Trung Quốc sẽ làm gì với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới?
Với Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, hải quân là lực lượng chủ lực thể hiện sức mạnh mà Trung Quốc phải chứng tỏ để cho thấy khả năng thống trị đại dương toàn cầu…
Vị trí của Hoa Kỳ
Năm 2015, Hải quân Trung Quốc (PLAN) có 255 tàu chiến, theo Phòng Tình báo Hải quân Hoa Kỳ (ONI). Theo dự báo ONI, đến cuối năm 2020, PLAN có 360 chiếc, nhiều hơn 60 chiếc so với Hải quân Mỹ. ONI dự đoán bốn năm nữa, PLAN sẽ có 400 tàu chiến – dẫn lại từ CNN ngày 5-3-2021. “Lực lượng tác chiến hải quân Trung Quốc đã tăng gấp ba chỉ trong hai thập niên”, một báo cáo hồi tháng 12 của giới nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ cho biết.
Trung Quốc đang có một lực lượng tác chiến mặt nước hiện đại, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm, máy bay chiến đấu, tàu tấn công đổ bộ, tàu ngầm tên lửa đạn đạo, tàu tuần duyên cỡ lớn và tàu phá băng… Andrew Erickson, giáo sư Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Hải quân Hoa Kỳ, viết trong bài báo tháng 2-2021 rằng: “PLAN ngày càng có những chiếc tàu tinh vi với đầy đủ năng lực tác chiến”, trong đó có khu trục hạm Type 055 – mà một số nhà phân tích cho rằng nó thậm chí tốt hơn tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ xét về hỏa lực; trong khi các tàu tấn công đổ bộ của họ có thể đưa hàng nghìn quân Trung Quốc tiếp cận bờ biển nước ngoài.
Trung Quốc dự kiến tung ra 400 tàu vào trước năm 2025, so với 355 chiếc hiện thời của Hải quân Mỹ. Điều đó không có nghĩa “ngày tàn” của Hải quân Hoa Kỳ đang gần kề. Tính về quân số, Hải quân Mỹ lớn hơn, với hơn 330.000 quân nhân tại ngũ so với 250.000 của Trung Quốc. Hải quân Mỹ vẫn sở hữu nhiều tàu có trọng tải lớn hơn với kỹ thuật hiện đại hơn, mang lại cho Mỹ lợi thế đáng kể về khả năng phóng tên lửa hành trình nói riêng và tác chiến hiệu quả nói chung. Theo Nick Childs, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Mỹ có hơn 9.000 ổ bắn tên lửa phóng thẳng đứng trên các tàu nổi của họ, so với khoảng 1.000 ổ phóng của Trung Quốc. Trong khi đó, hạm đội tàu ngầm tấn công của Mỹ với 50 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, mang lại lợi thế về tầm hoạt động và sức bền đáng kể so với hạm đội Trung Quốc chỉ có bảy tàu ngầm hạt nhân trong hạm đội 62 chiếc của họ.
Nick Childs nhận định: “Lợi thế lớn mà hải quân Trung Quốc có so với hải quân Mỹ là khả năng tuần tra và tác chiến ven biển”. Các tàu nhỏ hơn này được hỗ trợ bởi lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân hàng hải, mà tổng số tàu cộng lại nhiều gần gấp đôi tổng số tàu PLAN. Đó là những dấu hiệu đáng lo ngại đối với Washington khi Mỹ đang vật lộn với vấn đề ngân sách và đại dịch. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục tăng tốc đầu tư vào hải quân nói riêng và quân sự nói chung. Thứ Sáu 5-3-2021, Trung Quốc nói rằng họ sẽ tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên 6,8%.
