Abbey Road – một album kỳ lạ đến trác tuyệt
Đối với người mê nhạc thực thụ, ngoài việc thưởng thức những bài hit, những đĩa single, còn có một cái thú khác là thưởng thức toàn bộ album như là một tổng thể, vì album không phải chỉ là việc đặt những bài hát cạnh nhau một cách ngẫu nhiên. Cũng như DJ mix nhạc ở sàn nhảy vậy, để bài nào cạnh bài nào là một sự tính toán, một nghệ thuật. Nên khi nghe nhạc, ngoài việc thưởng thức những bài riêng lẻ, cần phải để ý bố cục của cả album nữa. Bài hát hay thì nhiều, nhưng một album đẹp, hay một cách trọn vẹn thì rất ít…
Trong những album tôi liệt vào danh sách “all-time favorites” của mình có Abbey Road của Beatles, một album kỳ lạ nhất mà tôi đã từng nghe, và theo tôi, đó cũng là album hay nhất của ban nhạc này. Abbey Road, lạ thay, lại là một album rất ngỗ ngược, dám phá vỡ những khuôn phép lệ thường của một đĩa hát tiêu chuẩn. Cái độc đáo nằm ở sự sắp xếp bài hát không giống ai, nhìn thoáng qua có vẻ như ngẫu nhiên, vô nguyên tắc. Tôi biết đến album này từ khi còn là một cậu bé chập chững nghe nhạc qua cái băng cassette xinh xinh, tiếng Anh còn chưa học. Từ đó cho đến nay, dù đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần, trong tôi vẫn còn nguyên cảm giác ngơ ngẩn, bối rối, nếu không muốn nói là choáng ngợp khi album kết thúc.
Người ta thường bảo Let It Be là album cuối cùng của Beatles nhưng thật ra, những bài hát trong Abbey Road mới đích xác là những bài cuối, trước khi Beatles tan rã. Album Let It Be phát hành sau nhưng thực tế thì những bài hát trong đó lại được thu âm trước những bài trong Abbey Road.
Abbey Road kỳ lạ ở chỗ nó khiến người nghe say mê từ nốt nhạc đầu tiên cho đến nốt cuối cùng, trước khi rơi vào im lặng. Nghe hết album, để rồi chưng hửng, ngỡ ngàng vì không ngờ nó đã hết, không biết vì sao nó kết thúc, và cũng chẳng nhớ một cái gì hết. Choáng ngợp, mông lung, vô giới hạn. Đầu óc như mê muội đi sau những ngụp lặn trong những âm thanh và giai điệu khiến cảm xúc của người nghe thay đổi liên tục. Những bài hát chứa đầy thái cực đẩy cảm xúc lên tận mây xanh, nhưng chỉ một lát sau đó thôi, lại kéo xuống đến tận đáy vực, rồi lại bất ngờ hấc tung lên, ném vào hư không. Người nghe như lạc vào một mê cung, lý trí hoảng hốt vì biết sẽ không tìm được lối ra, nhưng đôi chân thì vẫn cứ muốn bước tiếp vì tò mò. Vâng, một mớ hỗ lốn âm thanh không hơn không kém, nhưng mớ hỗ lốn ấy lại được cấu thành bởi những giai điệu toàn bích đến siêu thực…
Thời gian này, những bất đồng giữa các thành viên trong ban nhạc đã lên đỉnh điểm, sự tan rã là chắc chắn và mỗi người đều đã có những dự định riêng. Một ngày, họ nảy ra ý tưởng quay lại cùng nhau một lần để làm cái việc lâu nay vẫn thường làm, với tâm thế biết chắc rằng khoảng thời gian bên nhau đã sắp vãn. Bất đồng vẫn tiếp tục xảy ra khi làm Abbey Road. Paul và Martin muốn đeo đuổi kiểu album chủ đề như từng làm trước đó và đưa vào tổ khúc (medley) cho phần cuối album, nhưng John thì không thích, thậm chí còn giận dỗi, đòi tách riêng những bài của mình vào một mặt đĩa, những bài của Paul sang mặt kia…
Phải chăng vì thế mà album mở đầu với bài Come Together đột ngột và mãnh liệt, tựa như một bài văn không có phần mở bài. Tiếng bass nặng nề, liên tục, tạo cảm giác căng thẳng, giậm giật và nghẹt thở. Người nghe phấn khích ngay từ giây đầu tiên để rồi sau đó thấy mình bị cuốn vào sự ngọt ngào vô cùng duyên dáng của Harrison lúc nào không hay: “Something in the way she moves. Attracks me like no other lover...”. Something là bài mà John rất thích, còn Paul thì cho rằng đó là bài hay nhất trong những bài mà George đã viết.
