Đầu tư giáo dục: Chưa bao giờ siêu lợi nhuận!
Wall Street English Việt Nam từng được đầu tư hàng chục triệu đôla, cách đây mấy hôm thông báo bán cho một đối tác với giá 6 triệu USD. Con số này bằng một phần nhỏ những gì các nhà đầu tư cũ từng đầu tư vào. Hệ thống Apax Holdings sở hữu hàng chục trung tâm tiếng Anh công bố lỗ gần 170 tỷ chỉ trong quý 1 năm vừa rồi. Một tổ hợp giáo dục dựa trên nền tảng công nghệ (edtech) từng được coi là điểm sáng, cách đây hơn năm lỗ gần 200 tỷ, hiện đang thu hẹp hoạt động đáng kể trong khi người sáng lập đã từ chức.
Khá nhiều đại gia đầu tư vào giáo dục đại học để rồi cuối cùng phải cắn răng từ bỏ. Những đại gia lớn ở Việt Nam nhảy vào giáo dục cũng chỉ muốn đóng góp cho giáo dục chứ không ai vì tiền. Tuy nhiên vì phần lớn là tay mơ nên rất nhiều trường đại học tư không lớn được hoặc rơi vào khủng hoảng. Đại học Hùng Vương mãi không xử xong tranh chấp. Đại học Tân Tạo bao năm vắng bóng chủ tịch trường. Đại học Hòa Bình có lợi thế là chủ tỉ phú mà vẫn mất dạng. Đại học Hà Hoa Tiên thì càng ngày càng thu hẹp. Chủ Đại học Hữu Nghị loay hoay mãi rồi cũng phải chuyển nhượng lại cho người có kinh nghiệm hơn. Đại học Đông Đô từng là cỗ máy bán bằng để giờ ông chủ phải trốn chui chốn lủi. Đại học Công Nghệ Sài Gòn giờ chỉ như một kỷ niệm đẹp với số lượng sinh viên khá ít.
Vậy thị trường giáo dục tư nhân có siêu lợi nhuận như báo chí viết hay rất nhiều người nghĩ không? Tôi cho rằng hoàn toàn không. Giáo dục tư nhân chưa bao giờ là lợi nhuận nhiều, chứ đừng nói là siêu lợi nhuận. Còn làm giáo dục chưa bao giờ dành cho tay mơ cả. Có mấy công ty làm giáo dục lớn ở Việt Nam như Nguyễn Hoàng, FPT, VinSchool, hệ thống BIS, hệ thống trường VAS, mà định giá lớn nhất đến giờ cũng chưa đến vài trăm triệu đôla nên không thể gọi là lớn được. Thương vụ lớn nhất hiện giờ là thương vụ mua lại hệ thống VAS của TPG khoảng 150 triệu USD và Baring mua lại hệ thống VUS khoảng 200-300 triệu USD (không kiểm chứng chính xác).
VinSchool cho đến bây giờ vẫn lỗ và nếu không có hầu bao lớn và các dự án bất động sản của Vingroup thì chắc chắn không thể được như bây giờ. FPT Education cũng bao năm dựa vào thương hiệu FPT mới lớn lên được. Nhưng giá trị và đóng góp chắc chưa đến 1/4 vào doanh thu và định giá của FPT. Nên dùng FPT và VinSchool để nói về sự sung túc của nhà đầu giáo dục tư nhân thì chắc chắn không chính xác. Tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng mới chỉ lột xác lớn trong vòng năm năm nay với việc mua lại Hoa Sen, Hồng Bàng và phát triển hệ thống ISCHOOL. Cách đây tám năm, hồi tôi gặp người sáng lập, thì công ty vẫn còn rất nhỏ. Doanh thu của Nguyễn Hoàng chắc chưa vượt quá con số 200 triệu USD doanh thu/năm. Và họ cũng còn phải phấn đấu rất nhiều với mô hình phát triển tích lũy tài sản như vậy thì chắc đầu tư cũng vô cùng lớn.
Các tay chơi khác trong làng đại học như Duy Tân, Văn Lang, Nguyễn Tất Thành, Văn Hiến cũng chỉ có doanh thu loanh quanh 50 triệu USD/năm với vô vàn các khoản chi phí khác. Các trường phổ thông cũng thế. Giỏi lắm thì một công ty giáo dục có khoảng 2-3 trường là xuất sắc. Cứ nhìn Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Ngôi Sao, Lương Thế Vinh, hệ thống Việt Úc-VAS thì sẽ rõ.
