Vô Kỵ học đi biển

Vô Kỵ học đi biển

Ngày 14-08-2021 (GMT +7)

ByBS. Hồ Đắc Đằng

Vô Kỵ vốn sợ chết chìm nên cực chẳng đã nó mới xuống thuyền để qua đò. Thế nên khi thầy nó đề nghị dạy nó đi biển là nó từ chối liền.

– Vô Kỵ này. Đi biển là cả một nghệ thuật. Nhất là đi biển trong đêm.

Trời đất, Vô Kỵ ngẫm nghĩ trong đầu, nhưng không dám nói ra. Ban ngày đã là không bờ, không bến, chẳng biết đâu là đâu, bây giờ bắt đi ban đêm thì có chịu chết.

– Này Vô Kỵ – thầy nó đoán cái tâm của nó đúng phong phóc – con còn nhớ thầy dạy con bắn cung? Bắn cung mà nhắm mắt mà bắn đúng trăm lần như một? Đấy đi biển ban đêm mà không bao giờ lạc, mà không bao giờ đụng đá ngầm là như vậy.

Vô Kỵ nó có nhớ cái vụ bắn cung nhắm mắt này mà nó vẫn chưa tưởng tượng ra liên hệ thế nào đến đi biển ban đêm.

Hải đăng (Đèn biển): Đèn để tránh

Nghe thầy nó nói đến hải đăng, Vô Kỵ sáng mắt lên:

– Thưa thầy, để con kể chuyện tiếu lâm về hải đăng thầy nghe. Có một thủy quân đề đốc hạm trưởng. Một đêm tàu ổng thấy có một ánh đèn đằng xa. Ổng đánh diện “Hạm trưởng chiến hạm tuần dương, tránh ra chỗ khác”. Điện trả lời “Binh nhì hải quân, không tránh, ông phải đổi hướng”. Hạm trưởng “Bất phục tùng, sẽ cho ra tòa án quân sự”. Trả lời “Tòa không xử được. Đây là hải đăng”. Hạm trưởng vâng lời, bẻ lái.

Thầy nó biết cái chuyện này rồi nhưng vẫn cười thỏa thích với nó.

– Ban đêm – thầy nó dạy – hải đăng là để con biết chỗ nào để tránh. Hải đăng cố định, vững như núi, tám gió không động. Trong võ nghệ, xuống tấn, bàn tay năm ngón đưa về phía trước để thủ thế. Ngũ giới là năm cái không làm. Hải đăng chỉ một cái: người đi thuyền ban đêm phải tránh.

Hải đăng: Ánh sáng phải nhắm

– Phải nhắm? – Vô Kỵ kinh ngạc – Đi biển ban đêm mà thấy một ánh sáng từ xa mà phải nhắm vào nó?

– Đúng, phải nhắm vào nó, đến phút chót. Trong đời sống tâm linh, cái đèn con nhắm là cái ánh sáng từ bên trong, từ nội tâm, của Bát nhã. Bên ngoài có ngũ giới để tránh, bên trong có Bát nhã để hướng thì khỏi đi lạc.

– Liên hệ thế nào với đi biển ban đêm, thưa thầy?

– Có một nước ở Nam Mỹ, hồi xưa, cả ngàn năm trước, có nền văn minh rất cao. Dân tộc Maya, vùng Yucatan bây giờ của Mễ Tây Cơ. Lúc đó làm gì có GPS hay vệ tinh. Họ tìm ra một cách rất thần kỳ để hướng dẫn tàu bè của họ trở về đất liền, an toàn không đụng đá ngầm.

Vô Kỵ bắt đầu tò mò. Đá ngầm. Đúng thật, đụng đá là chết, ban ngày đã khó thấy rồi. Ban đêm, đèn sáng cách mấy cũng chẳng hơn được gì. Để một cái hải đăng nhỏ ở đó thì là tiện nhất, cần gì phải sáng chế cái gì khác.

– Dân Maya rất thông minh. Chỗ biển của họ có nhiều đá ngầm. Tàu bè của họ đụng mấy đá ngầm cả trăm năm rồi nên họ có kinh nghiệm. Họ đánh dấu đá ngầm. Họ khám phá ra có một hải đạo rất hẹp đi thẳng vô thành phố, không có đá ngầm. Khổ một nỗi, hải đạo này rất dài mà ban đêm thì mấy dấu hiệu không thấy được. Họ bèn xây một cái tháp bằng đá, cao bằng 10 tầng lầu, kiểu Kim tự tháp ở Ai Cập nhưng nhỏ hơn. Trên đỉnh tháp, họ xây một cái phòng, chỉ có một cái cửa sổ, hẹp và cao, hướng ra biển. Ở cuối phòng, xa cửa sổ, họ đốt lửa to. Ánh sáng thoát ra khỏi phòng chỉ có thể qua cửa sổ thôi. Cái chùm ánh sáng này rất hẹp vì nguồn sáng ở xa khe hở. Một người nào đó chỉ thấy được ánh sáng này khi nào họ đứng ngay trong chiều của chùm ánh sáng này.

Vô Kỵ vỗ đùi cười ha hả. Nó bắt đầu hiểu cái trí thông minh của người Maya.

– Thành ra, từ ngoài biển khơi – thầy nó giải thích tiếp – thuyền nào mà thấy được chùm sáng này là an toàn trong cái hải đạo không đá ngầm này. Lệch qua một chút, không còn thấy ánh sáng nữa, họ biết ngay là phải lái trở lại một chút. Cứ thế mà từ từ tiến về đất liền an toàn.

– Hay quá. Hay quá, dân Maya thông minh thật.

– Con học được bài học gì, Vô Kỵ?

– Bài học gì, thưa thầy? Dĩ nhiên là dân Maya muốn về an toàn thì về ban đêm là tốt nhất. Ban ngày, đá ngầm thì không thấy mà ánh sáng của lửa trên tháp làm sao thấy được.

Đôi khi, từ khổ đau mà tỉnh thức

Khổ đau có thể ví như đêm dài. Đêm dài có thể đưa đến trầm cảm, tuyệt vọng. Thế nhưng, có những lúc, có những hoàn cảnh mà đêm trở thành quá dầy, nó có thể đánh thức một cái ánh sáng giác ngộ mà đã có sẵn ở đó từ bao giờ mà ai đó không thấy được vì cái gì cũng trôi chảy, dễ dàng.

“Đôi khi một cái đau khổ cùng tột lại là một tiếng chuông làm cho người ta giật mình, tỉnh giấc ra khỏi mộng đời”

Sometimes extreme suffering turns out to be a waking up call for somes (*)

(*) Đọc được trong một buổi học CME (Continued Medical Education) ở Boston

Nguồn: dohongngoc.com

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận bản tin