Một số sai sót trong sách “Thành ngữ bằng tranh” (Kỳ 2)
Một số sai sót trong sách “Thành ngữ bằng tranh” (Kỳ 2)
b – Hiểu sai nghĩa của từ và yếu tố Hán Việt:
9 -“Ăn bậy nói càn: Ngày xưa, ở các bến đò, cổng chợ, có những người làm thuê, gánh mướn, thường tụ tập đón khách để gánh thuê. Họ mang theo một chiếc đòn càn. Gọi là những người gánh càn. Họ hay cãi cọ, tranh giành việc của nhau, lại có người lừa lọc cả chủ hàng…nên mọi người có ấn tượng không tốt về người gánh càn. Từ đó, từ càn được dùng ám chỉ những hành động thô tục, càn quấy”.
Giải thích như vậy là oan cho “những người gánh càn”.
“Càn” 乾 là một từ Việt gốc Hán. “Hán ngữ đại từ điển” giảng nghĩa thứ 6 của “càn” 乾 là: “một lai do” [沒來由] nghĩa là không có lí do, duyên cớ gì [無緣無故 – vô duyên vô cố].
“Nói càn” tức nói bậy, nói mà không kể gì duyên cớ, đúng sai:
–Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê-Vietlex) ghi nhận: “càn: “[hành động] bừa, không kể gì phải hay trái, nên hay không nên”; “càn bậy • t. [hành động] bậy bạ, bất chấp phải trái, khuôn phép”.
Vì “càn” có nghĩa là không có lí do, duyên cớ gì; không kể gì phải trái, nên động tác dùng cây sào, cây gậy mà gạt bỏ những vật gì đó (bất kể to nhỏ, cao thấp, xấu tốt), cũng gọi là “càn”. Và cái khúc tre thô sơ mà đa năng, dùng để khiêng, gánh, gồng, lúc cần thì thành dụng cụ để càn, gạt, được gọi là “đòn càn”. Tương tự, “bừa” có nghĩa là càn bậy, ẩu tả, không kể gì đúng sai, được dùng để đặt tên cho một loại nông cụ mà khi sử dụng, nó cũng càn lướt, vùi dập tất cả những gì đi qua, bất chấp đó là cỏ rạ, rác rưởi, hay rong rêu bùn đất.
Trong “Đại Nam quấc âm từ điển”, mục “càn” 乾, Huình Tịnh Paulus Của giảng là: “lướt ngang, sấn ngang; càn ngang • id: không thứ tự không kể phép tắc, không kể lớn nhỏ; hổn hào, nói càn ngang; xiêu càn • nói chung lộn, không thứ lớp. Nói xiêu càn là nói không phân biệt”.
Như vậy, trước khi xuất hiện cái “đòn càn” và “những người gánh càn”, thì bản thân từ “càn” 乾 trong tiếng Việt đã có nghĩa là “bậy bạ”, “càn bậy” rồi.
10 -“Bất tỉnh nhân sự: “Bất tỉnh: Trạng thái mê man, không biết gì. Nhân: Nguyên nhân (nói tắt). Sự: Việc, chuyện”. Ý nói: Ở trạng thái hôn mê, ngất xỉu trong một lúc vì lý do gì đó”.
“Nhân” 人 ở đây có nghĩa là người, không phải “nhân” là “nguyên nhân (nói tắt)”. Hán ngữ đại tự điển giải nghĩa: “Nhân sự bất tỉnh: nói hôn mê bất tỉnh, mất tri giác.” [vị hôn mê bất tỉnh, thất khứ tri giác – 人事不省: 謂昏迷不醒,失去知覺].
Như vậy, “nhân” trong “nhân sự” 人事 có tự hình là “人”, trong khi “nhân” trong “nguyên nhân” phải có tự hình là 因.
11 -“Hữu xạ tự nhiên hương: Hương thơm của nhang khi đốt gọi là xạ. Xạ bay đi tứ phía theo kiểu khuếch tán (tự nhiên) chứ không cần gió nên gọi hiện tượng ấy là: Hữu xạ tự nhiên hương – Có xạ hương thì tự nhiên sẽ thơm khi đốt (chẳng cần đến gió)”.
