Những con người thuộc hạng “siêu nhân”!
Bạn nằm trong ngôi nhà có bốn bức tường, không thể ra khỏi nhà đến quán bia gặp mấy người bạn thân, cũng chẳng thể chạy về quê nhà với ba mẹ đang chờ. Suốt những ngày “giãn cách xã hội” hay tự cách ly, lần đầu tiên ta nhận ra sự cô lập có thể khiến mình phát điên thế nào…
Một trong những sự khắc nghiệt nhất mà con người phải trải qua đó là sự bị cô lập. Vào thập niên 1950, nhà tâm lý học Donald O. Hebb tạo ra một phòng thí nghiệm để khám phá xem con người sẽ chịu được đến đâu trong khi bị cô lập. Ông đề nghị những sinh viên nam ở trong một phòng nhỏ chỉ rộng hơn cái giường một chút. Khi ở trong phòng này, các nam sinh viên sẽ đeo kính, đeo tai nghe, và có các tấm cạctông bao phủ tay và chân. Biện pháp đó sẽ giúp giảm tối đa các kích thích vào giác quan từ môi trường bên ngoài.
Hebb dự định theo dõi người tham gia thí nghiệm khoảng sáu tuần nhưng đa số không chịu nổi và kết thúc sau vài ngày. Không ai vượt qua được một tuần. Trải nghiệm cô lập này gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người tham gia. Kết quả các bài kiểm tra trí tuệ trong thời gian thí nghiệm của họ cho kết quả kém rõ rệt so với lúc bình thường. Họ cũng có ảo giác, ảo thanh, như nhìn thấy chó trong phòng, nhìn thấy ma, nghe thấy tiếng hộp nhạc. Họ cũng phát triển nhiều phản ứng cảm xúc trẻ con. Các nhịp song não của những sinh viên này cũng thay đổi. Nói một cách đơn giản, hoạt động tinh thần của họ sụp đổ và tan rã.
Thí nghiệm đó cho thấy sự nhàm chán, cô đơn giết chết đời sống tinh thần của con người. Ngày nay, ở một số nơi trên thế giới, hình thức cô lập này được biết đến tên là “tra tấn trắng”, được coi là hình thức tra tấn độc ác và dã man nhất của loài người. Người bị tra tấn sẽ bị nhốt vào một căn phòng màu trắng, không có âm thanh, không có đồ vật gì, chỉ một mình mình với căn phòng màu trắng trống trơn. Những phạm nhân chịu hình thức này cũng nhanh chóng phát triển các hệ quả tâm lý như trong thí nghiệm của Hebb.
iStock
Vậy mà có những người lại chọn cho mình sự cô lập, không phải ở Trái đất mà ở trên vũ trụ. Họ là những phi hành gia, những “siêu nhân”, từ bỏ cuộc sống đa dạng và thân quen nơi Trái đất để làm bạn với vì sao và khoảng không bao la. Phi hành gia được chọn lọc rất kỹ lượng từ những phi công ưu tú nhất qua các bài kiểm tra về sức khỏe và tinh thần. Sau đó họ dành hàng năm trời để rèn luyện thành thạo các thao tác và nhiệm vụ phải làm trong không gian. Nhưng dù “siêu” đến thế nào thì sự cô lập cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần họ.
Trong số 89 chuyến bay vào vũ trụ từ năm 1981 đến 1998, các phi hành gia gặp khoảng 36 sự vụ liên quan đến lo âu và phiền muộn. Có một số trường hợp, sự lo âu phiền muộn đó được đẩy lên cao ảnh hưởng đến cả đội. Trong khoảng năm 1980, có một phi hành gia người Trung Quốc trở nên ám ảnh với công việc của mình. Sau khi thí nghiệm của anh thất bại, anh tuyên bố: tôi sẽ không trở về Trái đất cho đến khi làm xong. Trường hợp tệ nhất là khi các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể làm hỏng nhiệm vụ. Năm 1985, sự kết thúc đột ngột của chuyến bay Soviet Soyuz T14-Salyut 7 được cho là có liên quan đến sự trầm cảm của phi hành đoàn.
