10 Tiểu Luận Harvard Xuất Sắc (Bài 9)
Chuyên san The Harvard Crimson (thuộc Đại học Harvard) đã đăng 10 bài tiểu luận xuất sắc năm 2019 của các em học sinh trung học thế giới khi nộp đơn xin vào Harvard, giúp tham khảo và học được cách viết một bài tiểu luận thành công nhằm có thể lọt vào cánh cửa cực khó của trường đại học danh tiếng này. Đọc những tiểu luận này giúp học thêm được kỹ năng tư duy cũng như “kỹ thuật” chọn vị trí để quan sát và diễn giải vấn đề sao cho đạt được sự thuyết phục cao nhất. TheNewViet xin giới thiệu bài thứ chín…
Harvard Essay: Marina
Cha tôi kể nói tôi không khóc khi chào đời. Thay vào đó, tôi lọt lòng mẹ với đôi mày nhíu lại, ngước nhìn ông như thể buộc tội “Ông là ai? Tôi làm gì ở đây?”. Mặc dù không thể nói được độ chính xác sinh học trong câu chuyện của cha tôi nhưng tôi vẫn thắc mắc: Tôi được cứu sống ra sao? Không khí vào phổi tôi bằng cách nào? Sự thật hiển nhiên là tôi thấy mình như được lập trình sẵn để phải thốt ra những câu hỏi trên.
Cuốn sổ đầu tiên tôi nhận được là lúc mẫu giáo, có lẽ cha mẹ đã chán ngán khi chùi các vết chì màu tôi vẽ bậy lên tường trong phòng ngủ. Lớn lên, quyển sổ tay là chốn tôi khám phá kho tàng ý tưởng mà mình đúc kết được từ hành động tới lời nói. Nếu phác họa một khuôn mặt ủ rũ, tôi tự hỏi điều gì trong đời khiến cô trở nên vậy. Làm gián điệp chăng? Cô ấy vừa bước vào từ ngoài trời lạnh? Tôi chuyển dần từ phấn vẽ qua bút chì màu, tập phủ màu, thử nghiệm hiệu ứng nhiều cách phối màu khác nhau, thấy ngạc nhiên tại sao tôi có cảm giác hạnh phúc giống nhau khi tôi ngắm các sắc màu bùng nổ dưới đôi bàn tay mình y hệt lúc tôi kẻ bảng ký âm.
Tôi bắt đầu ghi chép, bất cứ thứ gì và mọi điều. Khi đọc Born Standing Up của Steve Martin, tôi học được cách trình bày, duy trì được nhịp độ và để năng lượng tích cực lan tỏa thường xuyên. Khi xem bộ phim tài liệu về cách người ta chuẩn bị cho kỳ thi thử rượu, tôi ghi lại tầm quan trọng của môi trường nơi gần như mọi điều đều hướng bạn đến mục tiêu của mình. Giở lại trang nhật ký cũ, tôi thấy ngay cả một bài báo về tình hình căng thẳng Biển Đông cũng kích thích tôi ghi chép lại truyền thống tiền lệ và gìn giữ chủ quyền để không bị dắt mũi trước các vấn đề không rõ ràng. Tôi tìm kiếm những quy luật của thế giới.
Không chỉ ghi lại những quan sát về thế giới quanh mình, những cuốn sổ tay còn là nơi tôi tổng hợp, điều chỉnh, nhận ra các yếu điểm cần cải thiện lặp đi lặp lại. Khi những dòng chữ được viết ra, tôi thấy các hình thái tư duy của mình và những lỗ hỏng trong lập luận phơi bày trên trang giấy trắng. Nếu gặp một ngày bất an xui khiến tôi đột nhiên ghi ra nét đặc trưng của một bộ phim dành cho tuổi vị thành niên, nhìn xuống những câu chữ buồn thê thiết, tôi sẽ nhận ra những dòng suy nghĩ và hành động lặp đi lặp lại của mình để từ đó tìm ra những điểm và tìm những điểm áp lực trong hệ thống hành vi giúp tôi có thể cải thiện bản thân.