Khi dư âm của Something chưa kịp tan thì ngay tức thì vang lên cái tinh nghịch dễ thương kiểu học trò trong Maxwell’s Silver Hammer, mang hơi hướm của When I’m Sixty-Four trong sáng, hài hước trong album Yellow Submarine trước đó. Chuyện làm thí nghiệm, chuyện đi xem xi-nê, chuyện bị thầy cô bắt chép phạt…, những chuyện thường nhật của lứa tuổi học trò được đưa vào Maxwell’s Silver Hammer tự nhiên một cách tài tình. Bài này, cùng với When I’m Sixty-Four là một giọng điệu rất riêng, rất độc đáo của Paul mà cá nhân tôi rất yêu mến.
Track tiếp theo minh hoạ cho sự biến hoá tài tình trong giọng hát của Paul. Trong Maxwell’s Silver Hammer, giọng ca của Paul thủ thỉ, dí dỏm bao nhiêu thì trong track Oh! Darling kế tiếp lại mãnh liệt và cuồng nhiệt bấy nhiêu. Và rồi Ringo xen vào với nhạc phẩm Octopus’ Garden nhẹ nhàng, vui tươi. Trong Beatles, John và Paul là một cặp bài trùng, sáng tác và hát hầu hết các bài của Beatles, nhưng tôi phát hiện thêm một điều khá thú vị nữa là George và Ringo, dù chỉ thỉnh thoảng mới chen vào, nhưng hầu hết đều là những bài xuất sắc. Sau cái nhẹ nhàng pha chút suy tư của Ringo là một giai điệu khá khó chịu của I Want You. Chỉ lui tới câu: “I want you, I want you so bad…” với giai điệu rất khó hiểu. Nhưng khi đến câu: “It’s driving me mad, it’s driving me mad” thì mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng…
Đã bao giờ bạn trãi qua cảm giác phấn khích được thấy lại ánh mặt trời chan hoà trong khu vườn vừa bừng tỉnh sau những ngày dài lạnh lẽo, u ám thê lương chưa? Cái sảng khoái đó chính là cái sảng khoái đầy phấn chấn và lạc quan trong Here Comes the Sun. Tiếng acoustic guitar trong trẻo, rộn rã vang lên xuyên suốt như một tiếng reo vui. Here Comes the Sun được George viết trong vườn nhà của Eric Clapton, sau những cuộc họp căng thẳng của ban nhạc. Như một cái thở phào nhẹ nhõm. Nói với người, mà thật ra là nói với mình: Rồi sẽ ổn thôi (“It’s all right“), nụ cười trở lại (“smiles returning to their faces“), băng dần tan (“ice is slowly melting“), qua rồi mùa đông dài lạnh lẽo, cô đơn (“it’s been a long cold lonely winter“)…
Here Comes the Sun buột người ta nuối tiếc, cầu mong cho giây phút tuyệt vời ấy kéo dài mãi, lại dẫn sang giai điệu đẹp khác của Because với phần hợp ca phối bè hay tuyệt. Giai điệu biến chuyển một cách tài tình đầy bất ngờ. Cái tài tình không chỉ nằm ở những chỗ chuyển hợp âm, ở lời ca, mà còn ở những chỗ chuyển từ giọng ca sang nhạc cụ và ngược lại. Lời hát giản dị, thoáng qua nghe có phần hơi ngớ ngẩn: “The world is round, the wind is high, love is new, love is old” và hóa ra, Beatles cũng dễ vỡ lắm khi hát: “because the sky is blue, it makes me cry“, nhưng dẫn đến cái kết đầy bất ngờ, rất thông minh và tinh tế: “Love is all, love is you“. Because rất ngắn nhưng đầy khoái cảm, một kiểu khoái cảm chỉ có âm nhạc mới tạo ra được. Và sự thông minh trong xử lý giai điệu đó lan qua bài tiếp theo You Never Give me your Money. Lại dí dỏm, lại hài hước rất Beatles, hay nói rộng ra là rất phớt Ăng-lê (English humour): “You never give me your money. You only give me your funny paper…”, “I never give you my number. I only give my situation...”