Tăng tốc đóng tàu
Khả năng đóng tàu Trung Quốc phát triển rất nhanh. Trung Quốc đã trở thành nhà đóng tàu thương mại lớn nhất thế giới. Năm 2018, Trung Quốc nắm 40% thị trường đóng tàu thế giới tính theo tổng tấn, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc được trích dẫn bởi Dự án Điện Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bỏ xa vị trí thứ hai là Hàn Quốc với 25%. Số lượng đóng tàu Trung Quốc rất đáng kinh ngạc – thậm chí còn nhiều hơn cả Mỹ thời Thế chiến thứ hai. Chỉ trong năm 2019, Trung Quốc đã đóng nhiều tàu hơn Mỹ trong suốt bốn năm chiến tranh 1941-1945.
“Trong chương trình đóng tàu khẩn cấp thời Thế chiến thứ hai, Mỹ đóng 18,5 triệu tấn mỗi năm, và khi kết thúc chiến tranh, Mỹ có một hạm đội tàu buôn với tổng cộng 39 triệu tấn – theo Thomas Shugart, thành viên cấp cao tại Trung tâm Tân An ninh Hoa Kỳ và là cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ, trong buổi báo cáo Quốc hội Mỹ vào tháng 2-2021. Shugart cho biết: “Năm 2019, Trung Quốc đóng hơn 23 triệu tấn tàu vận tải biển; và đội tàu buôn Trung Quốc hiện có tổng cộng hơn 300 triệu tấn”. Cần nhấn mạnh, các công ty quốc doanh chuyên phát triển vận tải biển thương mại Trung Quốc có thể được xem là xương sống của các kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân nước này. Khi xảy ra xung đột, năng lực công nghiệp đóng tàu thương mại có thể nhanh chóng được chuyển sang sản xuất và sửa chữa tàu quân sự.
Sidharth Kaushal, thành viên nghiên cứu của Royal United (London), cho biết Bắc Kinh xây dựng hải quân một cách có phương pháp, với phần lớn quân số tập trung vào các tàu hộ tống, khu trục nhỏ và tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện. Phát triển lực lượng tàu hộ tống là chiến lược thích hợp cho môi trường biển hẹp, nông; hoạt động thuận lợi tại các khu vực mà Trung Quốc quan tâm chẳng hạn biển Đông, xung quanh Đài Loan; và đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Các tàu mà PLAN đưa ra gần bờ biển Trung Quốc còn được bảo vệ bởi một lực lượng tên lửa mặt đất qui mô. “Hãy xem những gì Trung Quốc thực sự đầu tư”, Đô đốc tư lệnh trưởng các chiến dịch Hải quân Mỹ Mike Gilday nói trong cuộc phỏng vấn với Breaking Defense vào cuối tháng 2-2021, “Họ đang đầu tư rất nhiều vào tên lửa chống hạm cũng như hệ thống vệ tinh để có thể nhắm vào tàu đối phương”.
Phòng thủ biển và câu hỏi về Đài Loan
Việc xây dựng hải quân khổng lồ của Trung Quốc được tiến hành đồng thời với việc nước này luôn mồm tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ 3,3 triệu km vuông (1,3 triệu dặm vuông) ở biển Đông, với chiến dịch xây dựng các bãi đá ngầm và bãi cát nhỏ thành các đảo nhân tạo, được xây dựng kiên cố với đường băng và được trang bị hệ thống hỏa tiễn. Các tiền đồn có thể yêu cầu tiếp viện từ bờ biển Nam Trung Quốc, cách đó hơn một ngày đường.
Để đưa sức mạnh quân sự gánh vác các lợi ích toàn cầu, Trung Quốc cũng thực hiện “bảo vệ vùng biển xa”. Vì vậy, Trung Quốc tăng cường sản xuất các tàu khổng lồ như hàng không mẫu hạm, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hải quân PLA có hai hàng không mẫu hạm đang hoạt động và hàng không mẫu hạm tiếp theo dự kiến được trang bị lò phản ứng năng lượng hạt nhân cũng như hệ thống phóng điện từ, cho phép nó phóng máy bay có hỏa lực mạnh hơn với tầm hoạt động rộng hơn.
