Với chiếc máy ảnh Leica 35mm, Henri Cartier-Bresson đã lưu lại những khoảnh khắc quan trọng nhất bức tranh thế kỷ 20, từ phong trào kháng Đức của Pháp thời Thế chiến thứ hai, cái chết của vĩ nhân Gandhi đến cuộc cách mạng Mao Trạch Đông. Được xem là một trong những bậc thầy khai sáng phong cách ảnh báo chí, tượng đài vĩ đại Henri Cartier-Bresson đã để lại một di sản khổng lồ…

Đối với Henri Cartier-Bresson, cuộc đời chỉ là sự cân bằng giữa hai thế giới: thế giới bên trong và thế giới bên ngoài chúng ta. Và nhiếp ảnh – ông nói – chỉ là sự phác họa tức thì về hai bức tranh này mà thôi. Trong ba thập niên từ khi Cartier-Bresson cất cái máy ảnh huyền thoại Leica vào ngăn tủ, ông vẫn là huyền thoại, tiếp tục được nhìn nhận là một trong những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng nhất lịch sử nhiếp ảnh thế giới. Các bức ảnh báo chí mang đậm chất nghệ thuật của ông đã trở thành “classic”, một kho tàng kinh điển của thể loại báo ảnh. Chúng hoàn hảo, đầy ý nghĩa ẩn chìm và đậm chất thời sự, cái thời sự của dòng thời đại lịch sử mà Henri Cartier-Bresson từng trực nghiệm qua. Ông dùng phim trắng đen. Tuyệt đối kỵ đèn flash. Và cái sự thủ công tỉ mỉ này đã được nâng lên đẳng cấp sáng tạo nghệ thuật đến trình độ điêu luyện. Thậm chí còn hơn vậy: ông từng nói – Nhiếp ảnh là thiền.

Jean-Paul Sartre (Henri Cartier-Bresson)

Đám tang Gandhi (Henri Cartier-Bresson)

Ngày cuối cùng của Quốc Dân Đảng, Bắc Kinh (Henri Cartier-Bresson)

Romania (Henri Cartier-Bresson)

Sinh ngày 22-8-1908 trong gia đình giàu có làm nghề dệt, tại Chanteloup (cách Paris khoảng 32km), Cartier-Bresson học tại trường Thiên chúa giáo École Fénelon. Và dù còn nhỏ, Cartier-Bresson đã mê đọc (Marcel) Proust, (Fyodor Mikhaylovich) Dostoyevsky, (Friedrich Wilhelm) Nietzsche và một cuốn triết bàn về Arthur Schopenhauer – tay tổ triết học Đức, từng phản biện lý thuyết “Ding an sich” (“thing-in-itself” – sự việc trong tự thân nó) của triết gia cùng thời (Immanuel) Kant. Mê hội họa, được bố cho ít tiền, Cartier-Bresson bắt đầu tìm thầy học. Một trong những người thầy đầu tiên là họa sĩ lập thể Andre Lhote.

“Nhiếp ảnh không như hội họa. Có một tích tắc sáng tạo trong một giây khi bạn chụp ảnh. Mắt bạn phải thấy được sự hòa nhất thể hiện mà bản thân cuộc sống đem lại và bạn phải biết, bằng bản năng, khi bấm máy. Đó là khoảnh khắc sáng tạo. Khoảnh khắc! Một khi bạn nhỡ mất, nó sẽ biến đi vĩnh viễn” – Henri Cartier-Bresson (trả lời phỏng vấn Washington Post, 1957)