“Xạ” là từ Việt gốc Hán, mang nhiều nghĩa:
-Hán ngữ đại từ điển giảng: “xạ: 1. Tên một loài thú, tục gọi là con hương chương, giống con hươu mà nhỏ, không có sừng, chân trước ngắn, chân sau dài, giỏi nhảy nhót, đuôi ngắn, lông màu vàng sẫm hoặc vàng xám. Ở khoảng giữa rốn và sinh thực khí của con đực có tuyến nang có thể rỉ ra mùi xạ hương; 2. Chỉ xạ hương, hoặc phiếm chỉ mùi thơm”. [麝:1.獸名.俗稱香獐.形似鹿而小, 無角,前腿短,後腿長.善跳躍,尾短,毛黑褐色或灰褐色.雄麝臍與生殖器之間有腺囊,能分泌麝香; 2. 指麝香.亦泛指香氣].
–Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): xạ • dt. (động): Một giống chồn nơi rún (rốn) có chất thơm hăng, được dùng làm thuốc trị bệnh. • (R) Chất thơm hăng ở dưới bụng hay trong nách một vài loại thú cầm: Chuột xạ; xạ dơi. • Chất có mùi thơm: Hương xông xạ ướp; hữu-xạ tự-nhiên hương”.
Như vậy, “xạ” trong câu “Hữu xạ tự nhiên hương” 有麝自然香, thuộc nghĩa 3, và thành ngữ được hiểu với nghĩa khái quát: nếu có chất thơm, thì tự nó sẽ phát tiết, toả ra mùi thơm, chứ không cần phải giới thiệu hoặc khoe khoang.
12 -“Muôn hình vạn trạng: Muôn chữ Nôm, cũng có nghĩa là vạn chữ Hán. Hình chữ Nôm cũng là trạng chữ Hán. Đây là hai vế đối một bên chữ Nôm, một bên chữ Hán, có cùng một ý là: phong phú về hình vẻ, đa dạng về trạng thái” (HTC nhấn mạnh).
Thực ra, “hình” 形 và “trạng” 狀 ở đây đều là chữ Hán. “Muôn hình vạn trạng” là dị bản của thành ngữ gốc Hán “Thiên hình vạn trạng” 千形萬狀, mà Hán ngữ đại từ điển giảng là: “các thức, các dạng hình trạng. Hình dung biến hoá nhiều” [千形萬狀: 各式各樣的形狀. 形容變化多].
13 -“Thâm căn cố đế: Thâm căn: Cái rễ ăn sâu. Cây có rễ ăn sâu xuống lòng đất thì sẽ rất vững chắc. Đế: bộ phận phía dưới, để gìn giữ cho đồ vật đứng vững. Cố đế: Cái đế có từ lâu”.
“Đế” 柢 ở đây có nghĩa là “rễ”, chứ không phải cái đế “giữ gìn đồ vật cho vững”; “cố” 固 nghĩa là bền vững, không phải “cố” 故 là “có từ lâu”; “cố đế” 固柢 là “rễ bền”, chứ không phải “cái cái đế có từ lâu”. Thành ngữ gốc Hán “Thâm căn cố đế” 深根固柢 có nghĩa là “Gốc sâu rễ bền”, không gì lay chuyển được.
14 -“Thất điên bát đảo: Đảo là từ láy của điên. Bảy đen(sic) tám đảo nghĩa đen là nhiều lần điên đảo. Ý nói: Lao đao nghiêng ngả”.
Giảng “đảo là từ láy của điên”, nhưng “điên” có nghĩa là gì, lại không thấy giải thích cụ thể.
“Điên đảo” 顛倒 là từ ghép đẳng lập gốc Hán: “điên” 顛 có nghĩa là “đảo” (vị trí); mà “đảo” 倒 cũng có nghĩa “điên” (hoán đổi vị trí). Theo đây, “đảo” không phải là “từ láy của điên”, mà là quan hệ đẳng lập với “điên”. Ví dụ: “điên đảo hắc bạch” 顛倒黑白 = trắng đen lẫn lộn.
