Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ – Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập “mông muội” và giải thích: “MÔNG MUỘI tt. 1. Thuộc về giai đoạn hình thành và phát triển đầu tiên của xã hội nguyên thuỷ, khi đời sống con người chưa khác đời sống thú vật bao nhiêu. Thời kì mông muội của người nguyên thuỷ. 2. (id.). Tối tăm ngu dại. Đầu óc mông muội. Cuộc sống mông muội”.

               “Mông muội” 蒙昧 là từ ghép đẳng lập gốc Hán: “mông” 蒙 có nghĩa là ngu tối, che lấp, không biết gì (như mông lung 朦朧; huấn mông); “muội” 昧 nghĩa là u tối, u mê (như mê muội 迷昧; ám muội 暗昧). Chữ “muội” nghĩa là u tối, được dùng để chỉ lớp khói do quá trình đốt cháy của đèn dầu, gọi là “muội”, “muội đèn”:

               –Hán ngữ đại từ điển: “mông: 2 che phủ, che đậy; 9 nghĩa bóng chỉ sự mông muội vô tri.” [蒙: 2.覆蓋; 遮蔽; 9.引申為蒙昧無知]; “muội: 1 tối tăm, u ám; 3 ngu muội, hồ đồ; 4 mê loạn, mê hoặc.” [昧: 1.暗, 昏暗; 3.愚昧, 胡塗; 4.迷亂, 惑亂]; “mê muội: 1 tối tăm, ngu muội; 2 như mông lung, mơ hồ.” [蒙昧: 1.昏昧, 愚昧; 2.猶朦朧,迷糊].

-Từ điển Thiều Chửu: “mông • 蒙 ① Tối. Chỗ mặt trời lặn gọi là đại mông 大蒙. ② Ngu dốt, tối tăm không biết gì gọi là mông muội 蒙昧”; “muội • 昧 ① Mờ mờ, như muội đán 昧旦 mờ mờ sáng. ② Tối, như hôn muội 昏昧 tối tăm không hiểu lẽ gì”.

Từ điển Lê Văn Đức: “mông • bt. Che áng, tối tăm; Trẻ thơ, dạ-khờ: Đồng-mông, huấn mông”; muội • bt. Tối-tăm, dại-dột: ám-muội, hôn-muội, mạo-muội, mê-muội, ngu-muội”.

Tham khảo: Mông lung 朦朧, cũng là từ ghép đẳng lập gốc Hán, dễ bị nhầm là từ láy: “mông” 朦 = che phủ; “lung” 朧 = lờ mờ [Hán ngữ đại từ điển giảng nghĩa lung= hôn ám mạo 昏暗貌 = thiếu ánh sáng]