Sự khác biệt giữa “cày như trâu” và hiệu quả lao động
“Một khi bạn đã hiểu về thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng phần đông mọi người đánh giá quá cao những gì họ có thể đạt được trong một năm và đánh giá quá thấp những gì họ có thể đạt được trong mười năm!” – Tony Robbins
Minh họa (Getty Images)
Nếu tôi hỏi bạn quốc gia nào có năng suất lao động cao nhất thế giới, câu trả lời của bạn sẽ là gì? Nhật Bản? Mỹ? Với cá nhân tôi, hai quốc gia đó là câu trả lời. Nhưng sau khi tìm hiểu nhiều nguồn khác nhau, hai nước này hoàn toàn không nằm trong danh sách những nước có năng suất lao động cao.
Mỗi năm, tạp chí Expert Markets nghiên cứu và xếp hạng năng suất lao động của các quốc gia trên toàn thế giới. Nhưng cách tính toán của họ không sử dụng giờ làm việc. Thay vào đó, họ sử dụng giờ làm việc trung bình của một quốc gia và chia cho GDP (Tổng sản phẩm nội địa). Nói theo cách khác, Expert Markets muốn biết một người dân trung bình trong một quốc gia làm được bao nhiêu tiền cho mỗi tiếng họ làm việc. Nghiên cứu này đã chứng minh rằng xã hội chúng ta đang có nhiều ý tưởng sai lầm về năng suất lao động và thành công.
Ngộ nhận #1: Làm việc càng nhiều thì năng suất lao động càng cao
Tiền bạc không phải là cách duy nhất để đánh giá thành công, tuy nhiên khi đánh giá năng suất lao động thì đây là một đơn vị đo lường hoàn toàn hợp lý. Tạp chí Expert Markets đã thấy rằng những quốc gia làm việc càng nhiều thì thu nhập càng thấp.
Ví dụ: Trong năm 2018, người Mỹ làm việc trung bình 33,9 tiếng mỗi tuần và kiếm được trung bình 65,43 USD. Trong khi đó, người dân Luxembourg trung bình làm việc 5 tiếng ít hơn người Mỹ và kiếm được nhiều hơn 83,93 USD. Luxembourg không phải là ví dụ duy nhất. Na Uy, Ireland đều làm việc ít hơn Mỹ và kiếm được nhiều tiền hơn. Không phải quốc gia nào đều giống như các ví dụ nói trên. Tuy nhiên, xu hướng chung tìm được từ nghiên cứu là: Giờ làm việc nhiều hơn = kiếm it tiền hơn, giờ làm việc ít hơn = kiếm nhiều tiền hơn.
Dĩ nhiên là có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các con số nói trên. Một quốc gia có nền kinh tế tập trung vào nông nghiệp như Việt Nam dĩ nhiên sẽ có thu nhập thấp hơn những quốc gia có nền kinh tế tập trung vào dịch vụ. Nói theo cách khác, Việt Nam có nhiều công việc cần sử dụng “chân tay” thay vì “trí não”. Những người làm công việc đòi hỏi sức lao động cao được trả ít hơn và phải làm việc nhiều thời gian hơn. Trong khi những người làm ngành nghề đòi hỏi tri thức có nhiều cách khác nhau để tăng thu nhập và cắt giảm giờ làm việc của họ. Thế nên để nói một cách đơn thuần: “Hãy làm việc ít hơn và bạn sẽ kiếm tiền nhiều hơn” là hoàn toàn sai.
Điều mà nghiên cứu này chỉ ra chính là: Làm việc nhiều không đồng nghĩa với làm việc hiệu quả. Một bài học cũng đã được dạy qua luật 80/20 của nhà kinh tế học Vilfredo Pareto. 80% thành công trong cuộc sống đến từ 20% tổng những việc bạn đang làm. Chúng ta thường ám ảnh với suy nghĩ là mình cần phải làm nhiều hơn, nhưng ít bao giờ suy nghĩ rằng mình có đang làm đúng chuyện cần lầm hay không. Điều quan trọng là bạn chỉ cần tìm được cái 20% đáng giá để tạo được 80% kết quả.
