Năm mới cùng triết lý Kaizen
Khi bước vào năm mới, nhiều người luôn thầm nguyện sẽ thực hiện hay thay đổi để mang lại điều tích cực gì đó qua “New Year Resolution” – cam kết đầu năm của mình. Có thể đó là sự chăm sóc cho sức khỏe cá nhân, giảm cân, sống tử tế, kiểm soát sự giận dữ, dành thời gian cho gia đình hay du lịch nhiều hơn. Là gì, sẽ thực hiện như thế nào, được bao lâu là chuyện riêng của mỗi người. Nhưng nếu muốn thực tâm thực hiện những cam kết, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về triết lý Kaizen của người Nhật.
Nhiều nghiên cứu tâm lý và khảo sát cho thấy những người sống thọ, sống vui khỏe thường là những người có một triết lý sống và mục đích để đeo đuổi. Mục đích đó có thể lớn hay nhỏ, nhắm chuyện đại sự hay chỉ trong gia đình, vì tha nhân hay cho con cái, nhưng thiếu đi mục đích, đời sống sẽ trở nên mất ý nghĩa và vô vị. Có thể xem những “cam kết đầu năm” là một phần của mục đích ngắn hạn trong đời sống. Nhưng việc thực hiện thường là một thách thức không dễ dàng vì không phải ai cũng có đủ nghị lực đeo đuổi, dù có khi chỉ là vài điều nhỏ nhặt. Các số liệu tổng hợp cho thấy chỉ hơn 40% cá nhân thực hiện được cam kết của mình, còn lại là bỏ cuộc đâu đó giữa chừng, có khi ngay trong tháng đầu tiên của năm mới. Với những ai đã ít nhiều thực hiện được phần nào những mục tiêu thì quả là một niềm vui và phấn khích mỗi khi nhìn lại.
Thói quen và truyền thống cam kết đầu năm này đã thu hút nhiều nghiên cứu tâm lý để đưa ra lời khuyên hoặc những góp ý tư vấn về cách thực hiện. Phần lớn là những điều như chuẩn bị tâm lý cho sự thay đổi từng bước, đặt ra mục tiêu có ý nghĩa và động lực cho chính mình thay vì do áp lực tâm lý từ gia đình hay người chung quanh, giới hạn một số điều cụ thể nằm trong khả năng có thể thực hiện, chia nhỏ mục tiêu, viết ra giấy và theo dõi thường xuyên những điều này, và quan trọng hơn là khi lơ là hay có ý định bỏ cuộc thì cần quay lại ở mức nhanh nhất. Triết lý hay khái niệm Kaizen (âm Hán Việt là “cải thiện”) của người Nhật có nhiều điều tương đồng với những lời khuyên nói chung nhưng chứa đựng tính tự giác và kỷ luật hơn. Kaizen đã được áp dụng trong kỹ nghệ sản xuất, quản trị và thương mại của người Nhật rất thành công. Nó cũng được nhiều nhà sản xuất và tập đoàn thương mại phương Tây học hỏi.
Kaizen ra đời sau Thế chiến thứ hai, mang ý nghĩa “sự thay đổi tốt hơn” hoặc “hoàn thiện” (change for better, improvement), được tập đoàn xe hơi Toyota đưa vào triết lý sản xuất của mình. Sau Thế chiến thứ hai, khi sang Nhật để tìm hiểu tại sao Toyota có thể sản xuất xe nhanh và phẩm chất cao đến mức ngạc nhiên, giới công nghiệp sản xuất xe hơi Mỹ phát hiện rằng không phải Toyota có máy móc thiết bị hay dây chuyền tân tiến hơn Mỹ, mà nhờ họ áp dụng một triết lý nhân sinh – “The Toyota Way”, áp dụng hai nguyên tắc chính yếu: “sự liên tục hoàn thiện” và “tôn trọng con người”, vào hoạt động và quản trị công ty. “The Toyota Way” trở thành “công thức” dẫn dắt sự phát triển của hãng và giúp nhân viên luôn có động lực tìm cách thay đổi quá trình làm việc, dây chuyền sản xuất, và thậm chí chính bản thân mình.
Trước lỗi hoặc sai sót kỹ thuật của nhân viên, thay vì khiển trách, Toyota khuyến khích nhân viên tạm ngừng công việc sản xuất để xem xét lý do, tìm ý tưởng hoặc phương pháp khắc phục, hoặc đề nghị lên cấp trên cách cải thiện để tránh lặp lại những lỗi tương tự. Nhờ đó mà lỗi kỹ thuật bớt xảy ra và cuối cùng không còn tái diễn, từ đó dây chuyền sản xuất được liên tục hoàn thiện. “The Toyota Way” đã dẫn đến sự hùng mạnh và thành công vượt bực của tập đoàn Toyota ngày hôm nay. Ðó là một triết lý kinh doanh hữu hiệu và thích hợp gần như cho tất cả, kể cả những nhà sản xuất nhỏ, tiểu thương, cơ sở thương mại và các dịch vụ tư nhân khác. Ðối với bất cứ chủ doanh nghiệp nào, một khi sản phẩm hay dịch vụ được thay đổi tốt hơn, và khi nhân viên, khách hàng, người hợp tác được tôn trọng và đối xử đúng mực, hoạt động thương nghiệp của mình cũng sẽ phát triển theo chiều hướng tốt hơn.
Kaizen vẫn có thể được áp dụng cho đời sống cá nhân nói chung và cho “cam kết đầu năm” nói riêng. Kaizen không mang tính hình thức. Nó hàm chứa những suy nghĩ và giá trị nội tại cần thiết để thay đổi đời sống cá nhân. Kaizen chấp nhận sai sót hoặc lỗi lầm có thể xảy ra, đồng thời khuyến khích tinh thần học hỏi để sao cho trở nên tốt hơn. Kaizen chú trọng việc đo lường và đánh giá quá trình thực hiện để điều chỉnh. Theo nguyên tắc đó, mỗi cá nhân cũng cần xem xét và theo dõi việc thực hiện mục tiêu của mình. Kaizen khuyên ta nên tìm phương pháp mới mẻ và hiệu quả hơn để đạt kết quả. Nếu “cam kết đầu năm” của bạn là muốn du lịch đến vài địa điểm mới trong năm nhưng e ngại không đủ ngân sách thì bạn có thể tìm cách thay đổi phương tiện di chuyển, ăn ở tiết kiệm để vẫn thực hiện được mục tiêu ban đầu. Một trong những nguyên tắc chính của Kaizen là giảm thiểu thất thoát, phung phí thời gian và sức lực để việc sản xuất trở nên hiệu quả hơn. Chúng ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc đó vào vấn đề tài chính và chi tiêu sao cho hợp lý hơn. Kaizen đề ra từng bước nhỏ để thay đổi. Theo đó ta cũng nên giới hạn mục tiêu và kiên nhẫn hoàn tất từng bước, thay vì đặt ra những mục tiêu quá lớn lao, khó lòng thực hiện rồi bỏ cuộc nửa chừng.
Không phải bất cứ thay đổi nào cũng có thể thực hiện qua đêm hay thành công tức thời. “Cam kết đầu năm” luôn là thách thức cho mỗi cá nhân để vượt qua chính mình. Nếu chưa thành công thì việc học theo tinh thần Kaizen có thể là một giải pháp, ít nhất cũng để đối mặt với sự thất vọng hay cảm giác thất bại khi chúng ta chưa hoặc không đạt được những mục tiêu mà mình đề ra.
Bài đã đăng trên Saigon Nhỏ