Thời gian tại Paris, Cartier-Bresson thường đến tiệm cafe quen thuộc của giới Siêu thực với thái độ tôn kính họ như tiền bối. Henri Cartier-Bresson tự nhận rằng trường phái Siêu thực đã tạo ra con người ông. Và ông cũng chịu ảnh hưởng của vài nhân vật lừng lẫy bấy giờ: thi sĩ Arthur Rimbaud, tiểu thuyết gia Louis Ferdinand Celine, văn sĩ Joseph Conrad, cây bút bình luận đề tài Siêu thực Michel Leiris… Theo lời khuyên nhà nhân chủng học người Anh James Frazer, Henri Cartier-Bresson một mình sang châu Phi chỉ để chụp ảnh. Ông lưu một năm tại Bờ Biển Ngà, kiếm sống bằng cách săn thú bán cho cư dân địa phương. Thời giờ còn lại, “tôi chỉ đi, và khám phá thú vui của nhiếp ảnh, hệt như khi tôi đang đi săn vậy” – ông kể. Với chiếc máy ảnh cũ mèm sở hữu từ bé, ấy vậy, Cartier-Bresson đã bắt đầu đem lại định nghĩa mới cho nghệ thuật nhiếp ảnh.

“Và kể từ đó – tôi tự nhủ – Thế đấy. Hãy cứ đi và nhìn ngắm thế giới bên ngoài” – Cartier-Bresson kể tiếp – “Tôi không quan tâm đến nhiếp ảnh. Bạn biết đó. Tôi chỉ ghi nhận lại những gì tôi thấy”. Sau chuyến lang thang châu Phi, Cartier-Bresson trở về châu Âu, cùng hai người bạn – Andre Pieyre de Mandiargues (sau này là tiểu thuyết gia tên tuổi) và họa sĩ Leonor Fini – đánh xe đi khắp miền Nam Pháp, sang Tây Ban Nha rồi đến Nam nước Ý… Khoảng 1932-1933, trước khi rời châu Âu sang Mexico, Henri Cartier-Bresson đã ghi lại được vài trong số bức ảnh mà sau này trở thành kiệt tác bất tử, từ những ngôi làng náo nhiệt tại Nam Địa Trung Hải khi ánh chiều tà vươn dài trên đường phố, đến cảnh các thiếu nữ trẻ dắt nhau đi dạo trong nhấp nhá hoàng hôn. Năm 1932 cũng là thời gian mà ảnh Cartier-Bresson được triển lãm ở New York, tại gallary Julien Levy (nơi tập trường phái Siêu thực). Tại Mexico năm 1934, Cartier-Bresson cũng thực hiện một cuộc triển lãm, cùng nhà nhiếp ảnh Manuel Alvarez Bravo.

“Không nhà nhiếp ảnh còn sống nào có chỗ đứng vững chắc trong lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh hơn Henri Cartier-Bresson. Ông là nhà mỹ học, con người của hành động, một nghệ sĩ, một phóng viên” – cây bút bình luận nghệ thuật Paul Richard (Washington Post, 1981)

Trước khi trở về Paris năm 1936, Henri Cartier-Bresson đột nhiên quyết định từ giã máy ảnh và trở thành đạo diễn phim. Một lần nữa, Cartier-Bresson lại làm kinh ngạc giới nghệ thuật thứ bảy. Bộ phim La Vie est a Nous, sau đó là Une Partie de Campagne, đã đưa tên tuổi Cartier-Bresson nổi tiếng châu Âu. Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Henri Cartier-Bresson gia nhập quân đội. Ông bị Đức bắt vào tháng 6-1940. Sau hai lần vượt ngục bất thành, ông trốn trại lần thứ ba thành công và trở về Paris. Thời gian này, ông tình cờ đọc được tác phẩm Zen In The Art Of Archery (Thiền trong cung thuật) của Eugen Herrigel. Cartier-Bresson khám phá trong đó một kho tàng vô giá cho nghệ thuật nhiếp ảnh và “ngộ” ra rằng, chỉ khi tập trung sâu – giống như cung thủ tập trung trí não khi sắp buông tên đến đích ngắm, ông mới có thể tạo ra bức ảnh xuất thần và có hồn.

