Người giàu Trung Quốc và “giấc mơ Mỹ”
Việc dân Trung Quốc xoay sở mọi cách có thể để vào Mỹ sinh con (và đương nhiên đứa bé được nhập tịch Mỹ) chẳng là chuyện lạ nhưng hiện tượng này đến nay vẫn âm ỉ diễn ra…
Bài báo NPR ngày 22 Tháng Mười 2022 cho biết, một trong những công ty chuyên lo dịch vụ “du lịch sinh con” (birth tourism) – Fat Daddy – đang hoạt động gần như công khai tại California. Ở Mỹ, các cặp vợ chồng Trung Quốc có thể dễ dàng trả hơn $100,000 cho việc mang thai hộ – chi phí bao gồm chỗ ở, ăn uống và vận chuyển. Giá dịch vụ sinh con hộ ở Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ và Nga rẻ hơn. Ngay tại Trung Quốc, một số cha mẹ vẫn tìm kiếm dịch vụ đẻ mướn từ các nhà cung cấp ngầm trong nước họ. Một nghiên cứu ước tính rằng một thập niên trước, có tới 500 doanh nghiệp hoạt động lén lút.
Tuy nhiên, với người giàu Trung Quốc, lựa chọn phổ biến vẫn là Hoa Kỳ, nơi mang thai hộ là hợp pháp ở hầu hết tiểu bang. “Nước Mỹ có tất cả mọi thứ. Mỹ là một đất nước tốt – miễn là bạn biết mình muốn gì”, một đại lý “du lịch sinh con” có trụ sở tại California quảng cáo. Rất khó có thể biết bao nhiêu cặp vợ chồng Trung Quốc sử dụng dịch vụ mang thai hộ ở California vì Bộ Y tế tiểu bang nói họ không theo dõi, nhưng NPR đã tiếp cận một số cơ quan và biết được rằng có hàng trăm, nếu không nói là hàng nghìn trường hợp trong tiểu bang mỗi năm.
Zheng, đồng sáng lập Fat Daddy, cho biết có nhiều lý do khiến khách hàng muốn sử dụng dịch vụ công ty mình. Ông nói rằng Trung Quốc từng giới hạn các cặp vợ chồng chỉ có một con (hiện nay giới hạn là ba con), vì vậy các cặp vợ chồng giàu có muốn sinh con thứ hai hoặc thậm chí thứ ba ở Hoa Kỳ. Cần nhấn mạnh, đứa bé sinh tại Mỹ, dù được đẻ mướn, vẫn được hưởng quyền công dân Mỹ và do đó nó có thể bảo lãnh cha mẹ ruột sang Mỹ một khi đến tuổi trưởng thành.
Bất chấp Trung Quốc hiện phát triển và giàu có như thế nào, với không ít người Trung Quốc, Mỹ vẫn là đất nước tốt hơn vạn lần so với Trung Quốc. Trước đại dịch, Zheng cho biết, nhu cầu của người Trung Quốc đối với dịch vụ mang thai hộ nhiều đến mức ông từng giúp những gia đình Trung Quốc thuê nguyên tòa nhà chung cư. Và theo một đại lý khác, nhiều khách hàng là “quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản và những người nổi tiếng” có tiền và quyền lực, những người muốn con họ có quốc tịch Mỹ. Ở Trung Quốc, công dân mang hai quốc tịch là bất hợp pháp.
Một cách chính xác, làn sóng “du lịch sinh con” của người Trung Quốc chưa bao giờ lắng. Nhiều người vẫn thèm sống ở Mỹ và hít thở không khí tự do thật sự ở Mỹ. Một trong số đó là Lily, một luật sư đến từ Bao Đầu, Nội Mông. Lily đã thực hiện cái gọi là “tự tôi làm tất”: Tự đi du lịch để sinh con; tự thuê nhà và mướn một vú em toàn thời gian để chăm sóc con. Khi phóng viên NPR gặp Lily vào Tháng Năm, cô đang mang thai đứa thứ hai. Gia đình cô dự định sống thêm sáu tháng ở Mỹ sau khi sinh, trước khi họ trở về nhà. Cô giải thích về quyết định của mình: “Có những lợi thế ở Hoa Kỳ; quyền tự do ngôn luận, cảm giác an toàn. Con tôi chắc chắn sẽ tốt hơn nếu chúng có những lựa chọn như vậy”.