Kinh nghiệm nghe nhạc cho tôi khả năng nghe câu này thì biết được câu tiếp theo giai điệu sẽ như thế nào, và những phán đoán đó đa phần là đúng. Nhưng với những bài như Because, như You never Give me your Money… thì xin thú thật là không đoán được, vì những biến chuyển quá bất ngờ, quá sáng tạo, quá tài tình, và đó cũng là lý do tôi bái phục Beatles. Hãy nghe đến câu: “And in the middle of investigation I break down” mà xem, giai điệu tiếp theo thật không thể đoán được. Giai điệu của Beatles đã thật sự nhảy múa, biến hóa như phù thuỷ trong: “Out of college money spent. See no future pay no rent.. All the money’s gone, nowhere to go...”
Chưa hết. Người nghe đang say sưa với chúng thì sau chỉ một câu nhạc đơn giản nhưng biến hóa bằng cách thay đổi, đưa lên một quãng tám liên tục, Beatles lại bồi thêm một cú tiếp với giai điệu biến chuyển lần nữa thật ngoạn mục với “One sweet dream. Pick up the bags and get in the limousine...” rồi kết thúc bằng tiếng đếm số nhỏ dần, nhỏ dần. Trúc trắc, quả thật giai điệu rất trúc trắc, nhưng là một sự trúc trắt trác tuyệt…
Và nghe như thể Here Comes the Sun đột nhiên trở lại. Nếu chỉ mới nghe mấy chữ đầu “Here comes the Sun...” người nghe tưởng như Beatles đang hát lại Here Comes the Sun nhưng không phải, Beatles thêm một chữ King nữa sau chữ Sun để biến sang một bài khác. Không khí uy nghi như trong truyện cổ tích khi nhà vua xuất hiện, rồi dật dờ, uể oải dù đang cười vui “Ev’rybody’s laughing. Ev’rybody’ happy...” và mấy câu cuối đột ngột chuyển sang tiếng Ý (?) một cách tinh nghịch trước khi trở lại với giai điệu vui tươi, dí dỏm trong Mean Mr. Mustard, vẽ nên hình ảnh một người đàn ông keo kiệt, bủn xỉn và dơ dáy: “dirty old man”, “always shouts out something obsence...”.
Có ông thì phải có bà, hình ảnh tiếp theo là một “goodlooking girl in her polythene bag” và She Comes in through the Bathroom Window, bài hát được Paul viết sau sự kiện một người hâm mộ đột nhập nhà riêng qua cửa sổ phòng tắm với câu cuối thật hài hước đúng chất Ăng-lê: “She could steal, but she could not rob“. Từ hài hước, tinh nghịch, giai điệu bỗng chuyển sang một khúc hát ru ngọt như mía lùi kể chuyện ngày xửa ngày xưa với dàn dây dày dặn, lả lướt rất hàn lâm của Golden Slumbers. Thủ thỉ, năn nỉ: “Sleep pretty darling do not cry. And I will sing a lullaby…“. Ôi, ai có thể cưỡng lại được với một giọng điệu ru ngủ, mơn trớn như thế chứ?
Nhưng người nghe vừa mới chợp mắt thiếp đi thì bỗng bị cả bốn thành viên ban nhạc dựng dậy nghiêm khắt nhắc nhở, kéo họ đang mộng mị từ một cõi utopia nào đó để ném xuống thực tại đau khổ của kiếp trần ai: “Boy _ you’re gonna carry that weight. Carry that weight a long time“. Rồi thì giai điệu của You never Give me your Money trở lại đầy bất ngờ nhưng được đổi thành: “I never give you my pillow. I only send you my invitation. And in the middle of the celebrations. I break down“. Sau một đoạn solo trống đầy phấn khích là một đoạn solo guitar cũng hấp dẫn không kém và thế là album kết thúc với The End, như cái cụm từ luôn xuất hiện sau mỗi bộ phim, với câu kết luận: “And in the end the love you take is equal to the love you make“, khép lại những xúc cảm muôn màu, rồi rơi vào im lặng…
Nhưng, đừng vội tắt máy. Hãy chờ đợi, sẽ có một bí mật khác nữa, cũng bất ngờ như lúc mở đầu album…
Abbey Road như một bữa tiệc tiết chế, mỗi thứ một chút xíu thôi, tạo cảm giác thiếu thiếu để dem thèm và khêu gợi…
Đời là gì nếu như không phải là những hỉ, nộ, ái, ố; là gì nếu không phải là những hạnh phúc, khổ đau, phấn chấn, tuyệt vọng đan xen. Tất cả đều có trong Abbey Road, một album xuất sắc và quá kỳ lạ của Beatles…