Và vậy là ông lại cầm máy. “Thiền trong cung thuật” không chỉ củng cố ý tưởng về thế giới vô thức trong trường phái Siêu thực mà ông từng lĩnh hội mà nó còn trở thành niềm hưng phấn kích thích ông lên đường khám phá thế giới xa lạ Viễn Đông. Hè 1948, ông chuẩn bị sang Ấn Độ để ghi lại sự kiện nước này giành độc lập. Nhờ vợ (Ratna Mohini – vũ công, nhà thơ người Java), Cartier-Bresson được mời gặp Gandhi. Thật là định mệnh lịch sử. Không đầy một giờ sau cuộc gặp, Gandhi bị ám sát và ống kính Cartier-Bresson lại trở thành nhân chứng cho đám tang Gandhi.

Tháng 1-1949, ông đến Bắc Kinh, chứng kiến thời khắc cuối cùng của lực lượng Quốc dân đảng, trước khi đoàn quân cộng sản Mao Trạch Đông kéo về thủ đô. Từ 1948-1951, ông sống chủ yếu tại châu Á; có khi trở về Paris để cùng giám đốc nghệ thuật Efstatios Eleftheriades chuẩn bị cho ra mắt tập ảnh Images a la Sauvette (ba năm sau, ông tung ra tập Les Europeens). Giữa thập niên 1950, ông là nhiếp ảnh gia đầu tiên được mời đến Liên Xô (tạp chí Life đã mua các bức ảnh Liên Xô với giá 40.000 USD). Năm 1962, ông có mặt tại Cuba khi xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa. Như lần sang Liên Xô sau này (1972), lần đó, Cartier-Bresson cũng bị CIA tình nghi và bí mật theo dõi…

Ống kính Henri Cartier-Bresson là ống kính nghệ thuật, không phải là chiếc camera nhìn chòng chọc vào đời tư người khác. Tất cả ảnh chân dung ông chụp đều có sự đồng ý. Và ông cũng đã để lại nhiều kiệt tác chân dung (chụp William Faulkner, Jean-Paul Sartre, Truman Capote…). Nghệ sĩ ballet Lincoln Kirstein từng nói: “Henri Cartier-Bresson là một nghệ sĩ có trách nhiệm, trách nhiệm với tác phẩm mình và với xã hội”. Chính ông là người đề xuất ý tưởng thành lập Magnum Photos (1947), cùng Robert Capa, George Rodger và David Seymour (Magnum Photos hiện là một trong những hãng tin ảnh đồ sộ nhất thế giới).

Năm 1974, Cartier-Bresson từ giã ống kính, trở lại đam mê thời niên thiếu: hội họa. Năm 1975, khi ông được Đại học Oxford trao bằng tiến sĩ danh dự, người ta vẫn thấy ông tỏ ra nhút nhát như hồi nào, như luôn luôn (tại buổi lễ nhận bằng tiến sĩ danh dự trên, ông đã dùng tờ báo che mặt khi phóng viên chụp mình). Năm 2003, vài tháng trước sinh nhật 95 của ông và trùng với thời gian Thư viện quốc gia Pháp tổ chức cuộc triển lãm hồi tưởng tác phẩm nhiếp ảnh của ông, Henri Cartier-Bresson cùng gia đình thành lập Henri Cartier-Bresson Foundation – tổ chức tư nhân đầu tiên mang mục đích cống hiến nghệ thuật nhiếp ảnh tại Pháp. Dù vậy, ông tỏ ra ghét nhắc lại nhiếp ảnh. “Giống như khi ly dị rồi, người ta ghét được hỏi về cô vợ cũ vậy” – ông nói. Có lẽ ông chỉ nói là nói thế thôi. Nhiếp ảnh đã là một phần quan trọng trong cuộc đời ông. Nó là một phần của linh hồn ông…

Awards

1986 Novecento Premio
1981 Grand Prix National de la Photographie
1975 Deutsche Gesellschaft für Photographie
1975 Culture Prize
1964 Overseas Press Club of America Award
1960 Overseas Press Club of America Award
1959 Prix de la Société Française de Photographie
1954 Overseas Press Club of America Award
1953 A.S.M.P. Award
1948 Overseas Press Club of America Award