Bài 4: Dòng nhạc phản kháng

Một buổi tối thứ bảy tháng 4-1961, một thanh niên 20 tuổi ôm theo thùng đàn to quá khổ vào câu lạc bộ nhạc dân ca Gerdes Folk City ở Greenwich Village tại New York City. Anh ăn mặc bình thường: đôi giày nâu cũ, quần jeans xanh, áo len đen. Nhìn quanh các bàn, anh có vẻ lo lắng khi nghe người ta bàn về những câu chuyện thời sự. Cuối cùng, anh bước lên sân khấu, mở thùng đàn, lấy ra cây guitar cũ. Anh sửa lại chiếc kèn harmonica mang nơi cổ…

Hầu hết khán giả là sinh viên da trắng mà trong đó nhiều người thuộc Đại học California. Họ lịch sự vỗ tay đón chàng ca sĩ, được giới thiệu là Bob Dylan. Họ lắng nghe những lời ca mang tính phản kháng của Dylan, khi mà xã hội Mỹ đang chứng kiến cảnh những nhà bảo vệ quyền lợi công dân tuần hành ở đường phố Birmingham và Tổng thống J.F. Kennedy tuyên bố kế hoạch cho những chương trình hành động mới. Đến trước năm 1963, thế hệ tuổi trẻ Mỹ đầu tiên thời sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bắt đầu bước chân vào giảng đường đại học và bắt đầu quan tâm đến những gì xảy ra quanh mình…

Dòng dân ca mà Bob Dylan là một trong những đại diện sáng chói nhất ở thập niên 1960 đã phát triển cùng lúc với phong trào đòi quyền công dân. Ngày 1-2-1960, bốn sinh viên da màu thuộc Đại học kỹ thuật-nông nghiệp ở Greensboro (Bắc Carolina) vào một hiệu ăn và ngồi dùng bữa tại bàn dành riêng cho người da trắng. Tuy bị từ chối phục vụ và được khuyên nên đứng lên nhưng bốn sinh viên này vẫn ngồi ở đó cho đến khi cửa hiệu đóng cửa. Hình thức phản kháng có vẻ thụ động này sau đó đã lan nhanh khắp nước Mỹ.

Martin Luther King trong một cuộc biểu tình (Getty Images)

Ngày 19-10-1960, một nhóm thanh niên da màu vào siêu thị Magnolia dành riêng cho người da trắng và nhất định không chịu bước ra. Thủ lĩnh nhóm thanh niên này – Martin Luther King, Jr. – bị phạt bốn tháng lao động tại nhà tù Reidsville… Đến năm 1963, các cuộc phản kháng dần biến thành bạo động dữ dội, lan khắp các thành phố lớn ở Mỹ. Sau đó, nhiều nhóm phân biệt chủng tộc cũng hình thành, nhằm đối phó với các cuộc biểu tình của thanh niên da màu. Cho đến tháng 7-1963, gần 14.000 người hoạt động đòi quyền công dân đã bị bắt, những người đã tham gia vào 758 cuộc biểu tình ở 11 tiểu bang… Ngày 28-8-1963, 200.000 người đã tuần hành ở Washington, D.C. và quần tụ về Đài tưởng niệm Lincoln để nghe diễn văn của 10 lãnh tụ dân quyền. Người ta đã khóc khi nghe bài diễn văn I have a dream của Martin Luther King, Jr…

Joan Baez (gq-magazine.co.uk)
 

Trong bối cảnh như vậy, âm nhạc đã trở thành một trong những tiếng nói phản kháng hữu hiệu mà trong đó nổi bật nhất là Bob Dylan. Sáng tác những ca khúc mang nội dung về các vấn đề xã hội chứ không đơn thuần trình tấu những bài dân ca truyền thống, Dylan đã chính trị hóa dòng nhạc dân ca thập niên 1960 và điều này thể hiện rõ nhất trong album thứ hai của anh (Freewheelin’). Ca khúc Blowin’ in the wind trong album này đã trở thành “quốc ca” của phong trào dân quyền.

Dylan tiếp tục soạn các ca khúc phản kháng trong album sau đó, The times they are a-changing, tung ra vào tháng 2-1964. Dylan càng chính trị hóa âm nhạc khi từ chối lời mời trình diễn trong chương trình truyền hình Ed Sullivan Show vì các nhà kiểm duyệt của đài CBS đã cấm anh hát ca khúc Talkin’ John Birch Society Blues. Ngày 6-7-1963, Dylan tổ chức một buổi hòa nhạc tại Greenwood (Missisippi) để ủng hộ phong trào dân quyền… Ngoài Bob Dylan, một giọng ca nữ cũng rất nổi tiếng trong thời gian này là Joan Baez, con của nhà vật lý gốc Mexico và mẹ mang trong mình hai giòng máu Ireland-Scotland. Baez là đại diện phái nữ trong dòng nhạc phản kháng thập niên 1960. Cô hát các ca khúc phản chiến như Strangest dream… Cạnh hai ca sĩ này, còn có rất nhiều nhóm và ca sĩ khác cũng góp phần đáng kể.

Từ dân ca của Dylan, nửa sau của thập niên 1960 chứng kiến sự xuất hiện của dân ca-rock (folk-rock) mà Paul Simon và Art Garfunkel là đại diện tiêu biểu nhất. Cũng trong giai đoạn này, âm nhạc Anh bùng nổ, với sự ra đời của hiện tượng có một không hai trong lịch sử âm nhạc đương đại: Beatlemania.

@theNewViet