Làm thế nào để nuôi hy vọng trong thời đại… tuyệt vọng?
Năm mới 2021 đã bước qua vài ngày nhưng gần như chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy điều gì tốt đẹp hơn đang mỉm cười chờ phía trước. Dịch bệnh vẫn chưa được khống chế ở nhiều nước. Mỹ tiếp tục “toang” vì Covid-19. Châu Âu đang đóng cửa trốn dịch sợ virus lọt vào nhà. Cho nên, nuôi hy vọng và giữ lửa cho niềm tin vẫn là “kỹ năng sống” mà chính những người trưởng thành cũng phải học.
Khi “hy vọng” là chiếc áo giáp
Sự hy vọng rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần – giới tâm ký học khẳng định. Nó giúp chống lại sự lo lắng và tuyệt vọng. Nó bảo vệ chúng ta khỏi căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy những người có mức độ hy vọng cao thường có kỹ năng đối phó tốt hơn và thoát khỏi thất bại nhanh hơn. Họ giải quyết vấn đề tốt hơn và tình trạng kiệt sức thấp hơn. Họ có những mối quan hệ bền chặt hơn, bởi vì họ giao tiếp tốt hơn và đáng tin cậy hơn. Và họ là những bậc cha mẹ bớt căng thẳng hơn, có nhiều khả năng dạy con đặt mục tiêu và giải quyết vấn đề hơn. Tóm lại là vô số cái… “hơn”, nếu có hy vọng và biết hy vọng.
Anthony Scioli, giáo sư tâm lý học thuộc Keene State College ở Keene (New Hampshire), đồng tác giả quyển Hope in the Age of Anxiety và The Power of Hope, nói rằng hy vọng là “PPE” – cảm xúc bảo vệ cá nhân (Personal Protective Emotion). Hầu hết nhà tâm lý học định nghĩa hy vọng là sự khao khát điều gì đó có thể xảy ra nhưng không chắc chắn – chẳng hạn một tương lai tốt đẹp hơn – và niềm tin rằng bạn có một số sức mạnh nào đó để biến nó thành hiện thực. Họ tin rằng hy vọng có hai thành phần quan trọng: Động lực để đạt được mục tiêu mong muốn; và Chiến lược, tức lộ trình để thực hiện điều đó. Cách nhìn này giúp phân biệt hy vọng với sự lạc quan, vốn được hiểu là niềm tin rằng tương lai sẽ thành công bất kể bạn làm gì. Hãy thử nghĩ như thế này: Nếu bạn muốn giảm 10 kg, bạn cần có kế hoạch – một chế độ ăn uống lành mạnh hoặc chương trình tập thể dục – cùng ý chí để thực hiện. Nếu không, bạn chẳng bao giờ có thể hy vọng thực sự có được một thân hình ngon lành; và như thế không phải bạn đang hy vọng mà bạn đang mơ.
“Thiết kế” nên sự hy vọng
Nghiên cứu cho thấy, một số người hy vọng nhiều hơn những người khác, nhờ sự kết hợp của cá tính trời sinh cùng sự nuôi dưỡng. Tiến sĩ Anthony Scioli tin rằng những người này dựa trên bốn nguồn lực chính: Sự gắn bó (cảm giác tiếp tục tin tưởng và kết nối với người khác); Làm chủ (cảm giác mình mạnh mẽ và có năng lực; có những người bạn ngưỡng mộ và những người xác nhận điểm mạnh của bạn); Khả năng sống sót (với hai đặc điểm, niềm tin rằng bạn không bị mắc kẹt trong một tình huống tồi tệ và khả năng duy trì những suy nghĩ và cảm xúc tích cực ngay cả khi đang xử lý điều gì đó tiêu cực); vào cuối cùng là yếu tố Tâm linh (niềm tin vào cái gì đó lớn hơn bản thân bạn).
Giới tâm lý học cho rằng hy vọng có thể “tạo ra” được và bạn có thể thúc đẩy để nó thăng thiên như tên lửa phóng phi thuyền vào vũ trụ. Giới khoa học cho biết vùng não kích hoạt khi chúng ta cảm thấy hy vọng là vỏ não phía trước, nằm ở giao điểm của hệ limbic (hệ thống chi phối cảm xúc của chúng ta), nơi chi phối suy nghĩ và hành động. Điều này cho thấy chúng ta có thể tác động và tạo ra cảm giác hy vọng (hoặc vô vọng). Rick Miller, giám đốc lâm sàng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nâng cao và Thực hành Hy vọng tại Đại học công Arizona cho biết: “Hy vọng là một sự lựa chọn”.
Tất nhiên, trong nhiều tình huống, chẳng hạn khi đang sống trong một hố thẳm tuyệt vọng bởi vô số điều xấu bao quanh như một bóng đêm dằng dặc chờ mãi không thấy sáng, mà nói rằng “tôi muốn chọn hy vọng” thì chẳng dễ dàng chút nào. Rick Miller – tác giả quyển The Soul, Science and Culture of Hope – nói rằng, ở thời điểm hiện tại, hy vọng tự thân nó bây giờ phải “chiến đấu” để lấn át các cảm xúc khác đang ở thế áp đảo. “Nó phải chiến đấu để tìm vị trí của nó trong tâm trí chúng ta” – ông Miller nói. Tuy nhiên, bạn có thể giúp “nó”, để hy vọng có thể tìm được “chỗ ngồi ổn định” trong tâm trí mình. “Nếu bạn đang vật lộn với nỗi tuyệt vọng sâu sắc và khó tìm thấy bất kỳ hy vọng nào, tôi thực sự khuyên bạn nên nói chuyện với ai đó; chẳng hạn nhà trị liệu, giáo sĩ, nhà tư vấn, thành viên gia đình hoặc bạn bè” – theo Rick Miller.