Trước mắt, trung tâm chú ý là Đài Loan. Sách trắng Quốc phòng 2019 của Bắc Kinh nói rằng chính quyền Đài Loan đang “tăng cường sự thù địch và đối đầu, đồng thời mượn sức ảnh hưởng nước ngoài”, rằng “các lực lượng ly khai ‘Đài Loan độc lập’ và hành động của họ luôn là mối đe dọa trực tiếp nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và là rào cản lớn nhất cho sự thống nhất hòa bình đất nước”. Trong một cuộc họp báo vào tháng Giêng 2021, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đại tá Ngô Khiêm (Wu Qian), “nói rõ”: “Đài Loan là một phần không thể xâm phạm của Trung Quốc. PLA sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết đánh bại mọi nỗ lực của phe ly khai ‘Đài Loan độc lập’, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”. Trong một phát biểu năm 2019, Tập Cận Bình khẳng định: “Không một tấc đất nào của chúng tôi” có thể được nhượng lại cho Đài Loan.
Tập Cận Bình đã dốc sức xây dựng hải quân để làm điều đó. Sự tập trung xây dựng các tàu mặt nước nhỏ cơ động, như tàu hộ tống và tàu tuần tra ven biển, thích hợp cho tác chiến gần bờ, cho thấy rõ ý đồ Bắc Kinh. Giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục, chỉ cách nhau khoảng 130 km (80 dặm) vùng biển tương đối nông, là điều kiện lý tưởng cho chiến dịch tấn công của các tàu hộ tống. Thí dụ, khoảng 60 tàu hộ tống có thể mang theo mỗi tàu hai tên lửa phản hạm (anti-ship) với phạm vi lên đến 200 km (125 dặm), sẽ có thể chiếm lợi thế ban đầu cho một cuộc tấn công. Cuối năm ngoái, tàu sân bay trực thăng Type 075, với kích cỡ bằng một nửa so với hai hàng không mẫu hạm đang hoạt động của Trung Quốc, đã bắt đầu thử nghiệm trên biển. Là một trong những tàu tấn công đổ bộ lớn nhất thế giới, Type 075 có sàn đáp đủ lớn để trực thăng cất và hạ cánh; cùng khoang to chứa thủy phi cơ và phương tiện đổ bộ, theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Nó cũng có khả năng chở 900 lính.
Và để vây khốn Đài Loan, Trung Quốc có khi không cần tấn công bằng quân sự. Thomas Shugart, thành viên cấp cao tại Trung tâm Tân An ninh Hoa Kỳ, nói với Quốc hội Mỹ rằng, thay vì tung ra hàng chục tàu đổ bộ sơn xám cùng các tàu hộ tống ào ào kéo vào bờ biển Đài Loan, Trung Quốc có thể chỉ cần đưa đến hàng trăm tàu đánh cá, tàu buôn, và các tàu của Cảnh sát biển và Cục An toàn Hàng hải…
Bất luận thế nào, cũng cần nói thêm, dù hải quân Trung Quốc chắc chắn là đối thủ đáng gờm đối với bất kỳ đối thủ nào, khả năng thực tế vẫn còn chưa thỏa mãn nguyện vọng của họ. Hai hàng không mẫu hạm đang hoạt động được cung cấp năng lượng thông thường và dựa trên các thiết kế cũ của Liên Xô. Điều đó giới hạn tầm hoạt động, phạm vi và số lượng máy bay mà chúng mang theo, cũng như trọng tải đạn dược trên các chiến đấu cơ. Tóm lại, chúng hoàn toàn không thể so với hạm đội gồm 11 hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ. Eric Wertheim, biên tập viên chuyên san Combat Fleets of the World thuộc Viện Hải quân Hoa Kỳ, nói: “Một hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ mạnh hơn toàn bộ lực lượng hải-không quân của hầu hết các nước”.
Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