Đừng quên nói lời cám ơn
Vợ tôi – Shirley – và tôi thường đi nghỉ mát ở một bãi biển yên tĩnh tại Tây Nam Florida, trong gần như suốt cả thời gian chúng tôi sống với nhau. Nếu như bãi cát biển có thể nói được, nó sẽ kể những câu chuyện về những đôi vợ chồng son – những người đến đây để phơi mình dưới những sợi nắng vàng và viết trên cát dòng chữ đại loại: “ Anh yêu em”. Bãi cát biển còn kể về một cô gái nhỏ xinh nào đó có đôi mắt màu nước biển, đang nhặt nhạnh những cái vỏ sò, và biển kể rằng có ba cậu con trai thường đến đây đùa với sóng biển. Biển kể gì nữa nhỉ? Về những cuộc thăm viếng từ năm này sang năm kia giữa các người bạn với nhau, hoặc những cuộc thăm viếng đến nhà ông bà, bố mẹ, những cô dâu và những chàng rể – và bây giờ là những đứa cháu. Biển sẽ kể những chuyện tuyệt đẹp về lòng nhân hậu và lòng yêu thương nhau.
Nhưng rồi một ngày kia, tôi nhận ra rằng mình hiếm khi bộc lộ những cảm xúc biết ơn của mình đối với một người đã từng chung sống với tôi hàng bao năm qua. Vào ngày kỷ niệm lễ cưới lần thứ 40, Shirley và tôi lại quay về bãi cát biển quen thuộc đầy ắp kỷ niệm. Tôi nói gì với nàng khi chúng tôi đến đó? Tôi cảm ơn nàng đã chia xẻ những buồn vui trong suốt thời gian chúng tôi sống với nhau… Tôi tin rằng chúng ta không cần phải đợi đến dịp lễ kỷ niệm mới tỏ bày sự biết ơn – đối với những người gần gũi với chúng ta nhất, gần gũi đến độ mà chúng ta không nhớ đến sự hiện diện của họ. Tôi đã học cách để bộc lộ lòng cảm tạ: hãy thực hiện ngay từ bây giờ ! Thực hiện vào lúc mà cảm xúc biết ơn của bạn đang sống thực và hiện hữu, hãy hành động ngay đi, và hãy nói những lời cảm ơn – một trong những phương cách dễ nhất để thêm vào cho cuộc sống sự hạnh phúc.
Cách đây vài năm, một nữ sinh viên trẻ giành được một suất học bổng để vào một trường đại học nổi tiếng. Dù ngôi trường phổ thông cô ấy học đầy dẫy những vấn đề phức tạp, cô ấy vẫn cố vuợt qua tất cả và vượt qua một cách thành công. Và cô ấy oán ghét ngôi trường không tốt đẹp đó chăng? Không, cô ta vẫn bộc lộ lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả giáo viên của trường – những người đã khuyến khích cô trong học tập để đạt đưọc những thành quả của ngày hôm nay. Cô ta nói: “Tôi mãi mãi biết ơn những thầy cô ấy”. Hãy nói những lời cảm ơn đi, rồi bạn sẽ thấy rằng những câu nói nhã nhặn ấy không chỉ làm đẹp cho cuộc sống chung quanh bạn mà còn làm tươi mát cả bản thân bạn nữa – người đã có trong tâm tấm lòng ghi nhớ những gì đã qua và đã không quên bày tỏ sự biết ơn. Nếu bạn cảm thấy bị bỏ rơi hoặc không được đánh giá đúng với bản chất vấn đề thì bạn hãy đến với những người bạn – những người từng chia xẻ những buồn vui của bạn. Ðó là một loại thuốc mà bạn cần để chữa căn bệnh trên.
Trước khi A.J.Cronin là một tác giả có những quyển tiểu thuyết bán chạy, ông ta là một bác sĩ. Một lần, Cronin nói với một đồng nghiệp có những bệnh nhân mắc chứng trầm uất rằng ông ta nên vui vẻ hơn với những khách hàng này và nên cảm ơn họ trước khi họ ra về. Cronin gọi “phuơng thuốc” này là cách điều trị bằng những lời cảm ơn. Cronin nói với người đồng nghiệp: “Trong sáu tuần điều trị những bệnh nhân ấy, tôi muốn ông nên nói cảm ơn, bằng những nụ cười nữa”. Thật kỳ lạ làm sao, qua thời gian sáu tuần, những bệnh nhân ra về trong tinh thần thoải mái, nhờ “liều thuốc cảm ơn”.
Dĩ nhiên có đôi lúc bạn không thể bộc lộ dễ dàng và công khai những lời cảm ơn. Những lúc ấy bạn không nên lặng im hoàn toàn mà hãy đợi một dịp đúng lúc thì hãy nói trước lời cảm ơn. Mới đây, khi tôi trở về Montpelier (Ohio) để thăm vài người quen. Ký ức thời niên thiếu của tôi bỗng cuộn về ngập đầy khi tôi đi trên những con đường quen thuộc. Và rồi khi nhìn thấy cô Bible, tôi không thể nén lại cảm xúc – một cảm xúc trào dâng nhớ về những ngày mà tôi còn cắp sách đến trường tiểu học ở đây.