Sau đây là vài lời khuyên cho những người muốn “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
Hãy “đo lường” hy vọng
Để tăng hy vọng, bạn nên biết đường cơ sở hoặc điểm xuất phát; và những lĩnh vực nào bạn cần cải thiện. Đầu những năm 1990, một nhà tâm lý học tên C.R. Snyder đã tạo ra Thang đo Hy vọng (Adult Trait Hope Scale) – một danh sách gồm 12 câu hỏi kiểm tra xem một người có khả năng và con đường tư duy cần thiết để hy vọng hay không. Tiến sĩ Anthony Scioli cũng có một bảng câu hỏi trực tuyến khám phá bốn lĩnh vực mà ông tin rằng những người có hy vọng sẽ dựa vào: sự gắn bó, khả năng làm chủ, sự sống còn và tâm linh. Nó có thể đo lường cả mức độ hy vọng hiện tại và khả năng lâu dài của bạn đối với nó.
Đọc sách sử
Từ khi đại dịch bắt đầu, nhiều người bắt đầu đọc những quyển sách về dịch bệnh, về những giai đoạn khủng hoảng tồi tệ trong lịch sử… Sách nhắc chúng ta rằng bất cứ thời kỳ tồi tệ nào rồi cũng kết thúc. Sách cho chúng ta thấy một cái nhìn gần hơn về cách mà mọi người nắm giữ hy vọng trong những thời kỳ đen tối nhất. Michael Milona, phó giáo sư triết học Đại học Ryerson ở Toronto và là tác giả một quyển sách về đề tài hy vọng vừa xuất bản, nói rằng nếu bạn nhìn vào cách mà các sự kiện kinh thiên động địa xảy ra theo những “qui luật” không thể đoán trước thì nó có thể giúp bạn thoát khỏi lối suy nghĩ theo “thuyết định mệnh”. Tiến sĩ Milona cho rằng, chúng ta nên tập trung vào hướng suy nghĩ tích cực, theo những cách mà lịch sử tiến về phía trước một cách tích cực, chẳng hạn sự sụp đổ của Bức tường Berlin hoặc hành trình của Nelson Mandela từ nhà tù đến chức Tổng thống Nam Phi.
Dự chiếu tương lai
Hãy tưởng tượng bạn hạnh phúc khi cuộc sống trở lại bình thường. Rick Miller khuyên bạn nên hình dung bốn lĩnh vực trong cuộc sống – nhà cửa và gia đình, sự nghiệp, cộng đồng và giải trí – và tự hỏi bạn muốn chúng như thế nào trong tương lai. Hãy mường tượng hình ảnh chúng thật chi tiết (Bạn đang ở với ai? Bạn đang làm gì? Bạn trông thế nào?). Tiếp theo, hãy nghĩ xem bạn cần làm gì bây giờ để biến những hình dung đó thành hiện thực.
Đi từng bước nhỏ
Thông thường, khi căng thẳng, chúng ta sẽ trở nên bị “ngộp thở” và “quá tải”. Hãy đặt một mục tiêu cho một tuần, và xác định các bước cần thực hiện để đạt mục tiêu đó. Cách này cho chúng ta cảm giác có thể kiểm soát dễ dàng mọi thứ. Chan Hellman, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hy vọng tại Đại học Oklahoma; đồng tác giả quyển Hope Rising: How the Science of Hope Can Change Your Life, cho biết: “Một khi chúng ta bắt đầu trải nghiệm thành công trong những bước nhỏ, chúng ta bắt đầu thấy rõ ràng hơn rằng tương lai là “trong tầm tay” và chúng ta hoàn toàn có khả năng theo đuổi những mục tiêu lớn hơn”.
Đừng than thân trách phận
Khi tuyệt vọng, chúng ta có xu hướng luôn nói những từ thái quá, như thể thế giới sắp sập đến nơi, như thể chỉ có bạn là người bị hứng chịu nghịch cảnh, chẳng hạn: “Mọi thứ luôn như thế này”, “Chúng ta tiêu đời rồi”… Những câu nói này là những kẻ hủy diệt hy vọng. Nhà văn Mỹ gốc Romania đoạt Nobel, Elie Wiesel, người từng sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust, đã nói rằng: “Mỗi từ chúng ta nói hoặc viết đều có ý nghĩa”. Hãy để ý đến lời khuyên của ông Wiesel. Hãy suy nghĩ cẩn thận lời nói của bạn. Và hãy sử dụng ngôn ngữ đầy hy vọng: “Tôi có thể”, “Chúng tôi sẽ”, “Có thể”, “Rồi cũng sẽ qua”, “Chắc chắn thế”…
Lan tỏa hy vọng
Cảm xúc dễ lây lan. Khi tất cả xung quanh đều tìm kiếm hy vọng, tự thân mình hãy “làm mẫu” cho những người khác. Hãy giải thích điều gì khiến bạn hy vọng. Chia sẻ mục tiêu của bạn. Miêu tả cách bạn muốn đến với mọi người. Bạn có thể nhận được sự ủng hộ. Bạn sẽ truyền cảm hứng cho những người khác. Hãy nhớ: Hy vọng mang lại hy vọng. Tiến sĩ Michael Milona nói: “Khi những người xung quanh bạn tràn đầy sinh lực thì điều đó cũng có thể tiếp thêm sinh lực cho bạn”. Hy vọng mang lại hy vọng. Hy vọng đẩy lùi hoặc thậm chí tiêu diệt tuyệt vọng.
Nguồn: Wall Street Journal