Ở Hà Nội có hai trường khá nổi tiếng là Olympia và Newton. Olympia mấy năm nay rất thành công và có số lượng học sinh khoảng 1.000 học sinh. Newton thì phát triển nhanh với gần 4.000 học sinh. Hai trường này luôn có số lượng học sinh đăng ký vượt quá khả năng hiện tại. Tuy nhiên nếu nhìn lịch sử thì không hề dễ dàng. Hơn 10 năm Olympia vật vã, có lúc nghe nói tưởng sập tiệm vì tiền vay ngân hàng vào đúng lúc khủng hoảng kinh tế. Còn Newton thì có lúc thuê trường ở khu liên hiệp thể thao, đếm từng học sinh nhập học. Sau 10 năm mới được ngày nay, mà cũng chỉ có một Olympia và một Newton. Nếu không vì yêu giáo dục thì tôi nghĩ những người chủ ở đó chắc bỏ đi buôn đất còn giàu hơn.
Đa số những người làm giáo dục tư nhân đều thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ với quy mô doanh thu loanh quanh khoảng 30-50 tỷ đồng/năm trở xuống, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều. Ví làm giáo dục siêu lợi nhuận cũng không khác gì ví bà bán nước chè ở cạnh Nhà Hát Thành Phố HCM hay bạn đánh giày hoặc quán ăn, chỉ khác trên quy mô thôi. Biên lợi nhuận của bà bán nước chè, quán ăn hay đánh giày chắc phải đến 50%. Biên lợi nhuận trung bình của giáo dục là từ 8-18% là xuất sắc (trừ “ông” FPT thỉnh thoảng khoe ngầm trong làng giáo dục là lên đến 30%). Nhưng sau khi trừ đi khấu hao (rất nhiều ông bà làm giáo dục phổ thông hay quên mất cái này) thì chỉ còn 7-15% là oách lắm.
Về mặt kinh tế học, các trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm nên thị trường dạy tiếng Anh hiện giờ là cạnh tranh hoàn hảo “perfectly competitive”. Ở một thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì lợi nhuận sẽ rất thấp và có thể bằng 0. Do đó tích lũy vốn không hề nhiều. Đối với các trường phổ thông thì do uy tín xây đắp hơn chục năm, và cũng chỉ có số lượng ít và địa điểm tốt (có từ chục năm về trước) nên họ duy trì được thế cạnh tranh của mình và có một lượng học sinh đều đặn. Nhưng họ cũng chỉ đạt được một quy mô rất nhỏ một vài trường mà thôi. Với trường nào có nhiều cổ đông thì lợi nhuận hàng năm chia hết sạch. Lấy đâu ra mà tiền mà tái đầu tư.
Các trường đại học cũng thế. Các trường đại học tư mới bùng nổ trong 10 năm trở lại đây. Lợi nhuận tích lũy cũng không có nhiều do có đồng nào thì đi vay mượn để mua đất xây trường hết rồi. Quy định ngớ ngẩn của nhà nước bắt một trường đại học phải có tối thiểu 5 hecta đất và 1.000 tỷ đồng đầu tư đã khiến không biết bao nhiêu nhà đầu tư giáo dục chân chính phải ngậm ngùi rút lui. Thế tại sao người ta lại cứ nghĩ là giáo dục tư nhân là siêu lợi nhuận? Điểm khác biệt lớn nhất của kinh doanh giáo dục là được thu tiền trước khi cung cấp dịch vụ. Có thế thôi. Nên nếu làm khéo thì vốn hoạt động có thể tận dụng từ tiền đóng học phí. Nhưng cũng chả nhiều, thường người ta chỉ đóng học phí 3 tháng-6 tháng là cùng (đấy là chưa kể lãi vay phải trả). Đây chính là điểm nhầm lẫn lớn nhất: tiền mặt thu trước không có nghĩa là lợi nhuận nhiều. Hoàn toàn không!
Tại sao làm giáo dục tư nhân không hề dễ dàng và không dành cho tay mơ?
? Xem tiếp bài hai