Thành ngữ gốc Hán “Thất điên bát đảo” 七顛八倒 (dị bản “Điên tam đảo tứ” 顛三倒四) chỉ tình trạng bối rối, hỗn loạn, không còn trật tự gì nữa. Trong tiếng Việt, thành ngữ này cũng được hiểu tương tự. Hoàng Phê-Vietlex giảng: “thất điên bát đảo • 七顛八倒: ở tình trạng hết sức bối rối, hoảng loạn. “…Ta quyết làm cho họ thất điên bát đảo một phen, cho hắn biết phủ Từ Sơn ta không phải loại đớn hèn.” (Kim Lân)”.
15 – “Trúc chẻ ngói tan: Lúc chẻ tre, chẻ trúc, cây vốn sẵn có thế năng nên giải phóng năng lượng, tạo thành sức mạnh lớn. Khi ngói bị tác động mạnh tới mức vỡ tan, cũng bắn ra thành nhiều mảnh. Nếu vỡ hàng loạt có thể gây thương tích diện rộng. Cả chẻ tre và ngói tan đều gây tiếng động lớn”.
Soạn giả không hiểu nghĩa đen nên giải thích loanh quanh và sai hoàn toàn.
Thành ngữ “Trúc chẻ ngói tan” là sự kết hợp giữa hai thành ngữ gốc Hán “Thế như phá trúc” 勢如破竹 (Thế mạnh như chẻ tre) và “Thổ băng ngoã giải” 土崩瓦解 (Đất lở ngói tan). Khi chẻ tre, người ta dùng dao bổ đôi, chẻ qua vài đốt phần gốc, rồi chân dẫm nửa này, tay nâng nửa kia lên, cây tre cứ thế toác đôi, nổ đôm đốp, tựa thế tấn công áp đảo, không gì cản nổi. Còn khi viên ngói vỡ thì cũng tan tành thành mảnh vụn, không cách gì hàn gắn, cứu vãn. Hán ngữ đại từ điển giảng:
-“Phá trúc: 1. Chẻ tre, ví với việc lần lượt tiêu diệt, thuận lợi không chút trở ngại; 2-Ví với thế trận nhanh chóng bị phá vỡ, diệt vong”. [破竹: 1. 劈竹子.喻循勢而下, 順利無阻; 2. 喻迅速破亡的形勢].
-“Ngói tan: viên ngói tan vỡ, tỉ dụ sự sụp đổ hoặc chia xé, phân ly; 2. Chỉ sự tan vỡ của lực lượng đối phương”. [1.瓦片碎裂.比喻崩潰或分裂, 分離; 2. 謂使對方的力量崩潰].
Như vậy, không có chuyện “trúc” và “ngói” là hai thứ “vũ khí”, mà khi “trúc chẻ” thì “tạo thành sức mạnh lớn”; còn “ngói tan” thì “bắn ra nhiều mảnh” và “gây thương tích diện rộng” như giải thích của soạn giả.
16 -“Dùi mài kinh sử: Dùi là một dụng cụ nhỏ, học trò ngày xưa thường dùng để đóng sách. Dùi được mài rất công phu, cho nên là biểu hiện của sự cần cù, chăm chỉ”.
“Dùi mài” ở đây là “dùi” và “mài”, chứ không phải là mài cái dùi.
“Dùi mài” chỉ hai công việc “dùi”/“giồi” (khoan cắt, đánh bóng) và “mài” (chà xát cho mòn, cho nhẵn), ý chỉ sự công phu rèn luyện, học tập. “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) giảng: giồi • đt. C/g. Giùi, tô, trét vô rồi chà mạnh cho láng, cho bóng: Giồi bộ ván, giồi phấn. • (B) Trau-tria, ôn-nhuần: Giồi-mài kinh-sử”. “Dùi mài” trong tiếng Việt tương tự như “thiết tha” 切磋 (cắt mài), hoặc “trác ma” 琢磨 (mài dũa), ý chỉ sự tu dưỡng đạo đức, nghiên cứu nghĩa lý, học vấn một cách công phu trong tiếng Hán. Còn “Ma chử thành châm” được Việt hoá thành “Mài sắt nên kim”. Vì mài dùi dễ hơn mài kim, nên có câu tục ngữ chế “Có công mài sắt có ngày nên…dùi” là vậy.