Ngày ấy, tôi là cậu bé học hành “chăm chỉ” ở những bộ môn thể dục thể thao, và cực kỳ kém ở những môn khác, nhất là môn tiếng Latin. Lúc ấy cô Violet Bible – một láng giềng, cũng là một giáo viên – biết rằng tôi đang vật lộn vất vả với môn Latin, và đã đến giúp bằng sự nhiệt tình. “ Ô, Latin là một môn học thú vị đấy – cô nói – hãy đến nhà cô vào tối nay để cô hướng dẫn cho”. Trong nhiều tuần liên tiếp, cô ấy kèm cho đến lúc tôi vượt qua đoạn đường khó khăn trong việc học thứ tiếng khó chịu này. Cuối cùng tôi cũng thi đậu, nhưng buồn thay, ở tuổi 14 tôi chẳng màng đến những lời cảm ơn nên phải có. Tôi cứ nghĩ rằng chuyện một người vừa là mẹ vừa là một giáo viên như cô Bible mà giúp tôi thì là một chuyện bình thường.
Bây giờ khi gặp lại cô ấy, tôi bỗng nhận ra rằng thật sự là đã có một sự hy sinh mà cô ấy đã dành cho tôi. Và rồi sau những năm không gặp lại – cùng với sự ân hận không nhớ đến công lao của cô khi dạy tôi thuở trước – tôi đến gần cô và nói: “Những gì cô đã làm không nằm trong tiếng gọi bổn phận bắt buộc cô phải làm, nhưng cô đã thực hiện bằng lương tâm và lòng quảng đại. Em thật biết ơn cô”. Cô Bible tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng sung sướng. Tôi thấy rõ những giọt nước mắt long lanh trong mắt cô.
Một trường hợp khác cũng thú vị không kém để minh họa về sự biểu lộ của lòng cảm ơn. Tháng 12 năm ấy, em gái nhỏ mới 17 tuổi – Candi Brown đang lái xe thì bị lạc tay lái. Xe lập úp, mui bẹp dúm, và đầu em bị thương nặng. Nhân viên cứu hỏa thuộc công ty cơ khí số 8 khi hay tin vội chạy đến và đưa em đi cấp cứu. Các bác sĩ ở Trung tâm y khoa Gwinnett nói rằng cơ may sống của em hầu như không còn nữa. Nhưng rồi Thượng đế vẫn còn tỏ lòng thương cô em gái nhỏ tội nghiệp. Một năm sau, gia đình em tổ chức buổi tiệc, mời những chàng lính cứu hỏa can đảm và những thầy thuốc đã giúp mang lại mạng sống cho Candi. Lúc ấy, Candi đã đi vững sau thời gian tập luyện từ tai nạn. Những bác sĩ và lính cứu hỏa nói rằng đó là một trong những dịp hiếm hoi họ nhận được lời cảm ơn từ người họ đã cứu. Trung úy đội cứu hỏa Bobby McKinzie nói: “Chúng tôi rất vui sướng vì góp phần trong việc cứu mạng em, và hôm nay em là người làm cho chúng tôi thật sự xúc động”.
Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với chuyện những người có trách nhiệm phải đóng góp vào cuộc sống và không cần nhận những lời biết ơn. “Việc của anh là như vậy rồi mà. Làm gì tôi phải cảm ơn anh chứ” – không ít người nghĩ như vậy. Những giáo viên, cảnh sát, lính cứu hỏa, hay nhà truyền giáo… là những người có nhiều công sức làm đẹp cho cuộc đời nhưng họ ít khi nhận được lời cảm tạ nhất. Ai cũng nghĩ rằng việc của họ là trách nhiệm và họ phải làm cho tốt, không cần nhận những câu cảm ơn khách sáo. Vâng, họ không cần nhận những câu cảm ơn làm gì, nhưng chúng ta sẽ là người như thế nào mà không biết nói lên câu cảm ơn ?
Trong truyện I Heard the Owl Call My Name (Tôi nghe tiếng chim cú gọi tên mình), tác giả Margaret Craven kể về một mục sư trẻ tên Mark Brian – người được cử đến một vùng hẻo lánh của người Da đỏ Kwakiutl. Những người Da đỏ ở đây không hề biết nói một chữ cảm ơn. Nhưng thời gian sau, Brian nhận thấy họ có cách riêng để biểu lộ lòng biết ơn. Họ làm chứ không nói những câu cảm ơn.
Ðôi lúc tôi có cảm giác nếu trong từ vựng chúng ta không có chữ “cảm ơn” thì liệu chúng ta có cách nào khác tốt hơn để biểu lộ lòng biết ơn không thông qua lời nói? Tuy vậy, cảm ơn dù dưới bất kỳ hình thức nào vẫn là một hình thức ngôn ngữ phổ quát, vượt qua mọi rào cản để vào tận lòng người…
(Dịch từ Reader’s Digest)