Cách đây vài năm, loạt đường dây “du lịch sinh con” bị phanh phui và những người điều hành đã bị bắt ở Nam California – tờ The New York Times thuật. Cáo trạng buộc tội những người liên quan loạt tội danh, trong đó có gian lận thị thực, gian lận chuyển tiền và đánh cắp ID…
Nhà chức trách cho biết, các doanh nghiệp đã huấn luyện khách hàng cách đánh lừa giới chức nhập cư Hoa Kỳ. Một số cặp vợ chồng Trung Quốc bị tính phí tới $100,000 cho gói du lịch sinh nở bao gồm nhà ở, bảo mẫu và các chuyến du ngoạn mua sắm. Một tờ hướng dẫn, có tựa “Chiến lược tối đa hóa cơ hội nhập cảnh”, đề nghị khách hàng (phụ nữ mang thai) nêu rõ trong đơn xin thị thực rằng họ đến Mỹ để thuần túy du lịch, sẽ ở khách sạn “5 sao” Trump International Waikiki Beach, nhằm thuyết phục giới chức nhập cư rằng họ là những người giàu có đi nghỉ ngơi giải trí, chứ không phải những bà mẹ đến Mỹ với ý định sinh con.
Hiện tượng du lịch sinh con tại Mỹ từng là một trong những vấn đề tranh cãi gay gắt. Jessica Vaughan, giám đốc nghiên cứu chính sách của Trung tâm nghiên cứu di dân ở Washington, nói rằng “chúng ta không nên dung túng cho một ngành công nghiệp khuyến khích mọi người đến đây với mục đích duy nhất là có một đứa trẻ với hộ chiếu Hoa Kỳ.” Những năm gần đây, thông lệ này khiến một số nhà lập pháp lên tiếng phản đối con cái của những người nhập cư không có giấy tờ tự động trở thành công dân, đề xuất bãi bỏ quyền công dân ngay khi sinh, vốn được ghi trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp.
Năm 2015, loạt dịch vụ ở Los Angeles, San Bernardino và Orange County đã bị nhà chức trách sờ gáy. Dongyuan Li, cư dân Irvine, California, người điều hành doanh nghiệp có tên “You Win USA”, bị cáo buộc thuê khoảng 20 căn hộ trong một khu chung cư sang trọng ở Irvine để “nuôi” những bà mẹ đến từ Trung Quốc. Trên trang web riêng, công ty của Dongyuan Li quảng cáo những lợi ích của việc sinh con tại Mỹ, bao gồm “quốc tịch Mỹ”; “được hưởng chế độ ưu tiên làm việc trong chính phủ Hoa Kỳ hoặc cho các công ty đại chúng và tập đoàn lớn”, có cơ hội nhập cư Hoa Kỳ khi đứa trẻ trưởng thành và bảo lãnh cha mẹ. Dịch vụ của Li huấn luyện khách hàng cách trả lời những câu hỏi tại cuộc phỏng vấn xin thị thực, cách điền biểu mẫu và ngụy tạo lý do chuyến đi khi họ đối mặt nhân viên Hải quan tại sân bay Mỹ.
You Win USA khuyến nghị khách hàng bay từ Trung Quốc đến Hawaii và sau đó nối chuyến trên một chuyến bay nội địa đến Los Angeles, điểm đến cuối cùng của họ, nhằm tránh sự nghi ngờ và giám sát gắt gao hơn tại phi trường LAX. Theo cáo trạng, You Win USA hứa hoàn lại tiền cho bất kỳ khách hàng nào không được nhập cảnh vào Mỹ. You Win USA sắp xếp chỗ ở, dịch vụ chăm sóc trước khi sinh. Ngoài ra, họ cũng hướng dẫn khách hàng tạo ra các tài liệu tài chính để được gia hạn thị thực và cách qua mặt luật pháp Mỹ khi gửi tiền tạm thời vào tài khoản ngân hàng.
Khách hàng được khuyên nên khai họ không có bảo hiểm y tế nhằm chỉ trả mức phí rất thấp tại bất kỳ bệnh viện nào khi họ sinh con. You Win USA, nói tóm lại, lo từ A-Z, “kể cả các chuyến mua sắm hàng Gucci và Hermes tại South Coast Plaza”, trung tâm mua sắm cao cấp ở Costa Mesa, California, nơi nhiều cửa hàng có nhân viên nói tiếng Quan Thoại…