau này đọc lại con sẽ thấy lồng vào đó là hoàn cảnh gia đình và xã hội, là môi trường và không gian sống của một thời đã qua.
Chỉ có một điều hơi đáng tiếc, là tôi chỉ bắt đầu viết lại những điều đẹp đẽ ấy trong vài năm gần đây. Sao tôi không bắt đầu ngay từ khi mới sinh cậu con trai đầu lòng nhỉ? Nếu có thì bây giờ tôi đã có cho riêng mình một kho tàng nhỏ kha khá rồi. Có những câu chuyện hay lắm, đẹp lắm, vui lắm, khi mới xảy ra bạn vô cùng đắc ý, bạn những tưởng nó sẽ đi theo suốt cuộc đời. Vậy mà không đâu, nếu không viết xuống chỉ một thời gian sau bạn sẽ quên đấy, quên như nó chưa từng bao giờ xảy ra.
? Nói đến đây tôi bỗng lan man nhớ đến bà hàng xóm của tôi ở Đà Lạt thuở ấu thơ. Bà là dân gốc Hà Thành di cư vào Nam, sang trọng và nền nã. Giữa thời bao cấp cực khổ, khi mọi người quần ống thấp ống cao chạy chân không bén đất để kiếm bữa cơm, thì sáng nào khi ngủ dậy bà cũng ngồi chỉnh chu trước gương. Bà thong thả tết tóc, quấn vòng quanh phía sau đầu thành một vòng trôn ốc, rồi cẩn thận giắt vài cây kẹp tăm đính lại. Kiểu tóc ấy, hình như ngoài những tấm hình các cô gái Hà Nội xưa, và bà, thì tôi chưa từng thấy ở ai khác. Bà sống độc thân và giản dị cho đến khi qua đời. Nhưng bà có một kho báu.
Có một lần bà mở ra khoe mẹ mà may mắn sao có con bé tôi đang ở bên cạnh (chứ sức mấy con bé oắt con như tôi lại được bà khoe một gia sản trọng đại như vậy). Đó là một cái hộp kim loại nặng màu xanh có chạm trổ công phu, bên trong là một chồng cao giấy pelure xanh, hồng. Bà cho mẹ coi, khe khẽ vuốt, từng tờ từng tờ một như thể những ngón tay gầy guộc có thể làm hư hao chúng. Thì ra đó là một xấp rất dày những lá thư của người yêu bà gửi khi chú ấy tham gia chiến trận. Mỗi ngày một lá thư đầy tình cảm dạt dào. Cho đến một ngày kia bà không bao giờ còn nhận được bức nào nữa. Chú đã tử trận, khi mới ngoài đôi mươi.
Vậy là bà sống trọn đời với những lá thư mỏng tang. Cái hộp thiếc đã bóng lên vì dấu tay. Đóng hộp thiếc lại, bà là một bà lão tóc vấn sang trọng và lặng lẽ. Mở hộp thiếc ra, bà trở lại cô gái đôi mươi nồng thắm rộn ràng yêu đương giữa những tờ giấy xanh xanh hồng hồng. Xét cho cùng, tài sản của bà, sức mạnh của bà, chẳng phải đến từ những tờ giấy viết tay mỏng manh như cánh bướm đó sao?
? Trong những tháng ngày cả thế giới bị thứ coronavirus quái quỷ hành hạ đảo điên, khi mạng sống của hơn 3/4 triệu người trên thế giới bỗng bị cướp mất như trở bàn tay chỉ trong vài tháng, hơn bao giờ hết người ta có dịp nhìn thấy cái mong manh tạm bợ của cuộc sống này. Hơn bao giờ hết người ta thấy được sự bất lực của đồng tiền, của quyền lực. Và hơn bao giờ hết người ta nhận ra được giá trị chân chính nhất của cuộc đời này là gì.
Nhiều người lo sắp đặt công việc, sửa soạn di chúc, ngoái trước nhìn sau xem thử nếu một ngày mình ra đi đột ngột, vợ chồng con cái, cha mẹ anh em sẽ làm gì, ở đâu. Theo Bob Brody, Ancestry, một công ty gia phả hệ online, có lượng khách hàng mới đăng ký tăng đến 37% kể tự khi đại dịch xuất hiện. Phải chăng đứng trước những bất an về sự sống còn, người ta có khuynh hướng tìm về cội nguồn? Ngay cả những lúc bình thường nhất mạnh khoẻ nhất, nào ai dám chắc được điều gì trong một năm, một tháng, thậm chí ngày mai. Huống hồ chi giữa những tháng ngày bấp bênh và đầy bất trắc này?
Bob Brody kể chuyện anh Jon Coelho, mới 32 tuổi, ở Connecticut, có gia đình và hai con nhỏ. Giữa tháng ba thì anh nhập viện vì nhiễm coronavirus, và chỉ hơn tháng sau thì qua đời. Vợ anh trong lúc tuyệt vọng, lục điện thoại anh để tìm lại bất cứ hình ảnh gia đình nào còn sót lại. Cô sững sờ tìm được mấy hàng chữ anh để lại cho cậu con trai hai tuổi rưỡi và cô con gái mười tháng tuổi của mình: “Hãy cho Braedyn biết rằng nó là bồ tèo thân thiết nhất của ba, và ba nó vô cùng tự hào được làm cha của nó. Và cho Penelope biết rằng con gái của ba là một công chúa, con muốn gì sẽ được đó trên đời này”. Hai đứa bé sẽ lớn lên thiếu Jon bên cạnh, nhưng chúng mang bên mình những dòng lưu lại thương yêu nhất, ý nghĩa nhất từ một người cha vắn số.
? Không là một nhà văn như Bob Brody, cũng có thể không thích viết vẩn vơ đôi hàng như tôi, có thể bạn sẽ không muốn chọn cách viết. Không sao cả. Còn rất nhiều cách khác. Bob Brody gợi ý bạn có thể quay video, kể chuyện bằng hình ảnh, hay một cách nào khác nữa rất riêng của bạn? Chỉ cần bạn tâm niệm rằng làm để lại cho con, cho thế hệ sau, đặt một chút tâm huyết và thời gian vô đó, là bạn sẽ làm được theo cái cách mình muốn.
Riêng tôi, đọc bài của Bob Brody xong thì tôi quyết định sẽ siêng viết hơn tí nữa. Tôi vẫn thường trêu chọc ba chàng trai của mình, là mẹ có qua đời thì gia tài để lại cho ba đứa con là một mớ… bình cắm hoa đủ loại và một đám búp bê gỗ Nhật Bản, cho tụi con tha hồ chia nhau. Thì từ hôm nay ngoài hai món “giỡn chơi” trên tôi sẽ có thể thêm vào một cách nghiêm túc, là mẹ sẽ để lại những câu chuyện be bé của chính tụi con và gia đình. Có thể viết không khéo nhất, nhưng chắc chắn là yêu thương nhất, vì mẹ đã viết chúng lại từ tận đáy của trái tim người mẹ.
Không phải vàng ngọc, nhà cửa hay xe cộ đâu; những gì kết chặt gia đình khắng khít và lâu bền nhất, là những sợi yêu thương.
Và bạn, chứ không là một ai khác, chính là người se nên những sợi yêu thương đó. Và cũng chính là bạn, là người sẽ giúp được thế hệ con cháu mình lớn lên có một kiến thức về quá khứ, mà nhờ đó chúng sẽ trở thành những người lớn am hiểu và có cái nhìn đứng đắn về hiện tại và tương lai.
Đó là một việc rất nên làm, phải không?
Vancouver, tháng 8/2020
? ? ?