Ngộ nhận #2: Bạn luôn có thể làm việc 15 tiếng mỗi ngày như các ngôi sao mạng xã hội
Lướt một vòng các mạng xã hội, ta thấy rất nhiều các ngôi sao nghệ sĩ ủng hộ việc làm việc cật lực. Họ đăng ảnh đi chạy bộ vào 4 giờ sáng. Họ chia sẻ thời gian biểu với 100 công việc cần phải làm mỗi ngày. Họ “bán” cho bạn ý tưởng rằng bạn cần làm việc 15 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần để biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Nhưng sự thật là không ít người trong số họ chỉ đang lừa dối bản thân và cả những người xung quanh.
Những người nổi tiếng này không bao giờ nói đến việc nếu như bạn muốn thức dậy lúc 4 giờ sáng, bạn phải đi ngủ lúc 8 giờ tối. Họ không bao giờ chia sẻ về những ngày mà họ bị kẹt xe và đến nơi làm việc trễ. Mạng xã hội dần khiến ta có cái nhìn lệch lạc về thành công và năng suất lao động. Không ai bao giờ đăng những thất bại của bản thân trên Facebook. Chúng ta luôn muốn tin rằng cuộc sống của bản thân mình luôn hoàn hảo. Dựa theo một nghiên cứu của Đại học Illinois, não bộ chúng ta sẽ trở nên kém hiệu quả nếu ta tập trung vào một công việc quá lâu ví dụ như đọc đi đọc lại một cuốn sách hoặc làm việc quá sức. Ý tưởng này cũng đã được đề cập đến trong cuốn sách How to be a Productivity Ninja của Graham Allcot. Tác giả cho rằng mỗi chúng ta chỉ có một số tiếng nhất định trong ngày để tập trung vào công việc. Sau khi sử dụng hết sự tập trung ấy, năng suất lao động sẽ suy giảm trầm trọng.
Thế nên, đừng tin vào những thứ bạn xem được trên mạng xã hội. Bạn không thể làm việc 15 tiếng mỗi ngày.
Ngộ nhận #3: Sống như những tỉ phú và bạn sẽ thành công
Internet khiến việc tạo dựng một hình ảnh “thành công” quá đơn giản. Chụp hình trong những khách sạn 5 sao, check-in ở các nhà hàng sang trọng. Bất kỳ ai cũng có thể sống một cuộc đời hoàn hảo trên mạng xã hội. Nhưng những người thật sự thành công thì sao? Bill Gates, Jeff Bezos, Elon Musk… Liệu ta có thể học hỏi gì từ họ không?
Vài năm trước, tôi bắt đầu tìm hiểu về những câu chuyện thành công của các tỉ phú. Tôi học về thời gian biểu của họ, cách họ ăn uống, cách họ vận động. Tôi dần sống lối sống của những người thành đạt này. Tôi ăn uống lành mạnh, tắm nước lạnh khi thức dậy, uống ba lít nước mỗi ngày. Lý do: Tôi nghĩ rằng nếu tôi sống như những tỉ phú, tôi cũng sẽ trở thành tỉ phú (hoặc ít nhất là triệu phú). Nhưng vấn đề là tôi đang sống theo những người đã thành công, thay vì những người đang trên con đường thành công.
Tôi vẫn đang sống lối sống của các tỉ phú. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng việc thức dậy lúc 4 giờ sáng hoặc uống ba lít nước mỗi ngày không phải là thứ có thể giúp tôi thành công. Không phải tỉ phú nào cũng có năng suất lao động cao, và việc có năng suất lao động cao cũng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ trở thành tỉ phú. Những tỉ phú thành công là vì họ có những năng lực cụ thể, ở những thời điểm nhất định và ở trong những trường hợp đặc biệt. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Con đường đi đến thành công của bạn sẽ khác với mọi người khác. Hãy tự định nghĩa “thành công” theo cách mà bạn muốn.