Bởi soạn giả hiểu lầm “dùi mài” thành “mài dùi” nên mới giảng “dùi được mài rất công phu”. Theo đây, nếu nói về độ “công phu” thì phải là “mài kim”, chứ không phải “mài dùi”. Tương truyền, thời niên thiếu, Lý Bạch học hành dở dang, bỏ chuyện trường ốc để đi du ngoạn khắp nơi. Dọc đường Lý Bạch thấy có bà già nọ đang mài một cái chày sắt. Thấy việc lạ lùng, Lý Bạch dừng lại hỏi: “Xin hỏi cụ mài cái chày này làm gì vậy?”. Bà cụ thản nhiên đáp: “Làm cái kim vá quần áo”. Lý Bạch chợt tỉnh ngộ, bèn lập tức quay lại, gắng công học tập và sau này trở thành một đại thi hào đời Đường. Về sau “Ma chử thành châm” 磨杵成針 (Mài sắt nên kim) ví với sự gắng sức, kiên trì bền chí thì sẽ thành công (tham khảo Hán ngữ đại từ điển).
17- “Nghe hơi nồi chõ: Nồi chõ là để thổi xôi. Xôi chín bằng hơi nước của nồi chõ. Người ta muốn biết xôi chín chưa thì phải mở vung nhìn xem hơi nồi chõ lên có nhiều và đều không. Còn chỉ nghe thôi mà không nhìn trực tiếp thì kiểm tra không thể chính xác được”.
“Nghe” ở đây không phải là cảm nhận âm thanh, tiếng động bằng thính giác; “hơi” cũng không phải là hơi nước, hơi khói bốc lên từ nồi chõ (nhìn thấy bằng mắt), mà “hơi” có nghĩa là “mùi”. “Nghe hơi” là đánh hơi, nhận biết mùi gì bằng khứu giác.
Vì là xôi/nấu thức ăn bằng hơi nước nóng bốc lên, nên mùi thức ăn từ chõ cũng xông lên, lan toả rất mạnh. Do không được tận mắt nhìn thấy thức ăn trong nồi chõ, chỉ “nghe hơi”, nghe mùi thoang thoảng, như xa như gần trong gió, nên rất khó biết nó toả ra từ hướng nào, nhà nào, và đích xác nó là mùi của loại thức ăn gì. Ví như tuy cảm nhận là mùi thơm của xôi nếp, nhưng thực tế không phải xôi, mà là bánh nếp; không phải đến từ nhà ông B, mà là từ nhà bà A. Thậm chí, mùi “xôi” ấy, thực chất chỉ là hương của nắm lá cây cơm nếp, được hấp trong nồi để tạo mùi. Và dù có phỏng đoán thế nào, thì tất cả cũng chỉ là “nghe hơi”, hóng chuyện, ngửi mùi thức ăn của nhà khác mà thôi!
Trên đây là một số sai sót điển hình trong sách “Thành ngữ bằng tranh”. Ngoài ra, hãy còn nhiều mục có vấn đề về giảng giải nghĩa đen thành ngữ, như: “Ăn bớt ăn xén”,“Bán bò tậu ễnh ương”, “Chết như ngả rạ”, “Lẩn như chạch”, “Chỉ tay năm ngón”, “Cùng hội cùng thuyền”, “Dây mơ rễ má”, “Dốt đặc cán mai”, “Nhìn gà hoá cuốc”, “Mẹ tròn con vuông”, “Run như dẽ”, “Môn đăng hộ đối”, “Ăn mày đòi xôi gấc”…
Nếu ứng với hơn 300 thành ngữ, thì số lỗi cụ thể trong cuốn sách chiếm tới hơn 10%. Vì bài viết đã dài, nên chúng tôi xin tạm dừng tại đây.