Năng lực siêu nhân không giúp các phi hành gia miễn nhiễm với vấn đề mà nó giúp cho hoạt động tinh thần của họ không bị sụp đổ và quan trọng hơn là chuyển biến chất lượng trải nghiệm sống trong điều kiện cô lập khắc nghiệt. Đa số phi hành gia cho biết trải nghiệm du hành vũ trụ của họ rất tích cực.
Các nhà nghiên cứu khảo sát các phi hành gia và kết quả cho thấy các phi hành gia đánh giá nhiệm vụ bay không gian thúc đẩy sự lành mạnh tinh thần và cảm giác phát triển bản thân. Nhà nghiên cứu Eva Ihle và cộng sự dựa trên một nghiên cứu cảm nhận của 39 phi hành gia chỉ ra rằng yếu tố chính tạo nên sự tích cực là do các phi hành gia tìm thấy ý nghĩa trong hoạt động của mình. Nhìn từ trên cao xuống trái đất, họ thấy Trái đất đẹp tuyệt vời và trân trọng vẻ đẹp đó. Đồng thời, họ cũng cảm giác Trái đất thật dễ tổn thương và từ đó có thể cảm thấy công việc mình có ý nghĩa giúp phát triển kiến thức, đóng góp cho nhân loại.
NBC News
Rất thú vị là nghiên cứu cũng tìm hiểu cảm nhận tích cực của các phi hành gia về gia đình, về cuộc sống bản thân, về sự phát triển bản thân, về các cơ hội tương lai nhưng sự phát triển các cảm nhận này là rất nhỏ không đáng kể. Có thể rằng, trong hoàn cảnh khó khăn, cảm giác sống có mục đích, có ý nghĩa cho một điều gì đó chung và lớn lao, sẽ giúp người ta có thêm động lực để vượt qua sự cô lập.
Thời điểm này, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đe dọa, ai cũng sợ hãi về bệnh dịch và sợ cách ly. Cách ly là một biện pháp hiệu quả để phòng chống đại dịch. Nhưng mỗi người lại có những trải nghiệm khác nhau. Đa số mọi người đều không muốn rời khỏi cách sống quen thuộc, bạn bè, gặp gỡ bình thường. Đặc biệt khi bị cách ly tập trung, một số người cảm thấy căng thẳng và rất ngột ngạt.
Nhưng cũng có những người lại làm ngược lại. Họ chọn để đối đầu với Covid-19. Họ là những bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế – những người trực tiếp tiếp đón và chăm sóc các bệnh nhân Covid-19. Họ làm việc bất chấp nỗi sợ bị lây bệnh, làm việc liên tục trong điều kiện khắc nghiệt do phải tuân thủ qui trình nghiêm ngặt để chống lây nhiễm chéo. Có những điều dưỡng, bác sĩ sau giờ làm việc trở về nhà lại bị hàng xóm xì xào là “làm ở bệnh viện Covid” hay “coi chừng lây bệnh cho cả xóm”, dù họ luôn tuân thủ quy trình an toàn của bệnh viện. Sự cô độc mà họ đang trải qua cũng không khác bị bỏ vào căn phòng trắng, bước từ nơi này sang nơi khác vẫn là… căn phòng trắng đó. Và họ chấp nhận bị cách ly lâu dài, cho tính chất công việc, nhiều người cả tháng trời không về nhà.
Tôi lại nhớ đến Viktor Frankl, một tù nhân vượt qua đời sống tàn bạo trong trại tập trung của Phát xít Đức, ông dẫn câu mà triết gia Friedrich Nietzsche từng nói: “He who has a why to live can bear almost any how” – “người biết mình sống vì lẽ gì sẽ vượt qua được mọi hoàn cảnh”. Tôi tin rằng “siêu năng lực” mà những bác sĩ, y tá, điều dưỡng có được trong mùa đại dịch này chính là nằm ở khả năng tìm ra ý nghĩa hành động của họ – Vì lẽ sống của cả cộng đồng.
————————–
– Bạn có thể tìm hiểu nghiên cứu về các tác động tích cực của chuyến duy hành vũ trụ ở đây
– Về nghiên cứu của Donald O. Hebb, xem ở đây