Chuyện một thầy hiệu trưởng tiểu học
Hết năm lớp năm này con gái tôi sẽ rời trường tiểu học để vào middle school. Có lần trên đường học về, nó đã thỏ thẻ với tôi: “Mai mốt hết học trường này, đi ngang đây chắc con sẽ nhớ Mr.A lắm!” Đi ngang đây – nghĩa là đi ngang cổng trường – nơi mỗi sớm vào trường, mỗi trưa tan trường, học trò và phụ huynh đều thấy Mr.A đứng đó, cao lớn, thường mặc áo thun xanh, tươi cười, vẫy vẫy…
Mr.A là tên gọi thân mật của thầy hiệu trưởng
Tôi còn nhớ lần đầu tiên thấy Mr.A cách nay sáu năm, trong buổi ăn trưa mà nhà trường tổ chức cho cô giáo và phụ huynh các lớp mẫu giáo làm quen với nhau đầu năm học. Phòng ăn hôm đó toàn các bà mẹ, thoáng thấy mỗi một ông, tay bồng đứa bé chưa đầy năm mà nhìn cách bồng ẵm, tôi đoán: “Ông này chắc ở nhà giữ con cho vợ đi làm!”. Những hôm sau vào giờ tan học, tôi đều thấy ông nọ đứng ở cổng trường tay bắt mặt mừng người nọ người kia, ngoắc tay chỉ hướng cho xe này xe kia, tôi lại nghĩ bụng: “Ông này chắc kiêm luôn bảo vệ cho trường!”. Mãi đến hôm họp Hội phụ huynh đầu năm học, nghe giới thiệu, tôi mới té ngửa: ổng là hiệu trường, là Mr.A, không phải là nhân viên bảo vệ!
Trường không có nhân viên bảo vệ, mỗi ngày sau giờ học các giáo viên luân phiên nhau cử một người đứng điều phối xe cộ trước cổng trường và một người “nhìn chừng” mấy đứa học trò chờ cha mẹ đến đón một cách an toàn. Công việc đó là của giáo viên nhưng Mr.A luôn luôn có mặt cùng họ. Thậm chí suốt sáu năm đưa đón con ở ngôi trường này, tôi thấy người ở lại sau cùng trên sân trường, dù ngày mưa hay ngày nắng, là Mr.A. Hình ảnh đó ấn tượng với tôi tới mức dù nó đã trở thành quen thuộc nhưng tôi luôn muốn ghi lại, khi có sẵn điện thoại trong tay. Nhớ có những hôm tôi đến đón con trễ, từ đằng xa đã thấy Mr.A cao lớn đứng cạnh con mình bé nhỏ, cổng trường đã thưa vắng, vừa thấy xe tôi ông đưa tay vẫy vẫy, mắt tôi có lúc nhòe đi…
Mr.A không phải là bảo vệ mà cũng không hề “giữ con cho vợ…”. Những đứa bé ông hay bồng ẵm trong sân trường là con của các phụ huynh. Mỗi ngày ông đều ra sân gặp họ vào đầu giờ sáng hoặc lúc tan trường, trò chuyện như những người bạn, có thắc mắc về trường học giải đáp luôn, tiện tay ông bế đứa bé này, đùa với đứa bé kia… Tôi đoán rằng ông biết mặt hết phụ huynh trường này. Chẳng hạn với tôi, vừa gặp ông sẽ hỏi, đại loại: “Hey, chút nữa chị có phải đưa cái Sophia đi học múa không? Hôm rồi tôi thấy nó múa trong lớp đó!”; “Ngày mai hai đứa nhỏ chạy chục vòng sân Jog a Thon, cả nhà đã sẵn sàng chưa?”. Đám học trò thì khỏi nói, chúng thân thiết với ông, gặp đâu ôm chầm đấy, đứa rụng răng cũng đem khoe với ông. Con gái tôi (Sophia) thì biết bộ phim này Mr.A xem rồi, cuốn sách kia Mr.A rất thích, đặc biệt con em nó thì từ hồi bốn tuổi đã có một bài hát tự chế về Mr.A chỉ vì hàng ngày theo mẹ đi đón chị mà làm quen với Mr.A!