Giờ đây với cuốn nhật ký năm 2016, tôi trở lại con đường khám phá thế giới qua các hoạt động và trải nghiệm. Hàng tá nét vẽ hình tròn rải rác lấm chấm trên mặt giấy thắc mắc “bạn chơi ca-rô bằng cách nào?”. Trang khác thì chứa chữ nghĩa linh tinh khi cố làm rõ vấn đề đơn giản hơn chẳng hạn kết quả việc lựa ra những con số xếp thành nhóm có cấu trúc tương đương. Chưa đến hai trang nữa là kết quả nghiên cứu say sưa về những số nguyên tố Mersenne đưa tôi qua những con số hoàn hảo và bằng cách nào đó nó đã dẫn tôi đến một trang Wikipedia giải thích chi tiết tính chất toán học của số 127. Một lần nữa, tôi tìm kiếm các quy luật của vạn vật.
Bất cứ khi nào cảm thấy thối chí, tôi lại tìm đến chồng sổ tay được xếp ngăn nắp nơi bàn làm việc. Tôi nhìn thấy các bài học thất bại như cơ hội để tiến lên khi lần dở lại những trang nhật ký, đúng nghĩa là mở ra một cánh cửa mới khi đối diện vấn đề đặc biệt khó nhằn. Chính nhờ viết tạp văn trong thời gian dài, tôi học được rằng nền tảng cơ bản nhất của sự phát triển cá nhân mình là mình đã tạo một không gian để thử nghiệm: ký họa những gương mặt xấu xí, đưa ra các kết luận sai, trả lời câu hỏi không chính xác và học hỏi từ những sai lầm mà không hổ thẹn. Nhìn vào chồng sổ chất đống chứa biết bao nhiêu ý tưởng, sai lầm, và thắc mắc, tôi được nhắc nhớ rằng mình đã trưởng thành hơn, và sẽ tiếp tục “lớn thêm” nữa, chừng nào tôi còn biết tự vấn.
NHẬN XÉT CỦA TRƯỜNG
Ngay đoạn mở đầu, bài viết của Marina hấp dẫn người đọc dù nó không được diễn giải rõ ý và sát với đề tài cho đến khi cô hồi tưởng lại câu chuyện đầu đời, hơn cả thuật lại, cô ấy thiên về khuynh hướng đặt vấn đề. Marina thể hiện sở thích ghi chép nhật ký thông qua những mẩu chuyện gắn liền từ thời mẫu giáo. Dù biên giới tưởng tượng của cô đặt trên áng văn xuôi hoa mỹ, sức đẩy của bài luận đã giúp sự thể hiện trong câu chữ không bị lê thê rườm rà.
Marina theo dõi những đổi thay trong khuôn khổ tinh thần – từ thu thập thông tin bước đầu đến tổng hợp cuối cùng và dựa vào những quan sát của mình – khi cô lật xem các trang nhật ký. Khi các ví dụ được đưa ra, trong đoạn ba, mạch văn được dẫn dắt giữa việc thêm chi tiết và việc lặp lại, chúng khiến người đọc thấu hiểu hơn những gì cô ghi chép lại. Marina thể hiện là người có tư duy phát triển khi cô nói rằng mình xem sổ ghi chép là một không gian để đào bới tư duy và để tìm kiếm các khuyết điểm để cải thiện.
Đoạn thứ hai đến hết bài, mạch văn cũng được dẫn dắt giữa việc đào sâu những sở thích của Marina với việc đưa thêm các chi tiết thừa. Tuy vậy, nó lại cho thấy mối quan tâm của Marina không chỉ văn hóa đại chúng và các sự kiện thế giới mà còn cả toán học. Điều này làm sáng tỏ đại ý của đoạn văn, của những quyển sổ, như là cách cô khám phá thế giới qua những thử nghiệm. Marina kết thúc bài bằng một nhận thức tích cực có cơ sở, giúp nội dung bài luận tiến xa hơn một bước để thể hiện tư duy phát triển không ngừng của cô. Với câu kết bài bằng cách trở lại việc “biết tự vấn”, cô ấy biểu lộ hình ảnh khép kín tròn trịa để làm nổi bật lên hẳn chủ đề của bài luận.