Không chỉ có mặt giờ tan trường, ông có mặt trong hầu hết hoạt động của trường cùng giáo viên và học sinh. Cứ theo con tham dự một cuộc văn nghệ, hát hò, thể thao, triển lãm… là tôi thấy ông, là chụp được ngay những tấm ảnh có ông, với dáng vẻ và nụ cười ân cần và thân thiện. Và tôi để ý, trong các hoạt động ấy của trường, ông không bao giờ ngồi chễm chệ ở hàng ghế đầu, không phát biểu nọ kia, không trịnh trọng sơ mi cà vạt, ông vẫn thường vận áo thun xanh, đứng lẫn vào đâu đó tựa như một ông bố như rất nhiều ông bố đang hào hứng xem con mình biểu diễn, thi thố trên sân khấu ngoài kia.
Nội dung giảng dạy theo chương trình theo chuẩn chung, còn các hoạt động hỗ trợ nội dung học tập và hoạt động ngoại khóa văn nghệ, thể thao… thì mỗi trường tự quyết với sự tham gia của Hội phụ huynh, trường học ở đây không phải gánh gồng các loại thi đua, thành tích, chỉ tiêu và hiệu trưởng không phải mang vác hàng lô nhiệm vụ nặng nề như hiệu trưởng xứ mình (gồm cả “nhiệm vụ chính trị” lẫn nhiệm vụ… thu tiền). Có lẽ thế nên một hiệu trưởng như Mr.A được thảnh thơi mà tập trung vào nhiệm vụ làm Thầy – một ông Thầy biết gây thương nhớ. Con gái tôi thật may mắn đã có những năm học đầu đời ở ngôi trường của ông thầy ấy.
Hơn cả chữ nghĩa kiến thức, hơn cả tiện nghi hiện đại, hơn cả điểm số, một môi trường tử tế, yêu thương và tôn trọng mới là giá trị giáo dục quan trọng nhất mà con tiếp nhận từ ngôi trường này, đặc biệt là chính từ hình ảnh người hiệu trưởng.
Đến giờ ước mơ nghề nghiệp của đứa con gái 11 tuổi của tôi vẫn là “lớn lên làm cô giáo” và về dạy ở chính ngôi trường này! Con mình đi học mà yêu cô nhớ thầy, muốn được thành cô thành thầy thì với một người mẹ như tôi, không mong muốn gì hơn. Bởi ngẫm lại, có phải trong ký ức mỗi chúng ta khi nhớ về thời ấu thơ đi học thì hình ảnh thầy cô còn lại nơi ta để giờ có thể kể ra, có thể vẽ lại là gì nếu không là những câu chuyện, những chi tiết về hành xử của thầy cô với ta – những tử tế yêu thương ân cần đã cho ta khôn lớn?
Vài năm trước, khi đọc tin bà Susan Jordan – hiệu trưởng trường tiểu học Amy Beverland ở thành phố Indianapolis – đã thiệt mạng khi cứu hàng chục học sinh của mình thoát khỏi chiếc school bus bị mất lái trước cổng trường giờ tan học, tôi đã lặng người. Bà ấy, cũng như Mr.A, giờ tan học là ra đứng trước cổng trường với các học sinh của mình. Là hiệu trưởng, đâu có qui định nào bắt buộc ông bà đứng đó? Là hiệu trưởng, liệu có cần phải đứng đó, những buổi trưa dù nắng hay mưa, để thăm hỏi bà phụ huynh này một câu, nói với đứa học trò kia một chuyện, để biết đứa này mới rụng răng, đứa kia đang học múa, đứa nọ sắp có em… như Mr.A?
Suốt 6 năm đưa đón con ở ngôi trường này, tôi thấy người ở lại sau cùng trên sân trường, dù ngày mưa hay ngày nắng, là Mr.A
Là hiệu trưởng, cứ thế mỗi ngày, Mr.A đã để lại cho học trò một nỗi-nhớ-trước-cổng-trường với hình ảnh người thầy cao lớn, thường mặc áo màu xanh, tươi cười, vẫy vẫy, người luôn ở lại sau cùng trên sân trường giờ tan học.
Như bà hiệu trưởng Susan Jordan ở Indianapolis đã trở thành một tượng đài trước cổng trường Amy Beverland và trong tim bao học trò của bà, mãi mãi…
Là hiệu trưởng,
có cần gây thương nhớ vậy không?
(Bài và ảnh: Thúy Hà)